Những nghi ngờ thiếu căn cứ về vợ cũ Tổng thống Mỹ

Thứ Năm, 18/01/2018, 17:14
Mối nghi ngờ người vợ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump là điệp viên KGB bắt đầu xuất hiện vào tháng 12-2016 khi dư luận ồn ào về các mối quan hệ bí mật giữa ông và bộ sậu tranh cử của ông với người Nga.


Khi cuộc “săn phù thủy” về mối quan hệ với nước Nga lên cao trào, bất cứ ai có liên hệ với người Nga, thậm chí là những quốc gia từng nằm trong khối Xã hội chủ nghĩa của Liên Xô cũ cũng đều bị mang ra soi mói.

Ivana Trump, tên thời con gái là Ivana Zelnickova, người vợ đầu tiên của ông Trump, bị nghi ngờ là điệp viên của Liên Xô bởi một số lý do. Thứ nhất, bà xuất thân quê quán ở Tiệp Khắc thuộc khối Xã hội chủ nghĩa. Thời học sinh trung học, Ivana là một nữ sinh năng nổ, xung phong đi đầu trong các phong trào của nhà trường và địa phương.

Vào đại học, Ivana tham gia câu lạc bộ trượt tuyết và nằm trong đội tuyển trượt tuyết quốc gia. Sau nhiều lần đến Italia và Áo, Ivana bắt đầu “bén mùi” với hàng hóa xa xỉ của thế giới phương Tây. Việc rời khỏi đất nước Tiệp Khắc để đi tìm những chân trời mới luôn thôi thúc giới trẻ Tiệp Khắc lúc bấy giờ, và Ivana cũng trong số họ. Tuy nhiên, cách Ivana rời khỏi đất nước Tiệp Khắc và đến Mỹ làm cho những người Mỹ bảo thủ nghi ngờ bà là điệp viên.

Năm 1972, Ivana làm đám cưới với một vận động viên trượt tuyết người Áo để xin hộ chiếu Áo và rời khỏi Tiệp Khắc một cách hợp pháp vào tháng 9-1972 theo diện đoàn tụ gia đình với người chồng mới cưới. Rồi từ Áo, Ivana đến Canada và từ đây bà đến New York.

Ông Donald Trump và bà Ivana sau khi cưới nhau năm 1977.

Không như vận động viên quần vợt Navratilova, Ivana chưa bao giờ bị các cơ quan chức trách Tiệp Khắc xem là “mất tích” sau khi bà rời khỏi đất nước. Trái lại, bà vẫn được chào đón mỗi khi trở về đất nước để thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn. Sau hãng sản xuất giày Bata, Ivana là cái tên nổi tiếng nhất ở Zlin. Bà thường xuyên về thăm quê, mang theo các con để chúng thăm ông bà và biết được nơi sinh ra mẹ của chúng, và cũng để giới thiệu cho chúng biết về nền văn hóa Xla-vơ nơi quê ngoại.

Năm 1987, hai năm trước khi Tiệp Khắc rời khỏi khối xã hội chủ nghĩa, tách thành hai nước Séc và Slovakia, Ivana lúc này đã là một ngôi sao khá nổi tiếng ở Mỹ, đi cùng chồng trong chuyến đầu tiên lúc ông Trump đến Moscow. Khi hai người ly dị, ông Trump tiếp tục duy trì mối quan hệ với những người bạn Nga, còn Ivana theo đuổi những món hàng thời trang sang trọng, đắt tiền của thế giới phương Tây.

Lý do thứ hai là việc cơ quan mật vụ Tiệp Khắc StB lập hồ sơ theo dõi ông Trump và bà Ivana. Theo truyền hình Cộng hòa Séc, khi Ivana gặp gỡ doanh nhân Donald Trump và hai người cưới nhau vào năm 1977, StB bắt đầu theo dõi và lập hồ sơ lưu trữ về hai người. Mấu chốt của sự nghi ngờ là ở đây. Vì sao mật vụ Tiệp Khắc lại lập hồ sơ theo dõi doanh nhân Trump? Phải chăng bà Ivana là điệp viên của KGB nên khi bà có mối quan hệ tình cảm với một người Mỹ, họ phải theo dõi và lưu trữ hồ sơ về ông?

Dư luận không đề cập cụ thể việc bà Ivana có phải là điệp viên KGB hay không, nhưng báo chí xâu chuỗi các chi tiết thông tin trong hồ sơ lưu trữ để từ đó suy đoán bà có thể là điệp viên Liên Xô. Một lý do khác được giới sử học Séc biện giải, đó là StB đánh dấu hỏi do đâu mà bà Ivana từ thân phận thấp hèn bỗng trở thành một “ngôi sao” trong giới thượng lưu Mỹ.

Không chỉ theo dõi Ivana và Donald Trump ở nước ngoài, StB còn đếp gặp ông Milos Zelnicek, cha của Ivana để thẩm vấn ông về Ivana và Donald Trump sau chuyến ông tới Mỹ thăm con gái.

Trụ sở cơ quan mật vụ StB tại Prague.

Hồ sơ mật vụ StB có ghi rõ, khi Ivana sinh người con thứ hai Ivanka, bà được nhận một khoản tiền gọi là “thưởng” do sinh con trị giá đến 1 triệu USD. Thông tin này do đâu mà StB có được? Có phải do một ai đó bí mật thông báo hay không? Hồ sơ cũng lưu lại những thông tin chi tiết về việc doanh nhân Donald Trump hào phóng chi tiền tài trợ cho các chính trị gia, từ đó ông luôn có được nguồn thông tin hậu trường cực tốt giúp ông biết trước được những sự kiện chính trị sắp tới, chẳng hạn như kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1988.

Theo tiết lộ của ông Zelnicek, Ivana đã cam đoan chắc chắn với ông trước khi cuộc bầu cử năm 1988 diễn ra rằng George H. W. Bush (Bush cha) là người chiến thắng, và kết quả đúng như thế. Thực ra, chuyện ông Bush cha giành chiến thắng có thể đoán trước được một cách dễ dàng, vì thực tế cuộc đua đã cho thấy đối thủ của ông, Michael Dukakis, đã rơi vào thế hết sức khó khăn, hầu như không thể đấu ngang ngửa với ông.

Trong khi đó, ông Trump cũng không hề giấu giếm chuyện tài trợ cho các chính trị gia, vì thế những thông tin mà điệp viên của StB gửi về nước chẳng qua chỉ cần thu thập từ tin tức công khai trên báo chí.

Năm 2017, sau 40 năm lưu trữ dưới dạng “Tối mật”, hồ sơ về ông Trump và bà Ivana bắt đầu được công khai hóa và được đăng tin trên truyền thông Cộng hòa Séc. Những thông tin chi tiết trong hồ sơ tuy có vẻ như ám chỉ Ivana là “điệp viên” Liên Xô, nhưng chúng không nêu rõ bà từng giao dịch với tình báo Xôviết, và đầu mối giao dịch là ai. Sự nghi ngờ này có lẽ là sản phẩm của những cái đầu “nhìn đâu cũng thấy điệp viên Nga” cố nghĩ ra mà thôi.

An Tôn (tổng hợp)
.
.