Người lái con thuyền Hy Lạp vượt qua khủng hoảng

Thứ Ba, 03/10/2017, 15:09
Hy Lạp và các nước chủ nợ châu Âu đang trên đà thuận lợi để hoàn tất vòng đàm phán cho gói tín dụng mới nhất nhằm giúp Hy Lạp hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài gần 10 năm. Sự thành công của tiến trình giải cứu khủng hoảng nợ Hy Lạp có phần đóng góp không nhỏ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.

Vào hôm 25-9, Jeroen Dijsselbloem, quan chức hàng đầu của Eurozone tham gia đàm phán gói tín dụng cứu trợ trị giá 100 tỉ USD cho Hy Lạp đã hân hoan thông báo: Hy Lạp đang lấy lại lòng tin trên thị trường tài chính nhờ vào đà hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế sau nhiều năm bị trì trệ do khủng hoảng.

“Mục tiêu của chúng tôi là một sự thoát ra hoàn toàn khỏi khủng hoảng trong vòng 1 năm nữa, tức tháng 8 năm tới, để Hy Lạp một lần nữa độc lập về tài chính và tự chủ trong quyết định chính sách của mình” - ông Dijsselbloem nói sau cuộc họp với Thủ tướng Alexis Tsipras và các quan chức tài chính Hy Lạp hôm 25-9. Ông Dijsselbloem cũng nhắc lại lời hứa của EU là sẽ cung cấp gói cứu nợ bổ sung cho Hy Lạp để chi trả các khoản nợ vay trên thị trường tài chính.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và ông Jeroen Dijsselbloem sau cuộc họp ngày 25-9.

Theo ông Dijsselbloem, khoảng đầu năm 2018, EU sẽ xác lập một cơ chế cứu trợ bổ sung ngay khi cần thiết và khi kinh tế Hy Lạp có dấu hiệu trì trệ. EU cũng thông báo đã chấm dứt việc áp dụng các thủ tục cưỡng chế Hy Lạp cắt giảm thâm hụt ngân sách, mặc dù Hy Lạp hiện vẫn còn đang nợ rất nhiều, chưa thể gọi là “thoát khỏi khủng hoảng”.

Những động thái trên đây của các quan chức EU xuất phát từ những kết quả khả quan mà Hy Lạp đạt được. Cụ thể, sau nhiều năm khủng hoảng, kinh tế Hy Lạp đã cho thấy những dấu hiệu khả quan đầu tiên, bao gồm tình trạng tài chính lành mạnh trong tài khóa 2016-2017 và mức tăng trưởng GDP nhẹ 0,3%. Mặc dù nợ công hiện vẫn cao, bằng 180% GDP năm 2016, Hy Lạp vẫn có được thặng dư ngân sách ở “mức khiêm tốn” 0,7% GDP.

EU hiện nay đã có thể yên tâm thông báo rằng, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp đã được kiểm soát ổn định và đưa về mức dưới 3% GDP theo tiêu chuẩn quy định của EU. Những chỉ số này đã góp phần cải thiện dự báo tương lai của nền kinh tế, từ đó nâng cao khả năng hồi phục sau khủng hoảng của Hy Lạp.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras có lẽ là người hạnh phúc nhất với các chỉ số kinh tế trên. Ngày ông nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp sau khi đảng thiên tả Syriza của ông giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử tháng 1-2015, Hy Lạp chìm ngập trong khủng hoảng nợ, ngân sách thâm hụt sâu và nhiều bất cập, rối rắm không có đường ra.

Sau hai năm rưỡi cầm quyền, nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã làm cho đất nước Hy Lạp khởi sắc trở lại và hiện đang tràn đầy hy vọng sẽ dần lấy lại quyền tự chủ, tự quyết, độc lập về tài chính, chính thức thoát khỏi khủng hoảng trong vòng 1 năm nữa.

Trong giai đoạn đầu làm thủ tướng (tháng 1-2015 đến 8-2015), Tsipras đã chịu nhiều áp lực từ cả dư luận xã hội lẫn trong giới chính trị. Không có kinh nghiệm, không biết thế nào là công việc điều hành một quốc gia đã khiến Tsipras gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng tinh thần và dũng khí của một cựu đoàn viên thanh niên Cộng sản đã giúp Tsipras từng bước vượt qua khó khăn.

Ngày đầu tiên trở thành thủ tướng, Tsipras đã đương đầu một cách mạnh mẽ trước các cường quốc chủ nợ ở châu Âu. Áp lực tiếp tục đè nặng khi Tsipras cương quyết giữ quan điểm của đảng là không chấp nhận các điều kiện “thắt lưng buộc bụng” của EU để đổi lấy gói cứu nợ 120 tỉ USD cho Hy Lạp.

Sự cương quyết của Tsipras đã khiến Hy Lạp đứng trước nguy cơ bị loại ra khỏi khối Eurozone và thậm chí mất cả tư cách thành viên EU; ngược lại, khối kinh tế EU cũng có nguy cơ đổ vỡ vì Hy Lạp. Trước áp lực quá lớn đó, Tsipras đã lựa chọn sự thỏa hiệp, chấp nhận chương trình cứu trợ của EU với các điều kiện còn khắt khe hơn chương trình vừa bị người dân Hy Lạp bác bỏ trước đó vài hôm.

Hậu quả của sự thỏa hiệp đó là một cuộc “khủng hoảng” nhỏ đối với đảng Syriza và bản thân Thủ tướng Tsipras. Tỉ lệ dân chúng ủng hộ đảng Syriza và Thủ tướng Tsipras đều rớt thê thảm, bị đối thủ chính trị dẫn đến 16 điểm phần trăm. Dân chúng nhiều giới tố cáo Tsipras đã lừa dối họ khi chấp nhận các điều kiện cắt giảm chi tiêu và tăng thuế mà bản thân ông từng phản đối.

Thời điểm đó, ngày nào cũng có nhiều người kéo đến biểu tình phản đối trước khu biệt thự tân cổ điển dùng làm văn phòng làm việc của Tsipras. Họ là những người hưởng lương hưu, bị thua thiệt nhiều nhất khi áp dụng chương trình cứu nợ.

Sức chịu đựng bền bỉ và sự kiên nhẫn trong việc thực thi chính sách cải cách kinh tế, mạnh tay cắt giảm chi tiêu và tăng thuế đã giúp chính phủ của Tsipras đứng vững suốt 2 năm qua, để rồi từng bước ổn định lại cán cân chi tiêu ngân sách và giải quyết các khoản nợ quốc gia. Đến nay, dù Hy Lạp vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, nợ vẫn còn cao (499 tỉ USD, tương đương 180% GDP), nhưng tình hình đã khởi sắc hơn.

Sự hồi phục tăng trưởng kinh tế đi kèm theo tỉ lệ thất nghiệp được kéo giảm phần nào, từ 27,9% vào năm 2013 đến nay còn 21,7%. Kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp 10% trong vòng 5 năm là một trong những mục tiêu mà Thủ tướng Tsipras đưa ra khi nhậm chức lần hai tháng 9-2015.

Con đường phía trước đang bắt đầu mở ra cho Hy Lạp. Các cuộc thảo luận với chủ nợ Eurozone vốn thường xuyên gặp trục trặc, nay đã trở nên thuận lợi hơn, hướng đến việc EU sẽ đồng ý giải ngân khoản tiền cứu trợ khẩn cấp 10 tỉ USD. Các biện pháp kiểm soát dòng vốn áp dụng từ sau đợt rút tiền ồ ạt tháng 6-2015 cũng đã được nới lỏng hơn.

Giữa tháng 7-2017, IMF đã đồng ý về nguyên tắc việc tham gia cùng các chủ nợ EU trong chương trình tín dụng giải cứu 100 tỉ USD hiện nay. Tsipras lạc quan cho rằng ông có thể đẩy nhanh tiến độ cải cách kinh tế theo đường lối phù hợp hơn với đường lối của đảng đồng thời vừa đảm bảo thời gian đưa Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng.

Để đạt mục tiêu này, chính phủ của ông Tsipras đang dự thảo pháp luật nhằm xoa dịu bớt khó khăn trong đời sống xã hội, mà trước mắt là luật về cải cách phúc lợi xã hội đang chuẩn bị thông qua.

An Châu (tổng hợp)
.
.