“Ông trùm truyền thông” biến những lời đe dọa thành hiện thực

Thứ Năm, 13/04/2017, 16:20
Trong suốt 6 năm diễn ra cuộc nội chiến Syria, nỗ lực của Mỹ trong việc thành lập và trang bị cho lực lượng địa phương đủ để lật đổ chế độ Tổng thống Al-Assad đã thất bại. Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump không có chiến lược để điều hành vấn đề quân sự và lại thiếu nhân lực có kinh nghiệm ở Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao, chủ yếu để soạn thảo các kế hoạch chiến đấu mới. Tại Bộ Quốc phòng, chỉ có 1 trong 53 giám đốc dân sự chủ chốt là Bộ trưởng Jim Mattis được bổ nhiệm để đảm đương chức trách.

Trong khi ông Trump không ngừng tuyên bố “đã có một kế hoạch bí mật để tiêu diệt IS”, thì chính ông lại không cho thấy dấu hiệu nào về kế hoạch đó. Nhưng hiện giờ ông trực tiếp thách thức chính quyền Al-Assad. Trước toàn thế giới, Mỹ vừa chuyển từ cuộc chiến chống IS sang đối đầu với Tổng thống Al-Assad và các đồng minh Nga cũng như Iran.

“Khi thực hiện những lời đe dọa chỉ trong vài giờ, Tổng thống Trump muốn chứng tỏ vai trò nắm quyền hành pháp chăng? Đột nhiên người ta tin vào lời nói của Donald Trump. Đây đúng là chiêu thức cao tay của ông trùm truyền thông” - giáo sư Pierre Guerlain chuyên về văn minh Mỹ cho biết.

Giữa Tổng thống Trump và phe Cộng hòa là một câu chuyện phức tạp. Một phần các vị nghị sĩ (cả Cộng hòa cũng như Dân chủ) đã tuyên bố vụ oanh kích là một hành động vi hiến. Nhưng đối với các vị “tai to mặt lớn” của phe Cộng hòa, đây là “thời điểm quan trọng tại Syria và Tổng thống đã chọn cách hành động”. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến thận trọng.

“Hiện giờ chúng ta cần một chiến lược toàn diện với một mục đích và các mục tiêu được xác định về cách thức mà chúng ta có thể hoàn thành sứ mệnh bảo vệ an ninh quốc gia tại Syria và trong khu vực” - nghị sĩ Cộng hòa Rob Portman ở Ohio tuyên bố.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Esty ở Connecticut cũng tán đồng: “Chúng ta không thể cho phép tiêu pha không tính toán và gây nguy hại cho sinh mạng của người Mỹ trong một sự can thiệp quân sự thiếu chiến lược rõ ràng và toàn diện mà không xét đến mọi hệ quả về lâu dài”.

Chứng khoán thế giới đỏ sàn sau đợt tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria.

Khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump xem quốc phòng là ưu tiên hàng đầu và tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng. Ngày 27-2, ông đã đề nghị tăng ngân sách quân sự năm 2018 lên mức kỷ lục để “tái thiết” lại quân đội, đối mặt với những mối đe dọa của một thế giới “nguy hiểm”. Mục tiêu sẽ là 603 tỉ đô la trong năm 2018.

Ý kiến này đã lập tức làm cổ phiếu của các công ty có hợp đồng với Lầu Năm Góc tăng vọt. Thế nhưng con số này vẫn chưa làm hài lòng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân sự ở Thượng viện, ông đề nghị tăng ngân sách quốc phòng lên 640 tỉ đôla trong năm 2018.

Khi ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk có trị giá 832.000 đô la, Tổng thống Trump đã gửi một “tín hiệu tích cực” đến các nhà công nghiệp vũ khí. Và nếu vụ oanh kích là chọn lựa có toan tính nhất mà không đưa nước Mỹ dấn thân vào một cuộc chiến lâu dài tại Syria, nó sẽ được hiểu như là lời hứa hẹn về tương lai cho ngành công nghiệp vũ khí.

Một chiến lược rõ ràng, chín chắn và thực tiễn về vấn đề Syria phải xét đến phương cách mà Washington đối phó với Moscow như đối tác ngoại giao hay đối thủ quân sự tại Syria; đến khả năng về những cuộc oanh kích sắp tới có hoặc không làm tổn hại đến các sáng kiến ngoại giao hướng đến một cuộc ngưng bắn; đến nhu cầu oanh kích hay điều quân bộ bổ sung ngoài 800 binh sĩ đang có mặt tại thực địa; và đến cách tránh va chạm với các phi cơ hay lực lượng Nga đang hoạt động tại Syria.

Trong số những chọn lựa thuần quân sự, có giải pháp thiết lập một “khu an toàn” cho những người tị nạn bên trong lãnh thổ, ý tưởng mà trong quá trình tranh cử, ông Trump từng lặp đi lặp lại. Nhưng sáng kiến về những khu an toàn đó lại lâm vào ngõ cụt trước các vấn đề như đơn vị nào canh phòng các khu vực đó, về việc phân lọc giữa người tị nạn và chiến binh, và lực lượng nào có trách nhiệm bảo vệ khu vực nếu bị phe Chính phủ Syria tấn công dưới sự hậu thuẫn của Nga và Iran. Ở khía cạnh này các chọn lựa phi quân sự lại là một thách thức lớn.

“Thách thức càng lớn hơn về mặt ngoại giao. Mọi yếu tố khiến cho việc tìm kiếm một giải pháp là quá khó khăn dưới thời Obama giờ đây vẫn còn nguyên” - Christine Wormuth ở Lầu Năm Góc chuyên trách về chiến lược và kế hoạch hóa thời Tổng thống Obama nhận định.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.