Ông Putin đắc cử nhờ làm theo lời Khổng Tử

Thứ Sáu, 16/03/2012, 16:20

Theo website newsru, đương kim Thủ tướng Nga Vladimir Putin chỉ trong một thời gian ngắn đã nâng cao được chỉ số tín nhiệm trong cử tri và giành được chiến thắng ở cuộc bầu cử tổng thống ngày 4/3 vừa qua là nhờ ông đã có những quyết sách đúng theo tinh thần Luận ngữ liên quan tới công tác cán bộ ở những địa phương mà trước đó, đảng Nước Nga thống nhất của ông đã bị thất bại trong cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia hồi đầu tháng 12 năm ngoái.

Làm cho dân phục

Trong Luận ngữ có ghi lại câu chuyện về việc Lỗ Ai công (vua nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử) hỏi: Làm sao cho dân phục? Và Khổng Tử đã trả lời: Bổ nhiệm người ngay thẳng trên kẻ ác, ắt dân phục. Xếp kẻ ác trên người ngay thẳng thì dân không phục.

Không rõ trong số các "quân sư" của Thủ tướng Putin có ai nhắc lại cho ông câu chuyện mang tính ngụ ngôn này không nhưng ở khoảng thời gian sau cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia và trước cuộc bầu cử tổng thống (kéo dài chỉ hơn hai tháng một chút), Điện Kremli đã mạnh tay thay tới  4 tỉnh trưởng và thống đốc khu vực ở những nơi mà những người này hoặc là không có uy tín cao như cần thiết hoặc là bị người dân kêu ca lên tới tận Moskva. Thay vào đó là những gương mặt mới, sáng giá hơn, "có đức" hơn.

Theo lôgích thông thường, trước một sự kiện quan trọng như cuộc bầu cử tổng thống ngày 4/3 vừa qua mà lại tiến hành một thay đổi nhân sự quan trọng như cho về vườn lãnh đạo tỉnh hoặc khu vực là một việc làm rất lợi bất cập hại. Thế nhưng, Điện Kremli đã quyết định mạo hiểm và rốt cuộc là đã đúng: nếu không có những thay đổi đó, nếu vẫn tiếp tục để lại những nhà lãnh đạo thấp uy tín như cũ thì hẳn ông Putin đã chỉ nhận được ít phiếu bầu hơn.

Các địa phương bị "thay tướng giữa dòng" là các tỉnh Vologda, Volgograd, Arkhangelsk và khu Primorsky. Đặc biệt tại khu Primorsky, nguyên lãnh đạo địa phương này là Sergey Darkin đã mắc rất nhiều tai tiếng, nhất là trong các công việc liên quan tới chuẩn bị cho thủ phủ khu là thành phố Vladivostok xứng đáng là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra vào tháng 9/2012.

Đến mức trong cuộc giao lưu trực tuyến của Thủ tướng Putin với nước Nga, cũng diễn ra trong tháng 12/2011, một doanh nhân đã đứng lên tố cáo các công chức Vladivostok (thủ phủ của khu Primorsky) chèn ép các doanh nghiệp để vơ vét cho đầy túi tham rồi hỏi thẳng nhà lãnh đạo nội các rằng, tới bao giờ thì ông sẽ cách chức Khu trưởng Darkin?! Khi đó ông Putin đã chỉ hứa rằng sẽ "tính tới điều vừa nghe được trong tương lai" (việc liên quan tới một ông quan đầu tỉnh trọng yếu như thế đâu phải là chuyện chơi để có thể quyết định ngay). Thế nhưng, cuối tháng 2 vừa qua, chỉ vài ba hôm trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ngày 4/3, Tổng thống Dmitry Medvedev với quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp (hiển nhiên là đã thống nhất ý kiến với ông Putin) đã ký quyết định cho thôi chức trước thời hạn đối với Khu trưởng khu Primorsky.

Trong thông cáo báo chí khi đó của Điện Kremli lý giải rằng ông Darkin tự xin nghỉ vì tình hình sức khỏe nhưng đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền (mà ông Putin kiêm cả chức Chủ tịch) sau đó ra tuyên bố chỉ rõ những khuyết điểm của ông Darkin trong công tác chuyên môn.

Theo tờ Kommersant, Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại Đặc khu liên bang Viễn Đông  Viktor Ishayev khi phân tích kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 4/3, đã tuyên bố thẳng rằng, việc ông Darkin thôi chức đã ảnh hưởng tích cực tới kết quả bầu cử đối với ứng cử viên Putin. Trước đó, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, tỉ lệ ủng hộ ông Putin ở đây không cao.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, sau khi Khu trưởng Darkin về vườn, thái độ chung của khu vực đối với Thủ tướng Nga đã thay đổi một cách căn bản. Mặc dầu thành phố Vladivostok và một số người gần gụi với Khu trưởng Darkin có thể đã bị hụt hẫng bởi quyết định cho ông này thôi chức nhưng toàn bộ khu vực Viễn Đông đã có phản ứng tích cực: tại Vladivostok, ông Putin đã nhận được gần  43% phiếu bầu nhưng ở toàn bộ khu vực, tỉ lệ này lại là 57% (trong cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia Nga, đảng Nước Nga Thống nhất chỉ nhận được ở đây có 33% số phiếu, ở mức thấp nhất trong cả nước).

Tại tỉnh Volgograd, nơi mà trong cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia, tỉ lệ phiếu bầu bất lợi cho đảng Nước Nga Thống nhất cao hơn tỉ lệ trung bình trong cả nước, thì trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, tình hình đã thay đổi hẳn. Kết quả này được gắn với sự xuất hiện của tỉnh trưởng mới vào đầu tháng 2/2012, Sergei Bozhenov, nguyên là Thị trưởng thành phố Astrakhan.

Theo tư liệu của tờ  Kommersant, chính ông Bozhenov đã đứng đầu một cách không chính thức "ủy ban kỹ thuật" trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Putin tại địa phương này. Còn bình luận viên chính trị Evgueni Minchenko thì gọi ông Bozhenov là "chuyên gia tổ chức  bầu cử có định hướng".

Phe đối lập ở tỉnh Volgograd trước ngày bầu cử đã phàn nàn về việc tổ chức bầu cử tại các xí nghiệp, nhà máy và số lượng lớn giấy rút tên khỏi sổ bầu cử, nhưng họ cũng không chỉ ra được những địa chỉ cụ thể và số lượng khiếu nại chính thức lên các ủy ban bầu cử cũng lại thấp. Còn bản thân ông Bozhenov ngay ngày hôm sau cuộc bầu cử tổng thống đã tuyên bố rằng, "hầu như không có những vi phạm và nhắc nhở có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng". Ông cũng lý giải tỉ lệ phiếu bầu cao cho ông Putin ở Volgograd là nhờ "bước ngoặt tâm lý" trong nhận thức của cử tri sở tại: "Tôi cho rằng, họ đã tin rằng có thể làm cho cuộc sống trở nên ổn thỏa hơn". Đấy cũng là nhờ một quyết định  thay đổi nhân sự đúng của Điện Kremli ở Volgograd.

Tại tỉnh Vologda, Tỉnh trưởng mới Oleg Kuvshinnikov (nguyên Thị trưởng thành phố Cherepovets), sau khi lên thay người tiền nhiệm là ông Vyacheslav Pozgalev) đã rất tích cực tiến hành chiến dịch vận động bầu cử cho Thủ tướng Putin. Việc cho về vườn một lãnh đạo không được lòng dân và sự hăng hái của tỉnh trưởng mới đã giúp cho tỉ lệ phiếu bầu cho ông Putin tại Vologda gia tăng đáng kể. Điều này  rất có ý nghĩa nếu nhớ rằng, trong cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia Nga đầu tháng 12/2011, Vologda là nơi bỏ phiếu nhiều nhất cho đối thủ của đảng Nước Nga Thống nhất là đảng Nước Nga công bằng (27,15%). Trong cuộc bầu cử tháng 3, thủ lĩnh của đảng Nước Nga công bằng là ông Sergei Mironov hầu như không nhận được bao nhiêu phiếu bầu ở Vologda!

Tại tỉnh Arkhangelsk, tân Tỉnh trưởng Igor Orlov và chính quyền địa phương đã chọn một sách lược khác  người tiền nhiệm là ông Ilia Mikhalchuk, người từng rất hăng hái cổ vũ cho đảng Nước Nga Thống nhất, đến mức người dân ở khu vực vốn có xu hướng thiên tả này cảm thấy khó chịu và vì thế, tỉ lệ phiếu trong cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia Nga tháng 12/2011 dành cho đảng của ông Putin đã ở mức thấp. Được chính thức nhậm chức tỉnh trưởng vào ngày 2/3, tức chỉ 2 ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống. Chính vì thế nên ông Orlov không quá năng nổ tiến hành các hoạt động cổ vũ cho ông Putin mà chỉ kêu gọi người dân tích cực tham gia "cuộc bầu cử quan trọng" này. Và tỉ lệ phiếu đã bầu cho ông Putin ở đây cũng được coi như là "thành công" vì khả quan hơn dự đoán trước đó.

Nhìn chung, những thay đổi lãnh đạo địa phương theo hướng "sử dụng người ngay thẳng trên kẻ ác" nếu không giúp cho ông Putin tạo nên những biến chuyển rõ rệt trong tâm lý cử tri thì cũng khiến ông có được thêm những nhân tố đoàn kết hơn xung quanh mình tại những khu vực mà trước đó, tỉ lệ cử tri ủng hộ đảng Nước Nga Thống nhất mà ông là Chủ tịch không cao. Triết lý phương Đông trong câu chuyện này rất trùng hợp với những gì mà Điện Kremli đã làm trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 4/3/2012.

Đắt, xắt ra miếng

Tổng kết về cuộc bầu cử tổng thống Nga vừa qua, tờ báo Nga RBK Daily cho rằng, mặc dù chi phí vận động tranh cử của Thủ tướng Putin là cao nhất nhưng duy chỉ có ông là người có thể được coi là đã có lãi trong cuộc chạy đua vừa qua vào Điện Kremli. Số tiền đã sử dụng trong quỹ vận động bầu cử tổng thống của ông Putin là 368,9 triệu rúp, lớn hơn chi phí của các ứng cử viên khác, nhưng tính trung bình, mỗi lá phiếu bỏ cho ông Putin lại chỉ ở mức gần 8 rúp, tức là rẻ nhất trong cuộc bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, so với số tiền mà đương kim Tổng thống Dmitry Medvedev đã mất để có được một lá phiếu cho mình trong cuộc bầu cử trước (năm 2008) thì vẫn cao hơn: khi đó, mỗi lá phiếu dành cho ông Medvedev chỉ ở mức 70 côpếch.

Các chuyên gia lý giải rằng, năm nay chi phí cao hơn là vì mức độ cạnh tranh giữa các ứng cử viên cũng cao hơn nhiều. Nếu lần trước các ứng cử viên chủ yếu chỉ mất tiền cho các phương tiện truyền thông và băng rôn, khẩu hiệu, truyền đơn thì trong cuộc vận động bầu cử vừa qua, họ phải mất khá nhiều chi phí cho các hoạt động quảng bá như các chương trình ca nhạc hay gặp gỡ ở những trung tâm lớn…

Nói theo cách của tờ Kommersant, ông Putin là ứng cử viên duy nhất đã "hòa vốn" và còn mang lại cho chính đảng Nước Nga Thống nhất của mình nhiều lợi lộc chính trị cũng như vật chất nhất. Ông đã nhận được 45,6 triệu phiếu bầu, điều đó có nghĩa là đảng Nước Nga thống nhất đã đề cử ông sẽ được nhận từ ngân sách quốc gia số tiền là 921 triệu rúp. Số tiền như thế được phân theo đạo luật "Về các đảng phái chính trị", Theo đó, những chính đảng đã đưa ra các ứng cử viên mà về sau nhận được hơn 3% số phiếu bầu, sẽ được nhận từ ngân sách liên bang tiền bù trì ở mức 20 rúp cho một phiếu. Và vì ông Putin đã chỉ tốn gần 8 rúp cho một phiếu bầu thì ta có thể dễ dàng thấy rõ số tiền lãi mà đảng Nước Nga Thống nhất của ông được nhận.

Tỉ phú Mikhail Prokhorov  đã bỏ vào chiến dịch vận động tranh cử của mình tới 316,9 tỉ rúp. Và ông đã nhận được 7,98% số phiếu bầu nhưng do là ứng cử viên tự ra tranh cử nên ông Prokhorov sẽ không nhận được từ ngân sách liên bang một côpếch bù trì nào. Chi phí tranh cử của Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga Guennadi Zyuganov năm nay là 251,4 triệu rúp. Với 17,19% số phiếu bầu, ông Zyuganov và Đảng Cộng sản Nga sẽ nhận được số tiền bù trì là 245 triệu rúp. Chủ tịch đảng Tự do - Dân chủ Vladimir Zhirinovsky với chi phí vận động tranh cử là  201,1 triệu rúp và  6,23% số phiếu bầu sẽ nhận được từ ngân sách liên bang 89 triệu rúp. Còn thủ lĩnh đảng Nước Nga Công bằng, Sergey Mironov với chi phí vận động tranh cử là 118,7 triệu rúp, sẽ nhận được từ ngân sách liên bang  55 triệu rúp

Minh Huyền (Tổng hợp)
.
.