Những năm cuối đời của Mao Trạch Đông qua lời kể

Thứ Hai, 02/10/2006, 10:00
Cách đây 30 năm (9/9/1976 - 9/9/2006), Chủ tịch Mao Trạch Đông đã trút hơi thở cuối cùng. Khi đó bên cạnh Chủ tịch ngoài những quan chức cấp cao trong Đảng, Chính phủ, Nhà nước, còn có 2 người đặc biệt.

Tuy chức vụ của 2 người này không cao, song những "thâm cung bí sử" mà họ biết thậm chí còn nhiều hơn tất cả những người từng sống bên cạnh Mao Trạch Đông cộng lại. Đó là thư ký Trương Ngọc Phượng và bác sĩ riêng Lý Chí Tuy.

Hồi ức của thư ký Trương Ngọc Phượng

Trương Ngọc Phượng vốn là một nhân viên tạp vụ trên toa tàu đặc biệt của Mao Trạch Đông năm 1960, khi đó cô mới 17 tuổi và chỉ sau 10 năm, năm 1970, cô đã trở thành thư ký quan trọng của Mao Trạch Đông. Một người chưa học qua bất kỳ trường lớp nào, chưa được đào tạo cơ bản nhưng lại có quyền xem những văn kiện của T.Ư Đảng gửi riêng cho Mao Trạch Đông.

Trên thực tế khi đó Trương Ngọc Phượng đã là vị “Tổng quản” từ việc chăm lo sức khỏe, ăn uống đến việc sắp xếp công việc, tiếp kiến cán bộ lãnh đạo, ngay cả Hoa Quốc Phong, Giang Thanh muốn gặp Mao Trạch Đông cũng phải được sự đồng ý của Trương Ngọc Phượng...

Trương Ngọc Phượng kể: Ngày 8/3/1976, xảy ra một chuyện kỳ lạ. 3 thiên thạch lớn đã rơi xuống tỉnh Cát Lâm, viên to nhất nặng tới 1.770kg. Sau sự kiện này, Mao Trạch Đông đã nói: “Trung Quốc có học thuyết nói rằng thiên nhân cảm ứng - điều này có nghĩa là trong nhân gian có sự biến đổi lớn nào thì tự nhiên cũng có những thay đổi tương tự, nó báo trước những điều sẽ xảy ra. Thiên thạch lớn rơi xuống đất ắt là ta sắp chết”.

Vào một ngày Thứ Bảy của tháng 7/1976, Mao Trạch Đông cho gọi 7 người: Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng, Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trần Tích Liên, Kỷ Đăng Khuê và Mao Viễn Tân tới để dặn dò và yêu cầu họ phải đoàn kết. Mao Trạch Đông yêu cầu 7 người nắm tay nhau hát: “Đoàn kết chính là sức mạnh”. Sau khi nghe hát xong, Mao Trạch Đông còn nói: “Bên cạnh các anh còn có Trương Xuân Kiều, Ngô Đức và Diêu Văn Nguyên”.

Tại sao Mao Trạch Đông không xếp Trương Xuân Kiều vào "phi đội" 7 người kia, theo Trương Ngọc Phượng cho biết thì có lần Mao Trạch Đông đã nói: “Nền tảng, uy tín và cơ sở trong Đảng của Trương Xuân Kiều thấp, quân đội không nghe lời anh ta, hơn nữa anh ta để nhiều người biết về quá khứ không sạch sẽ của mình nhưng anh ta có công với Đảng, với Đại cách mạng văn hóa nên để anh ta ở lại Bộ Chính trị làm thường vụ”.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Giang Thanh và Mao Viễn Tân có tìm Trương Ngọc Phượng gạn hỏi về những văn kiện mật mà cô đã được đọc, cô nói: “Theo quy định của tổ chức, tôi đã giao toàn bộ công văn, giấy tờ cho đồng chí Uông Đông Hưng”. Ngày 15/11/1976, Trương Ngọc Phượng mới sắp xếp xong toàn bộ số hồ sơ, giấy tờ của Mao Trạch Đông và đầu tháng 12/1976 cô chính thức rời khỏi Trung Nam Hải.

Từ tháng 12/1976 đến năm 1982, Trương Ngọc Phượng công tác tại Cục Lưu trữ hồ sơ lịch sử số 1 của Trung Quốc, không giữ bất cứ một chức vụ nào, sau đó cô về làm việc ở cơ quan của Bộ Tổng tham mưu và đổi tên là Vương Huệ Duân (Quân). Về sau Trương Ngọc Phượng lại được điều về Quân khu Thẩm Dương làm Phó phòng Hậu cần. Tới năm 1988, cô được điều về phụ trách phòng tiếp đón của cơ quan Bộ Tổng tham mưu, hưởng lương Phó Cục trưởng và lại lấy tên cũ Trương Ngọc Phượng.

Trương Ngọc Phượng hiện nay.

Tháng 8/1990, Trương Ngọc Phượng trở lại công tác tại Quân khu Thẩm Dương. Tới tháng 6/1994, Trương Ngọc Phượng được điều về công tác tại Phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng  thuộc Ban Chấp hành T.Ư. Đầu tháng 7/1994, Trương Ngọc Phượng được đề bạt làm Cục trưởng, được phân 1 căn hộ 3 phòng. Về sau do yêu cầu của Trương Ngọc Phượng nên bà được chuyển tới làm việc tại Bộ Đường sắt và mới về hưu năm 2005.

Giờ đây một trong những niềm vui của Trương Ngọc Phượng là hai cô con gái đã trưởng thành, người là tiến sĩ, người là bác sĩ, làm việc tại Bắc Kinh cùng những kỷ niệm khó quên khi từng làm việc bên Mao Trạch Đông.

Chuyện kể của bác sĩ Lý Chí Tuy

Cùng phục vụ Mao Trạch Đông trong những ngày tháng cuối cùng ngoài Trương Ngọc Phượng còn có bác sĩ riêng Lý Chí Tuy.

Ngày 17/7/1976, Hoa Quốc Phong gọi nhóm y tế đến họp với Bộ Chính trị được tổ chức tại phòng Khánh Tiết, khu hồ bơi cũ. Từ ngày Mao Trạch Đông bị lên cơn đau tim lần thứ hai đến nay đã được 3 tuần và bệnh tình của ông có vẻ ổn định, mặc dầu vẫn còn nguy hiểm vì phổi còn bị nhiễm trùng, thận yếu và nhất là tim có thể lên cơn không biết lúc nào. Chúng tôi trình bày chi tiết với Bộ Chính trị, đồng thời nhấn mạnh đến những điều cần phòng trước cho Mao Trạch Đông.--PageBreak--

Chúng tôi trình bày xong, Giang Thanh lên tiếng chất vấn chúng tôi: Tại sao Mao Trạch Đông lên cơn đau tim đến 2 lần rồi mà còn có thể tái diễn nữa. Bà ta cáo buộc chúng tôi là chuyên phóng đại sự thật để trốn tránh trách nhiệm về tội bất tài không chữa nổi bệnh cho Mao Trạch Đông. Giang Thanh nói Mao Trạch Đông chỉ bị viêm phế quản, còn phổi và tim vẫn tốt; thận lại càng không có vấn đề gì và chỉ trích: “Tôi nghĩ các người chưa được cải tạo nên tính khí tư sản chưa gột sạch. Trong xã hội tư sản, bác sĩ là ông chủ và y tá là đầy tớ”.

Cả nhóm chúng tôi cảm thấy như bị điện giật, còn các y tá ngồi cúi đầu hổ thẹn. Hoa Quốc Phong lên tiếng bênh vực cho chúng tôi; ông nêu hết những việc chúng tôi đã làm và cho rằng như vậy là quá vất vả, hết lòng hết dạ để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy đã có những lời nói đầy thiện ý của Hoa Quốc Phong nhưng cả nhóm vẫn thấy lo về lời cáo buộc của Giang Thanh.

Mấy ngày sau, sức khỏe của Mao Trạch Đông khá hơn chút đỉnh. Tim ông ổn định hơn trước và nhờ có ống truyền thức ăn vào bao tử nên đã có tác dụng rõ ràng. Nhưng ngày hôm sau một tai họa thiên nhiên ập tới - động đất. Khi tôi nghe chuông điện thoại reo, trong ống nói giọng Uông Đông Hưng hét lên: “Nhanh lên, anh ở đâu mà chưa chịu chạy ra ngoài này?”.

Tôi vội chạy đến phòng Mao Trạch Đông, tới nơi đã thấy Vũ Nhã Cư, Lý Linh Thy, Mông Tân Quân và Trương Ngọc Phượng có mặt ở đó. Họ có mặt ngay khi động đất xảy ra. Chiếc giường của Mao Trạch Đông nằm bị lắc dữ dội, cả tòa nhà rung lên, tiếng tôn lợp mái nhà va đập vào nhau kêu rầm rầm nghe đến phát sợ. Mao Trạch Đông khi ấy còn thức, ông hỏi có chuyện gì đã xảy ra. Khi hiểu ra có động đất, ông đã cho đòi Uông Đông Hưng và Vương Hồng Văn vào để tìm chỗ khác an toàn hơn.

Uông Đông Hưng đề nghị đưa Mao Trạch Đông đến biệt thự Cung Uyển nằm về phía tây Bắc Kinh do Thủ tướng Chu Ân Lai trực tiếp trông coi việc xây dựng năm 1972 để dành cho Mao Trạch Đông, nhưng Mao Trạch Đông lại không đồng ý. Uông Đông Hưng nói tiếp, nên dọn đến tòa nhà 202, mới xây năm 1974, đặc biệt có thể chịu được động đất, tòa nhà có hành lang nối liền với hồ bơi, nên ông đồng ý ngay.

Lập tức, chúng tôi đẩy chiếc giường bệnh viện có gắn xe đến chỗ ở mới. Nhóm y tế mang tất cả dụng cụ cấp cứu sang theo. Chỗ ở mới rộng rãi thoải mái hơn khu hồ bơi rất nhiều. Sau trận động đất tình trạng của Mao Trạch Đông đã đỡ hơn tuy bệnh vẫn nặng. Nhóm y tế vẫn làm việc suốt ngày đêm.

Đến 5 giờ chiều ngày 2/9/1976, Mao Trạch Đông lên cơn đau tim một lần nữa, nặng hơn hai lần trước nên chúng tôi phải cấp cứu ngay. Ba ngày sau, ngày 5/9, bệnh tình Mao Trạch Đông quá nguy kịch. Hoa Quốc Phong phải gọi Giang Thanh về. Giang Thanh đến vài phút rồi bỏ đi ngay. Bà nói mệt, cần nghỉ ngơi, nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến tình trạng sức khỏe của Mao Trạch Đông.

Các bác sĩ đều không hiểu sự “chai đá” này của Giang Thanh, nhưng Uông Đông Hưng nhìn thấu tâm can của Giang Thanh, bởi bà ta cho rằng, Mao Trạch Đông chính là vật cản cuối cùng để bà ta bước lên đỉnh cao quyền lực.

Chiều ngày 7/9, bệnh tình của Mao Trạch Đông nặng thêm. Khi biết được tình trạng này, Giang Thanh đến tòa nhà 202 giữa lúc Mao Trạch Đông đang ngủ. Bà ta đòi dùng phấn thoa sau lưng cho Mao Trạch Đông, rồi nắn bóp chân tay cho ông. Chúng tôi phản đối, không cho bà làm kinh động tới ông, kị nhất việc xoa bột phấn lên lưng vì làm như vậy sẽ làm hại phổi thêm, nhưng bà ta không thèm nghe, cứ tỉnh bơ ra lệnh cho y tá trực ban phải làm theo “chỉ dẫn”.

Xong việc bà ta ra bắt tay từng người. Cử chỉ này của Giang Thanh làm chúng tôi quá ngỡ ngàng. Tối hôm đó Giang Thanh lại đến để “tìm một số hồ sơ” mà bà ta đã đưa cho Mao Trạch Đông đọc trước đó. Chúng tôi bận lo cho Mao Trạch Đông nên không ai giúp khiến bà ta nổi giận la toáng lên rằng, có người ăn cắp tài liệu, hồ sơ của bà ta. Ngày 8/9, Giang Thanh lại đến. Bà ta bảo chúng tôi phải đổi thế nằm cho Mao Trạch Đông kẻo để nằm bên trái quá lâu rồi không tốt.

Bác sĩ trực lúc ấy không chịu vì Mao Trạch Đông chỉ nằm bên trái mới thở được, nhưng Giang Thanh vẫn xoay người cho Mao Trạch Đông sang bên phải khiến Mao Trạch Đông ngừng thở, sắc mặt xanh. Thấy vậy, Giang Thanh bỏ ra khỏi phòng đi một mạch, chúng tôi lại phải làm cấp cứu, Mao Trạch Đông thở lại được. Hoa Quốc Phong buộc Giang Thanh từ nay không được vào làm cản trở công việc của các bác sĩ.

Nhưng chúng tôi chưa kịp làm gì thêm thì 10 phút sau khi chuông đổ 12 giờ đêm 9/9/1976, tim của Mao Trạch Đông đã ngừng đập

Nguyễn Diệu Hương Ly (Theo Minh báo)
.
.