Ông Joe Biden chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri

Thứ Tư, 16/12/2020, 14:59
Hôm 14-12, tất cả 538 đại cử tri Mỹ đã nhóm họp tại các bang để bỏ phiếu bầu tổng thống dựa trên kết quả bầu cử gần đây đã được chứng nhận bởi 50 bang và Washington D.C. Với 55 phiếu đại cử tri của California, ông Joe Biden đã vượt qua ngưỡng 270 cần thiết để giành chiến thắng.

Những lá phiếu của bang California

Các cử tri và những người tham dự ở bang California đã hò reo khi cuộc bỏ phiếu của đại cử tri được hoàn tất và ông Joe Biden được công bố giành phần thắng. Điều này cũng có nghĩa nữ Thượng nghị sĩ Kamala Harris - một người California chính thức trở thành Phó Tổng thống của nước Mỹ. Hãng tin CNN cho hay, cuộc bỏ phiếu ở California diễn ra lúc hơn 17h ngày 14-2 và đây là bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất.

Chiến thắng ở California đã giúp liên doanh tranh cử Joe Biden - Kamala Harris giành được 302 phiếu đại cử tri, vượt qua ngưỡng 270 phiếu. Đương kim Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence giành được 232 phiếu đại cử tri. Bang Hawaii là nơi bỏ phiếu cuối cùng vào tối 14-12 với 4 phiếu dành cho ông Joe Biden nhưng đây chỉ là hình thức để hoàn tất quá trình bầu cử mà thôi.

Kết quả cuối cùng ông Joe Biden giành được 306 phiếu đại cử tri, chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Theo kế hoạch, tân tổng thống sẽ đánh dấu sự kiện này bằng một bài phát biểu trước người dân vào 19h30 ngày 21-12.

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris sẽ trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Ảnh: AP.

Trước đó, khi được các bang xác nhận chiến thắng nhờ kết quả kiểm phiếu phổ thông, ông Joe Biden từng nói: "Trong cuộc chiến giành linh hồn của nước Mỹ này, nền dân chủ đã thắng thế. Chúng tôi là những người được dân bỏ phiếu bầu. Niềm tin vào các thể chế của chúng tôi được duy trì. Tính toàn vẹn của cuộc bầu cử của chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn. Và vì vậy, bây giờ là lúc lật sang trang mới. Nước Mỹ phải đoàn kết”.

Đồng thời, ông Joe Biden cũng cam kết sẽ trở thành "một Tổng thống của tất cả người Mỹ. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ để thuyết phục những người trong số các bạn đã không bầu cho tôi, cũng như đối với những người đã làm điều này. Có công việc khẩn cấp trước mắt tất cả chúng ta: kiểm soát đại dịch và toàn dân được tiêm chủng; cung cấp sự giúp đỡ kinh tế ngay lập tức cho rất nhiều người Mỹ đang bị tổn thương và sau đó xây dựng nền kinh tế của chúng ta trở lại tốt hơn bao giờ hết”.

Hãng tin AP dẫn một nguồn tin thân cận với ông Joe Biden cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên đất Mỹ, Tổng thống thứ 46 đã bày tỏ mong muốn lễ nhậm chức của ông, dự kiến diễn ra vào tháng 1 tới là một sự kiện được thu hẹp về quy mô cho dù vẫn diễn ra tại bậc thềm tòa nhà Quốc hội. Tức là người ủng hộ sẽ không tập trung đông tại công viên National Mall hay dọc đại lộ Pennsylvania như truyền thống trước đây. Ngược lại, buổi lễ sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến như Đại hội của đảng Dân chủ.

Hình ảnh cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn ở bang Michigan.

Cuộc chạy đua sít sao

Hầu hết các đại cử tri, những người được các đảng phái chính trị ở mỗi bang lựa chọn trước cuộc bầu cử hồi tháng 11, đã bỏ phiếu bầu của họ tại các tòa nhà quốc hội của bang. Các bang đầu tiên bỏ phiếu vào lúc 10h ngày 14-12 là Indiana, New Hampshire, Tennessee và Vermont. Khi đó, đương kim Tổng thống Donald Trump sớm dẫn đầu sau khi Tennessee và Indiana trao cho ông tổng số 22 phiếu bầu của họ trong khi các đại cử tri của Vermont và New Hampshire bỏ tổng cộng 7 phiếu cho ông Joe Biden.

Tuy nhiên, sự dẫn đầu của ông Donald Trump dần biến mất vào buổi trưa cùng ngày, khi các đại cử tri ở một số bang khác bỏ phiếu, bao gồm 3 bang chiến trường đang xảy ra kiện tụng, tranh chấp về gian lận bầu cử là Georgia, Arizona và Pennsylvania.

Tại Georgia, cuộc bỏ phiếu do Stacey Abrams chủ trì. Nhân vật này ủng hộ đảng Dân chủ và thẳng thừng tuyên bố trước hội đồng là "Tôi đã bỏ phiếu bầu cho Tổng thống Joe Biden”. Stacey Abrams đã được giới thiệu bởi hạ nghị sĩ Nikema Williams, người lưu ý rằng sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên bang Georgia bầu chọn một đảng viên Dân chủ cho vị trí tổng thống kể từ năm 1992. "Giờ đây, cả nước đều biết rằng Georgia là một bang màu xanh lam", bà Nikema Williams nói.

Ở Arizona, người phụ trách đối ngoại của bang, bà Katie Hobbs cho biết năm nay "không may đã có một cái bóng nhân tạo phủ lên cuộc bỏ phiếu dưới dạng những cáo buộc vô căn cứ về hành vi sai trái và gian lận bầu cử mà không có bằng chứng nào được cung cấp và bị tòa án bác bỏ”.

Bà Katie Hobbs nhấn mạnh rằng, những cáo buộc gian lận từ đương kim tổng thống và các đồng minh của ông đã "dẫn đến các mối đe dọa bạo lực chống lại tôi, văn phòng của tôi và những người trong căn phòng này hôm nay" bất chấp một "cuộc bầu cử diễn ra cực kỳ hiệu quả". Và đương nhiên, sau tuyên bố này, ông Joe Biden đã chiến thắng.

Còn người đứng đầu đảng Dân chủ ở Pennsylvania, Nancy Mills thì lưu ý tầm quan trọng của bang trong cuộc bầu cử năm 2020. “Chúng tôi là bang đã đưa ông Joe Biden và bà Kamala Harris vượt qua ngưỡng 270 đại cử tri”, bà Nancy nói đồng thời lưu ý rằng bà Kamala Harris đã làm nên lịch sử với tư cách là nữ Phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

“Tôi rất vinh dự khi được đứng trước các bạn để bỏ phiếu cho một phụ nữ”, bà Nancy Mills nhấn mạnh. Trước cuộc bỏ phiếu, gần 70 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã kêu gọi các đại cử tri Pennsylvania bác bỏ chiến thắng của ông Joe Biden.

Tại New York, cựu Tổng thống Bill Clinton và ứng cử viên tổng thống năm 2016 của đảng Dân chủ, cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton giữ vai trò đại cử tri. Họ và 27 đại cử tri khác trong bang bỏ phiếu bầu cho ông Joe Biden và bà Kamala Harris. Cùng khoảng thời gian các bang đó bỏ phiếu, Tòa án Tối cao bang Wisconsin đã bác bỏ vụ kiện của chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump nhằm lật ngược chứng nhận phiếu bầu trong bang.

Đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn chưa chịu dừng cuộc chiến pháp lý bất chấp kết quả. Ảnh: AP.

Phán quyết được đưa ra chống lại ông Donaldn Trump với tỷ lệ  4-3, khẳng định một số cáo buộc của ông là vô ích và những thách thức khác đã được đưa ra quá muộn. 2 giờ sau đó, 10 phiếu đại cử tri của bang Wisconsin chính thức đến tay ông Joe Biden và bà Kamala Harris. "Hôm nay chúng tôi đã làm phần việc của mình để tiếp tục truyền thống lâu đời và thiêng liêng của nền dân chủ luôn tôn trọng ý chí của người dân", Thống đốc bang Wisconsin Tony Evers nói.

Cuộc bỏ phiếu của đại cử tri bang Michigan bắt đầu lúc 14h ngày 14-12 và tại đây, Thống đốc bang Gretchen Whitmer - một đảng viên đảng Dân chủ, đã sử dụng cơ hội này để kêu gọi đoàn kết: "Sau ngày hôm nay, kết quả sẽ là cuối cùng. Đã đến lúc cùng nhau tiến lên với tư cách là một hợp chúng quốc. Giờ là lúc chúng ta đặt cuộc bầu cử này lại phía sau".

Tại Florida, thượng nghị sĩ bang Wilton Simpson đã buộc phải vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu do có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng người được chỉ định thay thế ông cũng chỉ mang lại cho đương kim tổng thống một phiếu đại cử tri.

Và tương lai các vụ kiện

Ngay sau khi các bang ở Mỹ công bố kết quả kiểm phiếu đại cử tri, nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã gửi lời chúc mừng Tổng thống thứ 46 của Mỹ và bày tỏ mối quan tâm về hợp tác trong tương lai. Nhưng tại Mỹ, chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump vẫn không thừa nhận mà tuyên bố, có các đại cử tri bỏ phiếu cho đương kim tổng thống ở nhiều bang tranh chấp gồm Pennsylvania, Georgia và Wisconsin.

Cố vấn của ông Donald Trump, Stephen Miller nói với hãng Fox News rằng việc này sẽ giúp “mở cánh cửa của việc phản đối kết quả bầu chọn của đại cử tri. "Chúng tôi sẽ gửi những kết quả đó lên Quốc hội. Điều này sẽ đảm bảo rằng tất cả các biện pháp pháp lý của chúng tôi vẫn được mở và cũng có nghĩa nếu chúng tôi thắng những vụ kiện này tại tòa án, chúng tôi có thể yêu cầu các nhóm đại cử tri thay thế chứng nhận của mình”, Stephen Miller nói.

Tờ New York Times đưa tin, những người ủng hộ trung thành của ông Donald Trump trong Quốc hội cũng đang âm mưu thách thức kết quả bầu chọn của đại cử tri bằng đơn kiện lên Quốc hội vào ngày 6-1. Matthew Weil, Giám đốc dự án bầu cử của Trung tâm Chính sách lưỡng đảng cảnh báo, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn đánh dấu một "bước ngoặt" cho Tổng thống Donald Trump và các thách thức pháp lý của ông.

“Đội ngũ pháp lý và các đồng minh của ông Donald Trump đã thay đổi mục tiêu và cách thức hành động. Nhưng, tôi không thể tưởng tượng bất kỳ điều gì có thể thay đổi được kết quả khi Quốc hội hành động", Matthew Weil nói.

Những người ủng hộ trung thành của ông Donald Trump dự định nộp đơn kiện lên Quốc hội vào ngày 6-1.

Theo Hiến pháp Mỹ, các đại cử tri bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống trên những lá phiếu riêng, sau đó ký vào 6 tờ xác nhận bầu cử với 1 tờ được chuyển tới cho Phó Tổng thống Mike Pence, 2 tờ được chuyển cho người đứng đầu Ban bầu cử của bang, 2 tờ được chuyển cho cơ quan lưu trữ Mỹ và 1 tờ được chuyển cho thẩm phán liên bang tại nơi diễn ra cuộc họp.

Ngày 6-1-2021, Quốc hội sẽ nhóm họp và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ mở giấy xác nhận kết quả bầu cử của các đại cử tri ở từng bang theo thứ tự chữ cái để kiểm phiếu. Bất kỳ sự phản đối nào xảy ra đều cần sự ủng hộ từ 1 hạ nghị sĩ và 1 thượng nghị sĩ. Lưỡng viện Mỹ sau đó sẽ họp riêng để bỏ phiếu để giải quyết các tranh cãi được đưa ra.

Trên thực tế, lịch sử bầu cử của nước Mỹ trong 20 năm qua đã ghi nhận 2 cuộc phản đối như vậy. Cuộc thứ nhất là vào năm 2004 khi thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang California ký vào giấy phản đối của Hạ viện về kết quả bầu cử ở bang Ohio, một bang có vai trò quyết định trong chiến thắng của ông Georgia W. Bush so với ông John Kerry. Nhưng, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều bác bỏ.

Năm 2016, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Pramila Jayapal đã phản đối giấy xác nhận phiếu đại cử tri ở Georgia nhưng ông Joe Biden khi đó là Chủ tịch Thượng viện đã nhanh chóng hủy bỏ cuộc tranh luận bởi yêu cầu này thiếu chữ ký của một thượng nghị sĩ.

Được biết, ông Donald Trump và các đồng minh đã thua hơn 50 vụ kiện ở hầu khắp các bang chiến trường, bao gồm cả tại Tòa án Tối cao liên bang. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới nhân dịp lễ Tạ ơn, đương kim Tổng thống Donald Trump tâm sự rằng "rất khó để thừa nhận" kết quả cuộc bầu cử ngay cả khi cử tri đoàn đem lại chiến thắng cho ông Joe Biden.

"Nếu họ làm vậy, họ đã mắc sai lầm”, ông Donald Trump đã nói vậy nhưng khi được hỏi liệu ông có rời Nhà Trắng theo kết quả đó hay không thì đương kim tổng thống khẳng định: "Chắc chắn là tôi sẽ làm”.

Huyền Chi
.
.