Những gương mặt mới của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

Thứ Năm, 31/01/2019, 07:12
Với việc nữ Thượng nghị sĩ Kamala Harris tuyên bố chính thức ra tranh cử, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 bên phía đảng Dân chủ đã trở nên đông đúc hơn. Bà Harris là người phụ nữ thứ hai và cũng là người phụ nữ da màu đầu tiên tham gia cuộc đua, với hy vọng viết nên trang sử mới cho nền chính trị Mỹ, cho đến nay vẫn là sân chơi chỉ dành cho nam giới.

Nữ nghị sĩ da màu đầu tiên

Thượng nghị sĩ Kamala Harris mới tuyên bố chính thức tranh cử vào ngày 24-1. Điều này được giới quan sát đánh giá mang ý nghĩa nhất định: Đó cũng là ngày người Mỹ gọi là “Lễ hội sinh nhật Martin Luther King”, một biểu tượng chống kỳ thị chủng tộc, với câu nói bất hủ “Tôi có một giấc mơ Mỹ”.

Động thái tranh cử của bà Harris còn mang một ý nghĩa khác: Cách đây 47 năm, nữ nghị sĩ Shirley Chisholm (bang New York) trở thành người phụ nữ đầu tiên tranh cử Tổng thống Mỹ. Mặc dù theo kế hoạch, bà Harris sẽ “khai trương” chiến dịch tranh cử tại thành phố quê nhà Oakland (California) nhưng ngày 25-1, bà đã có sự kiện tranh cử đầu tiên của mình khi ghé thăm bang South Carolina, nơi các cử tri da màu luôn có tiếng nói quyết định trong các cuộc đua sơ bộ, đã cho thấy bà đang muốn đưa ra thông điệp đầu tiên cho chiến dịch tranh cử của mình.

Việc bà Harris nhấn mạnh vào những sự kiện và địa phương của người da màu ngay trong ngày đầu chiến dịch tranh cử cũng là điều dễ hiểu. Bà từng tạo nên một “hiện tượng” chính trị đáng chú ý tại bang California, từ một thẩm phán khu vực ở San Francisco, Harris đã vươn lên chức Bộ trưởng Tư pháp bang này. Trong cuộc bầu cử quốc hội song song với bầu cử tổng thống năm 2016, bà đã giành chiến thắng và trở thành nữ nghị sĩ của Thượng viện Mỹ.

Từ năm 2008, bà đã gây chú ý khi còn là một thẩm phán khu vực và được giới quan sát đánh giá là một trong những phụ nữ có khả năng trở thành Tổng thống Mỹ trong tương lai. Tuy nhiên, giới quan sát cũng băn khoăn về khả năng bà Harris có thể giành phiếu một cách dễ dàng trong một sàn đấu còn có nhiều cái tên sáng giá khác, có cả những ngôi sao đang lên, như nữ Hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard.

Thành tích khi còn làm thẩm phán khu vực San Francisco và Bộ trưởng Tư pháp bang California có vẻ như không phải là lợi thế tranh cử của bà Harris vì nhiều cử tri còn “dị ứng” với người xuất thân trong ngành tư pháp như bà. Hơn nữa, tuy khá nổi tiếng ở bang California nhưng trên bình diện chính trị quốc gia, bà Harris vẫn còn là nhân vật mới mẻ, chưa được cử tri biết nhiều. Điều này sẽ khiến bà gặp nhiều khó khăn khi phải đối đầu với những đối thủ đang quá nổi tiếng và được cử tri quan tâm nhiều hơn.

Dù thế, bà Harris vẫn ấp ủ ước mơ chính trị của riêng mình khi đưa ra thông điệp tranh cử khá đa dạng, tập trung nhấn mạnh vào vấn đề đoàn kết thống nhất và làm sống lại một nước Mỹ đa văn hóa, đa sắc tộc, không kỳ thị màu da. “Cốt lõi chiến dịch tranh cử của tôi là người dân” - như bà từng nói trong một cuộc họp báo trước khi tuyên bố ra tranh cử tại Đại học Howard, ngôi trường cũ dành cho người da màu nơi bà từng theo học. Người dân mà bà Harris muốn nói đến bao gồm nhiều màu da khác nhau.

Nữ Thượng nghị sĩ Kamala Harris.

Cuộc tranh cử gay gắt

Bà Harris là ứng cử viên thứ 6 chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua sơ bộ trong đảng Dân chủ. Bên cạnh đó còn có 3 người nữa chưa chính thức tuyên bố tranh cử mà chỉ mới thành lập các ủy ban tranh cử mang tính chất thăm dò. Trong đó có 2 người phụ nữ đáng chú ý trên chính trường Mỹ là Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand (bang New York) và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (bang Massachusetts). Ngoài ra, sàn đấu nội bộ đảng Dân chủ còn khoảng 6-7 người nữa có thể sẽ ra tranh cử nhưng chưa có bất cứ tuyên bố nào.

Phần còn lại này bao gồm nhiều cái tên nặng ký, như cựu ứng cử viên Bernie Sanders, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và tỉ phú Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng thành phố New York. Đó là chưa kể bà Clinton, hoặc cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng có thể ra tranh cử.

Nhìn vào danh sách các ứng cử viên tham gia cuộc đua trong đảng Dân chủ năm nay, phụ nữ đang tạo nên một hiện tượng mới, với sự góp mặt của 4 người. Bên cạnh một Kalama Harris tràn đầy sức sống, một ứng cử viên nữ khác cũng hứa hẹn không kém là bà Tulsi Gabbard, nữ nghị sĩ đến từ Hawaii, cựu binh chiến tranh Iraq, đại diện đầu tiên của người theo đạo Hindu gốc Ấn Độ.

Là người thuộc nhóm ủng hộ ông Bernie Sanders trong mùa bầu cử năm 2016, bà Tulsi hiện đang nổi lên như một đại diện tiêu biểu cho phái chính trị thiên tả trong đảng Dân chủ. Với tuổi đời còn rất trẻ (năm nay mới 37 tuổi), bà là một gương mặt mới đầy triển vọng trong phong trào chính trị cấp tiến ở Mỹ. Khi bà Gabbard đắc cử vào Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016, giới bình luận chính trị đã nhận xét rằng đây sẽ là một nhân tố mới khuấy động nền chính trị Mỹ trong tương lai không xa. Quả thật, bà Gabbard hiện là Phó Chủ tịch trẻ tuổi nhất của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.

Cuộc bầu cử năm 2016 cũng là cơ hội giúp Gabbard đưa tên tuổi mình lên top chính trị gia hàng đầu nước Mỹ. Giữa lúc đảng Dân chủ đang rối ren vì vụ bê bối tin tặc tấn công máy chủ e-mail, bà tuy ngoài mặt ủng hộ ông Sanders nhưng bên trong lại ngầm vận động ủng hộ để bà Hillary Clinton giành ưu thế trước ông Sanders, từ đó giúp bà giành chiến thắng, trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Dân chủ.

Cuộc đua sơ bộ trong đảng Dân chủ hứa hẹn sẽ rất sôi động, với những chính sách vừa mang tính dân túy, vừa bảo thủ dân tộc chủ nghĩa. Nhưng nhìn chung, giới quan sát chính trị cho rằng để có thể giành ưu thế rõ rệt và đánh bại được đối thủ bên đảng Cộng hòa, các ứng cử viên đảng Dân chủ cần một thông điệp chung rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Năm 2020 dự báo sẽ là kỳ bầu cử của những người phụ nữ.

An Châu (tổng hợp)
.
.