Những cái bóng lớn phía sau Hồ sơ Panama

Thứ Hai, 11/04/2016, 16:00
Những nhân vật có mối quan hệ từ sơ giao đến thân thiết của Tổng thống Nga Putin có trong danh sách những người gửi tiền ở các thiên đường thuế quan. Thế là báo chí phương Tây có đủ cách “đánh” ông Putin sau khi 11,5 triệu tài liệu được rò rỉ trong vụ bê bối mang tên Hồ sơ Panama.

Tâm điểm nhằm vào ông Putin… (!)

Cái cách truyền thông phương Tây khai thác chẳng khác nào vu cho Tổng thống Nga Putin là “người cầm đầu” trong “băng đảng” tham nhũng trên. Sau khi thông tin mật được rò rỉ một cách có chủ đích, bước tiếp theo là cách báo chí phương Tây khai thác. Trên tất cả trang nhất, các báo đăng hình ảnh ông Putin to tướng với những cáo buộc lằng nhằng từ Hồ sơ Panama.

Jérôme Fenoglio, Giám đốc điều hành nhật báo Le Monde, một trong những tờ tham gia vào hệ thống phát tán 11,5 triệu tài liệu rò rỉ, nói với Đài France Inter rằng, cách thức làm việc của họ là phải tìm ra được những cái tên tương ứng với những địa điểm mà ở đó người ta nghĩ rằng tham nhũng tồn tại. Cái tên Putin, theo họ, là hợp lý nhất.

Có 214.488 công ty và 14.153 khách hàng của công ty luật Mossack Fonseca liên quan tới Hồ sơ Panama. Trong số này có 12 nguyên thủ hoặc cựu nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Putin không nằm trong số này. Tên của ông Putin cũng không thấy xuất hiện trong danh sách 140 chính trị gia khác.

Hồ sơ Panama chỉ nêu trường hợp ông Sergei Roldugin, một người bạn thân của Tổng thống Putin. Theo tài liệu, ông Putin có thể đã kiếm được ít nhất 100 triệu USD từ việc hỗ trợ ông Sergei Roldugin. Trong các tài liệu gửi các ngân hàng ở Thụy Sĩ và Luxembourg, ông Sergei Roldugin cam kết không thân thiết bất kỳ quan chức Chính phủ Nga nào, đồng thời cũng nói mình không phải là một nhà kinh doanh.

Tuy nhiên theo Hồ sơ Panama, ông Sergei Roldugin là người đã mai mối ông Putin với bà Lyudmila. Ông Sergei Roldugin cũng là cha đỡ đầu của con gái lớn ông Putin là Maria. Ông Sergei Roldugin có 12,5% cổ phần trong công ty quảng cáo truyền hình lớn nhất Nga là Video International. Thu nhập hằng năm của công ty này không dưới 1,25 tỉ USD.

Báo chí quốc tế đưa tin rầm rộ về Hồ sơ Panama với tâm điểm nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các thành viên sở hữu Video International luôn được giữ bí mật tuyệt đối. Sergei Roldugin cũng được cho là sở hữu một lượng nhỏ cổ phần ở Công ty Kamas của Nga chuyên sản xuất xe tải, xe quân sự. Sergei Roldugin đồng thời sở hữu 15% cổ phần một công ty ở đảo Cyprus có tên là Raytar. Sergei Roldugin cũng sở hữu 3,2% ngân hàng tư nhân Rossiya ở Nga. Từng có thông tin Rossiya là ngân hàng “của bạn thân ông Putin”. Trong danh sách trừng phạt của Mỹ với Nga quanh vấn đề Ukraine có ngân hàng này.

Lãnh đạo Ngân hàng Rossiya là ông Yuri Kovalchuk. Mỹ cáo buộc ông Yuri Kovalchuk là giám đốc ngân hàng riêng cho nhiều quan chức chính phủ cấp cao Nga, trong đó có ông Putin. Hồ sơ Panama cho thấy ông Yuri Kovalchuk và Ngân hàng Rossiya đã chuyển ít nhất 1 tỉ USD cho một công ty cảnh ngoại có tên là Sandalwood Continental. Nguồn gốc số tiền này đến từ hàng loạt khoản vay không cần thế chấp khổng lồ từ Ngân hàng Nhà nước Nga Russian Commercial Bank (RCB) chi nhánh ở đảo Cyprus và một số công ty nhà nước Nga khác.

Một số trong khoản tiền vay từ Ngân hàng RCB đã được chuyển lại về Nga với tỉ lệ tiền lãi cao ngất ngưởng. Tiền lãi này được chuyển đến một số tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ. Một du thuyền trị giá 6 triệu USD được Sandalwood Continental mua và chuyển đến một cảng biển gần St Petersburg. Theo tài liệu, Sandalwood Continental cũng đã chuyển trực tiếp tiền mặt cho các nhân vật thân tín của ông Putin dưới hình thức những khoản vay không cần đảm bảo và có tỉ lệ lãi suất rất thấp 1%. Chưa rõ có khoản vay nào trong số này được tất toán hay chưa.

Thời điểm 2010-2011, Sandalwood Continental lập ba khoản vay trị giá 11,3 triệu USD cho một công ty hải ngoại có tên Ozon. Ozon thuộc sở hữu của ông Sergei Roldugin và một công ty ở đảo Cyprus. Ozon sở hữu khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Igora ở vùng Leningrad. Ông Putin là khách hàng thân thiết của khu nghỉ dưỡng này. 18 tháng sau các khoản vay này, ông Putin tổ chức đám cưới cho con gái thứ hai Katerina ở khu nghỉ dưỡng Ozon. Chú rể là Kirill Shamalov, con trai của một người bạn thân lâu năm khác của ông Putin. Tuy nhiên chi tiết về đám cưới này chỉ được công bố vào năm 2015.

Hoạt động của Sandalwood Continental có liên quan đến một công ty ở nước ngoài khác tên Ove Financial Corp. Một trong những công ty liên quan đến Ove Financial Corp lại thuộc sở hữu của ông Mikhail Lesin, cựu phát ngôn viên của ông Putin. Ông Lesin cũng đồng thời là người sáng lập kênh truyền hình Russia Today (RT). Ông Lesin chết bất thường tại một khách sạn ở Mỹ vào tháng 11-2015 với nhiều vết thương ở đầu.

Hồ sơ Panama còn tiết lộ một số chi tiết khác về những người thân tín của ông Putin trong việc chuyển tiền ra các công ty cảnh ngoại. Một người bạn lâu năm khác của ông Putin sử dụng các công ty cảnh ngoại trong làm ăn là nhà giao dịch dầu Gennady Timchenko, từng bị Mỹ trừng phạt năm 2014. Một số người khác bị đề cập trong tài liệu là Arkady và Boris Rotenberg, những người bạn thời thơ ấu và từng là bạn tập Judo của ông Putin. Hai người này hiện đều là tỉ phú ngành xây dựng. Một cái tên nữa là Alisher Usmanov, có 6 công ty đăng ký ở đảo Man (vương quốc Anh).

Chưa có một tổ chức nào đứng ra nói rằng, những tiết lộ trong Hồ sơ Panama là chính xác. Nhưng chỉ cần lướt qua các trang thông tin của phương Tây mấy ngày qua, độc giả có thể thấy Tổng thống Putin là tâm điểm của Hồ sơ Panama chứ không phải là 12 nguyên thủ quốc gia trên hay 140 chính trị gia khác.

Trong loạt bài viết trên tờ The Guardian (Anh), nhà báo Luke Harding thay vì tập trung vào các nhà lãnh đạo thế giới thực sự bị nêu tên trong tài liệu của Mossack Fonseca, lại chủ ý tập trung vào Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vụ bê bối này. Trong hai bài viết của mình, Luke Harding đã sử dụng tên ông Putin thường xuyên, cũng như các cụm từ "theo dữ liệu chưa được xác nhận", "có thể" và "có thể giả định".

Trong khi đó, không tìm thấy trong bài báo của Guardian tên tuổi của bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới hiện tại và quá khứ, thực sự được nêu trong tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca, cũng như tên của cha Thủ tướng Anh Cameron, cũng được nêu trong tài liệu đó. Không, tác giả chỉ tập trung vào ông Putin, bình luận về đám cưới của con gái ông, và cho biết thêm một loạt các sơ đồ mà mọi mũi tên đều hướng đến Tổng thống Nga.

Cụm từ duy nhất quan trọng (và duy nhất đúng sự thực) mà Harding viết trong bài là "...tên của tổng thống không được nhắc đến trong một ghi chép nào...". Vậy kết luận cuối cùng là gì? Guardian đã tự châm biếm, khi đăng một bức ảnh khổng lồ, nhan đề chứa thông tin sai lạc và bài báo 5.000 từ, dựa trên giả định về sự liên quan của tổng thống Nga trong vụ việc này" - tác giả kết luận.

Công bằng mà nói cách khai thác như thế là không “fair play”. Sở dĩ có chuyện như thế là do thái độ ghen ăn tức ở với nước Nga và Putin ở các nước phương Tây, nhất là khi vị thế của Nga đang tăng sau khi nước này đưa quân tới Syria đánh khủng bố. Việc truyền thông phương Tây chỉ nhắm vào Putin trong vụ này cũng giống như những gì họ tuyên truyền khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Khi ấy, họ đổ riệt cho Nga gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine thay vì tìm những nguyên nhân nội tại ở chính quyền Kiev.

Chỉ phải nói những điều xấu và phải được… pha chế!

Điện Kremlin lên án những cáo buộc trong Hồ sơ Panama liên quan tới Tổng thống Nga. "Thái độ bài Putin ở nước ngoài đã lên đến điểm có thể nói là không được nói điều gì đó tốt đẹp về nước Nga, hay về bất kỳ hành động nào của Nga hoặc bất kỳ thành tựu nào của Nga. Mục tiêu đó là phải nói những điều xấu, rất nhiều điều xấu và khi không có gì để nói, nó phải được pha chế ra” - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết.

Trước đó ngày 28-3, ông Dmitry Peskov đưa ra một thông cáo báo chí, theo đó cáo buộc nhiều tổ chức nước ngoài đang cố gây xáo trộn và làm mất uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như những người thân cận với ông.

Ngày 6-3, Julian Assange, chủ trang web WikiLeaks, cũng chuyên về tiết lộ các thông tin mật, nói rằng những kẻ đứng đằng sau vụ tiết lộ hồ sơ Panama không ai khác ngoài các tổ chức bí mật của Mỹ với mục đích bôi nhọ Tổng thống Nga Putin.

Theo WikiLeaks, việc tìm bằng chứng chứng tỏ Mỹ tài trợ trực tiếp cho vụ tiết lộ Hồ sơ Panama không khó. Kế hoạch tiết lộ lần này do OCCRP (Trung tâm nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức) tiến hành. Độc giả chỉ cần truy cập vào trang web của tổ chức này là biết ngay ai đứng đằng sau tài trợ: USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ) và Quỹ Soros.

Trang web WikiLeaks cáo buộc Mỹ đứng đằng sau vụ tiết lộ hồ sơ Panama.

USAID là cơ quan độc lập của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ, nêu châm ngôn thực hiện viện trợ phi quân sự giúp đỡ các nước khác. Cơ quan này xúc tiến các đề tài củng cố nền dân chủ và bảo vệ nhân quyền, cũng như các nội dung sức khỏe, giáo dục, môi trường và phát triển kinh tế. Chi nhánh tại Nga của USAID bắt đầu hoạt động từ năm 1992.

Ngày 1-10-2012, Nga chính thức cấm USAID hoạt động tại Nga. Trong một tuyên bố trước đó, Bộ Ngoại giao Nga tố cáo USAID can thiệp sâu các công việc nội bộ của Nga và cố tình gây ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc bầu cử bằng cách cung cấp tiền viện trợ cho các tổ chức đối lập. Nổi bật là tính chất hoạt động của USAID ở các khu vực của Nga, nhất là ở Bắc Kavkaz. Chi nhánh của USAID ngừng công việc ở Nga từ ngày 1-10-2012, bởi theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Nga, hoạt động của các nhân viên tổ chức này ở Nga đã vượt ra ngoài khuôn khổ thúc đẩy hợp tác nhân văn song phương.

Không chỉ ở Nga, lâu nay các văn phòng của USAID tại Mỹ Latinh đã nổi tiếng là các trung tâm tình báo, âm mưu làm suy yếu các chính phủ hợp pháp tại một số quốc gia của châu lục. Sự thật rằng, USAID đang chứa chấp các điệp viên của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ được che đậy sơ sài, khi các văn phòng USAID dường như đã đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các cuộc đảo chính tại Mỹ Latinh, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tư tưởng cho các phe đối lập. USAID cũng thường tìm cách can dự với các lực lượng vũ trang địa phương và các cơ quan thực thi pháp luật, tuyển dụng các “điệp viên” trong các lực lượng này để sẵn sàng giúp phe đối lập khi có cơ hội.

Quỹ Soros do tỷ phú Mỹ George Soros sáng lập cũng không có một cái nhìn "thiện cảm" với Nga. Năm ngoái, Văn phòng Công tố Nga đã đánh giá Quỹ Soros đe dọa đến trật tự hiến pháp và an ninh quốc gia Nga, do đó cấm công dân Nga và các tổ chức tham gia vào hoạt động của quỹ này.

Việc Nga trục xuất các tổ chức phi chính phủ phương Tây hồi năm 2015 cũng là nguyên nhân khiến họ trả thù Tổng thống Putin qua vụ tiết lộ Hồ sơ Panama.

Đầu tuần trước, người đứng đầu Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã khẳng định: Ông Putin không phải là trung tâm của vụ bê bối tài chính này. "Đây không chỉ là câu chuyện về Nga mà còn là vấn đề che giấu giao dịch tài chính quy mô toàn thế giới", người đứng đầu ICIJ, ông Gerard Ryle nói với hãng thông tấn Nga TASS.

Vụ vùi dập uy tín của Putin đối với phương Tây lần này không phải là mới. Trước giờ, truyền thông và các nhà khoa học phương Tây rất “thần tượng” Tổng thống Nga Putin. Họ “nghiên cứu” đủ thứ từ cơ thể, dáng đi, thói quen sinh hoạt... của ông. Và lâu lâu họ lại đưa ra những “khám phá” bất ngờ! Họ gán cho ông đủ thứ bệnh như Parkinson hay tâm thần phân liệt hoặc chuyện đời tư bồ nhí, tham ô hối lộ của ông. Những “phát hiện” kiểu như thế chắc sẽ còn rất nhiều!

Đan Kô (tổng hợp)
.
.