Ông Nicolas Sarkozy tái tranh cử tổng thống Pháp?

Thứ Hai, 25/07/2016, 17:30
Chính trị gia lão luyện của nước Pháp đồng thời là cựu tổng thống nước này đang từng bước thực hiện chiến dịch trở lại chính trường và tham gia tranh cử tổng thống. Đáng ngạc nhiên là so với đối thủ cạnh tranh sáng giá là cựu Thủ tướng Alain Juppe, ông Nicolas Sarkozy đang ngày càng nhận được thêm nhiều sự ủng hộ của các thành viên trong đảng bảo thủ Những người Cộng hòa (trước năm 2015, đảng này mang tên Liên minh phong trào dân tộc).

Cuộc đua soán ngôi ứng viên

Các kết quả thăm dò dư luận mới đây trong đảng bảo thủ Những người Cộng hòa cho thấy, ông Nicols Sarkozy đang dần thay thế cựu Thủ tướng Alain Juppe trong vai trò ứng viên thích hợp nhất của phe trung hữu để tranh cử Tổng thống Pháp vào năm 2017.

Cụ thể, chỉ số ủng hộ theo TNS Sofres cung cấp cho thấy, số người tuyên bố bỏ phiếu cho cựu Tổng thống đã tăng từ 48% lên 65% chỉ trong vòng một tháng qua. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Alain Juppee lại bị giảm mất 14% số phiếu ủng hộ.

Tờ Telegraph dẫn lời một nhà phân tích nhận định, sở dĩ, số người ủng hộ ông Nicolas Sarkozy gia tăng là bởi trong vòng một tháng qua, cựu Tổng thống đã đi đến khắp các nơi trên đất Mỹ để nói chuyện, vận động người dân ủng hộ mình và thêm cả việc ký tặng những người ủng hộ cuốn sách mà ông mới xuất bản hồi đầu năm này.

Còn ông Alain Juppe lại quá chủ quan khi cho rằng, số người ủng hộ ông tăng từ 19% hồi năm ngoái lên con số 36% vào tháng 2 và 52% vào tháng 5 cho thấy ông đã được lựa chọn vì là người thích hợp nhất trong đảng. Ứng cử viên này còn lập luận rằng việc bị điều tra xung quanh bê bối vận động quỹ tranh cử tổng thống của năm 2012 sẽ khiến cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy khó có cơ hội trở lại cuộc đua này.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và đối thủ nặng ký là cựu Thủ tướng Pháp Alain Dupee (từ phải sang trái). Ảnh: Getty.

Thêm vào đó, theo quy định của Pháp, nếu muốn trở thành ứng viên tổng thống, ông Nicolas Sarkozy phải từ chức Chủ tịch đảng bảo thủ Những người Cộng hòa mà ông mới được bầu lại. Theo kế hoạch, vào tháng 11 tới, những người ủng hộ đảng bảo thủ Những người Cộng hòa sẽ bỏ phiếu để quyết định xem ai sẽ là ứng viên tổng thống đại diện cho họ để cùng tranh tài với ứng viên Mặt trận dân tộc cánh cữu Marine Le Pen và ứng viên đảng Xã hội, đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc đua vào Điện Elysee.

Kế hoạch cho tương lai

Trên thực tế, từ đầu năm nay, ông Nicolas Sarkozy đã nhiều lần tỏ rõ tham vọng trở lại Điện Elysee khi tuyên bố sẽ tiến hành cuộc bầu cử nội bộ đảng bảo thủ Những người Cộng hòa để lựa chọn ứng cử viên tổng thống duy nhất. Cũng trong tháng 1, một số cơ quan xã hội Pháp đã công bố các kết quả mới nhất khi tiến hành các cuộc thăm dò dư luận xã hội và xếp cựu Tổng thống vào danh sách 4 ứng cử viên sáng giá nhất.

Khi đó, ứng cử viên đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của cử tri Pháp là ông Alain Juppe (gần 30%), tiếp đến là bà Marine Le Pen (gần 27%). Đương kim Tổng thống Francois Hollande chỉ giành được 22% và thấp nhất là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy với 21%.

Và trong khi ông Nicolas Sarkozy đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử thì một cú đánh khác đã giáng vào ông khiến người đàn ông này tiếp tục mất điểm trong cuộc đua. Đó là vào ngày 16-2, cựu Tổng thống Pháp đã phải hầu tòa ở thủ đô Paris vì vụ bê bối tài chính trong chiến dịch tranh cử nằm 2012.

Ông Nicolas Sarkozy được lệnh triệu tập tới trụ sở Văn phòng công tố Paris để giải trình việc Công ty Bygmalion (Công ty tổ chức sự kiện chiến dịch tranh cử cho cựu Tổng thống) đã cấp nhiều hóa đơn, chứng từ giả cho đảng bảo thủ Cộng hòa nhằm hợp lý hóa các khoản chi tiêu "không hề có thực" cho chiến dịch tranh cử với số tiền lên tới 18,5 triệu Euro.

Đương nhiên là cựu Tổng thống đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc và vẫn âm thầm tiếp tục chiến dịch tranh cử bằng việc tung ra một cuốn sách mới. Ngay lập tức, những ồn ào về bê bối tài chính nói trên lại nhường chỗ cho những háo hức, tò mò về những gì mà cựu Tổng thống tiết lộ trong cuốn tự truyện mới. Lấy cớ là quảng bá cho cuốn sách, ông Nicolas Sarkozy đã xuất hiện nhiều hơn trước công chúng, tại các cuộc diễn thuyết, mít tinh và dần dần được nhiều cử tri đánh giá cao. Từ cuối tháng 3 đến nay, số cử tri trong đảng bảo thủ Những người Cộng hòa tuyên bố ủng hộ ông đã tăng vọt.

Hãng E!News phân tích rằng: "Ông Nicolas Sarkozy đã từng bước thực hiện chiến dịch cho tương lai chính trị của mình một cách khá bài bản. Ông không quá sốt sắng cho những tuyên bố của mình mà chờ thời điểm khá thích hợp để có thể thu hút được đông đảo sự quan tâm của mọi người. Hôm 2-7 vừa qua, cựu Tổng thống đã khôn khéo khi khẳng định ông sẽ một lần nữa tham gia cuộc đua giành cương vị người đứng đầu nước Pháp trong nhiệm kỳ mới bằng tuyên bố với các đảng viên trong đảng bảo thủ Những người Cộng hòa rằng, đó sẽ là cuộc họp cuối cùng của ông trong tư cách Chủ tịch đảng".

Một nguồn tin thân cận của ông Nicolas Sarkozy cho biết, hạn chót để đăng ký là tranh cử làm ứng viên tổng thống của đảng bảo thủ Những người Cộng hòa vào ngày 9-9 và cựu Tổng thống sẽ từ chức Chủ tịch đảng này trước đó 2 tuần.

Sinh năm 1955, giữ chức Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2007-2012, cuộc đời và sự nghiệp của Nicolas Sarkozy là minh chứng cho một nỗ lực vươn lên mạnh mẽ bằng chính tài năng và nhiệt huyết của mình. Không ai có thể ngờ được rằng, ông đã sống một cuộc đời đầy sóng gió trước khi trở thành người đàn ông quyền lực nhất nước Pháp.

Tiểu sử của Nicolas Sarkozy ghi rằng, ông sống với mẹ và ông bà ngoại khi mới 4 tuổi do bố mẹ ly dị. Nhưng cuộc sống nghèo khó không khuất phục được chàng thanh niên trẻ tuổi Nicolas Sarkozy. Ngược lại, nó khiến ông tự khởi nghiệp sự nghiệp chính trị của mình khi mới 20 tuổi và sớm trở thành nghị viên hội đồng thành phố Neuilly-sur-Seine rồi đắc cử thị trưởng và trở thành thị trưởng trẻ tuổi nhất nước Pháp.

Ông Nicolas Sarkozy đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Tài chính… và nổi tiếng với lập trường bảo thủ trong các vấn đề luật pháp, trật tự cùng khát vọng xây dựng một mô hình kinh tế mới cho nước Pháp cũng như khuyến khích một nền kinh tế tự do theo cung cách của Anh, Mỹ. Nhận định về việc ông chạy đua chức Tổng thống Pháp năm 2017, nhiều nhà phân tích cho rằng, ưu thế chính của ông so với các ứng viên khác là có  nhiều kinh nghiệm trên cương vị Tổng thống Pháp và Chủ tịch đảng bảo thủ Những người Cộng hòa.

Tuy nhiên, điểm trừ đối với ông cũng không ít. Chẳng hạn như ông không được đánh giá kết quả cao trong thời gian làm tổng thống và liên tục dính vào các bê bối từ năm 2014 đến nay. Nhưng trong cái rủi luôn có cái may. Sự chiến thắng trong cuộc bầu chọn người đứng đầu đảng bảo thủ Những người Cộng hòa khiến ông Nicolas Sarkozy có thêm những cơ hội mới. Và nay, khi thực hiện kế hoạch cho riêng mình, cựu Tổng thống đã có nhiều cuộc gặp gỡ các lãnh đạo chủ chốt của đảng để bàn biện pháp tăng cường thống nhất cũng như khả năng tập hợp của đảng.

Đặc biệt, mới đây, ông Nicolas Sarkozy còn biết lợi dụng sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) để đưa ra các ý kiến và kế hoạch của mình nhằm vực dậy nước Pháp, đưa Pháp có vị trí cao hơn trong EU và trên thế giới, đưa thủ đô Paris trở thành trung tâm tài chính của châu Âu thay thế thủ đô London của Anh… Với việc từng bước có những kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu chiến lược của mình như vậy, ông Nicolas Sarkozy xem ra cũng không có quá nhiều thách thức trên con đường trở lại vị trí ông chủ Điện Elysee.

Ngọc Khuê
.
.