“Ông chủ” mới của Hạ viện Mỹ

Thứ Sáu, 12/11/2010, 21:45
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 2/11 vừa qua đã cho kết quả đúng như dự báo của giới phân tích: Đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Hạ viện với 239 ghế so với 186 ghế của đảng Dân chủ. Theo quy định, thủ lĩnh đảng Cộng hòa tại Hạ viện John Boehner chắc chắn sẽ là Chủ tịch Hạ viện.

Trong chiến thắng của đảng Cộng hòa ngày 2/11 vừa qua, người ta nhắc nhiều đến công lao to lớn của ông John Boehner - thủ lĩnh đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Nổi bật với vai trò thủ lĩnh trong suốt giai đoạn vận động tranh cử, Boehner không chỉ vận động để tự tái cử ở vị trí của mình mà còn "xông pha" khắp các tiểu bang để hỗ trợ các ứng cử viên có vẻ yếu thế so với "đối thủ". Chính Boehner đã vận dụng những bộ óc sáng giá của đảng Cộng hòa để giúp nhiều ứng cử viên của đảng vượt lên trước đối thủ, đồng thời dùng các "mánh khóe" của riêng mình để "đấu" với đảng Dân chủ.

Nhờ mối quan hệ rộng rãi với giới doanh nghiệp, Boehner đã quyên góp được 36 triệu USD đóng góp vào ngân quỹ tranh cử của đảng Cộng hòa. Giờ đây ông đang bắt tay vào chuẩn bị cho một bước ngoặt mới: tiếp quản Hạ viện từ tay bà Nancy Pelosi và khởi đầu một "cuộc chiến" mới đầy căng thẳng với đảng Dân chủ và Tổng thống Barack Obama.

Năm nay 60 tuổi, John Boehner sinh trưởng trong một gia đình Thiên Chúa giáo có tới 12 anh chị em ở thành phố Cincinati, bang Ohio. Từ bậc phổ thông cho đến hết đại học, ông Boehner đã phải vừa học vừa làm, sau đó điều hành một doanh nghiệp nhỏ phân phối hàng hóa trước khi tham gia chính trường theo đảng Cộng hòa.

Ông Boehner được bầu vào Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1990, thuộc "Nhóm 7 người" (7 người lần đầu được bầu vào Hạ viện năm 1990) theo đường lối tư tưởng cải cách. Sau kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1994 đưa đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện, ông cùng Nhóm 7 người đấu tranh quyết liệt đòi xử tới nơi tới chốn vụ bê bối House Bank (thấu chi tài khoản ngân hàng của các thành viên Hạ viện) có dính líu đến các thành viên cả 2 đảng. Rốt cuộc, vụ đấu đá đó đã khiến cho uy tín của đảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cũng trong năm 1994, ông hợp cùng với Newt Gingrich và vài nghị sĩ Cộng hòa khác tung ra chương trình Contract with America giúp đảng Cộng hòa lần đầu tiên sau 40 năm nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Ông Boehner được bầu làm thủ lĩnh phe đa số ở Hạ viện vào tháng 2/2006 sau khi ông Tom Delay phải từ chức vì bê bối "vận động hành lang". Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mùa thu năm đó, đảng Cộng hòa mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ, Boehner trở thành thủ lĩnh thiểu số.

Trong sự nghiệp chính trị của ông Boehner có 2 điều cần lưu ý: Thứ nhất, đó là tư tưởng tư bản, thiên về ủng hộ giới doanh nghiệp. Thứ hai là, tính bảo thủ nhưng lại ít chấp nhận những quy định ràng buộc để quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội. Với 2 đặc điểm này, cộng với chức vụ, quyền hành ở Hạ viện, lại chịu "chơi" và chịu nhận "phong bì", ông Boehner từ lâu đã là người mà các nhóm vận động hành lang thường xuyên tìm đến để "nhờ vả, từ đó nổi tiếng là "ông nghị vận động hành lang".

Máu vận động hành lang của Boehner đã có ngay từ những năm đầu bước chân vào Hạ viện. Năm 1996, báo chí Mỹ từng làm ầm ĩ sau khi chộp được hình ảnh của ông Boehner phân phát những tấm séc ủng hộ của các nhà vận động hành lang cho các hãng thuốc lá. Là một tay mê chơi golf, Boehner rất dễ tiếp cận và cũng dễ tạo mối quan hệ với giới chủ công ty, tập đoàn kinh tế. Ông từng tự hào "khoe thành tích" vận động hành lang của mình rằng, mỗi ngày có đến hàng chục nhóm vận động hành lang đến tìm ông để nhờ giúp đỡ, và họ tìm đến ông mọi lúc, mọi nơi. Hiện có đến hơn 100 nhóm vận động hành lang là "mối ruột" của Boehner", trong đó có cả các tập đoàn lớn thuộc đủ mọi lĩnh vực ngành nghề như Coca-Cola, Zurich Financial Service, Golman Sachs, Google, Citigroup, R.J. Reynolds, UPS,... và đặc biệt là các tập đoàn thuốc lá.

Ông Boehner sẵn sàng nhận những tấm séc ủng hộ trị giá đến 37.800USD (mức cao nhất được pháp luật cho phép) từ các tập đoàn công ty này. Tất nhiên, các khoản "ủng hộ" mà Boehner nhận từ các nhà vận động hành lang và các công ty, tập đoàn kinh tế không phạm luật về tài chính - chính trị Mỹ.

Đối với ông Boehner, chiến thắng của đảng Cộng hòa ở Hạ viện có một ý nghĩa hết sức to lớn: Nếu được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, ông sẽ trở thành nhân vật quyền lực "số 3" của nước Mỹ, sau Tổng thống và Phó tổng thống. Ông sẽ nắm trong tay quyền hành pháp to lớn, có thể ký các trát lệnh yêu cầu Tổng thống phải ra điều trần. Mặt khác, nắm được Hạ viện, ông John Boehner còn có được cơ hội hết sức thuận lợi để "tái đấu" với Tổng thống Obama và đảng Dân chủ xoay quanh các chính sách (cải cách bảo hiểm y tế, hủy bỏ việc cắt giảm thuế,...) mà ông từng thất bại trong 2 năm qua.

Ngày 1/1/2011, Boehner sẽ chính thức nhậm chức Chủ tịch Hạ viện. Dự trù trước khả năng đảng Cộng hòa giành chiến thắng vào ngày 2/11, ngay từ giai đoạn vận động tranh cử, Boehner đã phát động một chiến dịch quyên góp mang tên "Boehner for Speaker" (Boehner cho ghế Chủ tịch Hạ viện). Một câu hỏi được đặt ra là Hạ viện Mỹ sẽ vận hành như thế nào dưới sự chủ trì của ông. Chắc chắn, Boehner sẽ có những thay đổi mạnh mẽ so với bà Nancy Pelosi, và chắc chắn Tổng thống Obama và đảng Dân chủ sẽ phải đối mặt với một Hạ viện có thái độ và quan điểm chống đối gay gắt các chính sách trong nghị trình của mình. Nhiều chính sách, luật pháp sẽ được xem xét lại, có thể phải thay đổi hoặc bị hủy bỏ.

Trước mắt, theo báo New York Times, ngay sau khi ngồi vào ghế Chủ tịch Hạ viện, việc đầu tiên mà ông Boehner sẽ thực hiện là vận động thay đổi đạo luật về cải cách y tế vừa mới được thông qua của Tổng thống Obama, đồng thời sẽ đảo ngược quyết định hủy bỏ chính sách cắt giảm thuế có từ thời Tổng thống George W.Bush.

Bản thân Boehner, sau khi ngồi vào ghế Chủ tịch Hạ viện, sẽ đối mặt những thách thức lớn để thực hiện các lời hứa trước cử tri, như cải cách chính phủ, tạo công ăn việc làm và đổi mới cách làm việc của Quốc hội, vì thời gian chỉ có 2 năm cho tới kỳ bầu cử năm 2012, trong khi Thượng viện vẫn còn nằm trong tay đảng Dân chủ. Rất có thể, Boehner sẽ phải chọn phương án thỏa hiệp để cùng đạt mục tiêu

Văn Trương (tổng hợp)
.
.