Nước Pháp trước ngã rẽ

Thứ Hai, 20/03/2017, 17:40
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay hứa hẹn sẽ có rất nhiều bất ngờ khi mỗi ứng cử viên đều vô cùng “cá tính” với những chương trình, cương lĩnh tranh cử cũng rất mạnh mẽ. Không chỉ có vậy, việc nhiều người trong số này còn “vướng” vào các nghi án cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về tương lai của nước Pháp cũng như Liên minh châu Âu.

Những nhân vật sáng giá

Năm nay hai đảng lớn là Xã hội và Cộng hòa, vốn thay phiên nhau nắm quyền kể từ khi nền Cộng hòa thứ 5 được thiết lập vào năm 1958, có thể bị loại ngay từ vòng bầu cử đầu tiên hôm 23-4. Khi đó, cử tri Pháp sẽ đứng trước hai lựa chọn: Marine Le Pen, lãnh tụ đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN), và Emmanuel Macron, lãnh đạo phong trào tự do Tiến lên (En Marche!) vừa được thành lập hồi năm ngoái.

Sự trỗi dậy của 2 nhân vật này là minh chứng rõ ràng nhất cho một xu hướng đang phát triển ở cấp độ toàn cầu: Sự phân chia cánh hữu và cánh tả không còn quan trọng bằng sự phân chia giữa các xu hướng toàn cầu hóa và đóng cửa bảo hộ. Dù Le Pen hay Macron chiến thắng sẽ tạo nên sức ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới nước Pháp: hoặc là củng cố Liên minh châu Âu (EU), hoặc là làm nó tan vỡ.

Kết quả cuộc thăm dò do hãng Kantar Sofres Onepoint tiến hành cho Báo Le Figaro và các kênh truyền hình RTL và LCI công bố cuối tháng 2/2017 cho biết, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) và nhà lãnh đạo phong trào "Tiến bước" Emmanuel Macron đang là hai ứng cử viên sáng giá lọt vào vòng hai trong cuộc đua tranh chức Tổng thống Pháp sắp tới.

Bà Le Pen và ông Francois Fillon. Ảnh: express.co.uk.

Cựu Thủ tướng Francois Fillon chỉ nhận được 20% tỷ lệ ủng hộ, đứng ở vị trí thứ ba. Điều này đồng nghĩa với việc ông bị loại khỏi cuộc đua. Nếu điều này trở thành sự thật thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cả hai ứng cử viên của đảng Những người Cộng hòa (LR) đại diện cho cánh hữu cũng như ứng cử viên của đảng Xã hội (PS) đại diện cho cánh tả đều vắng mặt ở vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống.

Giải thích về “chiến thắng” bất ngờ ở vòng ngoài này, các nhà phân tích chỉ ra rằng, cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron đã chấp nhận đề nghị liên minh với Chủ tịch đảng Phong trào dân chủ (MoDem) Francois Bayrou đã giúp ông tăng thêm sức mạnh, vượt qua các ứng cử viên khác và có thể đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ bà Marine Le Pen cũng tiếp tục tăng bất chấp những “nghi án” của bà này. Không chỉ tiếp tục thăng tiến về tỷ lệ ủng hộ, bà Marine Le Pen còn dẫn đầu về tỷ lệ "cử tri chắc chắn bỏ phiếu". 78% những người đã lựa chọn bà trong phiếu thăm dò cũng khẳng định rằng "chắc chắn về sự lựa chọn của mình".

Tỷ lệ ủng hộ tăng bất chấp việc bà đang vướng vào nhiều vụ bê bối tài chính và bà cũng từ chối đến gặp cơ quan điều tra sau khi có giấy triệu tập. Trước đó, bà bị cáo buộc chiếm dụng khoảng 340.000 USD từ Nghị viện châu Âu (EP), nơi bà là nghị sĩ, để trả lương cho các trợ lý, những người bị nghi là đã làm những công việc nội bộ của đảng FN, thay vì đảm nhiệm những công việc trợ lý nghị sĩ châu Âu.

Đối với ứng cử viên Francois Fillon, dông bão vẫn chưa qua. Việc Viện Công tố tài chính quốc gia (PNF) của Pháp đã chỉ định 3 thẩm phán tiến hành điều tra về các cáo buộc cho rằng ông đã sử dụng công quỹ để trả lương cho vợ và các con với những "công việc khống" đang khiến tỷ lệ ủng hộ ông giảm 4 điểm, xuống còn 58%. Mặc dù đứng thứ ba trong cuộc thăm dò, nhưng ứng cử viên Francois Fillon vẫn còn cơ hội, do các cử tri ủng hộ ông là những người ít thay đổi quan điểm.

Ông Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: L'Express.

Ưu tiên đối nghịch nhau cho thấy một nước Pháp mâu thuẫn 

Để thu hút cử tri, mỗi đại diện lại có bước đi riêng khi đưa ra những ưu tiên trong chương trình nghị sự nếu trở thành người lãnh đạo của nước Pháp. Phát biểu trước cử tri thành phố Nantes, miền Tây nước Pháp, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Marine Le Pen cam kết nếu đắc cử Tổng thống Pháp, bà sẽ quyết định đóng một tàu sân bay mới cho lực lượng hải quân nước này. Đây sẽ là tàu sân bay thứ hai của hải quân Pháp.

Bà Marine Le Pen nhấn mạnh trong trường hợp đắc cử, ngân sách cho quân đội Pháp chắc chắn sẽ là một trong những ưu tiên của chính phủ. Theo hiến pháp hiện hành, ngân sách quân sự cố định của Pháp không thấp hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và bà Marine Le Pen cam kết sẽ tăng con số này đến 3% GDP vào cuối nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của mình.

Nữ ứng cử viên Marine Le Pen còn tuyên bố ngoài việc xây dựng một tàu sân bay mới, Pháp cần chú trọng phát triển các thế hệ mới của loại máy bay tiêm kích Rafale do nước này sản xuất. Bà Marine Le Pen nhấn mạnh, Pháp sẽ chỉ triển khai các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài trong khuôn khổ bảo vệ lợi ích quốc gia, cũng như sẽ không tiến hành chiến tranh, đồng thời sẽ tái vũ trang ở tầm mức chỉ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.

Trái ngược với bà Marine Le Pen, ứng cử viên trung dung, cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron lại công bố một phần đề xuất nhằm khôi phục tăng trưởng ở khu vực nông thôn nước này. Phát biểu tại một thị trấn ở miền Trung Tây nước Pháp, ông Macron cho biết sẽ đặc biệt chú trọng xây dựng một mô hình tăng trưởng mới.

Ngoài ra, ông cam kết thúc đẩy các biện pháp đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng, thực hiện công bằng xã hội và củng cố niềm tin vào châu Âu. Thêm vào đó, ông Macron cam kết, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, ông sẽ lập kế hoạch đầu tư 50 tỷ euro trong nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 5 năm, đồng thời đầu tư trực tiếp 5 tỷ euro vào lĩnh vực nông nghiệp.

Những ưu tiên khác nhau của các ứng cử viên sáng giá đã cho thấy mâu thuẫn trong lòng nước Pháp.

Cử tri không mặn mà với tầng lớp tinh hoa lãnh đạo

Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới biến động chính trị Pháp năm nay là sự tức giận của cử tri với tầng lớp tinh hoa lãnh đạo. Tổng thống Francois Hollande, thuộc đảng Xã hội, thậm chí không ra tranh cử khi thấy cử tri hoàn toàn quay lưng với ông. Đảng Cộng hòa đối lập với truyền thống trung hữu đã tự làm giảm cơ hội của mình, khi lãnh đạo đảng là ông Francois Fillon cho biết ông đang bị điều tra về việc lấy tiền thuế ra trả lương hơn 1 triệu Euro cho vợ và con cái mình mà không chứng minh được họ đã làm bất cứ việc gì.

Ông Fillon không rút lui khỏi cuộc đua bởi cơ hội của ông đã giảm mạnh nhưng nhìn sang bên cạnh, hai ứng cử viên sáng giá ở vòng 1 cũng chưa chắc đã có nhiều cơ hội chiến thắng. Vì vậy tiếp tục cuộc đua cách làm được giới chính trị gia đánh giá là khôn ngoan trong bối cảnh mọi bất ngờ đều có thể xảy ra.

Một cuộc điều tra năm ngoái cho thấy người Pháp là những người bi quan nhất thế giới. 81% người dân phàn nàn rằng cuộc sống của họ ngày càng tệ đi, và chỉ 3% cho rằng cuộc sống của mình đang trở nên tốt hơn. Nền kinh tế Pháp đã đình đốn từ khá lâu, và có tới 1/4 thanh niên Pháp đang thất nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp Pháp đã tìm cách chuyển sang London (Anh) để tránh thuế cao và các quy định nhiều ràng buộc ở trong nước. Tình trạng các vụ khủng bố liên tiếp xảy ra gần đây cũng khiến người Pháp sợ hãi, gây nhiều rạn nứt xã hội và văn hóa tại quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất châu Âu.

Trong vài tháng qua, các chính trị gia nổi tiếng tại Pháp, trừ bà Le Pen, đều bị đẩy lui khỏi chính trường. Trong cuộc bầu cử chọn ứng viên của phe trung hữu vào tháng 11, cử tri đã “đưa” cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và cựu thủ tướng Alain Juppe “về vườn”. Ứng viên của đảng Xã hội, một cựu thủ tướng khác là ông Manuel Valls cũng thất bại.

Cử tri cũng không ủng hộ ông Francois Hollande, khiến ông này quyết định không ra tranh cử, điều chưa bao giờ xảy ra với một Tổng thống Pháp đương nhiệm. Nước Pháp đã “chán” chính trường được điều hành bởi giới tinh hoa. Rất có thể những người có tư tưởng mạnh mẽ như Le Pen  hay Macron sẽ có cơ hội giành chiến thắng.

Chiều lòng cử tri và dấu hiệu của chủ nghĩa dân túy?

Cả Macron và Le Pen đều hiểu người dân Pháp đang rất tức giận, và biết rằng cần phải tận dụng điều đó để giành chiến thắng. Nhưng hai người này lại đưa ra các kế hoạch hoàn toàn khác nhau cho việc phục hưng nước Pháp. Le Pen đã thành công trong việc biến đảng FN từ một đảng có xu hướng phát xít thành một đảng phản đối toàn cầu hóa, thậm chí còn buộc cha mình phải rời khỏi đảng do chính ông sáng lập. Bà đổ lỗi cho các tác nhân từ bên ngoài, và hứa bảo vệ nước Pháp bằng việc ngăn chặn người nhập cư và tăng cường phúc lợi xã hội.

Bà Le Pen hứa giảm lượng người di cư xuống mức tối thiểu, từ bỏ việc sử dụng đồng euro và tổ chức trưng cầu dân ý để rời EU. Làn sóng chủ nghĩa dân túy dường như không thể ngăn cản được, nước Pháp bờ bên kia của eo biển Manche cũng khó có thể tránh khỏi. Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia (FN) đang nỗ lực chuẩn bị tranh cử, quyết tâm trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Pháp.

Bà Le Pen. Ảnh: RT.

Những ngày gần đây, cuộc thăm dò dư luận trên báo Les Echos (Tiếng vang) của Pháp cho thấy bà Marine Le Pen sẽ chiến thắng trong vòng 1 cuộc bầu cử, nhưng trong vòng 2 sẽ bị hoặc ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon, hoặc ứng cử viên độc lập Macron đánh bại, và khả năng Macron trúng cử lớn hơn Francois Fillon. Cơ chế 2 vòng bầu cử tổng thống của Pháp so với cơ chế cử tri đoàn của Mỹ có thể ngăn chặn có hiệu quả hơn việc bầu ra tổng thống theo đường lối dân túy.

Macron thì lại có quan điểm trái ngược hoàn toàn. Ông này cho rằng càng mở cửa thì nước Pháp càng mạnh hơn. Ông ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại, mở cửa cho người nhập cư, và việc tiếp tục ở lại trong EU. Macron cho rằng cách để tạo thêm việc làm cho người dân Pháp là xóa bỏ các rào cản trong luật lao động, chứ không phải là tạo thêm luật mới. Ông Macron đang thể hiện mình là một nhà cách mạng ủng hộ toàn cầu hóa. Một chiến thắng dành cho ông Macron có thể là minh chứng cho sự trường tồn của chủ nghĩa tự do ở châu Âu.

Từng một thời tự hào là trụ cột của châu Âu, nhiều người Pháp giờ đây cảm thấy đất nước mình đang mất phương hướng. Sau khi kết thúc 3 thập kỉ tăng trưởng liên tục sau Thế chiến thứ 2, nền kinh tế Pháp ngày càng lệ thuộc vào vốn vay và chi tiêu công. Bên cạnh sự bất mãn với kinh tế là nỗi sợ về an ninh khi 3 cuộc tấn công khủng bố trong vòng 18 tháng qua đã làm giảm niềm tin của người dân Pháp. Vốn là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất châu Âu, người Pháp cũng rất lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Bà Le Pen đã tận dụng rất tốt điều này để thuyết phục các cử tri rằng cuộc sống của họ đang bị đe dọa. Bằng cách kết hợp sự hoài nghi trước những thay đổi xã hội của các phần tử bảo thủ ở miền Nam nước Pháp, cũng như sự bất mãn về trào lưu toàn cầu hóa của các phần tử cánh tả truyền thống ở miền Bắc, bà Le Pen đã tạo ra một phong trào dân túy khá lợi hại.

Qua việc xây dựng hình ảnh đối nghịch với giới tinh hoa, đảng FN cũng đánh trúng vào niềm tự hào của người Pháp rằng đất nước của họ là cái nôi của các cuộc cách mạng làm rung chuyển toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu tranh cử của Le Pen là “Nhân danh nhân dân”.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Pháp. Vòng thứ nhất của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay sẽ bắt đầu vào ngày 23-4. Nếu không có ứng cử viên nào giành được quá nửa số phiếu bầu thì 2 ứng cử viên giành được nhiều phiếu nhất ở vòng 1 sẽ được vào vòng bầu cử thứ 2 ngày 7-5, ứng cử viên giành được nhiều số phiếu hơn cuối cùng sẽ chiến thắng.

Sau những biến động vô tiền khoáng hậu ở Anh và Mỹ, đã đến lúc người Pháp phải chuẩn bị tâm lý rằng bất kể điều gì cũng có thể xảy ra. Nước Pháp đã từng làm rúng động cả thế giới vài lần, và điều này vẫn có thể tiếp tục xảy ra lần nữa. Trong một cuộc thăm dò gần đây, 89% người dân Pháp cho rằng nước Pháp cần thay đổi hướng đi. Hướng đi nào cho nước Pháp sẽ được quyết định vào tháng 5 tới đây.

Nguyễn Hòa
.
.