Nhân tố mới trên chính trường Nhật Bản

Thứ Hai, 22/10/2012, 14:10

Ông Toru Hashimoto 43 tuổi, đương kim Thị trưởng thành phố Osaka đã tuyên bố thành lập đảng Nihon no Isshin No Kai (Nhật Bản Phục hồi). Một tổ chức chính trị duy nhất tuy không đặt trụ sở tại thủ đô Tokyo, nhưng có tham vọng trở thành chính đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội Nhật vào thời gian sắp tới.

Vị thủ lĩnh trẻ tuổi T. Hashimoto của chính đảng mới được giới bình luận am hiểu đánh giá là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trên chính trường Nhật Bản hiện nay, người thường xuyên xuất hiện trên các chương trình phát thanh và truyền hình cùng luận điểm muốn thay đổi thực tại, nhằm thổi một luồng gió mới vào đời sống chính trị và kinh tế của đất nước.

Chào đời giữa năm 1969 ở Tokyo, lên 5 tuổi Hashimoto cùng mẹ chuyển về Osaka sinh sống. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Waseda danh tiếng ở Tokyo, nơi có tới 7 đời Thủ tướng Nhật sau Thế chiến II từng theo học, Hashimoto mở văn phòng luật tại Osaka chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp trong vùng Kansai, bao gồm cả cố đô Kyoto và hải cảng trọng yếu Kobe.

Tới đầu năm 2008, Toru Hashimoto đắc cử chức Thống đốc tỉnh Osaka, trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong lịch sử nhiều nghìn năm của địa bàn chiến lược này. Rồi tới cuộc bầu cử tháng 11/2011, T. Hashimoto đắc cử Thị trưởng thành phố Osaka, đô thị đứng hàng thứ 3 ở Nhật sau thủ đô Tokyo và thành phố cảng Yokohama. Vào tháng 3/2012, Thị trưởng Hashimoto đã đứng ra thành lập Ishin Seiji Juku, một cơ sở đào tạo dành cho các nhà lãnh đạo chính trị tương lai với 2.000 sinh viên theo học khóa đầu tiên.

Giới khoa học và kinh tế xứ Phù Tang từng lên tiếng khẳng định, rằng trở ngại chính cho việc đổi mới bức tranh kinh tế ảm đạm hiện nay là từ giới chính trị gia thủ cựu ở Tokyo. Hiện thân của nhân tố mới cần thiết cho sự cải tổ nền kinh tế chính là Hashimoto, qua quan điểm cổ vũ cho tự do thương mại và cạnh tranh lành mạnh của viên thị trưởng đầy nhiệt huyết giúp phục hồi nền kinh tế năng động trước đây.

Gần 1/3 giới dân biểu Nhật Bản là hậu duệ của những chính khách kỳ cựu, còn Hashimoto tuy không có được "nền tảng vững chắc" đó nhưng vẫn tự tin, rằng chính đảng mới của ông sẽ chiếm đa số ghế trong Quốc hội để được quyền đứng ra thành lập chính phủ. Tín hiệu tích cực là ngay sau khi đảng Nhật Bản Phục hồi chính thức ra mắt, đã có 7 hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đương quyền và đảng Dân chủ Tự do đối lập tuyên bố rời bỏ đảng phái cũ để gia nhập chính đảng mới của Hashimoto. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng Hashimoto sẽ làm đảo lộn sự trì trệ cố hữu từng thống trị chính trường Nhật kể từ sau Thế chiến II, nếu như đảng Nhật Bản Phục hồi giành được sự ủng hộ đông đảo của cử tri.

Ở kỳ bầu cử Quốc hội trước thời hạn sắp tới, ban lãnh đạo đảng Nhật Bản Phục hồi đưa ra danh sách 350 ứng viên, so với 250 ghế của Hạ viện. Uy tín ngày một tăng của Hashimoto và đảng Nhật Bản Phục hồi theo nhiều cuộc thăm dò dư luận gần đây trở thành mối nguy cho các đảng phái lâu đời, do vậy đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda đang xúc tiến kế hoạch hợp lực giữa các chính đảng hàng đầu, liên minh thành một mặt trận hòng giành lại thế chủ động để khỏi "mất mặt" với công chúng

Kim Dung (theo Japan Today)
.
.