Những chuyện ít biết về một số cựu thủ tướng Nga

Thứ Hai, 11/04/2005, 08:00

Theo tờ "Thời báo Hoàn cầu", kể từ thời đại của Tổng thống B.Yeltsin đến thời kỳ của Tổng thống V.Putin, đã có khá nhiều thủ tướng phải ra đi vì những nguyên do khác nhau. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị là có tới 4 cựu thủ tướng hiện đang làm việc dưới quyền của Tổng thống V.Putin và Thủ tướng Mikhail Ephimovich Fradkov.

Yegor Gaidar (Từ 15/6/1992 đến 14/12/1992)

Vốn là một tiến sĩ kinh tế, ông Yegor Gaidar đã tuyên bố từ biệt chính trường sau khi rời chiếc ghế thủ tướng và thực tế đã chứng minh điều này. Sau khi trở về cuộc sống đời thường, ông Yegor Gaidar đã quay trở lại với công tác nghiên cứu tại Viện Khoa học & Xã hội Nga. Và kể từ đó, vị cựu thủ tướng này cho xuất bản khá nhiều cuốn sách gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Sau khi cho xuất bản cuốn “Quốc gia và sự tiến hóa” (năm 1995), đầu năm 2005, ông Yegor Gaidar lại cho ra mắt độc giả cuốn “Nước Nga trong thế giới: Tóm lược lịch sử kinh tế”.

Hiện ông Yegor Gaidar là Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, và công việc chính hiện nay của cựu thủ tướng là nghiên cứu hình thức chuyển đổi nền kinh tế Nga và một số quốc gia Đông Âu. Được biết, uy tín và ảnh hưởng của ông Yegor Gaidar trong giới kinh tế Nga là rất lớn. Ngoài ra, ông còn là một trong những nhà lãnh đạo của liên minh cánh hữu, là nghị sĩ Duma từ năm 1995 đến 2003.

Viktor Chernomyrdin (Từ 14/12/1992 đến 23/3/1998 và từ 23/8/1998 đến 11/9/1998)

Được mệnh danh là thủ tướng giàu nhất, tại vị lâu nhất và sau khi rời chính trường, ông Viktor Chernomyrdin vẫn được Tổng thống V.Putin cử làm Đại sứ Nga tại Ukraina năm 2001. Khi được hỏi tại sao lại cử một cựu thủ tướng đi làm đại sứ, ông V.Putin cho biết, bởi không ai phù hợp hơn ông Viktor Chernomyrdin trong cương vị này.

 

Được biết, chỉ trong vòng 4 năm, dưới sự dàn xếp của ông Viktor Chernomyrdin, Tổng thống V.Putin và Tổng thống Leonid Kuchma đã tiếp xúc với nhau gần 40 lần. Ngoài ra, bằng uy tín của mình, ông Viktor Chernomyrdin đã tác động để hai nước giải quyết vấn đề biên giới, tăng cường hợp tác kinh tế...

 

Theo giới chuyên môn, một trong những bí quyết khiến ông Viktor Chernomyrdin giữ vững được chiếc ghế thủ tướng của mình bất chấp những thay đổi khôn lường của Tổng thống B.Yeltsin là duy trì được mối quan hệ tốt với cả Tổng thống lẫn các phe phái trong Duma. Theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes, ông Viktor Chernomyrdin đứng thứ 452 trong số những người giàu có trên thế giới với tổng giá trị tài sản là 1,1 tỉ USD.

 

Tuy chỉ đứng thứ 452, nhưng ông Viktor Chernomyrdin lại là thủ tướng giàu nhất nước Nga kể từ trước đến nay. Ngoài danh hiệu trên, ông Viktor Chernomyrdin còn có biệt danh khác: Vua khí thiên nhiên. Biệt danh này có từ sau khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp khí thiên nhiên thời Liên Xô cũ. Mặc dù rất nghiêm túc trong công việc, nhưng ông Viktor Chernomyrdin lại là người luôn tạo bầu không khí vui vẻ và đặc biệt rất đa tài đa nghệ. Tuy đã 67 tuổi, nhưng ông Viktor Chernomyrdin vẫn thích đi săn, xem kịch.

Sergei Kiriyenko (Từ 23/3/1998 đến 23/8/1998)

Được mệnh danh là thủ tướng trẻ nhất nước Nga. Ngày 24/4/1998, ông Kiriyenko tuy mới 35 tuổi nhưng vẫn được Tổng thống B.Yeltsin bổ nhiệm làm thủ tướng. Việc này đã khiến nhiều người ngạc nhiên, ngay bản thân Kiriyenko cũng phải thốt lên rằng: "Tôi thực sự không bao giờ nghĩ mình lại được Tổng thống đề cử làm thủ tướng”. Tuy nhiên, thời gian tại vị của ông Kiriyenko chỉ kéo dài hơn 100 ngày.

 

Nhiều người cho rằng, chính cơn bão của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á đã quật đổ vị thủ tướng này. Để duy trì mối quan hệ tốt giữa trung ương và địa phương, Tổng thống V.Putin đã bổ nhiệm Kiriyenko làm đại diện toàn quyền tại vùng Volga bởi đây là quê hương của ông. Việc này cũng đã giúp ông Kiriyenko thực hiện được cương lĩnh kinh tế tại vùng đất do mình kiểm soát. Ngoài ra, ông Kiriyenko còn được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban xử lý vũ khí hóa học nhà nước. Sở thích của Kiriyenko là thể dục thể thao, leo núi, câu cá và đi săn.

Yevgeny Primakov (Từ 11/9/1998 đến 12/5/1999)

Tuy bị coi là người già nhất, nhưng ngày 11/9/1998, ông Yevgeny Primakov tuy đã 69 tuổi, song vẫn được Tổng thống B.Yeltsin bổ nhiệm làm thủ tướng. Với cương vị này, ông Yevgeny Primakov trở thành Viện sĩ Viện Khoa học đầu tiên của nước Nga được bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng. Tuy là vị thủ tướng già nhất, nhưng sau khi nắm quyền ông Yevgeny Primakov đã triển khai nhiều chính sách cải cách kinh tế nhằm giữ vững sự ổn định về chính trị cũng như kinh tế của nước Nga.

 

Trong khi uy tín ngày một nâng cao thì ông lại bị Tổng thống B.Yeltsin tước bỏ “ấn kiếm” vào ngày 12/5/1999. Mặc dù phải ra đi, nhưng ông Yevgeny Primakov vẫn tiếp tục tham chính: trở thành Chủ tịch đảng “Tổ quốc toàn Nga”, là đối thủ đáng gờm của ông V.Putin vào chức tổng thống thời kỳ đó, nhưng cuối cùng ông đã tuyên bố ủng hộ ông V.Putin.

 

Hiện nay ông Yevgeny Primakov, 76 tuổi, vẫn được Tổng thống V.Putin cử làm Chủ tịch Hội Công thương của Nga, được coi là người đại diện, phát ngôn của các nhà doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nga. Ngoài ra, ông còn được Tổng thống V.Putin cử làm đặc sứ tới Iraq khuyên giải Tổng thống Saddam Hussein, nhưng bất thành. Năm 2004, ông Yevgeny Primakov được bầu là thành viên của “Nhóm danh nhân” trong cải cách Liên Hiệp Quốc.

Sergei Stepashin (Từ  12/5/1999 đến 9/8/1999)

Tại vị được 82 ngày, ngày 19/5/1999, ông Sergei Stepashin chính thức chấp chính, nhưng do tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Yevgeny Primakov nên đã khiến Tổng thống B.Yeltsin không hài lòng. Ngày 9/8/1999, ông phải ra đi và trở thành thủ tướng “đoản mệnh” nhất nước Nga. Không những có biệt danh trên, ông Sergei Stepashin còn là vị thủ tướng Nga duy nhất sinh ra ở Trung Quốc.

Sau khi lên chấp chính, Tổng thống V.Putin đã bổ nhiệm ông Sergei Stepashin làm Tổng cục trưởng Thẩm kế liên bang (tương đương với Bộ trưởng) nhằm phát huy sở trường của người từng làm Cục trưởng Cục Phản gián liên bang, Cục trưởng Cục An ninh quốc gia, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Nội vụ. Và thực tế đã chứng minh điều này.

Mikhail Kasyanov (Từ 7/5/2000 đến 24/2/2004)

Mặc dù được Tổng thống V.Putin coi trọng và cất nhắc vào đúng vị trí của một chuyên gia về tài chính - Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế của Nga, nhưng cựu Thủ tướng Mikhail Kasyanov, vốn được coi là trung thần của cựu Tổng thống B.Yeltsin đã luôn tìm cách chống lại. Sau khi rời khỏi ghế chức vụ, ông Mikhail Kasyanov tuyên bố, trước năm 2007 sẽ không đảm trách bất cứ chức vụ nào trong chính phủ.

 

Nhưng chỉ một năm sau (2005), người ta đã thấy ông Mikhail Kasyanov xuất hiện với tư cách cố vấn về chính sách cho những hãng, xí nghiệp trong và ngoài nước Nga. Tuy nhiên, theo giới quan sát, tất cả những động thái thời gian vừa qua của ông Mikhail Kasyanov là nhằm tạo thanh thế để quay lại chính trường. Có người nói rằng, ông Mikhail Kasyanov muốn trở thành “tổng thống Viktor Yushchenko” của nước Nga vào năm 2008

Q.T. (Theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.