Những điều ít biết về Liên Hiệp Quốc

Thứ Hai, 10/10/2005, 09:06
Ở LHQ, giờ... cao su được coi là bình thường, ít có cuộc họp nào đúng giờ. Ngoài ra, việc họp hành thâu đêm suốt sáng là chuyện cơm bữa ở LHQ. Vì vậy nhiều đại sứ tuổi già sức yếu không thể chịu nổi phải bỏ về nửa chừng, thay bằng phó đại sứ. Đến khi phó đại sứ mệt, đại diện của phó đại sứ lại thay thế...

Liên Hiệp Quốc (LHQ) là một tổ chức chính trị lớn nhất, có uy tín nhất thế giới với tiền thân là Hội quốc liên (League of Nation - ra đời ngày 28/6/1919, có hiệu lực từ ngày 10/1/1920 và đặt trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ). Ngày 24/10 được coi là ngày LHQ, và 24/10/1949 là ngày đặt viên gạch đầu tiên xây dựng trụ sở LHQ sau khi được Đại hội đồng LHQ quyết định (14/2/1946) địa điểm đặt trụ sở chính tại New York, Mỹ. Tháng 10/1952, phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng LHQ đã khai mạc tại phòng họp lớn trong đại sảnh đường.

LHQ có 6 cơ quan chính, đó là Đại hội đồng LHQ, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Quản thác, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Văn phòng Thư ký và Tòa án quốc tế. Trong đó 5 cơ quan đóng trụ sở tại New York, Mỹ, 1 cơ quan (Tòa án quốc tế), đóng tại Hà Lan.

Tính đến nay, LHQ có tất cả 191 thành viên, trong đó châu Á có 39, châu Phi có 53, Đông Âu và SNG có 27, Tây Âu có 23, Mỹ Latinh có 33, Bắc Mỹ và châu Đại Dương có 16 thành viên. Ngoài ra, còn có 2 quan sát viên thường trực tại LHQ là Vatican và Palestine. Các nước thành viên đều phải tuân thủ theo 111 điều trong 19 chương của Hiến chương LHQ. Trong số 7 đời tổng thư ký chỉ có duy nhất 1 người không tái nhiệm và hiện ông Surakiart Sathirathai, Ngoại trưởng Thái Lan được coi là một trong những ứng cử viên sáng giá vào chức Tổng thư ký LHQ.

Đương kim Tổng thư ký Kofi Annan sinh năm 1938 tại Ghana. Năm 1962, ông bắt đầu làm việc tại Tổ chức Y tế thế giới và từ đó cho tới nay, ông đã có 43 năm làm việc tại LHQ. Ông đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại LHQ như Chuyên viên xử lý các vấn đề về nạn dân, Giám đốc Tài chính, Trưởng ban Nhân sự tại Văn phòng nhân sự của LHQ chuyên phụ trách về người tị nạn của UNHCR, Trợ lý giải quyết các vấn đề quản lý, điều phối và tính toán giúp cho Tổng thư ký...

Năm 1993, ông được cử làm Phó tổng thư ký chuyên phụ trách giải quyết các vấn đề hòa bình. Ông không những hoàn thành xuất sắc công việc của mình, không làm mất lòng Mỹ, Nga, Pháp và Anh, mà vẫn bảo vệ được lợi ích của LHQ, không làm tổn hại tới mối quan hệ giữa các nước lớn... Chính vì vậy mà ông được nhận giải Nobel Hòa bình.

Người đầu tiên giữ cương vị Tổng thư ký LHQ là ông Trygve Lie, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Na Uy, với nhiệm kỳ 6 năm (1/2/1946-10/11/1952). Mặc dù tái đắc cử năm 1951, nhưng  ông Trygve Lie đã buộc phải ra đi (từ chức ngày 10/11/1952) vì tuyên bố ủng hộ LHQ can thiệp quân sự vào cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Tuy bị chết vì tai nạn máy bay trên đường tới Congo (17/9/1961), nhưng Tổng thư ký Dag Hammars Kjold (Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển) vẫn được truy tặng giải Nobel Hòa bình vì những thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ của mình (từ 10/4/1953 đến 17/9/1961). Ông nhậm chức Tổng thư ký LHQ khi mới 47 tuổi.

Sau cái chết của Tổng thư ký Dag Hammars Kjold, ngày 3/11/1961, ông U-Thant, người Myanmar đã được bổ nhiệm làm Tổng thư ký LHQ và tái nhiệm từ 30/11/1962 đến 1/1/1972.

Trong 10 năm tại nhiệm (1971-1981), Tổng thư ký Kurt Waldheim, người Áo đã thăm Trung Quốc tới 3 lần (1972, 1977, 1979) và đây cũng là thời điểm Trung Quốc giành lại chiếc ghế đại diện tại LHQ từ tay Đài Loan.

Tiếp đến là ông Pérez de Cuella, người Peru với nhiệm kỳ 10 năm (1981-1991). Thành tích lớn nhất của LHQ trong thời gian Tổng thư ký Pérez de Cuella tại nhiệm là kết thúc cuộc chiến Iran - Iraq, Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, giải quyết vụ con tin tại Liban...

Người tiền nhiệm của đương kim Tổng thư ký Kofi Annan là ông Boutros-Ghali, một nhà ngoại giao nổi tiếng người Ai Cập. Ông Boutros-Ghali là người duy nhất trong số 7 đời Tổng thư ký không tái nhiệm (từ 3/12/1991 đến 31/12/1996). Mặc dù ngày 19/6/1996, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố không ủng hộ ông Boutros-Ghali ra tái cử chức Tổng thư ký, ngày 19/11/1996, Hội đồng Bảo an vẫn nhất trí đề cử ông Boutros-Ghali ra tái cử nhiệm kỳ 2. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến chương LHQ thì ứng cử viên chức tổng thư ký phải giành được ít nhất 9 phiếu ủng hộ của các nước thành viên Hội đồng Bảo an và 5 phiếu đồng nhất trí ủng hộ của Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc (5 nước thường trực) nên ông Boutros-Ghali buộc phải ra đi.

Ngày 10/12/1996, Hội đồng Bảo an bắt đầu tiến hành bỏ phiếu và trải qua 3 ngày với 7 vòng bỏ phiếu, cuối cùng ông Kofi Annan đã giành được 14 phiếu ủng hộ (Ai Cập cũng bỏ phiếu ủng hộ). 3 ngày sau, ngày 13-12-1996, Hội đồng Bảo an đã thông qua quyết định đề cử ông Kofi Annan làm Tổng thư ký LHQ nhiệm kỳ thứ bảy kể từ ngày 1/1/1997

T.T.P.A (Tổng hợp)
.
.