Những ưu tiên trong phương hướng hành động của tân Tổng thống Nga

Thứ Bảy, 12/04/2008, 11:30
Báo The Financial Times (Mỹ) ngày 25/3 đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Dmitry Medvedev, vừa đắc cử Tổng thống Nga và sẽ nhậm chức vào ngày 7/5 tới, trong đó ông nêu rõ những phương hướng ưu tiên đặc biệt về phát triển kinh tế và xã hội, những cải cách trong lĩnh vực pháp luật, những biện pháp đấu tranh chống tham nhũng và quan hệ giữa Tổng thống và Chính phủ.

Có thể coi bài trả lời phỏng vấn này như là Chương trình hành động của tân Tổng thống Nga trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới.

Những phương hướng ưu tiên

Ông D.Medvedev nêu ra phương hướng ưu tiên cơ bản là tiếp tục đường lối kinh tế - xã hội đã được phát triển ở Nga trong những năm gần đây. Mục tiêu của đường lối đó là cải thiện chất lượng sống của toàn thể nhân dân Nga.

Nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn sắp tới của Nga là phải chuyển những thành tựu kinh tế vào các chương trình xã hội, phải chứng minh được rằng sự phát triển kinh tế là nhằm nâng cao chất lượng sống của từng người dân Nga.

Ông cho rằng, những năm gần đây, nước Nga mới chỉ bắt đầu được vài chương trình xã hội trong các lĩnh vực giáo dục và y tế. Sắp tới phải nỗ lực duy trì và tiếp tục phát triển những chương trình đó. Một chương trình xã hội quan trọng khác, đó là việc cải thiện nhà ở cho đại bộ phận nhân dân, cũng phải thực hiện bằng được.

Có thể tin tưởng chắc chắn rằng suốt 8 năm qua, nước Nga đã tạo dựng được một hệ thống kinh tế vĩ mô ổn định. Dự trữ tài chính, dự trữ vàng và ngoại tệ của nước Nga chưa bao giờ nhiều và phản ánh đúng tình hình chung của nền kinh tế Nga như hiện nay. Bởi thế, kinh tế Nga hoàn toàn được bảo hiểm trước mọi sự bấp bênh đang diễn ra trên thị trường nguyên – nhiên liệu và tài chính thế giới. Nước Nga đã và sẽ tiến hành đường lối đối ngoại thăng bằng, nhằm bảo vệ  lợi ích của mình, đồng thời tích cực góp phần củng cố an ninh chung ở khu vực cũng như trên toàn thế giới. Như vậy, trên thực tế, những phương hướng ưu tiên của nước Nga là: Duy trì sự ổn định kinh tế, phát triển các quyền tự do kinh tế, phát triển các chương trình xã hội và củng cố địa vị vững chắc của nước Nga trên thế giới.

Cải cách luật pháp và chống tham nhũng

Vốn là một luật sư, ông Medvedev rất quan tâm tới lĩnh vực pháp luật. Ông khẳng định sẽ ưu tiên xem xét cả những văn bản dưới luật, những quyết định xây dựng chính quyền và cả những văn bản riêng biệt.

Ông thừa nhận rằng: “Liên bang Nga là một đất nước mà người dân đôi khi chưa tự giác tuân thủ pháp luật. Đó là điều được hình thành từ xa xưa còn rơi rớt lại”.

Điều cần thiết hiện nay là mỗi công dân phải hiểu rằng nếu không tuân thủ pháp luật thì Nhà nước và xã hội Nga không thể phát triển bình thường.

Theo lời ông, hệ thống tòa án của Nga hiện nay đã được hình thành từ những thế kỷ XVII-XIX, còn kém hiệu quả, nhiều tiêu cực. Bởi thế, nhất thiết phải có những biện pháp cần thiết để làm cho các tòa án trở nên độc lập và khách quan, quá trình xét xử phải dựa trên pháp luật hiện hành.

Các tòa án phải tôn trọng con người, mọi quan tòa đều phải hiểu trách nhiệm về những phán quyết của mình, về số phận của những người đứng  trước vành móng ngựa, nghĩa là phải xét xử trên cơ sở pháp luật, chứ không theo chỉ thị của người nào, cho dù ở những cấp lãnh đạo rất cao.

Chính quyền cần phải tôn trọng tính độc lập và khách quan của tòa án. Không một ai, không một cấp lãnh đạo nào được can thiệp vào công việc xét xử của tòa án.

Về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, ông đưa ra một chương trình chống tham nhũng gồm 3 phần là: Trước hết phải có những sửa đổi về luật hình và xét xử hình sự, kể cả những vụ liên quan đến các cam kết quốc tế. Đây chưa phải là những vấn đề phức tạp nhất, thay đổi luật chưa thể đẩy lùi tham nhũng.

Phần thứ hai là xây dựng một hệ thống các mối kích thích chống tham nhũng, đây sẽ là công việc khó khăn hơn rất nhiều, nó lệ thuộc vào mức sống nói chung của đất nước và đương nhiên tùy thuộc rất nhiều vào việc các đạo luật được hành xử chặt chẽ và gắt gao như thế nào đối với những kẻ vi phạm pháp luật,  những kẻ ưa nhận hối lộ và chạy theo những hoạt động tham nhũng.

Và cuối cùng, cao nhất là phải tạo ra được một hình thái dư luận tinh thần để những kẻ sắp phạm tội, sắp nhận hối lộ có thể dừng ngay lại, vì nếu dấn bước sẽ nguy hiểm khôn lường, có thể hủy hoại cả cuộc sống, thủ tiêu mọi danh vọng, chấm dứt mọi tiền đồ, sẽ không còn được hưởng chế độ hưu trí...

Khi ấy, người ta không chỉ đơn giản sợ nhận hối lộ, mà trong suy nghĩ của những người xung quanh đó là điều không thể chấp nhận. Ông Medvedev cho rằng, chỉ như vậy mới hy vọng ngăn chặn được nạn tham nhũng trong đội ngũ cảnh sát và các viên chức nhà nước.

Quan hệ giữa Tổng thống và Chính phủ

Trả lời câu hỏi “Ai là người quyết định cuối cùng, ông Putin hay ông Medvedev?” (trong trường hợp ông Putin chấp nhận đứng đầu Chính phủ Nga), ông Medvedev cho rằng vấn đề không phải ở chỗ ai là người đưa ra quyết định cuối cùng, mà điều quan trọng là hệ thống chính trị và pháp luật ở nước Nga như thế nào.

Hệ thống đó đã xác lập rất rõ ràng, rành mạch thẩm quyền của tổng thống và chính phủ. Hiến pháp Nga đã xác định ai (tổng thống và thủ tướng) chịu trách nhiệm về những vấn đề gì.

Tổng thống quyết định những vấn đề cơ bản trong chính sách đối nội và đối ngoại, là tổng tư lệnh tối cao, giải quyết những vấn đề then chốt trong việc tổ chức chính quyền hành pháp, là người đảm bảo các quyền và tự do của công dân Nga.

Chính phủ có những thẩm quyền rất lớn của mình. Chính phủ điều hành toàn bộ hoạt động kinh tế, giải quyết những vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực này.

Ông tuyên bố “Nước Nga cần phải có một chính quyền tập trung tối đa, cần phải có sự thống nhất trong giới lãnh đạo, cần phải có sự đoàn kết xã hội. Chỉ như vậy chúng tôi (nước Nga) mới có thể đạt được những mục tiêu đặt ra cho đất nước mình. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng chúng tôi sẽ làm được điều đó”

Ngô Gia (theo Newsru)
.
.