Những ngày cuối đời của cựu tổng thống Indonesia Suharto

Thứ Hai, 19/11/2007, 10:45
Trong một căn nhà nhỏ khiêm tốn nằm ở khu trung tâm thủ đô Jakarta của Indonesia, người ta thấy một ông già 86 tuổi, tóc bạc trắng, ngày ngày tha thẩn đơn độc một mình, không ai thăm viếng, chỉ thỉnh thoảng có các con ông về thăm vào những ngày cuối tuần. Con người cô độc đó không ai khác chính là cựu Tổng thống Indonesia Suharto - người một thời nắm trong tay quyền lực tuyệt đối và tại vị đến trên 30 năm...

Gần 10 năm sau khi bị buộc phải thoái vị, cựu Tổng thống Indonesia Suharto đang rơi vào sự quên lãng của người dân xứ nghìn đảo. Nhà viết tiểu sử Retnowati Abdulgani-Knapp - tác giả của quyển tiểu sử mới nhất về Suharto - cho biết, ông Suharto hiện sống trong một căn nhà nhỏ ở trung tâm thủ đô Jakarta.

Ông đã sống ở đó suốt từ khi thoái vị tháng 5/1998, và hầu như ít khi rời khỏi nhà. Rất ít người muốn đến hoặc được mời đến thăm ông, ngoại trừ 6 người con của ông và một vài nhân vật có quan hệ chặt chẽ với ông thời đương chức, trong đó có đương kim Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.

Ngay cả những người trong đám đông từng kết tội ông và hô vang khẩu hiệu “Hãy treo cổ Suharto!” những năm trước đây giờ cũng không còn ai để ý đến ông. Có vẻ như đất nước Indonesia ngày nay đang nhìn về phía trước hơn là quan tâm đến một con người của quá khứ, từng một thời khét tiếng là “Tổng thống độc tài”, nhà lãnh đạo mặc áo lính nổi tiếng với chính phủ “Orde Baru” (Trật tự mới).

Suharto sinh ngày 8/6/1921 tại làng Godean, Yogyakarta thuộc miền Trung Java. Cũng theo Abdulgani-Knapp, Suharto từng trải qua một tuổi thơ có thể nói là “dữ dội”.

Mới vài tuổi đầu (có tài liệu ghi là vài tuần tuổi), Suharto đã bơ vơ sau khi cha mẹ ly hôn. Cậu bé Suharto đã phải sống nhờ từ nhà này sang nhà khác cho đến khi cô ruột của ông lấy chồng là viên sĩ quan quân đội Prawirowiharjo, Suharto mới có được cuộc sống ổn định.

Ông Prawirowiharjo cũng chính là tấm gương và hình mẫu để Suharto học tập và sau này đi theo con đường binh nghiệp.

Sự thăng tiến trong đời binh nghiệp của Suharto thật đúng với câu nói “thời thế tạo anh hùng, anh hùng làm thay đổi thời thế”. Gia nhập Quân đội Đông Ấn Hoàng gia Hà Lan (KNIL) vào năm 1940, nhưng Suharto đã mau chóng “đổi màu áo”, quay sang đầu quân cho phát xít Nhật sau khi KNIL đầu hàng quân Nhật.

Thế rồi, khi quân Nhật đầu hàng phe Đồng minh, Suharto lại “đổi màu áo”, gia nhập quân Cách mạng dân tộc Indonesia dưới trướng của lãnh tụ Sukarno.

Sau khi Sukarno và cộng sự Mohammad Hatta tuyên bố độc lập, sáng lập nước Cộng hòa Indonesia, Suharto lặng lẽ vạch kế hoạch để tạo tên tuổi cho riêng mình. Đó là lần Suharto chỉ huy một đơn vị quân sự do mình tự thành lập (Tiểu đoàn X thuộc Trung đoàn I) đánh đuổi tàn quân Nhật quanh khu vực Yogyakarta.

Trong giai đoạn đầu bảo vệ Nhà nước Indonesia non trẻ, Suharto đã tích cực tham gia kháng chiến chống sự quay trở lại đô hộ của thực dân Hà Lan, dẫn đến sự công nhận chính thức nước Cộng hòa Indonesia vào tháng 12/949. Sau đó, Suharto tiếp tục chỉ huy các chiến dịch trấn áp phiến quân ở Ambon. Nhờ những thành tích này, Suharto được phong hàm thiếu tướng vào năm 1954...

Trong cuộc đời Suharto, có 2 điều người ta không thể quên khi nhắc đến ông. Đó là cuộc đàn áp đẫm máu những người cánh tả Indonesia, làm chết hơn 300 nghìn vào năm 1965, và chính sách thanh trừng người gốc Hoa dẫn đến cái chết và mất tích của hàng vạn người nữa.

Tháng 3/967, Suharto lên làm quyền Tổng thống thay thế ông Sukarno. Ông Sukarno đã bị Suharto lật đổ từng bước bằng cách lấn dần quyền hành và dùng áp lực phe cánh của mình trong quân đội và trong Quốc hội để tước hết quyền hành và phế truất ông. Tháng 3/1968, Suharto chính thức nhậm chức Tổng thống.

Ngay sau khi lên làm Tổng thống Indonesia, Suharto đã nhanh chóng thiết lập và thể chế hóa “Trật tự mới” (Orde Baru) bằng cách thành lập các tổ chức KOPKAMTIB (Bộ Chỉ huy chiến dịch phục hồi an ninh trật tự) và BAKIN (Cơ quan Điều phối tình báo nhà nước).

Đây được xem là 2 cơ quan mật vụ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chế độ Suharto. Dưới ô dù, bè phái của chính quyền “Trật tự mới”, các tướng tá và thành viên đảng Golkar đã mặc sức tham ô, móc ngoặc với giới doanh nghiệp thao túng nền kinh tế quốc gia, làm giàu bất chính.

Điều mà người dân Indonesia lên án ông chính là các hành động đẫm máu trong quá khứ, và các cáo buộc tham nhũng trong suốt 30 năm ông cầm quyền. Cho tới gần đây (tháng 9/2007), Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng thế giới (WB) vẫn xếp Suharto đứng đầu danh sách tham nhũng toàn cầu.

LHQ và WB căn cứ vào bản báo cáo của Tổ chức Trong sạch quốc tế cho rằng ông Suharto đã biển thủ khoảng từ 15 tỉ USD đến 35 tỉ USD tài sản quốc gia trong 30 năm cầm quyền.

Cũng trong thời gian đó, những người thân thuộc (các con và gia đình ông) và vây cánh của ông cũng đã được hưởng lợi rất lớn từ việc nắm giữ các doanh nghiệp lớn, các ngành nghề béo bở. Nhiều người trong số họ đến ngày nay vẫn là người giàu có nhất Indonesia và tiếp tục điều hành công việc làm ăn phát đạt.

Năm 2000, ông Suharto bị giam giữ tại gia để phục vụ cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào ông và gia đình ông. Tuy nhiên, sau đó ông đã được tại ngoại do các bác sĩ khẳng định ông không đủ sức khỏe để hầu tòa.

Cũng trong năm này, Tommy, con trai ông, bị tòa tuyên án 15 năm tù giam vì tội chủ mưu sát hại một thẩm phán điều tra gia đình ông. Thế nhưng chỉ 5 năm sau, năm 2006, Tommy đã được trả tự do.

Bản thân ông Suharto hiện đang tiếp tục bị truy tố tội biển thủ 1,5 tỉ USD tiền quỹ của một tổ chức từ thiện do ông sáng lập. Nhưng một lần nữa, các hồ sơ chứng cứ phục vụ xét xử ông Suharto lại biến mất một cách bí ẩn ngay tại văn phòng Tổng chưởng lý...

Cho dù có bị xét xử hay không thì ông Suharto hiện cũng đang tự nguyện chịu sự trừng phạt của số phận. Đương thời, Suharto nổi tiếng là “vị tướng cười” (do ông hay mỉm cười khó hiểu). Còn nay thì, theo nhà viết tiểu sử Abdulgani-Knapp, nụ cười của ông đã trở nên ngờ nghệch

An Châu (tổng hợp)
.
.