Chuyến công du châu Phi của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev:

Nỗ lực tái xuất lục địa đen của Moskva

Thứ Sáu, 03/07/2009, 05:30
Ai Cập, Nigeria, Namibia, Angola - đó là lộ trình chuyến công du châu Phi của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev trong thời gian từ 23 đến 26/6/2009.

Dù có một vài mục đích khác biệt ở từng quốc gia, nhưng chuyến đi này được nhìn nhận như một bước quay trở lại nhằm bảo vệ và tìm kiếm những lợi ích mới của Moskva tại Lục địa đen, hiện được đánh giá là một thị trường hấp dẫn, một khu vực chủ chốt cung cấp nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào đối với các cường quốc trên thế giới.

Được coi là "một châu lục trẻ" còn chưa được khai thác nhiều, châu Phi - nhờ củng cố ổn định chính trị và giảm bớt đáng kể các cuộc xung đột quân sự đã trở thành một thị trường đầu tư đầy triển vọng, nhất là trong bối cảnh chi phí nhân công tại châu Á đã bắt đầu tăng đáng kể.

Đó là lý do nhiều cường quốc hàng đầu trên thế giới từ vài năm gần đây như Mỹ và Trung Quốc đã có những nỗ lực rất lớn nhằm xây dựng và tăng cường ảnh hưởng của mình tại khu vực này. Dù có vẻ đi sau một vài bước, nhưng nước Nga cũng có những lợi thế riêng của mình.

Dưới thời Xôviết trước đây, châu Phi đã từng là một khu vực chịu nhiều ảnh hưởng từ Moskva nhờ những chính sách ủng hộ xóa bỏ chế độ thực dân tại lục địa này. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này đã dần dần mất đi kể từ khi Liên Xô tan rã, còn nước Nga lại phải vật lộn với những bất ổn và khó khăn của bản thân trong một thời gian dài.

Chuyến công du lần này của Tổng thống Medvedev không chỉ đánh dấu sự quay trở lại của Moskva với các quốc gia Lục địa đen, mà còn là cơ hội để tạo một xung lực mới cho chính sách hợp tác toàn diện của Nga với các nước châu Phi.

Chặng dừng chân đầu tiên của ông Medvedev tại châu Phi chính là Ai Cập, một trong những đối tác hàng đầu của Nga trong thế giới Arập và Hồi giáo. Có thể nói, chính trị cũng là một mục tiêu quan trọng hàng đầu của Tổng thống Nga khi đặt chân tới quốc gia Bắc Phi này.

Ngoài những cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống chủ nhà Hosni Mubarak, ông Medvedev còn có bài phát biểu quan trọng tại trụ sở Liên đoàn các quốc gia Arập (AL), tổ chức đang đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong lĩnh vực này, Nga đang có tham vọng sẽ đóng góp một vai trò lớn hơn trong tiến trình hòa bình tại Trung Đông, cụ thể là đăng cai một hội nghị hòa bình Trung Đông tại Moskva vào cuối năm nay. Sự ủng hộ của một quốc gia có uy tín cao trong khu vực như Ai Cập sẽ là một điều kiện quan trọng giúp đảm bảo thành công cho hội nghị. Nói một cách ngắn gọn hơn, Ai Cập chính là "cánh cửa" giúp Moskva dễ dàng bước chân vào châu Phi cũng như Trung Đông.

Sau cuộc hội đàm trực tiếp với ông Medvedev, Tổng thống Mubarak đã cam kết ủng hộ Nga trong dự án chính trị này, đồng thời tuyên bố: "Chúng tôi đã bàn bạc về một loạt các vấn đề khu vực cũng như quốc tế, đặc biệt là về tình hình tại Trung Đông, các xu hướng phát triển và củng cố quan hệ song phương. Tôi rất mừng khi các quan điểm của chúng tôi về mọi vấn đề đều trùng hợp... Chúng tôi cũng bày tỏ mong muốn của Ai Cập muốn củng cố hơn nữa vai trò của Nga trong nhóm bộ tứ trung gian hòa giải trên trường quốc tế". 

Trong lĩnh vực kinh tế, chuyến thăm này được ghi nhận bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia, cùng một loạt các văn kiện khác nhằm phát triển những mối quan hệ cùng có lợi giữa Nga và Ai Cập. Tổng thống Medvedev còn cho biết, các quan chức nước này còn đang tiếp tục quá trình bàn bạc và tư vấn để tiến tới thành lập những khu vực thương mại và công nghiệp tự do dành cho Nga ngay trên đất Ai Cập.

Quốc gia thứ hai tại châu Phi mà Tổng thống Medvedev ghé thăm chính là Nigeria, nơi có nhiều nguồn tài nguyên giàu có và đa dạng, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt. Có thể dễ dàng hình dung được mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế của Moskva đối với nước này nếu biết rằng, tổng sản lượng trao đổi hàng hóa giữa Nga và Nigeria mỗi năm chỉ xấp xỉ chưa tới 300 triệu USD.

Trong khi con số tương tự của quốc gia này với Mỹ đã lên tới 40 tỉ USD, còn với Trung Quốc đã là 11 tỉ USD. Tất nhiên, lĩnh vực hợp tác đầu tiên giữa hai quốc gia thuộc nhóm khai thác dầu khí hàng đầu trên thế giới chính là đầu tư khai thác các nguồn nhiên liệu.

Dự kiến hai bên sẽ ký kết một thỏa thuận thành lập liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nigeria, trong đó Moskva sẽ đầu tư tới 2,5 tỉ USD cho việc khai thác và xử lý khí đốt của Nigeria. Ngoài ra, các quan chức hai nước cũng sẽ thỏa thuận ký kết một loạt những văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng nguyên tử, đầu tư, vũ trụ và tư pháp v.v... 

Chặng dừng chân thứ ba của ông Medvedev tại Namibia sẽ trở thành chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo cao cấp nhất nước Nga trong lịch sử quan hệ song phương giữa hai nước. Là một quốc gia nằm ở phía tây nam châu Phi, Namibia sở hữu nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú như kim cương, uranium, than đá, chì, kẽm, đồng, thiếc, mangan, bạc, vàng, cẩm thạch v.v...

Chưa kể các chuyên gia vừa phát hiện một mỏ khí đốt lớn tại đây. Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom của Nga đang đề xuất dự án giúp Namibia xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử, do quốc gia này đang trong tình trạng thiếu điện trầm trọng.

Quốc gia cuối cùng mà Tổng thống Medvedev sẽ tới thăm chính là Angola, nơi ông sẽ có những cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Jose Eduardo Dos Santos. Dự kiến hai bên sẽ đặt bút ký một bộ các văn kiện như thông cáo chung của hai Tổng thống, một chương trình hợp tác trung hạn về kinh tế, khoa học - kỹ thuật và thương mại trong giai đoạn 2009-2013, quy chế về một ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.