Người bảo vệ “3 chữ A”

Thứ Hai, 16/01/2012, 18:15

Mặc dù chức vụ không cao, ít được dư luận biết tới, nhưng Ramon Fernandez vẫn có ảnh hưởng nhất định đối với các chính sách của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nhất là các bước đi quan trọng của ông Sarkozy trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro. Báo chí Pháp gọi ông là "Người bảo vệ 3 chữ A".

Tình hình kinh tế Pháp hiện nay không mấy khả quan, với việc chỉ số tín dụng AAA của nước này có thể bị hạ bậc bất cứ lúc nào ngay trong quý 1-2012. Khủng hoảng không chỉ đang khiến cho châu Âu lo lắng, mà nội bộ nước Pháp cũng đang điêu đứng. Tổng thống Pháp Sarkozy đang bước vào năm chạy đua bầu cử trong tâm trạng rầu nẫu ruột vì tình hình khủng hoảng nợ công không được cải thiện, nhất là năng lực kiểm soát tình trạng tài chính của nước Pháp đang có dấu hiệu vượt khỏi tầm tay. Và hầu như ông ngày càng trông cậy nhiều hơn vào tài năng của Fernandez.

Từ khi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu bắt đầu hoành hành và đe dọa tới nước Pháp, Fernandez ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong guồng máy tháo gỡ khủng hoảng của ông Sarkozy. Thông qua báo chí, dư luận được biết những động thái quyết định của Tổng thống Sarkozy trong các nỗ lực phối hợp cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel tháo gỡ khủng hoảng. Nhưng đằng sau từng bước đi đó là những hoạt động không mệt mỏi, là vai trò cầu nối, điều phối hậu trường rất quan trọng của Fernandez.

Cứ mỗi lần dư luận nhìn thấy hình ảnh ông Sarkozy và bà Merkel cùng chung tay thúc đẩy một bước đi giải quyết khủng hoảng, là Fernandez đã phải tốn nhiều giờ đằng sau hậu trường cùng với 2 nhân vật đầy quyền lực là Chánh văn phòng Tổng thống Xavier Musca và trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Đức Joerg Asmussen thảo luận, xử lý, làm cho công việc được êm xuôi, trôi chảy. Fernandez cũng chính là người thường xuyên trao đổi e-mail với các quan chức ở Bộ Tài chính Mỹ để theo dõi sát diễn biến tình hình bên kia bờ Đại Tây Dương.

Về chức vụ chính thức thì Fernandez là Trưởng bộ phận Ngân khố quốc gia thuộc Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp. Là một quan chức cấp bộ còn rất trẻ, mới 44 tuổi, Fernandez có cái lợi thế về sự xông xáo của tuổi trẻ. Không như các quan chức khác trong Chính phủ Pháp, Fernandez không thích ngồi ôtô để tài xế đưa đón mà chọn cách đi làm bằng xe gắn máy 2 bánh, vì ông cho rằng, "ngồi trong xe ôtô cho người khác lái chở đi nó chóng mặt thế nào ấy".

Fernandez được đánh giá rất cao về năng lực làm việc trong hậu trường khi đương đầu với hàng loạt vấn đề nghẹt thở của khủng hoảng. Ông cũng được xem là phụ tá đắc lực nhất của Tổng thống Pháp hiện nay. Làm việc trong hậu trường chính là điều phù hợp nhất với Fernandez, và ông cũng rất ưa thích công việc của mình.

Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp Francois Baroin.

Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận xét về Fernandez: "Ramon đúng  là người được đặt vào đúng chỗ". Đích thân Tổng thống Sarkozy đã không ít lần tôn vinh vai trò của Fernandez đối  với tương lai nước Pháp. Thế nhưng, Fernandez lại khá khiêm tốn khi nói về mình: "Tôi chỉ là một công chức. Tôi làm những gì tôi phải làm".

Fernandez tự cho mình chỉ là một thành viên trong một guồng máy chính phủ. Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài khiêm tốn, ít nói và ít khoe khoang ấy, ít ai biết được Fernandez là một người chuyên "làm việc lớn". Fernandez không chỉ là người của "việc lớn", mà là nhân vật trung tâm của cả một bộ máy lớn đang hoạt động rất trơn tru. Khi Mỹ bị hãng đánh giá tín dụng Standrad & Poor's hạ bậc tín dụng vào mùa hè vừa qua, Fernandez chính là người túc trực cùng Bộ trưởng Kinh tế Pháp Francois Baroin nỗ lực tìm mọi cách ngăn dòng "lũ" khủng hoảng từ bờ bên kia Đại Tây Dương tràn sang nước Pháp và cả châu Âu. Trước khi Bộ trưởng Baroin lên truyền hình Pháp đặt vấn đề nghi ngờ tính trung thực của đánh giá tín dụng nước Mỹ do S&P đưa ra, và Tổng thống Pháp buộc phải hủy ngang kỳ nghỉ hè để trở về Pháp lo đối phó khủng hoảng, thì mọi việc đằng sau hậu trường đã được Fernandez cáng đáng cả rồi.

Những gì mà ông Fernandez phải làm hiện nay mang ý nghĩa và tầm quan trọng quyết định nước Pháp có vượt qua được vấn nạn bị hạ bậc tín dụng hay không. Một khi bị hạ bậc tín dụng, việc huy động tài chính của nước Pháp trên thị trường trái phiếu quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn, chi phí sẽ cao hơn và tác động dây chuyền đến cả quỹ giải cứu nợ công của châu Âu mà Pháp là một trong những "cổ đông" lớn. Điều đáng mừng cho nước Pháp và cả châu Âu là, Fernandez không hùa theo xu hướng chung của những người mang tư tưởng bi quan chỉ biết đưa ra đánh giá tiêu cực về tương lai của đồng tiền chung euro.

Fernandez cho rằng, tình hình hiện nay chỉ là do các quốc gia trong khu vực không làm tốt công việc quan trọng là làm cho các nhà đầu tư thấy được sự cải thiện của tình hình khủng hoảng nợ. Một trong những việc quan trọng mà nước Pháp và châu Âu cần làm ngay là tìm cách khôi phục niềm tin nơi các nhà đầu tư - chủ nợ trong thời gian chờ đợi các hiệp ước, thỏa thuận cải cách toàn diện khối đồng tiền chung được triển khai.

Hiện tại, Tổng thống Sarkozy đang đặt nhiều niềm tin vào ông Fernandez khi "cuộc chiến" chống hạ bậc tín dụng của nước Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Báo chí Pháp đã gọi ông là "Người bảo vệ 3 chữ A". Đặc biệt, bước vào kỳ bầu cử tổng thống 2012, vai trò của Fernandez càng quan trọng, Tổng thống Sarkozy càng phải trông cậy nhiều hơn vào khả năng xoay chuyển của ông. Nếu cuộc "đào thoát" của nước Pháp thành công, ông Sarkozy sẽ có nhiều cơ hội hơn tại cuộc bầu cử tháng 5 tới

Văn Trương (tổng hợp)
.
.