Lính hình sự nơi cửa ngõ Tây Bắc:

Những cuộc truy lùng theo “bóng chim tăm cá”

Thứ Tư, 04/07/2012, 11:01

Đó là các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH) Công an tỉnh Hòa Bình. Vượt qua rất nhiều khó khăn khi phụ trách địa bàn cửa ngõ vùng Tây Bắc với địa hình hiểm trở, một bộ phận lớn đồng bào vẫn bị ảnh hưởng bởi các hủ tục và tệ nạn xã hội là nguyên nhân gây ra những vụ án giết người do nguyên nhân xã hội; cướp tài sản, trộm cắp…10 năm qua, Phòng CSĐTTP về TTXH luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt không để "nợ" các vụ trọng án…

I - Thượng tá Trần Mạnh Hải, Phó trưởng phòng CSĐTTP về TTXH Hòa Bình là một người cởi mở và hay chuyện. Trước khi luân chuyển về làm Phó phòng Hình sự, anh Hải đã có gần 10 năm làm Phó Công an TP Hòa Bình phụ trách mảng Hình sự, vì thế, cũng đã nếm đủ mùi gian truân, vất vả của lính hình sự miền núi, khi mà để phá được một vụ án, có khi leo đèo, lội suối, ngủ rừng cả tuần là thường.

Anh Hải kể rằng cho tới bây giờ, dù đã rất nhiều lần đi truy bắt đối tượng, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là vụ anh cùng cùng 3 đồng đội vào Nam bắt Bùi Trung Kiên, thủ phạm vụ án giết người cướp của xảy ra hồi tháng 1/2012 này.

21 giờ 30 phút ngày 16/1/2012, Công an TP Hòa Bình nhận được tin báo của thân nhân bà Trần Thị Lan về việc phát hiện bà Lan chết tại quán nước của gia đình ở phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình. Theo trình báo của gia đình nạn nhân thì hung thủ đã lấy đi một chiếc xe máy nhãn hiệu SYM Shark. Sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, các điều tra viên xác định đây là vụ giết người cướp của. Vụ án xảy ra vào đúng thời điểm giáp tết Nhâm Thìn đã gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Vì vậy ngay tối hôm đó, Ban giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập một cuộc họp và quyết phá bằng được vụ án trong thời gian sớm nhất.

Căn cứ vào kết quả khám nghiệm và các tài liệu xác minh, nhận định ban đầu được đưa ra là hung thủ có mối quan hệ với nạn nhân. Vì vậy Ban chuyên án phân công nhiều tổ công tác phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành rà soát các mối quan hệ của nạn nhân.

Mặc dù nạn nhân là người có mối quan hệ khá phức tạp, nhưng sau 3 ngày rà soát, ban chuyên án đã xác định trước thời gian xảy ra vụ án, có một người là Bùi Trung Kiên, nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, thường qua lại với nạn nhân.

Tiến hành rà soát nhanh các tiệm cầm đồ trên địa bàn, trinh sát thu được thông tin chiều tối hôm đó có một nam thanh niên đem một chiếc xe máy đi cầm cố ở vài hiệu cầm đồ nhưng đều bị từ chối vì xe không có giấy tờ. Trong đó có một chủ hiệu cầm đồ nhận ra thanh niên này là Bùi Trung Kiên. Đến ngày 20/1, qua rà soát, truy tìm vật chứng, các trinh sát đã tìm thấy chiếc xe máy của nạn nhân đang để tại bãi gửi xe Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Thu thập tài liệu thì xác định người đem chiếc xe đến gửi chính là Bùi Trung Kiên. Với tài liệu và vật chứng thu được, Ban chuyên án quyết định ra lệnh bắt khẩn cấp Bùi Trung Kiên. Nhưng đúng lúc này thì Bùi Trung Kiên biến mất. Câu hỏi đặt ra là Bùi Trung Kiên đang trốn ở đâu? 

Thượng tá Hải kể rằng sau khi rà soát tất cả các mối quan hệ của đối tượng, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, thông tin thu được xác định Kiên đã trốn vào miền Nam. Ngay lập tức một tổ công tác gồm Thượng tá Trần Mạnh Hải, Đại úy Bùi Việt Hùng (Đội phó Đội trọng án) và hai trinh sát lên đường vào miền Nam.

17 giờ ngày 20/1, lúc này đã là 28 tháng Chạp, tổ công tác có mặt tại TP HCM. Sau khi đến Cục Cảnh sát hình sự phía Nam đề nghị hỗ trợ, tổ công tác lập tức lên đường xuống Bình Dương vì xác định Kiên chỉ có thể lẩn trốn ở các khu công nghiệp có đông người gốc Bắc vào sinh sống và làm ăn.

23 giờ, tổ công tác cùng cảnh sát hình sự Bình Dương bắt đầu triển khai khoanh vùng cư trú, vây bắt nghi can. Tuy nhiên, khó khăn lại phát sinh bởi Bình Dương là thủ phủ của các khu công nghiệp với hàng trăm ngàn công nhân, vì thế nếu có kiểm tra tạm trú tạm vắng hết các khu nhà trọ cũng phải mất ít nhất… 1 tháng. Thượng tá Hải quyết định cho anh em về nghỉ ngơi để tính phương án phù hợp, lúc này cũng đã là 4 giờ ngày 21/1/2012, tức 29 tết.

Thượng tá Hải điện về Ban giám đốc xin chỉ thị, bởi biện pháp kỹ thuật xác định tọa độ của đối tượng không khả thi khi đối tượng không dùng điện thoại di động. Ban giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình lập tức triển khai phương án hai, đó là cử một tổ trinh sát về quê của Kiên ở Tân Lạc, Hòa Bình, để vận động người thân của hắn cung cấp thông tin. Và manh mối đã hé mở khi gia đình Kiên cho biết lần liên lạc cuối cùng về nhà, Kiên thông báo, hắn đang ở nhờ nhà một người em gái họ ở xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Lập tức, kế hoạch vây bắt đối tượng lập tức được triển khai.

Tuy nhiên, khi đến nơi thì người em họ cho biết Kiên vừa… đi chơi. 9 giờ sáng ngày 21/1, tổ công tác có mặt tại khu vực nghi can đang trú ẩn. Nghe tin Kiên là tội phạm trốn nã, chị này đã tích cực hợp tác với các cảnh sát. Bám theo Kiên, tổ công tác bủa vây một ngôi nhà nhỏ, nơi hắn đang xem chơi cờ tướng. Tổ công tác chia làm hai mũi, mũi giáp công của anh Hải vòng ra phía sau ngôi nhà để phòng trường hợp đối tượng manh động chạy trốn. Mũi của Đại úy Hùng trực tiếp vào bắt  Kiên. Khi áp sát Kiên, Đại úy Hùng hô to: "Kiên" thì đối tượng giật bắn mình. Chưa kịp phản ứng gì, Kiên đã bị Đại úy Hùng quật ngã và bắt gọn.

5 giờ sáng ngày 22/1, tức sau đúng một tuần gây án, Bùi Trung Kiên đã "nhập kho" trại tạm giam Công an Hòa Bình. Và cho tới khi nằm trong trại tạm giam, Kiên vẫn không hiểu tại sao hắn đã cất công trốn xa như thế mà vẫn bị bắt quá nhanh. Còn các điều tra viên và trinh sát thì cũng thở phào nhẹ nhõm vì lời hứa sẽ phá vụ án trước tết đã hoàn thành, bởi sau khi hoàn tất thủ tục lấy lời khai ban đầu của đối tượng cũng đã 15 giờ 30 phút 30 tết. Và cho tới lúc ấy, 4 anh em mới tạm thảnh thơi ngồi ăn với nhau một bữa cơm vì suốt mấy ngày truy lùng thủ phạm, chẳng ai nghĩ tới việc ăn uống mà chỉ lo làm thế nào để bắt được hung thủ.

Cảnh sát hình sự Hòa Bình trước giờ lên đường làm nhiệm vụ.

II - Nhưng, đó cũng chỉ là một trong số hàng trăm vụ án mà Phòng Hình sự đã phá trong 10 năm qua. Đặc biệt từ năm 2006 tới nay, Phòng không để "nợ" bất cứ một vụ trọng án nào. Trong số ấy, nhiều vụ trọng án khi bắt tay vào làm, vết tích còn lại hầu như bằng không.

Cho tới bây giờ, Thượng tá Nguyễn Thành, nguyên Trưởng phòng Hình sự, hiện là Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, vẫn còn nhớ vụ án xảy ra vào năm 2008.

Đầu tháng 7/2008, Công an huyện Kim Bôi báo cáo trong hầm lò khai thác than sâu cách mặt đất khoảng 100m  tại khu vực bãi than xóm Vọ, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, có một bộ xương người. Việc phát hiện ra bộ xương người này hoàn toàn tình cờ, bởi đây vốn là hầm than thổ phỉ đã bỏ hoang, sau này một doanh nghiệp xin được giấy phép khai thác mới cho công nhân vào dọn hầm lò để khai thác trở lại thì phát hiện ra bộ xương. Khi khám nghiệm hài cốt các điều tra viên xác định đây là bộ xương phụ nữ và có khả năng chết do bị đánh vào đầu bằng vật cứng. Khám nghiệm hiện trường, các điều tra viên chỉ thu được một chùm chìa khóa đã han gỉ.

Sẽ phải bắt đầu vụ án này từ đâu? Thượng tá Thành kể rằng tính toán mãi anh em quyết định sẽ bắt đầu từ… chùm chìa khóa.

Công việc đầu tiên là rà soát tất cả những đối tượng trên địa bàn, trinh sát phát hiện ra trường hợp của chị Quách Thị V. ở xóm Má, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi đã lâu không thấy xuất hiện tại địa phương. Nhưng V. lại là người có nhân thân khá phức tạp, không chồng nhưng có hai đứa con. Để có tiền nuôi con, V. làm nhân viên cho một nhà hàng nên thường vắng nhà. Gia đình V. cũng chỉ nghĩ V. đang đi làm ăn xa nên không thấy về cũng chẳng quan tâm. Khi trinh sát thử lấy chùm chìa khóa thu được tại hiện trưởng mở cửa căn nhà của V. thì bất ngờ mở được, vậy là manh mối vụ án đã được tìm ra.

Nhưng cái khó là hầu như những người ở cùng xóm Má Kha, đội 2, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi đều không biết chị V. có mối quan hệ như thế nào với các đối tượng ngoài xã hội và làm nghề gì. Họ chỉ biết chị V. không có chồng nhưng có hai đứa con, gửi cho bố mẹ mình nuôi. Họ còn bảo rằng, các mối quan hệ của V. đều lén lút, không công khai nên hàng xóm láng giềng cũng không quan tâm. Manh mối quan trọng nhất được người nhà chị V. cung cấp cho Cơ quan Công an đó là: Bình thường, cứ nửa tháng chị V. lại về nhà một lần đưa tiền cho bố mẹ nuôi các con. Trước khi xảy ra án mạng, chị V. rời khỏi nhà từ đầu 3/2008 và không thấy liên lạc với gia đình. Chỉ biết, hôm chị V. đi khỏi nhà, người đến đưa chị V. đi là một người đàn ông.

Vậy người đàn ông này là ai, liệu đây có phải là hung thủ không, bởi V có rất nhiều mối quan hệ phức tạp. Nhưng qua xác minh thì thấy Cường đã có vợ nhưng vẫn "bồ bịch" với V. Tuy nhiên, việc đấu tranh với Cường rất khó do không có chứng cứ. Ban đầu tại Cơ quan Công an, Cường thừa nhận có quen biết V. nhưng không biết gì việc V. bị chết.

Xâu chuỗi lại quá trình Cường quan hệ với V., các điều tra viên nhận định Cường là hung thủ và kiên trì đấu tranh. Sau nhiều giờ đấu tranh, Cường khai trước đây V. làm ở một nhà hàng và ăn ở tại đó. Khi đến xác minh tại nhà hàng, ban đầu chủ nhà hàng không hợp tác do sợ liên lụy, nhưng sau khi được động viên, chủ nhà hàng cung cấp thông tin cách đó mấy tháng V. đang làm ở nhà hàng này thì xin nghỉ việc về giải quyết việc gia đình, sau đó không thấy V. đến nữa. Sau đó chỉ thấy Cường đến nói V. đã chuyển chỗ làm khác và lấy nốt đồ đạc của V. Biết Cường là "bồ" của V. nên chủ nhà đồng ý cho Cường mang đồ của V. đi.

Với tất cả những bằng chứng thu được, cùng với việc kiên trì đấu tranh, thuyết phục, cuối cùng các điều tra viên đã buộc Cường phải khai ra việc giết người.   

Theo đó, Cường và chị V. quen nhau trong quá trình chị V. làm nhân viên nhà hàng ở khu vực huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Thời điểm ấy, Cường hay đi buôn trâu và có ghé vào quán uống nước. Từ khi quen nhau, hai người trở nên thân thiết và nảy sinh chuyện tình cảm. Tuy nhiên, thời gian trước khi xảy ra án mạng, giữa Cường và chị V. thường xảy ra mâu thuẫn, vì Cường nghi ngờ chị V. có quan hệ mật thiết với người đàn ông khác.

Một ngày đầu tháng 3/2008, hai người về nhà để dự đám cưới của em trai V. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, chị V. bảo Cường đưa mình lên Tân Lạc để làm. Dọc đường, hai người dừng lại nói chuyện và xảy ra cãi nhau. Trong lúc cãi vã, Cường dùng hòn đá đập vào đầu chị V. thấy chị V. không còn thở nữa, Cường lấy chiếc điện thoại di động và đồng hồ của chị rồi đẩy xác nạn nhân xuống hầm mỏ bỏ hoang rồi trở về nhà. Và Cường chẳng thể ngờ sau 4 tháng ném người tình xuống hầm than sâu cả 100m, mình phải vào tù để đền tội.

Sau một tuần lẩn trốn, Bùi Trung Kiên (dấu X) bị áp giải về trại tạm giam.

III - Khó có thể kể hết những câu chuyện như vậy, bởi trong hơn 10 năm qua, Phòng CSĐTTP về TTXH đã khám phá hơn 400 ổ, nhóm tội phạm, bắt giữ xử lý hơn 1.500 đối tượng; tỷ lệ phá án hằng năm đều đạt 75% số án thường và trọng án đạt 100%...

Trong câu chuyện với tôi, Thượng tá Hải bảo rằng đã làm lính hình sự là phải xác định có lệnh là lên đường. Mới đây, vào những ngày đầu tháng 3/2012, ở bản Lũng Xá, xã Lóng Luông (Mộc Châu, Sơn La) đã xảy ra vụ một nhóm đối tượng bắt cóc cháu Sồng Thị Giang, 6 tuổi, để đòi tiền chuộc 500 triệu đồng cùng năm bánh hêrôin. Ở vụ án này, đối tượng bắt cóc liên quan buôn bán ma túy, nên thủ đoạn chúng sử dụng cực kỳ manh động. Lần đầu đến đòi tiền, chúng đã bắn chết con chim cảnh của ông nội cháu Giang để thị uy. Sau khi bắt cháu Giang, chúng chia làm ba nhóm đi đến nhiều tỉnh, thành phố và thay đổi nhà nghỉ liên tục để tránh sự truy đuổi của công an.

Đêm 5/3, hơn trăm cảnh sát đã bao vây nhà nghỉ Ánh Dương ở thành phố Hòa Bình để giải cứu cháu bé. Với yêu cầu phải bảo đảm an toàn tính mạng cho cháu bé. Vì vậy, việc bao vây, kêu gọi đầu hàng và bắt các đối tượng phải tính toán rất tỉ mỉ, tránh để đối tượng manh động xả súng thủ tiêu con tin. Khi kết thúc vụ án này, Giám đốc Công an tỉnh Bùi Đức Sòn khẳng định: việc giải cứu thành công cháu bé, là thành tích chung của Công an tỉnh Hòa Bình, nhưng lực lượng Cảnh sát hình sự vẫn là chủ công

Nguyễn Thiêm
.
.