Nhật Bản “tăng tốc” phòng thủ bờ biển

Thứ Ba, 04/12/2018, 16:59
Trong cuộc họp báo ngày 27-11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya tuyên bố muốn nâng cấp khu trục hạm hạng Izumo (chở máy bay trực thăng) thành hàng không mẫu hạm để sử dụng vào nhiều mục đích và mọi trường hợp khả dĩ. Đây là điều không mới nhưng nó là bước đi cụ thể hơn nữa của Nhật nhằm tiến tới một hệ thống phòng thủ xa bờ tốt hơn.

Việc hoán cải này sẽ được ghi vào chương trình trung hạn quốc phòng của Nhật và sẽ đệ trình quốc hội nước này thông qua vào tháng 12. Nếu được thông qua, chương trình sẽ bắt đầu có hiệu lực đến năm 2024 và đánh dấu bước tiến đầu tiên của Tokyo về việc có một đội quân chính thức.

Nhưng, làm cách nào để biến đổi một khu trục hạm chở 14 chiếc trực thăng thành một tàu sân bay có khả năng can thiệp trên Thái Bình Dương? Theo báo Nikkei, Tokyo dự kiến trang bị tổng cộng 142 chiến đấu cơ tối tân nhất của Mỹ, loại F-35 và tân trang 100 chiếc F-15. Quyết định mua thêm F-35 sẽ được thông báo chính thức trong vài ngày tới. Với tàu sân bay này, hạm đội Nhật Bản có thể tác chiến xa hơn từ bờ biển.

Đặc biệt, Izumo sau khi hiện đại hóa sẽ tăng khả năng của Nhật Bản trong việc bảo vệ những lãnh thổ ngoài biển tranh chấp như quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài), cũng như thông tin liên lạc hàng hải chiến lược cho Nhật Bản.

Thông báo của Bộ trưởng Takeshi Iwaya ngày 27-11 không gây bất ngờ cho giới chuyên môn vì dự án nâng cấp khu trục hạm thành hàng không mẫu hạm đã được xác nhận từ tháng 2 năm nay. Đến tháng cuối tháng 5, đảng cầm quyền LDP (Dân chủ Tự do) của Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi bỏ mức trần chi quốc phòng xưa nay là 1% GDP, đồng thời một lần nữa ủng hộ việc chuyển đổi chiến hạm Izumo thành hàng không mẫu hạm.

Đảng LDP cho rằng việc chuyển đổi này là cần thiết, cho phép “lực lượng phòng vệ” vừa phòng thủ đất nước, vừa có thể tham gia các chiến dịch cứu hộ. Khu trục hạm lớp Izumo với trọng tải 19.500 tấn, dài 248 m, chở được 14 trực thăng là giải pháp lý tưởng để trang bị chiến đấu cơ F-35 lên thẳng.

Nhưng, thông báo của Bộ trưởng Iwaya nếu xét dưới áp lực của Mỹ và sự gia tăng ngân sách quân sự của Nhật lên đến 46 tỉ USD trong năm 2018 cho phép suy đoán rằng Tokyo đang tăng tốc độ vũ trang. Theo Reuters, vì tình hình căng thẳng trong vùng và trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông và Hoa Đông, Tokyo nhận thấy cần phải có hàng không mẫu hạm nhằm giải quyết tình trạng thiếu căn cứ quân sự trong vùng Thái Bình Dương.

Một trong những lý do khác khiến Nhật Bản đẩy nhanh tăng cường khả năng phòng thủ là việc ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng. Từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, không chỉ Nhật mà ngay cả các đồng minh khác của Mỹ đều “chưng hửng” trước chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Một mặt đánh thuế với các mặt hàng nhôm, thép của các nước đồng minh, trong đó có Nhật, khi nhập khẩu vào Mỹ, Tổng thống Trump kêu gọi các “nước bạn” hoặc là đóng góp cho quốc phòng nhiều hơn (với các thành viên NATO), hoặc là biết thân biết phận thì hãy tự lo lấy mình, Mỹ sẽ không móc hầu bao ra mà lo an ninh cho họ nữa.

Tàu chở trực thăng Izumo của Nhật Bản.

Ở châu Á, Nhật Bản là một đồng minh lớn của Mỹ và được Washington “lo cho khâu an ninh bên ngoài” theo thỏa thuận sau Thế chiến thứ hai. Nhưng, Nhật Bản cũng có nhiều đối thủ mạnh ở châu Á. Ông Trump đã nói vậy, nếu giờ không tự lo lấy mình, mà lỡ có chuyện “đấu võ” xảy ra thì nước Nhật nguy khốn. Đấy là lý do tại sao chính phủ Nhật Bản muốn đẩy nhanh việc vũ trang.

Nếu như trước đây, Nhật Bản có hai lý do để thúc đẩy dư luận trong nước và ép các đảng đối lập phải thông qua ngân sách quốc phòng, theo chiều hướng tăng lên, hoặc sửa đổi chính sách quốc phòng theo hướng chủ động. Đó là tên lửa hạt nhân của Triều Tiên và quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Nhưng, nay dường như hai yếu tố trên tạm thời không gay gắt như trước. Triều Tiên đã chấp thuận phi hạt nhân hóa sau một thỏa thuận với Mỹ gần đây.

Mặc dù chưa có bước đi cụ thể nào nhưng Bình Nhưỡng đã có những nhượng bộ đáng kể, thậm chí Thủ tướng Abe còn đang tính có cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thời gian tới để bàn về quan hệ hai nước. Rõ ràng, quả bom hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã hạ nhiệt.

Trong khi đó, mới trung tuần tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Abe có chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc sau gần 7 năm quan hệ nguội lạnh giữa hai nước. Mặc dù đây chỉ là một sự hòa hoãn tạm thời do hai nước đang cùng đối mặt với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, nhưng rõ ràng quan hệ Tokyo - Bắc Kinh không còn căng thẳng như hồi xảy ra sự cố ở quân đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2012 nữa.

Theo giới quan sát, hai yếu tố trên chỉ tạm thời lắng xuống chứ chưa mất hẳn. Với Trung Quốc, giai đoạn hòa dịu nhất thời này có thể kéo dài bao lâu, nếu căng thẳng bùng lên tại Biển Hoa Đông? Điều cơ bản nhất là Nhật Bản đang hết sức lo ngại trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc, muốn thay thế vị trí lãnh đạo của Mỹ tại khu vực. Chiến lược của Nhật là tìm cách đối trọng với Trung Quốc.

Cụ thể là tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận tự do mậu dịch không có Trung Quốc. Hay liên minh với các quốc gia trong vùng cũng chia sẻ nỗi lo ngại này, như Ấn Độ, Úc và một số quốc gia Đông Nam Á. Tokyo cũng chủ trì dự án “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở” để đối lại tham vọng Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh.

Theo giới phân tích, ngoài đợt hòa hoãn hiện nay vì lý do kinh tế, thương mại, không có bất kỳ cấu trúc mang tính xây dựng nào cho phép Tokyo và Bắc Kinh thiết lập được quan hệ mang tính tin cậy kể cả hiện tại lẫn trong tương lai gần.

Nhưng, mọi quyết định của Nhật Bản liên quan đến “hàng không mẫu hạm” đều có thể bị xem là dấu hiệu thay đổi chính sách quốc phòng từ “tự vệ thụ động” sang “thế chủ động”. Vấn đề mấu chốt là liệu Quốc hội Nhật Bản vào tháng 12 tới có chấp thuận sự thay đổi này hay không nhất là khi hai yếu tố Triều Tiên và Trung Quốc không còn “được quan tâm” nhiều ở Nhật như hiện nay.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.