Ông Zelensky trước thách thức của Ukraine
- Nga nói gì về quan hệ với Ukraine sau khi danh hài Zelensky đắc cử?1
- Ông Zelensky đắc cử Tổng thống Ukraine
Điều đặc biệt là ông Zelensky còn chiến thắng ở cả các vùng phía Tây lẫn phía Đông của Ukraine, có truyền thống chống nhau. Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, một trong những khẩu hiệu được ông Zelensky nêu bật là đoàn kết Ukraine, vốn đang bị chia rẽ giữa miền Tây có xu hướng thân Tây phương, với miền Đông ly khai thân Nga.
Đây là điều cho đến nay, không một ứng cử viên Tổng thống Ukraine nào làm được. Lợi thế là vậy nhưng ông Zelensky sẽ phải vượt qua vô vàn khó khăn, cả từ các đối thủ chính trị lẫn bên ngoài.
Trước hết, về đối nội, ông Zelensky sẽ phải đối mặt với một phe đối lập “hùng mạnh nhất” mà người thua cuộc Porochenko tuyên bố sẽ thành lập. Khi chấp nhận thất bại, ông Poroshenko hứa sẽ không rút khỏi chính trường và kêu gọi những người ủng hộ ông đừng từ bỏ. Ông này cho biết sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ con đường trở thành thành viên của NATO và Liên minh châu Âu của Ukraine.
Những thách thức đối với Ukraine hiện nay là rất lớn. Nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi độc lập vào năm 1991, mà nguyên nhân chính là việc “chọn phe” Nga hay phương Tây của chính quyền Kiev. Việc ngả theo phương Tây vào năm 2014 đã kéo theo sự sáp nhập Bán đảo Crimea vào Nga và một cuộc nội chiến nổ ra ở miền Đông đã khiến gần 13.000 người chết trong 5 năm qua.
Cuộc khủng hoảng này góp phần lớn vào việc tạo ra cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Nga và phương Tây. Trong bối cảnh như vậy, việc ông Zelensky, một người hoàn toàn thiếu kinh nghiệm về chính trường được bầu làm tổng thống, đã khiến các nhà quan sát lo ngại.
Theo Anatoly Oktysiouk, thuộc trung tâm phân tích Democracy House, chiến thắng của ông Zelensky phản ánh sự mất lòng tin của người dân vào "các chính trị gia kỳ cựu". Ông Poroshenko nhận được sự ủng hộ vì đã đưa Ukraine đến gần phương Tây, hồi sinh quân đội và giúp đất nước tránh bị phá sản về kinh tế nhưng ông lại không đưa được bất cứ quan chức cấp cao nào ra kết án vì tham nhũng và tiến trình hòa bình với miền Đông dường như bế tắc.
Ông Volodymyr Zelensky ăn mừng chiến thắng. |
"Những vụ bê bối tham nhũng thường trực, mức sống ngày càng giảm, nghèo đói... những điều này đã khiến cử tri ở miền Đông, miền Trung, miền Tây mà cả ở Kiev bày tỏ sự mất tin tưởng vào ứng cử viên Porochenko", ông Oktysiouk giải thích với AFP.
Trong cuộc tranh luận tay đôi ngày 19-4, ông Zelensky đã bị đối thủ Poroshenko công kích nặng nề về sự thiếu kinh nghiệm chính trị. Bị quy kết không đủ năng lực, nam diễn viên với 20 năm kinh nghiệm trong nghề diễn xuất, đã đưa ra câu nói gây sốc: "Tôi là kết quả từ những sai lầm của ngài".
Ngoài lời hứa sẽ duy trì mục tiêu thân phương Tây được đặt ra từ năm 2014, chính sách mà ông Zelensky sẽ theo đuổi vẫn rất mơ hồ, ngay cả khi ông cố gắng củng cố uy tín của mình trong vòng 2 bằng cách bổ sung dàn cố vấn giàu kinh nghiệm hơn và chịu xuất hiện trên báo chí thay vì chỉ các diễn đàn mạng xã hội.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất, nếu không muốn nói là bất khả thi của ông Zelensky trong 5 năm tới là nối lại quan hệ với Nga. Trong quá trình tranh cử, ông tuyên bố muốn nối lại đối thoại với nước Nga, bị gián đoạn từ nhiều năm do các vấn đề địa chính trị. Thế nhưng, giới quan sát khó tin rằng mong muốn này của vị tổng thống mới đắc cử có thể thực hiện được.
Vấn đề không phải là ông Zelensky muốn sưởi ấm mối quan hệ với Nga mà được. Ít nhất có 2 tín hiệu quan trọng cho thấy Moscow chưa muốn bình thường hóa quan hệ với Kiev, ngay trước ngày diễn ra bầu cử vòng 2.
Thứ nhất, ngày 18-4, Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev ký một sắc lệnh cấm xuất khẩu than, dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ cho Ukraine kể từ ngày 1-6. Một đòn cảnh cáo “chí mạng” dành cho các cử tri Ukraine vì đó là những sản phẩm đáp ứng đến 40% nhu cầu của Ukraine. Sắc lệnh này rơi vào đúng thời điểm nhu cầu tiêu thụ lên đến đỉnh điểm. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, Kiev khó có thể tìm được những giải pháp thay thế.
Tín hiệu thứ hai tuy chưa hẳn là chính thức nhưng lại là một lời đe dọa nghiêm trọng gửi đến người kế nhiệm: nhiều nguồn tin truyền thông Nga cho biết Tổng thống Vladimir Putin dường như cho phép cấp hộ chiếu Nga cho 3,7 triệu người Ukraine sinh sống tại vùng Donbass. Những điều này cho thấy Nga sẽ không trải thảm đỏ đón tân Tổng thống Ukraine.
Phát biểu sau khi hay tin ông Zelensky giành chiến thắng, Grigori Karassin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, nói: “Người dân Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ những thay đổi. Bây giờ đến lượt lãnh đạo mới hiểu và nhận ra những hy vọng của người dân liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng đưa ra ý kiến của mình về cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine và nói rằng nước này có thể "khởi động lại mọi thứ".
"Ukraine có thể khởi động lại. Không chỉ là chuyện phân phối lại các dòng tài chính từ người giàu sang người nghèo mà là một sự khởi động thực sự dựa trên sự hiểu biết về nhu cầu của người dân, không bằng sức mạnh mà trên cơ sở một chương trình nghị sự quốc gia", Zakharova viết trên Facebook của mình.
Điện Kremlin cho rằng còn quá sớm để nói về khả năng hợp tác với ông Zelensky. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov: “Tính hợp pháp của cuộc bầu cử, nói chung, đã bị đặt dấu hỏi khi 3 triệu công dân Ukraine sống ở Liên bang Nga không có cơ hội bỏ phiếu”, ông Peskov nói thêm.
"Tổng thống Donald Trump đã gọi điện chúc mừng ông Zelensky đắc cử Tổng thống Ukraine", Telegram cho biết. Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã điện thoại cho cả hai ứng cử viên để "nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, ông nhắc lại cam kết (của Hoa Kỳ) trong việc hợp tác với người được người dân Ukraine bầu chọn, bất kể đó là ai".
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lên tiếng chúc mừng Vladimir Zelensky và bày tỏ hy vọng tiếp tục hợp tác.