Những ngày buồn trong Nhà Trắng

Thứ Ba, 19/01/2021, 08:25
Sáng 14-1 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump với cáo buộc kích động bạo loạn sau vụ đám đông ủng hộ ông xông vào tòa nhà Quốc hội trên đồi Capitol. Đây là điều tồi tệ nhất mà ông Trump phải đối mặt, khiến những ngày cuối cùng của ông ở Nhà Trắng trở nên thật đáng buồn.


Tổng thống duy nhất bị luận tội 2 lần

Với tỉ lệ 232 phiếu thuận, 197 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thể hiện quyết tâm cứng rắn nhất buộc Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm cho những gì đã diễn ra trên đồi Capitol hôm 6-1 vừa qua, khiến ông trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị luận tội 2 lần trong một nhiệm kỳ.

Quy trình luận tội Tổng thống Mỹ giờ đây được đẩy lên Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Trong một tuyên bố, Tổng thống đắc cử Joe Biden cho rằng Hạ viện đã thực hiện quyền hạn của mình để “buộc Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm” và ông hy vọng “lãnh đạo Thượng viện sẽ tìm ra cách giải quyết trách nhiệm hiến định của mình về việc luận tội, đồng thời giải quyết công việc cấp bách khác của quốc gia”.

Bà Nancy Pelosy - Chủ tịch Hạ viện Mỹ công bố điều khoản luận tội vừa được thông qua.

Theo hiến định, trong phiên tòa luận tội ở Thượng viện, nếu có đủ 2/3 trên tổng số 100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu tán thành thì Tổng thống Mỹ sẽ bị buộc tội và phế truất. Sau đó, chỉ cần hơn 50% số thượng nghị sĩ đồng ý cấm ông nắm giữ chức vụ trong tương lai. Để đạt tỉ lệ như trên thì ít nhất phải có 17 thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ luận tội. Theo giới phân tích, đảng Dân chủ khó lòng lôi kéo nhiều thành viên đảng Cộng hòa như thế.

Tuy nhiên, có một nhân vật có thể làm thay đổi cục diện vấn đề. Đó là ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện. Tiếng nói của ông có thể khiến các thành viên khác của đảng Cộng hòa nghe theo. McConnell cho rằng Tổng thống Trump đã phạm nhiều tội có thể đưa ra xét xử tại phiên tòa Thượng viện và ông cũng đang tỏ vẻ bực tức với ông Trump. Nhưng, việc đưa ra tuyên bố ủng hộ luận tội hay không là vấn đề hệ trọng nên ông McConnell chưa đưa ra quyết định nào. Hơn nữa, việc có đến 10 thành viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện ủng hộ luận tội tổng thống cho thấy trong nội bộ đảng Cộng hòa ngày càng có nhiều người quay lưng, bất mãn với ông Trump.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những nghị sĩ của cả hai đảng cho rằng việc luận tội Tổng thống Trump là điều không có lợi cho nước Mỹ. Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, từng nói rằng ông Trump phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công hôm 6-1, đưa ra lời cảnh báo rằng việc luận tội sẽ thổi bùng ngọn lửa chia rẽ đảng phái hơn nữa. Thay vì thế, ông đề xuất một phương án khác, đó là chỉ nên “khiển trách” Tổng thống Trump.

Ngay cả ông McConnell cũng cho rằng sẽ “không có cơ hội” luận tội ông Trump trước lễ nhậm chức của ông Biden, bởi theo ông McConnell quy trình luận tội sẽ bắt đầu sớm nhất là khoảng thời gian lễ nhậm chức. Do đó sẽ khó có khả năng Trump bị phế truất.

Về phần Tổng thống Trump, sau khi Hạ viện thông qua điều khoản luận tội, ông đã phát hành một video clip, trong đó tuyên bố lên án bạo lực một cách muộn màng và kêu gọi những người ủng hộ ông bình tĩnh trước lễ nhậm chức của ông Biden vào tuần tới.

An ninh căng thẳng trước lễ nhậm chức

Chưa bao giờ một lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ được chuẩn bị trong bầu không khí căng thẳng như lần này. Mặc dù Quốc hội đang chuẩn bị phiên luận tội và Tổng thống Trump đã đưa ra lời kêu gọi “bình tĩnh”, tình hình an ninh ở thủ đô Washington và cả nước Mỹ không vì thế mà yên ổn hơn. Sau vụ bạo loạn ở đồi Capitol, thành phần cực đoan và ủng hộ ông Trump vẫn chưa chịu dừng lại, thậm chí còn đe dọa sẽ gây ra những vụ tấn công mới trong ngày nhậm chức của ông Biden. Cục Điều tra liên bang (FBI) đã đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ tấn công khủng bố có vũ trang trong ngày lễ nhậm chức của ông Biden.

Hình ảnh lính Vệ binh Quốc gia ăn ngủ la liệt trong tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Hôm 14-1, Cục Mật vụ Mỹ đã bắt đầu chỉ huy công tác chuẩn bị bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức tại Điện Capitol và các tòa nhà khác của liên bang. Cơ quan đầu não đảm bảo công tác an ninh có tên gọi là Trung tâm Chỉ huy đa cơ quan (MACC) đặt tại trụ sở Văn phòng Cục Mật vụ tại Washington DC, bao gồm đại diện đến từ khoảng 50 hoặc 60 cơ quan, đơn vị, công ty trên khắp nước Mỹ. Đặt dưới sự chỉ huy của MACC còn có các cơ quan như FBI, Vệ binh Quốc gia, Cục Cảnh sát quốc gia. Cùng tham gia công tác bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức là lực lượng hùng hậu lên đến 15.000 lính Vệ binh Quốc gia, hàng ngàn cảnh sát và sĩ quan tác chiến cùng lớp hàng rào bảo vệ bằng thép cao đến gần 2 mét.

Bài học từ vụ bạo loạn trên đồi Capitol đã khiến an ninh tại đây được thắt chặt rất cao. Lực lượng Cảnh sát Capitol được yêu cầu thường xuyên báo cáo tình hình an ninh cho lãnh đạo đảng Dân chủ, đồng thời hàng ngàn lính Vệ binh Quốc gia cũng được tăng cường để hỗ trợ bảo vệ tòa nhà Quốc hội xuyện suốt từ đây cho đến ngày ông Biden nhậm chức. Một hệ thống các máy quét kim loại đã được triển khai tại các cửa ra vào tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn chặn những kẻ quá khích mang hung khí vào.

Theo nữ phát ngôn viên Justine Whelan, kể từ thời Tổng thống Bill Clinton, Cục Mật vụ là cơ quan được giao trọng trách chỉ huy việc đảm bảo an ninh các sự kiện lớn của nước Mỹ, bao gồm lễ nhậm chức của tổng thống. Công tác an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden đã được cơ quan này lên phương án từ cách đây một năm. Việc kích hoạt công tác bảo đảm an ninh sớm hơn thường lệ xuất phát từ vụ bạo loạn trên đồi Capitol và những mối đe dọa được FBI phát hiện trong những ngày sau đó.

An Châu (Tổng hợp)
.
.