Những bí mật 'chưa từng được tiết lộ' trong Hoàng gia Arập Xêút

Thứ Năm, 19/03/2015, 07:25
Ông là một trong những người Arập Xêút gây ảnh hưởng mạnh nhất trên Twitter và được gán cho biệt hiệu là "Julian Assange của Arập Xêút" nhưng không ai biết danh tính thật cũng như ngoại hình hay nơi sống của con người bí ẩn này. Tài khoản @Mujtahid của ông được 1,77 triệu người theo dõi.

@Mujtahidd - được tạo hồi tháng 7/2011 - trở nên nổi tiếng sau khi tiết lộ những vụ bê bối của Hoàng gia Arập Xêút, như việc rò rỉ một số tài liệu chứng minh nạn tham nhũng của giới hoàng tộc.

Năm 2014, theo báo cáo từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), Cảnh sát Arập Xêút đã buộc ngưng hoạt động hơn 10.000 tài khoản Twitter với lý do vi phạm đạo đức và tôn giáo nước này.

Mujtahidd trình bày trên Twitter: "Sứ mạng của tôi là phơi bày nạn tham nhũng, bất công và thói đạo đức giả".

Tài khoản Twitter của Mujtahidd.

Các tweet của Mujtahidd rất chi tiết và thường mang tính châm biếm khi đề cập đến những đề tài nhạy cảm, trong đó không thiếu câu chuyện về lối sống xa hoa hoang phí, âm mưu chiếm đoạt đất đai, những hợp đồng quân sự ám muội và tham nhũng trong đấu thầu các công trình công cộng.

Mục tiêu chính của Mujtahidd là Vua Abdullah và những người con trai của ông; như Bộ trưởng Quốc phòng Salman bin Abdul-Aziz, lãnh đạo “Ủy ban Thúc đẩy đạo đức và ngăn ngừa đồi bại” Sheikh Abdul Latif Abdul Aziz al-Sheikh.

Những ai muốn tiếp xúc phỏng vấn Mujtahidd không khó bởi vì ông công khai địa chỉ Gmail của mình tại profile trên Twitter của ông. Tuy nhiên, Mujtahidd từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến bạn bè hay gia đình và thường kết thúc cuộc phỏng vấn bằng câu: "Đó là tất cả những gì tôi có thể nói ra".

Khi được hỏi Mujtahidd thật sự là nam giới, phụ nữ hay một nhóm người, ông chỉ trả lời: "Tôi là một con người" và thêm vào "nam giới Arập".

Bộ trưởng Quốc phòng Salman bin Abdul-Aziz.

Trong cuộc biến động chính trị nổ ra trong thế giới Hồi giáo năm 2011, Arập Xêút là quốc gia không bị ảnh hưởng. Vương quốc sa mạc giàu có gồm 28 triệu dân này được đánh giá là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Hoàng gia Arập Xêút trị vì đất nước từ thế kỷ XVIII và số thành viên hoàng tộc ngày càng gia tăng chia ra làm 6 nhánh và không ít lần đối chọi lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng.

Hoàng gia Arập Xêút đang đối mặt với sự dò xét của người dân giữa tình trạng thất nghiệp tăng cao nơi giới trẻ, mối đe dọa suy giảm trữ lượng dầu mỏ và những cáo buộc đang tăng về sự ủng hộ đối với các nhóm khủng bố nguy hiểm như Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Những người chống đối hoàng gia thường bị giam giữ, một số trường hợp còn bị kết án tử hình.

Nhằm dập tắt phong trào nổi dậy trong nước, nhà cầm quyền Arập Xêút áp dụng chiêu thức tập trung vào các dịch vụ xã hội và thắt chặt kiểm soát quyền tự do bày tỏ chính kiến trên Internet. Arập Xêút có khoảng 2,4 triệu người dùng Twitter - con số cao nhất trong khu vực.

Mujtahidd cho biết, các hacker thường xuyên nỗ lực xâm nhập tài khoản email của ông. Người ta thắc mắc tại sao Mujtahidd không bị Hoàng gia Arập Xêút trừng phạt giống như Waleed Abu al-Khair - người bị tuyên án tù 15 năm vào năm 2014 vì tội lên tiếng chống lại nạn vi phạm nhân quyền trên mạng xã hội?

Liệu có phải tình báo Arập Xêút kém cỏi đến mức không truy tìm được địa chỉ IP của Mujtahidd khi người này công khai tiết lộ những bí mật đen tối của hoàng gia trong suốt những năm qua? Có thể bởi vì chính quyền biết Mujtahidd thật sự là ai? Có lẽ Mujtahidd là một thành viên của hoàng gia và có một số nhân tố trong hoàng gia ủng hộ hành động của Mujtahidd.

Nhiều tweet của Mujtahidd tố cáo lối sống xa hoa đến mức lập dị của Hoàng gia Arập Xêút gây xôn xao dư luận.

Ngày 31/10/2012, Mujtahidd tiết lộ chi tiết về thỏa thuận giữa chính quyền Kuwait, Jordan và các quốc gia Vùng Vịnh khác như là Arập Xêút để trấn áp phong trào chống đối ở Kuwait vào tháng 9 cùng năm.

Siêu du thuyền của Hoàng tử Aziz bin Fahd.

Các tweet của Mujtahidd buộc tội Vua Jordan Abdullah II nhận 6 tỉ USD từ chính quyền Kuwait. Đáp lại, Jordan gửi 16.000 sĩ quan cảnh sát đến Kuwait để giúp đàn áp người biểu tình.

Năm 2012, Mujtahidd chỉ trích năng lực yếu kém của Cơ quan Tình báo Arập Xêút. Những vụ cãi cọ trong hoàng gia cũng được Mujtahidd công khai trên Twitter.

Hoàng tử Abdul Aziz bin Fahd, mục tiêu quan tâm bậc nhất của Mujtahidd, bị ông công kích: "Ông (Abdul Aziz) là một ví dụ nổi bật về nạn tham nhũng trong hoàng gia".

Hoàng tử Aziz bin Fahd nổi tiếng là ông hoàng ăn chơi, ví dụ như năm 2013 sẵn sàng chi ra gần 20 triệu USD bao toàn bộ công viên giải trí Disneyland ở Pháp trong suốt 3 ngày từ 22 đến 24/5 chỉ để ăn mừng "sự kiện" tốt nghiệp đại học của mình!

Mujtahidd nhấn mạnh: "Tôi sẽ không dừng lại cho đến khi nào Arập Xêút có một sự thay đổi chế độ. Nghĩa là, phải có sự chia sẻ quyền lực, trách nhiệm giải trình và sự minh bạch".

Diên San (tổng hợp)
.
.