Những cuộc gặp đáng chú ý của Tổng thống Mỹ Trump tại Hội nghị G20

Thứ Hai, 03/07/2017, 16:12
Đến dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức (diễn ra trong hai ngày 7 và 8-7), Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc “tay đôi” với một số lãnh đạo các nước tham dự hội nghị.

Trong các cuộc tiếp xúc đó, có hai cuộc tiếp xúc quan trọng nhất - với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel - được dư luận chú ý mạnh, vì mang ý nghĩa quan trọng đối với chính sách đối ngoại của ông Trump trong thời gian tới.

Cuộc gặp Trump - Putin

Để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên với người đồng cấp Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lệnh cho các phụ tá sửa soạn cho ông một số nhượng bộ khả thi nhất để ông đưa ra làm điều kiện trao đổi.

Cụ thể, Hội đồng An ninh quốc gia được giao nhiệm vụ đề xuất những điều kiện “có thể trao đổi được” để phục vụ cho cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Nga-Mỹ, trong đó bao gồm trước hết là việc Mỹ trao trả cho phía Nga quyền sử dụng hai khu phức hợp ngoại giao ở bang Maryland và New York. Đây là hai cơ sở ngoại giao từng bị chính quyền Barack Obama tịch thu hồi tháng 12-2016 để trả đũa cho cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng hai cơ sở ngoại giao đó đã được “người Nga sử dụng cho mục đích liên quan đến tình báo”. Đồng thời, 35 người Nga làm việc tại hai cơ sở đó cũng bị trục xuất với cáo buộc “hoạt động tình báo”.

Từ đầu tháng 5-2017, chính quyền Tổng thống Trump đã bắt đầu xem xét trao trả hai khu phức hợp cho phía Nga, nhằm mục đích trao đổi yêu cầu Chính phủ Nga gỡ bỏ lệnh dừng xây dựng một lãnh sự quán mới của Mỹ ở St Petersburg. Ý định trao đổi đó đã bị xếp xó sau khi hai ngoại trưởng Rex Tillerson và Sergey Lavrov gặp nhau tại Washington vào ngày 10-5.

Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ có cuộc gặp chính thức đầu tiên tại Hội nghị G20.

Tilleson vốn là người ủng hộ việc cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ ngay từ khi mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời là người xúc tiến dàn xếp để Ngoại trưởng Nga Lavrov hội kiến Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, sau sự kiện Chính phủ Nga cho đăng tải công khai hình ảnh cuộc tiếp xúc ở Nhà Trắng mà chưa có sự đồng ý của chính quyền Mỹ, ông Tillerson đã thay đổi quan điểm, quay sang phản đối gay gắt việc nới lỏng trừng phạt Nga. Cho đến nay, chưa có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được giữa hai nước Nga-Mỹ liên quan đến số phận hai cơ sở ngoại giao.

Ngày 28-6, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Moskva đang chuẩn bị một số biện pháp trả đũa Mỹ cho việc tịch thu hai cơ sở ngoại giao nói trên, nhưng không nói rõ là những biện pháp nào. Theo tờ báo Kommersant của Nga, Moskva có thể tịch thu các tài sản ngoại giao của Mỹ ở Nga hoặc áp đặt các biện pháp hạn chế đối với ngôi trường Anh-Mỹ hiện đang hoạt động ở Nga.

Việc Tổng thống Mỹ Trump đơn phương chuẩn bị sẵn các điều kiện nhượng bộ cho cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ngay trong nội bộ Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ. Kể cả cuộc tiếp xúc chính thức trong khuôn khổ Hội nghị G20 cũng không nhận được sự đồng tình cao.

Một số quan chức lập luận rằng cuộc gặp chỉ nên ngắn gọn và mang tính chất không chính thức, theo kiểu “nói chuyện riêng” giữa hai ông Trump và Putin, bởi vì ông Trump đang trong tình thế nhiều cuộc điều tra bủa vây liên quan đến mối quan hệ bí mật giữa bộ sậu quan chức vận động tranh cử của ông với giới chức Nga.

Ngay từ khi mới lên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Trump đã rất hăng hái trong việc tìm kiếm giải pháp dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga. Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu đó cũng gặp phải sự phản đối của nhiều phụ tá cũng như các đối tác, đồng minh. Trong chuyến thăm Nhà Trắng một tuần sau khi ông Trump nhậm chức, Thủ tướng Anh Therese May đã cố thuyết phục ông Trump từ bỏ các nỗ lực đó.

Một vấn đề lớn được đặt ra là Nga hiện vẫn chưa chịu “buông” miền Đông Ukraina, vẫn còn “can thiệp quân sự” vào vùng này, và đây cũng là mấu chốt làm phát sinh các biện pháp trừng phạt Nga. Vì thế, một mặt Tổng thống Trump luôn tìm mọi cơ hội để cải thiện quan hệ, gỡ bỏ cấm vận Nga, mặt khác các giới chức ở Mỹ vẫn tiếp tục các nỗ lực ngược lại. Hai quan chức Bộ Ngoại giao sắp nghỉ hưu là Tom Malinowski và Daniel Fried đã vận động Quốc hội Mỹ thông qua việc luật hóa các biện pháp trừng phạt và khóa chặt chúng, không cho phép thay đổi, gia giảm hay gỡ bỏ.

Ngày 14-6, Thượng viện thông qua một dự luật nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó có quy định đòi hỏi chính quyền Mỹ phải được sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn nới lỏng hay gỡ bỏ các trừng phạt. Dự luật hiện đang bị ách lại ở Hạ viện do những trục trặc kỹ thuật và phe cánh ủng hộ ông Trump đang tìm cách “dìm” nó.

Với sự chống đối của Quốc hội cũng như nhiều phụ tá trong chính quyền, những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ, gỡ bỏ trừng phạt Nga của Tổng thống Trump tạm thời bị ách lại, không tiến triển gì thêm. Nhưng cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Putin tại Hamburg sắp tới hứa hẹn sẽ là “cơ hội vàng” để ông Trump thay đổi chính sách ngay tại chỗ.

Mỹ - Đức tái đấu về môi trường

Một cuộc gặp khác cũng không kém phần căng thẳng là cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với Thủ tướng nước chủ nhà, bà Angela Merkel. Hai bên được cho là sẽ tiếp tục “đấu” về vấn đề môi trường, trong đó quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Trump là vấn đề mấu chốt. Mỹ là nước gây ô nhiễm môi trường lớn thứ nhì thế giới, vì thế sự rút lui của nước này khiến cho Hiệp định mất đi tính thuyết phục của nó.

Tuy vậy, bà Merkel tuyên bố với báo chí không có Mỹ, EU vẫn cam kết ủng hộ Hiệp định, quyết tâm cùng với cộng đồng thế giới nỗ lực ngăn chặn, làm giảm tình trạng xả khí thảy gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên.

Từ đó, cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Đức tại Hamburg được dự báo sẽ không hề dễ dàng. Có thể bà Merkel sẽ tiếp tục nỗ lực thuyết phục ông Trump thay đổi quyết định đã tuyên bố hồi tháng trước. Nhưng Merkel cũng nói rõ với báo chí rằng “chúng tôi không thể và cũng không muốn chờ đợi” đến khi ông Trump chịu chấp nhận những bằng chứng thực tế về biến đổi khí hậu.

Bà Merkel mong muốn cuộc nói chuyện của nhóm G20 “có thực chất và đúng mục tiêu của Hiệp định Paris”. Merkel tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ sự sửa đổi nào đối với Hiệp định Paris, như yêu cầu Tổng thống Trump đã đặt ra. Pháp và Italia cũng đồng quan điểm.

Cuộc gặp giữa ông Trump và bà Merkel được dự báo là sẽ rất căng thẳng.

Bất đồng quan điểm giữa Trump và Merkel không chỉ trong vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, khi cả hai cùng hướng đến Hội nghị G20 ở Hamburg. Bà Merkel cũng muốn đưa các vấn đề tự do buôn bán và chia sẻ gánh nặng của cuộc khủng hoảng di dân toàn cầu làm trọng tâm thảo luận tại Hội nghị G20. Đây là hai vấn đề lớn đang xung đột với học thuyết “Nước Mỹ là trên hết” trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump.

Một trong những mục tiêu của bà Merkel là phát đi một tín hiệu rõ ràng cho các thị trường tự do và chống chủ nghĩa cô lập. Chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa bảo hộ trong mậu dịch quốc tế là một sai lầm lớn. Bà Merkel là người rất tâm huyết trong việc duy trì và củng cố sức mạnh khối EU, quyết liệt chống lại bất cứ hành động nào làm suy yếu khối, như vụ Brexit.

Đồng thời, bà cũng là người có quan điểm nhất quán về các vấn đề lớn của thế giới, như biến đổi khí hậu, tự do thương mại. Vì vậy, việc ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris và có những động thái theo hướng chủ nghĩa cô lập, chủ nghĩa bảo hộ đã đụng chạm quan điểm của bà Merkel. Chính vì vậy, dư luận đang chờ đợi một cuộc đụng độ căng thẳng Trump - Merkel sẽ xảy ra tại Hội nghị G20 tuần tới.

An Châu (tổng hợp)
.
.