Ông Donald Trump sẽ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” như thế nào?

Thứ Hai, 14/11/2016, 16:45
Với 306 phiếu đại cử tri, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo và chính thức trở thành ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra ngày 8-11.

Với nhiều người, đây là kết quả gây sốc bởi trước đó đối thủ nặng ký là bà Hillary Clinton (dành 232 phiếu đại cử tri) của đảng Dân chủ luôn giành lợi thế trong suốt chiến dịch tranh cử, song đối với những người ủng hộ vị tỷ phú bất động sản này, chiến thắng này không quá bất ngờ bởi lẽ cử tri Mỹ đã lựa chọn được đúng một người có thể đáp ứng được mong muốn của họ về một sự thay đổi đối với tương lai của “xứ cờ hoa”.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sự lựa chọn của cử tri

Có lẽ chính khí chất cứng cỏi và bản lĩnh của ứng cử viên đảng Cộng hòa, một doanh nhân rất thành đạt trên thương trường, là yếu tố thuyết phục được cử tri Mỹ. Điều này được thể hiện trong vòng bầu cử sơ bộ khi ông Trump nhanh chóng vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ, cho dù nhiều người cho rằng ông thậm chí còn không thể trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Cộng hòa.

Không thể phủ nhận những chính sách của ngôi sao truyền hình thực tế này đã đánh trúng tâm lý của một bộ phận đông đảo cử tri Mỹ mong muốn có một sự thay đổi thực sự sau quãng thời gian dài đảng Dân chủ cầm quyền với một nền kinh tế Mỹ bị trì trệ do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, cộng với việc vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế bị suy giảm và ngày càng lép vế trước sự trỗi dậy của các cường quốc như Nga, Trung Quốc...

Đặc biệt khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã thực sự đánh thức lòng tự hào dân tộc của nhiều cử tri. Những cử tri ủng hộ ông Trump không hẳn yêu thích con người ông, mà họ ủng hộ ông vì những mối lo như vấn đề người nhập cư, việc làm, bản sắc,...

Tuyên bố sẽ cắt giảm sự hỗ trợ đối với các đồng minh, giảm can thiệp vào các điểm “nóng” để ưu tiên dành các nguồn lực cho phát triển đất nước trái ngược hoàn toàn với chủ trương “cứng rắn” của bà Clinton, một chính trị gia lão luyện với quan điểm đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Syria, thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống, thúc đẩy chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương...

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của truyền thông đến các cử tri Mỹ quá lớn khi các kết quả thăm dò trước bầu cử liên tục cho thấy cựu ngoại trưởng dẫn trước đối thủ có lúc lên đến hai con số. Điều đó vô hình trung gây ấn tượng mạnh rằng bà Clinton chắc chắn sẽ giành chiến thắng và vì thế nhiều cử tri ủng hộ bà “chủ quan” không đi bỏ phiếu do tin tưởng về thắng lợi của bà. Đó là một trong những nguyên nhân khiến số phiếu ủng hộ bà Clinton bị sụt giảm tại một số bang.

Một yếu tố khác không thể không kể đến là vai trò của các ứng cử viên độc lập như Gary Johnson của đảng Tự do hay Jill Stein của đảng Xanh. Trên thực tế, chính các ứng cử viên độc lập này đã lấy đi khá nhiều phiếu bầu của bà Clinton tại một số bang, nhất là những bang còn do dự.

Có thể nhận thấy, chiến thắng bất ngờ nhưng thuyết phục của ứng cử viên Donald Trump, một người được coi là “ngoại đạo” trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đã cho thấy nguyện vọng của cử tri Mỹ  mong muốn có một sự thay đổi thực sự.

Trong bối cảnh, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã quá quen thuộc với chính trường Mỹ trong suốt 30 năm qua và người ta nhìn thấy ở bà một sự lặp lại những gì đã diễn ra trong suốt 8 năm dưới thời chính quyền của đảng Dân chủ, ông Trump chắc chắn được coi là làn gió mới mang lại hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Mỹ trong 4 năm tới.

Một phụ nữ giơ cao khẩu hiệu "Phụ nữ ủng hộ Trump" tại New York.

Những khó khăn và thách thức

Mặc dù giành chiến thắng thuyết phục sau cuộc đua “khốc liệt”, nhưng đường vào Nhà Trắng chắc chắn không phải trải hoa hồng đối với tổng thống vừa mới đắc cử Donald Trump khi mà người đứng đầu nền kinh tế số một thế giới này chưa từng có kinh nghiệm chính trường, cũng như chưa từng nắm giữ vị trí lãnh đạo nào trong chính phủ. Đây có lẽ sẽ là thách thức lớn nhất với ông trong xử lý công việc ở cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại.

Giới phân tích cho rằng duy trì đà tăng trưởng ổn định, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, xử lý mối quan hệ nhiều trắc trở giữa hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa  để đảm bảo việc điều hành đất nước diễn ra thuận lợi; giải quyết tình trạng phân biệt sắc tộc có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong các cơ quan bảo vệ pháp luật... sẽ là những khó khăn đầu tiên trong chính sách đối nội bởi lẽ lên nắm quyền trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đã có nhiều cải thiện khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm qua đạt trung bình 5%; tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp, song với sự khác biệt về quan điểm, ông Trump cho rằng các hiệp định thương mại lớn cũng như hoạt động cho thuê ngoài mà nước Mỹ đang thúc đẩy là nguyên nhân khiến nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông tuyên bố nếu trở thành tổng thống sẽ đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Không dừng lại ở đó, ông khẳng định sẽ đảo ngược các chính sách năng lượng và khí hậu của chính quyền tiền nhiệm mà ông cho là đang “phá hủy cơ hội việc làm của người Mỹ”, đặc biệt ông khẳng định sẽ hủy bỏ cam kết của Washington trong thỏa thuận biến đổi khí hậu ký kết tại Paris (Pháp) hồi tháng 12/2015 và ủng hộ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL nối giữa Canada và Mỹ đã bị Tổng thống Obama bác bỏ vì các vấn đề môi trường. Để thay đổi được những chính sách này, ông chủ Nhà Trắng chắc chắn sẽ phải đối mặt  với những tranh cãi cũng như cản trở mới trên hành trình thực hiện.

Trên mặt trận đối ngoại, ông Trump sẽ phải đối mặt với một khu vực Trung Đông “nóng bỏng” với cuộc khủng hoảng Syria kéo dài hơn 5 năm qua vẫn chưa tìm được lối thoát, tình hình Yemen và tiến trình hòa bình Israel - Palestine chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên chưa thể khép lại, các cặp quan hệ đối tác - đối thủ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga thêm những nốt trầm mới.

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề súng đạn gây nhức nhối nước Mỹ, ông Trump cho biết sẽ phủ quyết mọi dự luật kiểm soát súng đạn mới. Một chủ đề khác được ông Trump nhiều lần đề cập là vấn đề người Hồi giáo và người nhập cư. Ông từng gây tranh cãi với tuyên bố "cấm cửa" tất cả người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, đồng thời muốn xây tường rào để phong tỏa biên giới giữa Mỹ với Mexico.

Chính khách - doanh nhân này cũng muốn trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp và tăng mức phạt đối với những người vi phạm quy chế thị thực. Ông cũng từng đề xuất mở một cuộc cạnh tranh để người dân tự chọn bảo hiểm ở các bang, đồng thời thỏa thuận với những bệnh viện để cung cấp bảo hiểm cho người nghèo.

Trên lĩnh vực ngoại giao, ông Trump cho rằng lợi ích của nước Mỹ sẽ được bảo vệ tốt hơn từ việc giảm cam kết với bên ngoài và đặt lợi ích của đất nước và người dân lên trên hết. Xuất phát từ quan điểm vị thế cường quốc của Mỹ đang ngày càng mờ nhạt, ông cam kết sẽ dùng thương lượng kinh tế để khôi phục vị trí trung tâm của Mỹ trên trường quốc tế. Chính khách - thương gia này nhìn nhận mọi cuộc xung đột quốc tế dưới góc độ của một cuộc thương lượng.

Theo ông Trump, thế giới hiện nay đang dựa dẫm quá nhiều vào ảnh hưởng và tiền bạc của Mỹ, trong khi đó Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là hai tổ chức quá tốn kém. Ông chỉ trích NATO đã trở nên "lỗi thời" và tuyên bố sẽ buộc các nước đối tác của Mỹ đóng góp nhiều hơn cho việc đảm bảo an ninh cho chính họ. Theo ông, các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington, nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương xứng.

Với kết quả sơ bộ đảng Cộng hòa giành ít nhất 233/435 ghế tại Hạ viện, vượt số lượng cần thiết để kiểm soát Hạ viện và bảo vệ thành công 51/100 ghế tại Thượng viện để chiếm toàn quyền kiểm soát tại cơ quan lập pháp này, giới phân tích cho rằng “đây là một yếu tố quyết định quan trọng cho triển vọng chính sách” của ông Trump.

Đại gia đình của tổng thống đắc cử Donald Trump gồm 5 con đẻ, 3 con dâu, rể và 8 cháu.

Nếu như trước đây, Hạ viện đã nằm trong tay đảng Cộng hòa (từ năm 2011) và đã là một "pháo đài" cản trở nhiều chương trình nghị sự của Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama, với chiến thắng này, những người bảo thủ cực hữu có thể gia tăng đòn bẩy để thêm sức ép với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và các lãnh đạo đảng khác về ngân sách và các vấn đề khác. Ngoài ra, đây cũng được xem là lợi thế lớn để tổng thống đắc cử thuộc đảng Cộng hòa thông qua bất kỳ dự luật nào.

Mặc dù ông Trump bị đánh giá là chưa rõ ràng và thiếu nhất quán trong tầm nhìn chiến lược cho các chính sách đối nội và đối ngoại, song cử tri Mỹ đã lựa chọn ứng cử viên mà họ đặt nhiều hy vọng có thể làm thay đổi tương lai của nước Mỹ cũng như cuộc sống của chính họ.

Chưa rõ ông Donald Trump sẽ điều chỉnh các chính sách của chính quyền tiền nhiệm đến đâu, nhưng chắc chắn rằng ông cần có một ê-kíp đủ mạnh để lấp những lỗ hổng và những mặt hạn chế để điều hành đất nước, “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đúng như khẩu hiệu mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.       

Con đường từ doanh nhân thành Tổng thống

Tỷ phú Donald Trump sinh ngày 14/6/1946 tại New York. Ông là con thứ tư trong một gia đình 5 anh chị em và cha là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản.    

Thuở nhỏ, ông Trump là một đứa trẻ năng động và quyết tâm cao. Ông có thành tích về mặt học vấn lẫn công tác xã hội. Khi tốt nghiệp trung học vào năm 1964, ông là một ngôi sao thể thao của trường lớp và là một học sinh cốt cán. Sau đó, ông vào Đại học Fordham và hai năm sau chuyển lên trường tài chính thuộc Đại học Pennsylvania. Năm 1968, ông tốt nghiệp với bằng kinh tế.   

Năm 1974, Donald Trump mở công ty kinh doanh địa ốc riêng và nhanh chóng trở thành một trong những ông trùm bất động sản ở Mỹ. Hiện ông Trump đứng thứ 113 trong số các tỷ phú Mỹ và thứ 324 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới năm 2016 của tạp chí Forbes với khối tài sản ước tính khoảng 4,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, tính thích đầu tư mạo hiểm cũng nhiều lần khiến tỷ phú Trump lao đao. Trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2009, ông từng 4 lần phải đến tòa nộp đơn xin phá sản, song đều vực dậy được nhờ những bất động sản “hái ra tiền” như hệ thống sòng bạc ở Atlantic City hay Tháp Trump ở New York.    

Donald Trump cũng là một ngôi sao của ngành truyền thông Mỹ với vai trò là người dẫn chương trình kiêm nhà sản xuất của chương trình truyền hình thực tế “The Apprentice” của kênh NBC. Năm 2007, ông từng được vinh danh với một ngôi sao trên “Đại lộ Danh vọng” vì những cống hiến cho ngành truyền hình. Năm 2013,  tạp chí Forbes vinh danh ông ở thứ hạng 30 trong tốp 100 nhân vật nổi tiếng nhất thế giới. Năm 2015, ông xếp thứ 72 trong bảng xếp hạng 100 nhân vật quyền lực toàn cầu.

Về đời tư, Donald Trump từng kết hôn 3 lần và có 5 người con. Người vợ hiện tại của tỷ phú này là Melania Trump, là người mẫu và một nhà thiết kế thời trang. Bà kết hôn với ông Trump từ năm 2005.

Tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa được tổ chức ở thành phố Cleveland của tiểu bang Ohio ngày 21/7, tỷ phú Donald Trump đã được bầu làm ứng cử viên tổng thống của đảng. Trong bài diễn văn được đánh giá là tuyên ngôn chính trị sau khi được đề cử vào cương vị ứng cử viên tổng thống, ông Trump tuyên bố sẽ đánh bại bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ để đưa đảng Cộng hòa trở lại Nhà Trắng. Khẩu hiệu ông Trump đưa ra suốt chiến dịch tranh cử là “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again).

Trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11, ông đã bất ngờ vượt qua ứng cử viên dày dạn kinh nghiệm của đảng Dân chủ Hillary Clinton để trở thành ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng. Với chiến thắng ngoạn mục trong cuộc đua đầy kịch tích và gay cấn tới phút chót, ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên xuất thân từ giới doanh nhân.

Theo kế hoạch, ông Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thổng vào ngày 20/1/2017 sau khi Tổng thống đương nhiệm Barack Obama mãn nhiệm.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.