Những cuộc ra đi không hẹn trước

Thứ Hai, 01/01/2007, 11:30
Danh sách những chính trị gia có tiếng phải ra đi không hẹn trước trong năm 2006 đã dài thêm một dòng nữa sau vụ hành quyết cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein rạng sáng ngày thứ bảy 30/12/2006. Và điều đó có lẽ sẽ còn được ghi nhận lâu dài như một sự kiện bi thảm không chỉ riêng đối với quốc gia Arab này.

Địa điểm diễn ra vụ hành quyết ông Saddam là ở đơn vị số 5 Tình báo quân đội Iraq, nằm tại khu vực phía Bắc thủ đô Baghdad. Có mặt chứng kiến là bác sĩ, luật sư và đại diện các cơ quan luật pháp. Vụ hành quyết đã được ghi hình lại và một phần nội dung đã ngay lập tức được phát tán đi khắp thế giới. Ông Saddam đã khá thản nhiên đón nhận cái chết khi bị còng tay dẫn tới nơi hành quyết. Một tay ông giữ cuốn kinh Koran. Ông từ chối trùm khăn che mặt nên người ta chỉ quấn một tấm khăn đen quanh cổ ông. Cựu Tổng thống Iraq không hề có hành vi kháng cự nào và cũng không lên tiếng xin khoan hồng. Ông chỉ tự nhủ: "Đừng sợ hãi!" và nói câu trăng trối: "Allah Akhbar!".

Các nhân chứng kể lại, những ngày cuối cùng trước khi bị treo cổ, ông Saddam đã dành toàn bộ thời gian để đọc kinh Koran và sách triết học, cũng như để viết hồi ký, thư... Thi hài ông Saddam được chôn tại quê hương vào sáng chủ nhật 31/12/2006, gần thành phố Tikrit.

Dư luận thế giới đã có những phản ứng khác nhau đối với vụ hành quyết ông Saddam. Nhìn chung, nhiều người coi đó là một sai lầm vì rốt cuộc, tình trạng bạo lực ở Iraq vẫn không được chấm dứt, mà thậm chí có thể sẽ gia tăng.

Trong năm qua, hầu như tháng nào cũng có những chính trị gia nổi tiếng ra đi. Ngày 21/1/2006, thủ lĩnh của người Albania tại Kosovo, ông Ibrahim Rugova đã qua đời ở tuổi 51 vì căn bệnh ung thư phổi. Ông Rugova vốn là một nhà văn, một nhà nghiên cứu văn học, từng tu nghiệp không chỉ ở thủ phủ Kosovo (thành phố Pristina) mà còn ở cả Paris. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông Rugova mới bước vào chính trường và chẳng bao lâu sau đã trở thành một trong những gương mặt có uy tín hàng đầu đối với cộng đồng người Albania ở đây. Năm 1992, ông được bầu làm Tổng thống của nước cộng hòa Kosovo tự phong. Tổng thống Rugova chủ trương tách tỉnh Kosovo ra khỏi thành phần nước cộng hòa Serbia bằng phương pháp đấu tranh không bạo lực... Cho tới lúc qua đời, ông Rugova vẫn tin tưởng ở sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, chính phủ Serbia kiên quyết không để cho sự toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm.

Ông Ibrahim Rugova.

Tổng thống CHLB Đức Johannes Rau cũng đã qua đời vào tháng 1/2006, thọ 75 tuổi. Ông từng được  coi là biểu tượng hòa hợp dân tộc đối với cả hai miền Đông - Tây của nước Đức, một vị Tổng thống của mọi người dân Đức. Ông Rau bước vào chính trường từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi nước Đức đã hồi tỉnh lại sau chiến tranh thế giới thứ hai và những ảnh hưởng độc hại của chế độ phát xít trước kia. Ông chống lại thái độ thiếu khoan dung dưới mọi hình thức. Ông không chỉ tôn trọng đúng mức những người nước ngoài nhập cư vào Đức vì miếng cơm manh áo và phải làm việc không hộ chiếu, mà còn đóng góp nhiều sức lực để hợp pháp hóa sự hiện hữu của họ trên lãnh thổ Đức...

Ngày 11/3/2006, cựu Tổng thống Serbia, Slobodan Milosevic, đã chết vì bạo bệnh trong trại giam của tòa án La Haye (Hà Lan). Khi đó, ông mới 64 tuổi. Với lịch sử châu Âu hiện đại, ông Milosevic cũng là một nhân vật đã tạo nên những cách đánh giá trái ngược nhau. Với một bộ phận, ông là biểu tượng của tinh thần ái quốc, yêu dân tộc, dũng cảm chống lại sự áp đặt luật lệ của các siêu cường. Với phương Tây, ông Milosevic lại bị vẽ nên như một nhà độc tài...

Ông Slobodan Milosevic.

Ngày 1/6/2006 là ngày từ bỏ cõi đời của cựu Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto. Ông Hashimoto thuộc đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, lãnh đạo chính phủ nước này từ năm 1996 tới năm 1998.

Ngày 10/11/2006, vị nguyên soái đầu tiên được vinh phong của nước Nga thời hiện đại, Igor Sergeyev, đã qua đời ở tuổi  68. Ông là vị Bộ trưởng Quốc phòng cuối cùng của "triều đại Yeltsin" và là vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên trong bộ máy của Tổng thống Vladimir Puitn. Ông từng chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược của nước Nga từ năm 1992 cho tới năm 1997, khi được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng nga. Cho tới phút cuối cùng của đời mình, nguyên soái Sergeyev vẫn là quân nhân tại chức.

Ngày 10/12/2006: Nhà độc tài thất thế ở Chile, tướng Augusto Pinochet, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 91. Đây cũng là một chính trị gia tạo nên những đánh giá mâu thuẫn tới trái chiều nhau. Pinochet đã tàn sát không ít người Chile nhưng cũng trong những năm mà ông ta cầm quyền, nền kinh tế Chile đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Từ năm 1998 tới nay, Pinochet liên tục bị rắc rối bởi cơ quan bảo vệ pháp luật Chile. Những năm cuối đời, nhà cựu độc tài bị tàn phế và luôn phải ngồi trên xe lăn mỗi lần xuất hiện trước công chúng.

Ông Augusto Pinochet.

Tổng thống Turkmenistan, Saparmurat Niyazov, đã bất thình lình qua đời vì tim ngừng đột ngột ngày 21/12/2006, thọ 66 tuổi. Ông đã liên tục cầm quyền ở nước cộng hòa Trung Á này hơn hai thập niên, từ năm 1985. Với nguồn năng lượng thiên phú rất dồi dào, ông Niyazov đã biết cách tạo ra cho dân tộc mình một đời sống dễ chịu và vì thế, đã giành được uy tín cao (ông từng có danh hiệu "Turkmenbashi", tức là "Người cha của mọi người dân Turkmenistan"). Sau khi ông Niyazov qua đời, quyền lực ở đây lọt vào tay bộ máy an ninh từng là thân cận với ông

Ông Saparmurat Niyazov.

Thái Minh Tuyến
.
.