Người đối đầu Tổng thống Mỹ lần thứ 3 đắc cử Chủ tịch Hạ viện

Thứ Hai, 19/01/2015, 16:40
Ngày 6/1, Quốc hội khóa 114 của Mỹ đã tiếp tục bầu Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Ohio, ông John Boehmer vào chức Chủ tịch Hạ viện. Theo Hãng tin Reuters, ông Boehmer đã giành chiến thắng “chật vật” khi nhận được 216 phiếu thuận trong số 408 phiếu bầu, số phiếu cần thiết để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp những thách thức từ đảng Dân chủ và từ chính đảng Cộng hòa. Như vậy, ông Boehner đã giành thêm một nhiệm kỳ 2 năm trong bối cảnh các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang chiếm đa số ở Hạ viện và giành quyền kiểm soát Thượng viện sau các cuộc bầu cử hồi tháng 11/2014.

Đôi nét tiểu sử

John Boehmer sinh ngày 17/11/1949 tại thành phố Reading, quận Hamilton, tiểu bang Ohio, là con thứ 2 trong số 12 người con của ông Earl Henry Boehmer, người gốc Đức, và bà Mary Anne (nhũ danh Hall), người gốc Đức và Ireland.

J. Boehmer lớn lên trong gia cảnh không mấy dư dả. Cả gia đình dùng chung duy nhất một nhà tắm, trong một căn nhà chỉ có 2 phòng ngủ ở Cincinnati. Bố mẹ ông phải ngủ trên một chiếc giường xếp. Năm lên 8 tuổi, Boehmer bắt đầu làm việc tại quầy bar của gia đình - một "cơ sở kinh doanh" được thành lập bởi ông nội Andy Boehmer từ năm 1938.

Tốt nghiệp Trường THPT Moeller năm 1968, Boehmer gia nhập lực lượng Hải quân Mỹ nhưng chỉ sau 8 tuần đã phải xuất ngũ vì bị đau lưng. Năm 1977, Boehmer tốt nghiệp Cử nhân ngành kinh doanh tại Đại học Xavier. Ông đã làm nhiều công việc khác nhau trong thời gian này để có tiền trả học phí.

Sau khi tốt nghiệp, Boehmer tới làm việc tại Nucite Sales, một doanh nghiệp nhỏ chuyên kinh doanh bao bì và nhựa công nghiệp. Ông được thăng chức đều đặn và cuối cùng trở thành chủ tịch của công ty này. Năm 1990, ông đắc cử vào Quốc hội Mỹ.

Giữa thập niên 90, Chủ tịch Hạ viện khi đó là Newt Gingrich thường xuyên đụng độ với Tổng thống Bill Clinton, đảng Dân chủ; đặc biệt, chương trình có tên gọi "Contract with America" (tạm dịch: Hợp đồng với nước Mỹ) của Gingrich là một nguyên nhân gây tranh cãi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Hạ viện John Boehmer.

Gingrich từ chức năm 1998 khi đảng Cộng hòa thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử Quốc hội mặc dù vẫn giữ được đa số ít ỏi tại Hạ viện. Trong các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006, đảng Dân chủ giành được đa số tại Hạ viện Mỹ.

Nancy Pelosi trở thành chủ tịch Hạ viện khi Quốc hội Mỹ lần thứ 110 nhóm họp vào ngày 4/1/2007, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Với việc ông Barack Obama đắc cử Tổng thống và đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát lưỡng viện tại Quốc hội, Pelosi trở thành Chủ tịch Hạ viện.

Thời gian này, đảng Dân chủ nắm quyền lãnh đạo cả hai viện quốc hội tại Washington. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010, đảng Cộng hòa đã giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, và ông John Boehner trở thành Chủ tịch Hạ viện vào ngày 5/1/2011.

Thể hiện quyền lực

Sau khi nhậm chức, tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ ngày 7/1 đã có một hành động mang tính "trả đũa" nhằm vào 24 đồng nghiệp của đảng Cộng hòa, những người một ngày trước đó đã bỏ phiếu chống ông.

Ông Boehner đã xóa tên hai đồng nghiệp của đảng Cộng hòa là Daniel Webster và Rich Nugent ra khỏi Ủy ban Quy tắc, một ủy ban đầy quyền lực của Hạ viện. Vì, trong cuộc bỏ phiếu ngày 6/1, Hạ nghị sĩ Daniel Webster đã tự bỏ phiếu bầu mình làm Chủ tịch Hạ viện trong khi Hạ nghị sĩ Rich Nugent là người bỏ phiếu ủng hộ ông Webster vào cương vị này.

Một "nạn nhân" khác là Hạ nghị sĩ Randy Weber, đã bị ông Boehner dùng quyền người đứng đầu Hạ viện ngăn chặn dự luật liên quan tới năng lượng hạt nhân sạch mà ông này định đưa ra. Hạ nghị sĩ Louie Gohmert, người nhận được ba phiếu ủng hộ vào cương vị Chủ tịch Hạ viện, chỉ trích quyết định mà ông cho là "mang tính trả thù cá nhân" của ông Boehner, đồng thời cho rằng, hành động này sẽ làm chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa.

Một nhóm các nhà bất đồng chính kiến đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống vì cho rằng ông Boehmer đã "thất bại" trong chính sách cắt giảm chi tiêu và chống lại chính sách nhập cư và y tế của Tổng thống Barack Obama. Theo các sử gia Quốc hội, đây là lần đầu tiên 25 thành viên Hạ viện bỏ phiếu chống lại một ứng cử viên từ chính đảng của họ kể từ năm 1859.

Trước đó, ông Boehmer từng nhiều lần đối đầu với ông chủ Nhà Trắng. Hồi tháng 6/2014, Hạ viện đã trao quyền cho ông John Boehner làm đơn kiện Tổng thống Barack Obama vì tội đã lạm dụng quyền hành pháp khi thực thi các chính sách mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội hoặc phớt lờ các đạo luật được Quốc hội thông qua.

Trong lá thư gửi các nghị sĩ đảng Cộng hòa, Chủ tịch Boehner cũng nhấn mạnh: hành động của ông Obama dễ dẫn tới nguy cơ tổng thống có quyền hành như vua, không có lợi cho cử tri Mỹ cũng như Quốc hội.

Lần gần đây nhất là ngày 21/11/2014, khi tân Chủ tịch Hạ viện nói rằng, việc ông Obama phớt lờ Quốc hội, tự công bố kế hoạch cải tổ hệ thống nhập cư đã phá hoại cơ hội ban hành cải cách mang tính lưỡng đảng.

Quyết định đó của ông Obama sẽ chỉ khuyến khích nhiều người đến Mỹ bất hợp pháp. Do đó, ông Boehner tuyên bố phe Cộng hòa ở Hạ viện không ngồi yên và sẽ chiến đấu chống lại hành động đơn phương này.

Ông nói: "Ông Obama đưa ra quyết định vào thời điểm mà người Mỹ chẳng mong muốn gì hơn là cả hai đảng trong Quốc hội phải cùng tập trung giải quyết những vấn đề lớn của nước Mỹ, khởi đầu là bài toán kinh tế". 

Đặng Hà (tổng hợp)
.
.