Người đàn bà 2 lần làm thủ tướng Jamaica

Thứ Ba, 17/01/2012, 16:10

Chiến thắng áp đảo của đảng Quốc gia nhân dân (PNP) tại cuộc bầu cử Quốc hội hôm 29/12/2011, với 42/63 ghế so với 21 ghế của đảng Lao động Jamaica (JLP) đã đưa bà Portia Simpson Miller lần thứ 2 trở thành Thủ tướng Jamaica, cáng đáng nhiệm vụ nặng nề của đất nước cất bớt gánh nặng nợ nần và nghèo đói.

Bà Portia Simpson Miller đã chính thức nhậm chức vào ngày 5/1/2012 trong một buổi lễ long trọng trước sự hiện diện của 10.000 khách mời. Tại lễ nhậm chức, bà Simpson Miller đã tuyên bố: "Sau khi được thử thách và rèn giũa, tôi đứng đây trước mặt quý vị hôm nay với tư thế mạnh mẽ hơn để sẵn sàng phục vụ cho nhân dân và đất nước tôi". Những nhiệm vụ - và cả thách thức sắp tới đối với bà Simpson Miller - được xác định gồm: giải quyết tình trạng nghèo đói, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm giải tỏa bớt gánh nặng nợ nần quốc gia, hàn gắn sự chia rẽ chính trị trong nước và từng bước từ bỏ chế độ phụ thuộc vào sự cai quản của Hoàng gia Anh để đi theo thể chế Cộng hòa.

Quốc gia nhỏ bé Jamaica từ lâu đã ấp ủ khát vọng tách khỏi Khối Liên hiệp Anh và  chuyển hẳn sang thể chế cộng hòa, và cũng do đó đòi hỏi một tư thế sẵn sàng của một quốc gia vững mạnh cả về mặt chính trị lẫn ngoại giao quốc tế. Bà Simpson Miller tự tin vào khả năng ứng phó của mình và tuyên bố rằng "thời cơ đã đến". Jamaica tuyên bố độc lập từ năm 1962, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Anh. Tuy nhiên, từ đó đến nay các đời chính quyền Jamaica vẫn duy trì mối quan hệ thuộc địa cũ với Hoàng gia Anh (tương tự như Canada, Australia và khoảng 50 quốc gia khác trên thế giới).

Theo lộ trình tiến đến nền Cộng hòa đã được bà Simpson Miller vạch sẵn, bà sẽ thay thế Hội đồng Cố vấn Tối cao Nữ Hoàng (Privy Council) bằng Tòa án Công lý Tối cao vùng Caribbe (CCJ) với tư cách là Tòa phúc thẩm tối cao cho Jamaica. Đây là bước đi nhằm chấm dứt quyền giám sát pháp lý của London đối với Kingston.

Năm nay 66 tuổi, bà Simpson Miller sinh ra trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Bà tốt nghiệp cử nhân đại học ngành quản trị hành chính công và nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành này sau nhiều năm phấn đấu không ngừng trong lĩnh vực hành chính công. Simpson Miller bắt đầu tham gia chính trường từ năm 1976 khi lần đầu tiên được bầu làm nghị sĩ Quốc hội Jamaica, thành viên đảng PNP, và liên tục từ năm 1983, bà tái trúng cử nghị sĩ Quốc hội.

Từ năm 1989 trở đi, Simpson Miller được giao nắm giữ hàng loạt chức vụ bộ trưởng trong nội các chính phủ, như Bộ trưởng Lao động, Phúc lợi xã hội và Thể thao (1989-1993), rồi Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội (1993-1995), Bộ trưởng Lao động, Xã hội và thể thao (1995-2000), Bộ trưởng Du lịch và Thể thao (2000-2002) và Bộ trưởng Các vấn đề Chính quyền địa phương và Thể thao từ tháng 10/2002 đến khi được bầu làm Thủ tướng lần đầu tiên.

Sau một thời gian dài làm Phó chủ tịch đảng PNP, tháng 2/2006, Simpson Miller được bầu làm Chủ tịch đảng này thay thế ông P.J. Patterson, và sau đó, ngày 30/3/2006, bà được chỉ định kế nhiệm chức Thủ tướng Jamaica thay ông Patterson, đồng thời trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Jamaica (và là người thứ 3 trong vùng Caribbe sau các nữ Thủ tướng Eugenia Charles của Cộng hòa Dominica và Janet Jagan của Guyana). Simpson Miller đồng kiêm luôn chức Bộ trưởng Quốc phòng Jamaica. Nhưng, Simpson Miller không ngồi lâu trên ghế Thủ tướng, vì đảng PNP của bà đã nhận thất bại sát nút trước đảng JLP trong cuộc bầu cử tháng 9/2007, đành nhường ghế Thủ tướng lại cho ông Bruce Golding (và ông này đã nhường ghế lại cho vị Thủ tướng trẻ Andrew Holness, mới 39 tuổi, vào cuối tháng 10/2011 vừa qua).

Thất bại trong cuộc bầu cử tháng 9/2007 là một bài học mà bà Simpson Miller không bao giờ quên. Đó là hậu quả của 18 năm PNP sao lãng một đường lối mà họ từng theo đuổi từ trước đó hàng chục năm. Đó cũng là giai đoạn mà Simpson Miller mới lên tiếp quản chức Thủ tướng, còn quá mới và chưa đủ sức thuyết phục mọi người tin vào khả năng xoay chuyển tình thế của bà. Bài học đó đã được Simpson Miller rút ra kịp thời trong cuộc vận động tranh cử gần 1 tháng trước ngày bầu cử 29/12/2011.

Nhận thấy đảng PNP không thể tiếp tục xa rời những chính sách hỗ trợ dân nghèo Jamaica mà đảng này đã theo đuổi từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Simpson Miller dẫn dắt PNP bước vào cuộc vận động mới với quyết tâm rất rõ ràng bằng một chương trình hành động vì dân nghèo, thất nghiệp, có tên gọi là "Chương trình việc làm khẩn cấp cho Jamaica" (JEEP - Jamaica Emergency Employment Program). Đó như là một tuyên ngôn mới, một sự quay trở lại đường lối đúng đắn từng có.

Bây giờ, khi đã giành được chiến thắng cần thiết, bà Simpson Miller lại phải tiếp tục nỗ lực để triển khai bước đầu tiên của chương trình JEEP. Giữa việc tạo công việc làm với việc vực dậy nền kinh tế nhằm giảm bớt thâm hụt ngân sách, giảm bớt nợ công hiện đang ở mức 130% GDP (khoảng 18,6 tỉ USD) có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Thủ tướng Simpson Miller nói tại buổi lễ nhậm chức: "Chính phủ của tôi sẽ nỗ lực không mệt mỏi để làm sao cân đối các khoản nợ nhưng cũng đồng thời giúp dân chúng cải thiện cuộc sống".

Nhưng vấn đề gay go sẽ là làm sao tìm nguồn tài trợ cho chương trình quan trọng này. Trước mắt, đảng PNP sẽ phải hỗ trợ bà Simpson Miller trong việc thuyết phục Trung Quốc - nhà tài trợ chính cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông chấp nhận chuyển 25% trong tổng vốn tài trợ 400 triệu USD sang đầu tư thực hiện JEEP. Nếu Chính phủ Trung Quốc đồng ý, có nghĩa là bà Simpson Miller đã thành công bước đầu trong việc thực thi lời hứa của mình với cử tri

An Châu (tổng hợp)
.
.