Những bí mật của cảnh sát Pháp trong nhiệm kỳ Tổng thống Holland

Thứ Năm, 13/04/2017, 15:15
Được xuất bản vào ngày 23-3, cuốn sách "Bienvenue Place Beauvau" (tạm dịch: Chào mừng đến với trụ sở Bộ Nội vụ Pháp) đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận. Ứng viên tranh cử tổng thống Francois Fillon lên án sự tồn tại của văn phòng bí mật do Tổng thống Pháp Francois Hollande thành lập.

Nhưng cuốn sách có thực sự đề cập tới những gì như ông Fillon nói không hay đây là màn gỡ rối của một ứng cử viên đang gặp phải quá nhiều rắc rối?

Đây là một cuốn sách đang tạo sự chú ý trong xã hội Pháp. Vài tuần nữa sẽ đến vòng bầu cử Tổng thống Pháp đầu tiên, Bienvenue Place Beauvau đã "khai quật" những bí mật trong nhiệm kỳ 5 năm Tổng thống Francois Hollande đối với ngành cảnh sát Pháp, cụ thể là quá trình ông Francois Hollande sử dụng Bộ Nội vụ và nhiều công cụ khác để cố gắng được tái đắc cử vào năm 2017, qua ngòi bút của hai nhà báo đến từ tờ "Canard enchainé" và một nhà báo tự do.

Xin mở ngoặc nói thêm rằng, Tổng thống mãn nhiệm Francois Hollande đã quyết định không tham gia tái cử năm nay. Hiện có 5 ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp 2017 gồm Francois Fillon của đảng Cộng hòa, Benoit Hamon (đảng Xã hội), Marine Le Pen (Mặt trận dân tộc), Emmanuel Macron (đảng En Marche!) và Jean-Luc Mélenchon (đảng Unsubmissive France).

Tác phẩm được nhà xuất bản Robert Laffont phát hành hôm 23-3 và đã nhanh chóng được bán sạch. Trước đây, nhà xuất bản này cho ra cuốn "Gián điệp của tổng thống: Bên trong lực lượng cảnh sát chính trị của Sarkozy" (2012). Liên quan tới cuốn sách mới phát hành, ở chương đầu tiên "Désarkozysation", bộ 3 tác giả (Olivia Recasens, Didier Hassoux và Christophe Labbé) đặt ra nghi ngờ về việc Tổng thống Hollande thành lập một văn phòng bí mật chuyên phụ trách "anti-Sarkozy", tức là chống đối lại cựu Tổng thống Sarkozy.

Hiện vẫn còn một số nghi vấn về sự tồn tại của văn phòng này. Trong cuốn sách, các tác giả không đưa ra bằng chứng chính thức hoặc chứng minh điều ngược lại mà chỉ đưa ra những "dấu hiệu khả nghi" và những lời làm chứng. Họ khẳng định nhiều nguồn tin trong bộ máy cảnh sát đã tiết lộ cho họ sự tồn tại của một "cơ cấu bí mật được phân nhánh phức tạp và phạm vi hoạt động rộng lớn".

Bìa cuốn sách “Bienvenue Place Beauvau”.

Cuốn sách diễn tả chi tiết cách ông Hollande biết "tận dụng" một "cơ chế phức tạp ấy nhưng đem lại hiệu quả không ngờ" để ngầm "dàn xếp các vụ kiện pháp lý". Thêm vào đó là sự hiện diện của giới thân tín tổng thống trong những chức vụ hành chính quan trọng, từ khu phố Bercy (Bộ Tài chính) đến phố La Chancellerie (Bộ Ngoại giao), rồi sang quảng trường Beauvau (Bộ Nội vụ), trong sở cảnh sát Paris và Tổng cục An ninh đối ngoại (DGSE) phụ trách tình báo.

Thực tế, cuốn sách mô tả những trận chiến pháp lý lớn và nhỏ giữa cảnh sát cấp cao và thân tín bên cạnh ông Hollande, cựu Tổng thống Chirac, cựu Tổng thống Sarkozy và cựu Thủ tướng Valls. Nhóm tác giả nhận định: "Việc thiếu chuẩn bị, thiếu hiểu biết về bộ máy cảnh sát và pháp luật, cũng như về bối cảnh đã nhanh chóng làm cho Francois Hollande từ bỏ nguyên tắc của mình và áp dụng những phương pháp không đâu để đố kị những người tiền nhiệm".

Về cơ bản, các tác giả không viết sách với mục đích nhúng tay vào chuyện riêng của cảnh sát, nhưng để cảnh tỉnh sự "thiếu thích nghi" và "vô tổ chức" của lực lượng an ninh trong một cộng đồng xã hội.

Cuốn sách dường như đã xuất hiện đúng lúc với ứng cử viên Francois Fillon, người vừa bị tra hỏi về vụ tạo việc làm giả cho các thành viên trong gia đình mình. Vào ngày 23-3 vừa qua, tại trường quay của Chương trình chính trị trên kênh France 2, ông Fillon đã căn cứ vào cuốn sách để tố cáo Tổng thống Francois Hollande về tổ chức bí mật, cùng những vụ rò rỉ pháp lý bị phanh phui trên báo trong những tháng gần đây.

Theo ông Francois Fillon, "người ta đã từng tìm kiếm một văn phòng bí mật như thế và giờ họ đã tìm ra" và nói thêm rằng cần mở cuộc điều tra về những cáo buộc trong cuốn sách.

Ông Fillon phát biểu trên France 2: "Đây là cuốn sách dày 250 trang viết về Bộ Nội vụ, trong đó có những việc Francois Hollande cho lắp máy nghe lén những cuộc hội thoại riêng tư mà ông quan tâm, hành vi này hoàn toàn bất hợp pháp; việc làm thế nào mà ông mắc nối trực tiếp tới Bercy, tới Tracfin (Cơ quan Xử lý các tin tức tình báo và chống chuyển tiền bất hợp pháp thuộc Bộ Tài chính Pháp), với những thông tin luôn được kết nối liên tục; việc làm thế nào mà ông biết những điều nhỏ nhất, những mối liên hệ mỏng manh nhất, bao gồm cả những điều về cựu Thủ tướng Manuel Valls".

Ông Fillon còn khẳng định rằng, nếu những gì được viết trong sách là sự thật thì trong lịch sử của nền Cộng hòa thứ V, một lãnh đạo nhà nước không bao giờ được can thiệp quá sâu vào những việc bất hợp pháp và chiếm dụng những tổ chức mà họ không có thẩm quyền.

Trong một thông cáo với báo chí, Tổng thống Hollande đã mạnh mẽ lên án những cáo buộc sai sự thật của ứng viên Francois Fillon. Điện Élysée khẳng định rằng, tổng thống chỉ biết được những sự việc mà các ứng cử viên đang tranh cãi thông qua báo chí. Theo nhà báo Didier Hassoux, họ không bao giờ viết như vậy và "người duy nhất tin rằng có một văn phòng bí mật tại Điện Elysée là Francois Fillon", ông ta đang cố thao túng nội dung cuốn sách.

"Tin vào sự diện hiện của văn phòng bí mật, ông Fillon đã đến gặp Chánh Văn phòng phủ Tổng thống Pháp Jean-Pierre Jouyet tại điện Élysée và yêu cầu kích hoạt văn phòng nhưng kết quả là văn phòng không tồn tại" - Didier Hassoux nói thêm trên kênh Franceinfo.

Ông còn giải thích thêm, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã từng thành lập đội cảnh sát chính trị, trong khi Francois Hollande chỉ đơn giản là khai thác cảnh sát vì mục đích chính trị như tất cả Tổng thống trong nền Cộng hòa thứ V, và đây là một căn bệnh chung của người Pháp. Nhà báo kết luận: ông Fillon đang muốn lợi dụng cuốn sách vì ông đang ở trong tình thế tuyệt vọng và cố tạo ra cú hích để tạo sự chú ý và thao túng người khác theo ý mình.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.