Người đàn bà quyền lực Angela Merkel: Không muốn gục ngã?
- Thủ tướng Đức Angela Merkel: Người đàn bà thép mở lòng
- Thủ tướng Angela Merkel sẵn sàng điều trần
- Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel: Gánh nặng trên vai…
- Thủ tướng Đức Angela Merkel “Bà đầm thép” của Châu Âu: Những góc nhìn bất ngờ
- Bí quyết mang tên Angela Merkel
Từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine, đến nguy cơ Hy Lạp phá sản, rồi làn sóng người tị nạn đến từ Trung Đông, Bắc Phi đổ vào châu Âu và mới nhất là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, nước Đức dưới sự dẫn dắt của bà đều đóng vai trò then chốt.
Người hùng mới của nước Đức
Phải thừa nhận rằng sau 10 năm cầm quyền với rất nhiều thăng trầm, di sản mà bà Merkel để lại là không hề nhỏ. Ngoài việc giúp nước Đức ổn định, phát triển và có được vị thế ở châu Âu cũng như trên trường quốc tế, bà Merkel nói riêng và nước Đức nói chung luôn đóng vai trò then chốt trong xử lý các cuộc khủng hoảng trên thế giới.
Có thể nói trong nhiệm kỳ đầu tiên từ tháng 11-2005, liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Merkel có thành tích nổi trội khi thành lập liên minh cầm quyền với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Chính phủ đen-đỏ này đã sửa đổi Hiến pháp liên bang có từ năm 1949 để phân chia lại quyền lực giữa liên bang và các bang; nâng độ tuổi về hưu từ 65 lên 67 tuổi; lập gói cứu trợ trị giá 500 tỉ euro để cứu các ngân hàng khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới.
Trong nhiệm kỳ thứ hai từ tháng 10-2009, Chính phủ đen-vàng gồm CDU/CSU và đảng Dân chủ tự do (FDP) đã thông qua kế hoạch dần loại bỏ điện hạt nhân tới năm 2022; bãi bỏ chế độ quân dịch bắt buộc và chấm dứt 10 năm sứ mệnh của quân đội liên bang ở tỉnh Kunduz, miền Bắc Afghanistan.
Nhiệm kỳ thứ ba từ tháng 12-2013 tiếp tục là một chính phủ đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD, trong đó, Đức đã áp dụng luật lương tối thiểu ở mức 8,50 euro/giờ và lần đầu tiên kể từ năm 1969, nước này đạt cân bằng ngân sách và không có nợ mới trong ngân sách liên bang.
Tỷ lệ ủng hộ đảng của Thủ tướng Angela Merkel đang ở mức thấp nhất trong 10 năm cầm quyền. |
Đến thời điểm năm 2014, bà Angela Merkel đứng đầu nền kinh tế thứ tư trên thế giới và chưa bao giờ tỷ lệ được lòng dân của bà lại lên cao đến như thế. Nước Đức dưới thời Merkel duy trì được vị trí đầu tàu kinh tế của châu Âu. Giữa cơn khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro, Đức vẫn đứng vững và đạt được sự tăng trưởng ổn định khiến tất cả phải ganh tị.
Phải khẳng định rằng không có sự quyết tâm và nỗ lực của nhà lãnh đạo Đức, cuộc khủng hoảng Ukraine khó có thể xuống thang và triển vọng tìm kiếm lối thoát cho vấn đề Ukraine, như việc đạt được "Thỏa thuận hòa bình Minsk" tháng 2-2015, sẽ rất mờ mịt.
Trong vấn đề Hy Lạp, bà Merkel cũng là người thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Athens với các chủ nợ quốc tế để quốc gia ngập trong nợ nần này có thể chạm tay vào gói cứu trợ thứ ba, qua đó tránh được việc bị phá sản và phải rời eurozone.
Thách thức trong, ngoài
Đầu năm 2015, bà Angela Merkel được nhiều chuyên gia ghi nhận là nhà chính trị thành công nhất thế giới khi đã chiến thắng liên tiếp trong 3 cuộc bầu cử thủ tướng Đức và có tầm ảnh hưởng rất lớn tại châu Âu và thế giới, tuy nhiên, tình hình trở nên xấu đi khi cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu đang báo hiệu dấu chấm hết cho thời kỳ của Thủ tướng Merkel. Đức đang có kế hoạch tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư trong năm 2015 và điều này khiến người dân nước này lo lắng cũng như gây tranh cãi trong chính đảng của bà Merkel.
Một số chính trị gia thân cận với Thủ tướng Merkel thậm chí thừa nhận rằng có thể nhà lãnh đạo Đức phải từ chức trước khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo diễn ra vào năm 2017.
Như vậy, có thể thấy nhiệm kỳ thứ ba này đang là giai đoạn khó khăn nhất của nhà lãnh đạo Đức. Hồ sơ Ukraine, Hy Lạp chưa dứt điểm trong khi cuộc khủng hoảng người tị nạn vẫn còn đó. Vấn đề gây quan ngại cho không chỉ nước Đức mà cả châu Âu và thế giới hiện nay là sự lớn mạnh và bành trướng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Hàng loạt vụ đánh bom khủng bố ở Paris đã khiến không chỉ thủ đô nước Pháp rúng động mà toàn châu Âu bàng hoàng.
Bên cạnh những thách thức liên tiếp ập đến từ bên ngoài, bà Merkel còn phải đối mặt với một "mặt trận" nội bộ không mấy dễ dàng. Đức đang bị tác động mạnh bởi một vụ scandal về khí thải liên quan đến tập đoàn Volkswagen, một cuộc tranh cãi nóng bỏng trong nội bộ chính phủ vì vấn đề trừng phạt Nga và cả sự sụp đổ của thành trì quân đội Đức ở Afghanistan.
Đây là thời điểm bà Angela Merkel phải thể hiện năng lực lãnh đạo của mình và thể hiện cho phần còn lại của châu Âu thấy rằng bà có thể giải quyết một loạt cuộc khủng hoảng cùng lúc dù đó là cuộc khủng hoảng người tị nạn hay Ukraine, hay vấn đề của khu vực đồng tiền chung euro hoặc vụ scandal Volkswagen.
Khi sự yên tĩnh trong xã hội Đức bị xáo trộn, những tranh cãi liên quan đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng tích cực từ lượng lao động nhập cư cũng gia tăng theo. Ngày càng có nhiều người dân Đức lo ngại về tác động xã hội và chính trị trong dài hạn khi quốc gia này nhận quá nhiều người tị nạn, đặc biệt là từ vùng Trung Đông, vốn có văn hóa khác biệt so với Đức.
Nhiều người chỉ trích Thủ tướng Merkel quá thực dụng, không nhiệt thành và không dám thực hiện những sáng kiến mạnh. Tuy nhiên, với thực tế khó khăn mà Đức đang phải đương đầu, bà Merkel được cho sẽ phải thay đổi và sẽ bắt đầu đưa ra những quyết định chính trị cứng rắn giống như những nhà lãnh đạo thực sự phải làm nếu không muốn "gục ngã".