Những scandal lớn của chính khách trong năm 2009

Thứ Sáu, 05/02/2010, 18:40
Năm 2009 được coi là "năm được mùa" của những scandal lớn trên chính trường thế giới bởi nhiều nguyên thủ quốc gia, cựu lãnh đạo và thành viên nội các, cũng như các chính trị gia đã bị giới truyền thông bêu tên, phải hầu tòa, thậm chí tiêu tan sự nghiệp vì nhiều nguyên nhân.

Từ nguyên thủ quốc gia...

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi không những bị Chánh án Tòa án Hiến pháp tước quyền miễn tố (7/10), mà còn vướng vào vụ bê bối gái gọi, cũng như chưa giải quyết xong vụ ly hôn. Người đẹp Patrizia D'Addario đã bí mật ghi âm cuộc đối thoại với ông S.Berlusconi trước khi hai người quan hệ với nhau. Trong cuốn "Hôn và kể" mới phát hành hôm 24/11, Patrizia D'Addario còn tiết lộ nhiều bằng chứng về "đêm gối chăn mặn nồng" với ông Berlusconi. Patrizia D'Addario cho biết, cô quyết định tiết lộ chuyện chăn gối với Thủ tướng bởi ông không giữ lời hứa giúp cô xây một khách sạn tại thị trấn Bari, bờ biển Adriatic của Italia.

Từ trái sang phải, trên xuống dưới: Thống đốc bang Nam Carolina và người tình Argentina, Thủ tướng Silvio Berlusconi và gái gọi Patrizia D'Addario, cựu Tổng thống Moshe Katsav và cựu Thủ tướng Pháp Dominique De Villepin.

Thủ tướng Berlusconi còn đang "nợ 3 vụ kiện". Thứ nhất, hối lộ luật sư người Anh David Mills hơn 400.000 euro (khoảng 875.000 USD) để cung cấp bằng chứng sai trước tòa. Thứ hai, gian dối về bản quyền truyền hình đối với Tập đoàn Fininvest. Thứ ba, dùng tiền mua chuộc các nghị sĩ cánh tả để lật đổ chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Romano Prodi hồi tháng 2/2008 để trở lại ghế Thủ tướng. Ông Berlusconi cũng mới bị sát thủ Gaspare Spatuzza tố cáo, đã hứa trợ giúp mafia cách đây 20 năm. Cựu thẩm phán chống tham nhũng Antonio Di Pietro là một trong những người muốn đưa Thủ tướng S.Berlusconi ra xét xử với những tội tham nhũng, gian lận thuế, cấp tài chính trái phép cho các đảng phái chính trị.

Sau một thời gian che giấu, cuối cùng Tổng thống Peru Alan Gabriel Ludwig Garcia Perez cũng quyết định thừa nhận cậu con riêng Federico Garcia Cheesman. Việc lần đầu tiên cùng con riêng xuất hiện trước công chúng chứng tỏ người thân trong gia đình Tổng thống Perez đã chấp nhận có thêm thành viên mới.

Người dân Paraguay muốn biết Tổng thống Fernando Lugo có bao nhiêu con rơi sau khi có 3 phụ nữ công khai danh tính yêu cầu ông phải có trách nhiệm với họ. Bà Benigna Leguizamon đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm sau khi yêu cầu Tổng thống F.Lugo phải có trách nhiệm đối với đứa con lên 6 tuổi, kết quả một cuộc tình giữa hai người khi ông còn là Giám mục giáo phận San Pedro. Trước đó (13/4), Tổng thống F.Lugo đã thừa nhận là cha của một bé trai khoảng 2 tuổi sau khi mẹ đứa trẻ, bà Viviana Carrillo kiện và đòi xét nghiệm ADN.

Cái chết của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun (23/5) được coi là một cú sốc chính trị lớn tại Hàn Quốc cho dù ông phải đối mặt với lệnh bắt giam vì bị cáo buộc nhận hối lộ 6 triệu USD từ Chủ tịch Tập đoàn Tae Kwang Park Yeon-cha. Ông Roh Moo-hyun trở thành cựu Tổng thống thứ 3 phải trả lời chất vấn cơ quan kiểm sát và là Tổng thống đầu tiên bị Quốc hội phế truất (12/3/2004). Cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã suy sụp kể từ khi vụ tham nhũng có liên quan tới gia đình bị dư luận nói tới và điều này đã tổn hại đến đạo đức và thanh danh của ông. Nhưng sau cái chết của ông Roh Moo-hyun, cơ quan chức năng đã hủy tất cả những cáo buộc đối với cựu Đệ nhất phu nhân Kwon Yang-sook và con trai Roh Gun-ho.

Phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin đã tạm khép lại, nhưng dư âm cũng như hồi kết của nó vẫn là mối quan tâm của nhiều giới. Ông Dominique de Villepin bị cáo buộc âm mưu bôi nhọ Tổng thống N.Sarkozy trước cuộc bầu cử năm 2007. Dư luận coi phiên tòa hôm 21/9 là vụ "Watergate của nước Pháp" bởi nó liên quan tới một số chính trị gia cấp cao, cũng như thành viên trong nội các của cựu Tổng thống J.Chirac, cùng thẩm phán, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo, phóng viên và nhà thầu quốc phòng. Trước khi tòa khai đình, ông Dominique de Villepin đã phát động một chiến dịch truyền thông nhằm cáo buộc Tổng thống N.Sarkozy cố ý chính trị hóa "vụ Clearstream".

Mặc dù rời chính trường khá lâu, nhưng cựu Tổng thống Israel Moshe Katsav vẫn bị hầu tòa và sẽ phải đối mặt với bản án lên tới 16 năm tù, nếu bị kết tội.  Cựu Tổng thống bị buộc tội hiếp dâm một nữ nhân viên dưới quyền khi ông là Bộ trưởng Du lịch. Ngoài ra, ông M.Katsav còn bị buộc tội cưỡng hiếp, tấn công và quấy rối tình dục một số nữ nhân viên dưới quyền khác.

Về phần mình, ông Moshe Katsav luôn khẳng định vô tội và chỉ là nạn nhân của một âm mưu chính trị. Ông Moshe Katsav từng đồng ý từ chức trước thời hạn sau khi đạt được một thỏa thuận trong cuộc thương lượng với những người có trách nhiệm (28/6/2007) nhằm tránh bị buộc tội cưỡng dâm cùng nguy cơ phải ngồi tù. Đây là vụ bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử Israel và cũng là lần đầu tiên một cựu Tổng thống phải hầu tòa vì tội xâm hại tình dục.

Chỉ sau mấy tháng rời ghế Thủ tướng, ông Ehud Olmert đã chính thức bị cơ quan chức năng Israel cáo buộc với một số tội danh như tham nhũng, gian lận và làm giả chứng từ, lừa đảo, che giấu thu nhập… trở thành cựu Thủ tướng đầu tiên của nước này phải hầu tòa. Ông E.Olmert cũng là cựu Thủ tướng thứ 4 của Isarel phải đối mặt với những cuộc điều tra hình sự. Ông E.Olmert từng bị cáo buộc lạm dụng chức vụ (Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp) để trục lợi trong vụ tư nhân hóa Ngân hàng Leumi, lớn thứ hai Israel.--PageBreak--

...đến chính trị gia và thành viên nội các

Từ trái sang phải, trên xuống dưới: Tổng thống Alan Gabriel Ludwig Garcia Perez, Bộ trưởng y tế Thomas Andrew Daschle, ông Yoshitada Konoike, bà Rachida Dati và vợ chồng Trần Thuỷ Biển.

Trước khi chính thức thức rời nội các (22/6) của Tổng thống Pháp N.Sarkozy, Bộ trưởng Tư pháp Rachida Dati từng được giới truyền thông nhắc tới nhiều bởi bà sinh con (tháng 1), nhưng chưa kết hôn. Trước khi rời nhiệm sở, bà R.Dati để lại một tập tài liệu dày 102 trang nêu chi tiết những việc đã hoàn thành trong 2 năm làm Bộ trưởng Tư pháp, trong đó ám chỉ có thể đảm trách ghế Thị trưởng Paris hoặc Tổng thống Pháp trong thời gian tới. Bà R.Dati từng được mệnh danh là "Nữ hoàng sắc đẹp" trong nội các của Tổng thống Sarkozy bởi cựu Bộ trưởng Tư pháp thích xuất hiện trên những tạp chí thời trang, cũng như mua sắm các bộ thời trang cao cấp.

Bộ trưởng Y tế Mỹ Thomas Andrew Daschle từng bị giới truyền thông réo tên sau khi vụ trốn thuế của ông bị phát hiện. Cũng giống như Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, vụ trốn thuế của ông T.Daschle được phát hiện trong quá trình đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống B.Obama kiểm tra nhân thân người được đề cử vào chức Bộ trưởng Y tế.

Thượng nghị sĩ John Ensign đã tiêu tan sự nghiệp chỉ vì bê bối tình ái cho dù ông vừa chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2012. Mặc dù có tư tình với nữ trợ lý từ tháng 12/2007 đến tháng 8/2008, nhưng mãi tới tháng 6/2009, mối quan hệ này mới bị nhắc đến sau khi Thượng nghị sĩ John Ensign được đảng Cộng hòa đề cử làm một trong những ứng cử viên tổng thống năm 2012. Mặc dù được vợ tha thứ, nhưng sự nghiệp chính trị của Thượng nghị sĩ John Ensign có thể chấm dứt sau vụ ngoại tình kể trên.

Cũng trong tháng 6/2009, đảng Cộng hòa buộc phải "chia tay" với một ứng cử viên tổng thống tiềm năng nữa sau khi vụ bê bối tình ái của Thống đốc bang Nam Carolina Mark Sanford bị giới truyền thông điểm danh. Ngày 2/7, ông M.Sanford đã chấp thuận trả lại tiền ngân sách (12.000 USD) cho chuyến đi thăm người tình Maria Belen Chapur ở Buenos Aires.

Vì sử dụng vé tàu hỏa miễn phí mà Công ty Đường sắt Nhật Bản (Japan Railway) cung cấp riêng cho các thành viên

Quốc hội nên Phó chánh Văn phòng nội các Yoshitada Konoike (của cựu Thủ tướng Taro Aso) đã phải từ chức (13/5) và ông lập tức có tên trong danh sách "chính trị gia mất chức vì gái" tại đất nước mặt trời mọc. Ông Konoike đã đi nghỉ với một phụ nữ tại khu nghỉ dưỡng suối nước nóng ở Shizuoka Prefecture tỉnh Shizuoka hồi cuối tháng 4. Ông Konoike buộc phải giải trình vì cả 2 người đều có gia đình và người phụ nữ này đã nhiều lần ở chung phòng với ông trong khu nhà dành riêng cho các thành viên Quốc hội.

Mặc dù tòa đã tuyên, nhưng ông Trần Thủy Biển, người từng đứng đầu chính quyền Đài Loan vẫn tiếp tục kêu oan. Theo bản án tuyên hôm 11/9, ông Trần Thủy Biển phải thi hành bản án chung thân vì tội biển thủ 3,15 triệu USD trong 8 năm cầm quyền (2000-2008), nhận hối lộ ít nhất 9 triệu USD, rửa tiền và giả mạo giấy tờ.

Ngoài ra, cả gia đình ông Trần Thủy Biển còn biển thủ 21 triệu USD từ một quỹ đặc biệt dành riêng cho người đứng đầu chính quyền Đài Loan. Trước khi tuyên phạt Trần Thủy Biển, tòa đã định những mức án khác nhau cho con trai, con dâu, con gái, con rể và vợ của ông

Hương Ly - Phương Anh (tổng hợp)
.
.