Nữ cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Barack Obama

Thứ Ba, 06/10/2009, 15:25
Trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama hiện nay đang có rất nhiều chính trị gia và quan chức nhà nước có kinh nghiệm, một phần đáng kể trong số này là người thủ đô, hiểu biết rõ về những chuyện hậu trường tại Washington - một điều kiện quan trọng để một vị Tổng thống "ngoại tỉnh" như Obama có thể nhanh chóng chỉnh đốn lại nội các của mình ngay khi lên nắm quyền.

Tuy nhiên, trợ lý thân cận và tin cậy nhất của ông chủ Nhà Trắng hiện nay lại đến cùng với ông từ Chicago. Đó chính là Valerie Bowman Jarrett - một phụ nữ 52 tuổi nổi tiếng bởi ý thức kỷ luật, yêu cầu cao và khả năng làm việc tuyệt vời, còn được mệnh danh là "nhân vật thứ hai" của Obama.

Tên gọi chính thức cương vị mà Valeria Jarrett đang đảm nhiệm nghe có vẻ nặng nề: Cố vấn trưởng và trợ lý của Tổng thống về các vấn đề quan hệ liên chính phủ và quan hệ công chúng. "Nếu diễn giải theo ngôn ngữ bình dân thì có nghĩa bà là người trung gian giữa Obama với thế giới bên ngoài" - tờ The Guardian của Anh giải thích.

Bản thân Tổng thống Mỹ cũng gọi Valeria là “một người trong gia đình”. Dù sinh ra tại Hawaii, nhưng Obama lại sống rất nhiều năm tại Chicago, cưới vợ người Chicago và có thể nói đã trở thành một người gốc Chicago thực sự. Còn Jarrett lại là một đại diện nổi tiếng của giới thượng lưu tại thành phố này, nên con đường chính trị của cả hai không thể không tiếp cận nhau.

Valerie Jarrett không rời nửa bước khỏi Obama từ những ngày đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của ông. Có thể nói, bà là nhân vật quan trọng đã giúp bồi dưỡng chính trị gia da màu trên biết vượt qua nhiều rào cản truyền thống của xã hội Mỹ để có thể trở thành một tổng thống. Chính vì vậy, Jarrett không chỉ đơn giản là một cố vấn, trợ lý, mà còn là một người bạn thân của Tổng thống.

"Tôi hoàn toàn tin tưởng vào cô ấy" - Obama đã không ít lần khẳng định như vậy trong chiến dịch tranh cử của mình. Đó là lý do khiến báo chí thi nhau nghĩ ra những cái tên lóng, khi gọi Jarrett là "người chị", là "tai mắt" của Obama. Vai trò của Jarrett trong việc xây dựng thành phần chính phủ hiện nay cũng rất lớn - bà là 1 trong 3 nhà lãnh đạo của "nội các chuyển tiếp" được thành lập ngay sau khi ông Obama trúng cử tổng thống.

Người đưa Barack Obama lên làm thượng nghị sĩ  

Năm 1991, đồng nghiệp đưa cho Valerie tóm tắt lý lịch của một nữ luật sư trẻ đặc biệt, người đã quyết định từ bỏ công việc được trả lương cao tại một hãng luật để thử sức mình trong các hoạt động phục vụ thành phố. Tên của bà là Michelle Robinson, một thời gian ngắn sau lấy chồng đổi họ là Obama.

Valerie Jarrett - lúc này đã là nhân vật thứ hai trong chính quyền thành phố đã nhìn thấy ở người phụ nữ này bóng dáng của chính mình. Michelle cũng lo lắng về những vấn đề tương tự như bà nhiều năm trước đây. Michelle mời Valerie cùng ăn tối với mình và người chồng sắp cưới. "Có vẻ như sau khi Daley được bầu, nhà Barack cũng có những mối lo ngại tương tự như tôi: Liệu thị trưởng có đủ quan điểm tiến bộ trong cách điều hành của mình không, Michelle có nên gia nhập đảng Dân chủ hay không?" - Valerie sau đó đã kể lại với các nhà báo.

Cuộc trò chuyện đã nhanh chóng chuyển thành một bữa ăn tối thân mật, khi tất cả đều biết có cùng những mối quan tâm. Sau sự kiện này, Michelle và Barack nhanh chóng có mặt trong hàng ngũ những người bạn thân của Valeria, bà cũng có mặt trong đám cưới của hai người một thời gian ngắn sau.

Khi Valerie rời Văn phòng thị trưởng tới làm việc tại Ban lập kế hoạch của thành phố, bà đã đưa Michelle theo cùng. Cả hai còn cùng làm việc trên những cương vị quản lý khác nhau tại Trường đại học Tổng hợp Chicago. Cũng chỉ chưa đầy một năm làm quen, Valerie đã trở thành người bạn tin cậy nhất của Barack - bà là người đầu tiên được ông giới thiệu về những bản nháp cho cuốn sách "Dreams from My Father", về sau được xếp vào loại best-seller tại nước Mỹ. 

Khi Obama bắt đầu chuyên tâm vào hoạt động chính trị, những kỹ năng và quan hệ đặc biệt tại Chicago của Valerie đã trở thành những yếu tố không thể thiếu cho những thành công ban đầu của ông. Nhiều người đã khẳng định, chiến dịch tranh cử chiếc ghế thượng nghị sĩ từ bang Illinois của Obama chắc chắn không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ tích cực của Valeria, người đã đứng ra giới thiệu Obama cho những nhà tài trợ có tiềm lực lớn. 

Tuy nhiên, trong cuộc sống của Valerie không chỉ có chính trị. Ngoài công việc chính quyền, bà còn là người đứng đầu Công ty Habitat chuyên về bất động sản, là Phó chủ tịch Ủy ban vận động cho Chicago đăng cai Olympic mùa hè năm 2016. Dù rất bận bịu, Valerie cũng không bỏ những công việc trên, ngay cả khi nhân vật được đỡ đầu Obama quyết định dấn thân vào một cuộc chạy đua quyết liệt hơn vào vị trí ông chủ Nhà Trắng.

“Tôi muốn bà ấy làm việc tại Nhà trắng”

Quyết định tranh cử tổng thống của Obama ban đầu đã gặp phải sự chống đối của không ít những chính trị gia da đen, những người không muốn một thủ lĩnh da đen trẻ tách khỏi những vấn đề chuyên đại diện cho cộng đồng da đen gốc Phi để lao vào một cuộc đua rộng lớn hơn có nhiều yếu tố nhạy cảm về sắc tộc. Valerie lại bắt tay vào cuộc. Bà biết tìm kiếm những thỏa hiệp giúp gỡ bỏ mọi hoài nghi của một vài đại diện hàng đầu của cộng đồng người Mỹ gốc Phi đối với Obama.

Ông Obama và nữ cố vấn của mình thậm chí còn có cả những sở thích ẩm thực chung.

Dù bận rộn với việc kinh doanh, nhưng Valerie vẫn dành thời gian đi cùng Obama trong những ngày nghỉ, có mặt tại tất cả những buổi phát biểu quan trọng nhất của ông. Những lúc không gặp nhau, ứng cử viên tổng thống và nữ cố vấn của ông thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Tất nhiên vào những giờ phút thiết yếu nhất, Valerie sẵn sàng bỏ tất cả để tìm cách giải quyết vấn đề.

Trường hợp tương tự đã xảy ra hồi tháng 3/2008, khi Obama bị các đối thủ "đào bới" về những lời phát biểu cực đoan của Jeremiah Wright, trước đó vẫn được coi là người cha tinh thần của ông. Khi đó Obama phải tập hợp tại Chicago tất cả những trợ lý thân cận nhất của mình, đương nhiên không thể vắng Valerie.

Quyết định được thống nhất đưa ra là: Obama cần phải nhanh chóng có phát biểu chống lại những lời nói của Wright. Valerie nghĩ rằng, Obama cần phải kể về một câu chuyện xảy ra trong chiến dịch tranh cử có tác dụng liên kết tất cả những người Mỹ không phụ thuộc vào vấn đề chủng tộc.

Bà đã nhớ ra một chuyện về cô gái người da trắng Ashley Baya từng tham gia tuyên truyền cho mọi người ủng hộ cho Obama. Cô đã kể cho mọi người về việc mẹ mình đã bị ung thư và không có bảo hiểm y tế. Tất cả mọi của cải nghèo nàn trong nhà chính vì vậy đã phải dồn hết để chữa trị cho bà, khiến Ashley phải ăn bánh mì để tiết kiệm tiền.

Cô gái đã nói với cử tri rằng: Obama đang phấn đấu để cho mọi người không rơi vào những tình huống như vậy. Khi những người ủng hộ Obama tụ tập tại thành phố Franklin, Valerie đã yêu cầu họ nói rõ nguyên nhân vì sao họ đến đây. Một người Mỹ gốc Phi đứng tuổi đã nói: "Tôi ở đây vì Ashley".

Ứng cử viên tổng thống trong bài phát biểu của mình đã nhắc tới câu chuyện cảm động trên. Câu chuyện đã giúp xóa tan những nghi ngại của công luận xung quanh những phát biểu mang tính cực đoan của Wright. 

Khi Obama đắc cử tổng thống, một vài quyết định nhân sự đã được ông xem xét và khẳng định ngay từ đầu. Nhưng khi có người thuyết phục ông rằng, Valerie nên nắm giữ chiếc ghế thượng nghị sĩ từ bang Illinois, Obama đã gạt ngay. Ông nói với người đứng đầu văn phòng của mình là Ram Emmanuel: "Tôi muốn bà ấy làm việc tại Nhà Trắng".

Rõ ràng kỹ năng tìm kiếm thỏa hiệp của Valerie luôn là điều kiện quan trọng đối với Obama. Sự có mặt của bà tại Nhà Trắng sẽ giúp Obama dễ dàng đối thoại với các thủ lĩnh cộng đồng người Mỹ gốc Phi thế hệ cũ. Nhưng có lẽ đối với Obama, đây không phải là yếu tố quan trọng nhất. Điều chủ yếu là giờ đây bên cạnh ông, luôn có một người bạn gần gũi, tin cậy, đã từng được tôi luyện trong nhiều thử thách từ quá khứ

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.