Những cầu thủ bóng đá trở thành chính khách

Thứ Sáu, 04/02/2005, 09:13
Từ một cậu bé nghèo, bằng tài năng bóng đá của mình, Pele  đã trở thành một ông Vua bóng đá và sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng thể thao Braxil, Đại sứ UNESCO và sứ giả đặc biệt của Tổ chức y  tế thế giới. Ông là hình mẫu thành đạt trong giới thể thao.

Với 3 lần vô địch thế giới năm 1958, 1962, 1970 và đã có 1281 lần đá tung lưới đối phương trong 1363 trận đấu, Pele được Ủy ban Olympic quốc tế công nhận là cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ 20 và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển môn bóng đá thế giới, mặc dù không tham gia bất cứ giải bóng đá Olympic nào.

Sự nghiệp bóng đá của ông vua huyền thoại kéo dài 21 năm. 30 lần Pele ghi 4 bàn trong một trận đấu, 4 lần ghi 5 bàn và 1 lần ghi 8 bàn. Đó là trận đấu với đội “Botafoga” vào năm 1964. Cho đến nay chưa một cầu thủ nào có thể phá được kỷ lục này. Hiếm có người nào như ông vua bóng đá Pele đã từng được chụp ảnh cùng với Giáo hoàng Roma và hơn 100 ông vua, tổng thống và lãnh đạo các nước trên thế giới.

Với 3 bà vợ, 3 người con chính thức với bà vợ cả, 2 người con với bà vợ hai và 1 cô con gái ngoài giá thú, cuộc đời của danh thủ đào hoa luôn được bao bọc bởi các mỹ nhân nổi tiếng. Năm 1971, Pele chính thức từ giã sân cỏ và gặt hái được nhiều thành công trong kinh doanh và chính trị.

Tiếp bước Pele, ngôi sao bóng đá Braxil Zico (52 tuổi) cũng đã gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp bóng đá. Chàng tiền đạo đẹp trai đã từng làm mưa làm gió trên sân cỏ thế giới khiến cho nhiều thủ môn phải khiếp đảm mỗi khi Zico đứng trước trái bóng ở chấm đá phạt gần cầu môn vì cậu thường xuyên làm thủng lưới đối phương với xác suất lên tới 80%, một kỷ lục chưa từng thấy.

Chơi trong câu lạc bộ vô địch Braxil “Flamengo” đúng 20 năm, Zico đã ghi được 729 bàn trong 1047 trận đấu và được coi là tiền vệ xuất sắc nhất trong lịch sử câu lạc bộ. Với những thành tích đó, chàng tiền đạo này được mệnh danh là “Pele trắng”. Tháng 4/1990, Zico được bổ nhiệm làm Bộ trưởng thể thao Braxil cho đến năm 1991.

Từ cầu thủ và tù nhân trở thành Thủ tướng

Sự nghiệp chính trị của cầu thủ bóng đá người Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan có lẽ còn vang dội hơn các đồng nghiệp người Braxil mặc dù không được tôn vinh là “ông vua” trong làng bóng đá thế giới.

Xuất thân từ gia đình nghèo, từ nhỏ Erdogan đã từng phải tự kiếm sống bằng cách bán nước và kẹo rong tại các sân bóng đá. Từ đó, niềm say mê bóng đá đã đến với cậu bé nghèo. Trở thành một cầu thủ có tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Erdogan vẫn không bao giờ quên quá khứ tuổi thơ đầy khó khăn của mình.

Từ giã sân cỏ, Erdogan đã tham gia vào các hoạt động chính trị và trở thành Thị trưởng thành phố Istambul năm 1994. Chỉ trong thời gian ngắn Erdogan đã tiến hành một loạt cải cách quan trọng mang lại rất nhiều hiệu quả rõ rệt đối với các dịch vụ công tại thủ đô. Ông khiến cho những người theo chủ nghĩa thế tục hết sức tức giận khi ra lệnh cấm rượu trong các quán cafê ở thủ đô.

Thế nhưng, con đường hoạt động của người đứng đầu Đảng Phúc lợi không hề bằng phẳng và dễ dàng như nhiều người tưởng. Năm 1999, ông đã bị toà án Thổ Nhĩ Kỳ kết tội 4 tháng tù giam vì đọc một bài thơ có nội dung “kích động hằn thù tôn giáo” trước một đoàn tuần hành. Hàng chục ngàn người ủng hộ Erdogan đã tháp tùng ông tới nhà tù. Lực lượng đối lập rất phấn khởi vì nghĩ rằng đã hạ gục được một đối thủ chính trị nguy hiểm.

Bất ngờ, vào tháng 11/2002, Đảng Công lý và Phát triển (AK) của Erdogan giành thắng lợi vang dội với 34% phiếu bầu trong cuộc bầu cử (lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua, một đảng phái mới 1 năm tuổi đã giành đủ số phiếu cần thiết để thành lập chính phủ mà không cần liên minh với bất kỳ đảng nào khác) nhưng ông vẫn không thể trở thành Thủ tướng bởi cái án tù trước đó. Tuy vậy, nhờ uy tín cũng như khả năng xuất chúng nên cuối cùng Erdogan đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử phụ và trở thành Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3/2003. Có 4 người con, 2 con gái của ông Thủ tướng đang theo học tại Mỹ bởi họ không được bước chân vào các trường các trường học ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu không đeo mạng che mặt.

Rời sân cỏ là đến phòng họp Quốc hội

Sinh năm 1969, Marc Wilmots (Bỉ) bắt đầu sự nghiệp bóng đá lớn vào năm 16 tuổi. Từ câu lạc bộ St. Truiden, Wilmots đã trưởng thành và trở thành một cầu thủ nổi tiếng và được đưa vào danh sách chơi cho đội tuyển quốc gia Bỉ. Không những thế anh còn được huấn luyện viên tin tưởng giao cho chiếc băng đội trưởng đội tuyển quốc gia vì tài năng tổ chức các trận tấn công làm rung chuyển khung thành đối phương.--PageBreak--

Nếu có cầu thủ nào có khả năng chỉ huy trận đấu và có trách nhiệm với mỗi đường chuyền bóng thì đó chỉ có thể là Wilmots. Anh đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đội tuyển Bỉ có một thành tích khả quan tại giải vô địch bóng đá thế giới năm 2002, hoàn thành sứ mệnh đối với đất nước bằng việc ghi 8 bàn trong 9 trận đấu. Nhận được lời mời của các câu lạc bộ nước ngoài và đã từng chơi cho đội “Schalke” của Đức, giúp đội này đoạt cúp UEFA. Sau khi từ giã sân cỏ, Wilmots trở thành thượng nghị sỹ đảng tự do năm 2002.

Cũng giống như Witmots, cầu thủ đoạt quả bóng vàng năm 1979 Olech Blokhin (Liên Xô) cũng trở thành nghị sỹ quốc hội Ukraina. Sinh năm 1952, Blokhin đã có 19 năm (1969 - 1988) gắn bó với câu lạc bộ “Dinamo Kiev” một thời nổi tiếng Liên Xô và thế giới. 7 lần vô địch Liên Xô, huy chương đồng Olympic năm 1976, 2 lần đoạt Cup châu Âu. Rời sân cỏ trở về nước, danh thủ bóng đá tài hoa này đã được những người hâm mộ anh ủng hộ nhiệt thành trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1998 và Blokhin đã trở thành nghị sỹ.

Ngoài Witmots và Blokhin, tay cầu thủ khá nổi tiếng người Anh Ian Gibson từng chơi cho các câu lạc bộ “Airdrie”, “St. Mirren”, “Queen of the South” trong thời kỳ 1960 - 1962 cũng đã tích cực tham gia chính trường sau khi rời sân cỏ và đã gặt hái được không ít thành công. Hiện tại, Gibson là Nghị sỹ Quốc hội của Công đảng Anh khu vực Northwich.

Là cầu thủ nhưng có tham vọng trở thành Tổng thống

Từ cầu thủ Weah trở thành ứng cử viên Tổng thống.

Sinh năm 1966, sự nghiệp bóng đá của tay cầu thủ George Weah đã từng được nhiều người biết đến. Sau đó Weah chuyển sang chơi cho câu lạc bộ MonacoParis St. Germain và liên tiếp giành được nhiều danh hiệu lớn. Khi chơi cho câu lạc bộ AC Milan, Weah đã nhận được cả 3 danh hiệu lớn trong một mùa bóng là cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi, châu Âu và thế giới của FIFA năm 1995. Năm 1998, Weah được bầu chọn là Cầu thủ hay nhất thế kỷ của châu Phi.

Rời sân cỏ, Weah tích cực tham gia vào các công tác từ thiện và được nhận danh hiệu Đại sứ thiện chí năm 1997. Giữa năm 2004, anh đã được Đại hội dân tộc Liberia mời ra làm đại diện cho Đảng tranh cử Tổng thống sẽ được tổ chức vào năm 2005. Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng Weah quyết định nhận lời

Hạnh Vân
.
.