Pakistan: “Bóng hồng” đơn độc giữa rừng gươm

Thứ Tư, 20/04/2011, 09:30
Sherry Rehman, nữ nghị sĩ thuộc đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đang trở thành mục tiêu mới của các phái Hồi giáo cực đoan ở Pakistan khi bà tiếp tục con đường đấu tranh của đàn chị quá cố - cựu Thủ tướng Benazir Bhutto. Thân phận nữ nhi yếu đuối nhưng can trường của Rehman trước sức ép quá lớn từ những đảng phái cực đoan khiến cho nhiều người lo ngại liệu bà "trụ" được bao lâu?

Trong 3 tháng qua, bà Sherry Rehman hầu như chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà riêng của mình ở thành phố Karachi, miền Nam Pakistan; đó như là một thứ tù giam lỏng mà Rehman tự nguyện giam hãm bản thân mình vì đối với bà, việc đi ra ngoài đường vào thời gian này là cực kỳ nguy hiểm - bà có thể làm mồi cho bọn cực đoan bất cứ lúc nào. Ngay cả tại ngôi nhà của mình, Rehman cũng phải cần đến một đội quân cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 giờ mỗi ngày để đề phòng bị tấn công bằng bom bởi các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Cái "tội" của Rehman được các phái Hồi giáo cực đoan định đoạt là việc bà theo đuổi đường lối đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ, dám chống lại những giới luật, những quy tắc tôn giáo đã hình thành từ rất lâu trong xã hội Hồi giáo là cấm phụ nữ tham gia tất cả các hoạt động xã hội, chính trị,... vốn được xem là lãnh địa của nam giới. Trong các tội đó là những hoạt động chính trị mạnh mẽ, đáng kể nhất là việc bà theo đuổi những dự án luật quan trọng, như luật chống bạo lực nhắm vào phụ nữ và các nhóm thiểu số, sửa đổi Luật báng bổ Hồi giáo do chính bà soạn thảo và đề xuất.

Năm nay 50 tuổi, Rehman là một cựu biên tập viên của tuần báo Herald (Pakistan), sau đó bà được bầu vào Quốc hội năm 2002 và được xem là "truyền nhân" rõ rệt nhất của cựu Thủ tướng bị ám sát Benazir Bhutto. Rehman đã sát cánh cùng bà Bhutto trên bước đường vận động chính trị khi bà Bhutto vừa từ nước ngoài trở về Pakistan cuối năm 2007. Khi xảy ra vụ đánh bom đầu tiên của bọn cực đoan nhắm vào đoàn xe của bà Bhutto tại thành phố Karachi, Rehman đang ngồi trong xe cùng bà Bhutto và lãnh một miếng bom, tới nay vẫn còn sẹo trên lưng.

Khi bà Bhutto bị bắn chết trong một vụ tấn công khác tại tỉnh Punjab, Rehman cũng ngồi chung xe và chính bà là người đưa bà Bhutto đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi ông Asif Ali Zardari, chồng bà Bhutto lên làm Tổng thống, Rehman trở thành Bộ trưởng Thông tin vào năm 2008 nhưng từ chức sau đó một năm để phản đối việc chính phủ siết chặt kiểm soát các đài truyền hình do phê bình chính sách của chính phủ. Từ khi rời chính phủ, Rehman vẫn duy trì ghế nghị sĩ trong Quốc hội và tiếp tục con đường đấu tranh của bà Bhutto.

Trọng tâm của cuộc đấu tranh của bà Rehman là Luật báng bổ đạo Hồi, được Quốc hội gồm đa số là các phái Hồi giáo thông qua nhằm bảo vệ hình ảnh, giá trị của đạo Hồi, thẳng tay trừng trị những ai cố tình bôi nhọ, phỉ báng hoặc xúc phạm đến đấng tiên tri Mohammed và các giá trị đạo Hồi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc áp dụng luật này cho đến nay chủ yếu để đàn áp các tôn giáo thiểu số, như Thiên Chúa giáo và vài tôn giáo khác vì "đã xúc phạm đạo Hồi và đấng tiên tri Mohammed" theo cách nhìn một phía của các giáo sĩ cực đoan.

Dĩ nhiên, các hoạt động chính trị và xã hội của những phụ nữ như bà Rehman cũng bị giới cực đoan xem là "báng bổ đạo Hồi" vì bà đã vi phạm giáo luật của đạo Hồi. Kể cả những chính khách nam giới cũng bị xem là báng bổ đạo Hồi nếu có những lời lẽ, hành động chống lại những nhân vật đạo Hồi, những hành động tội ác do thành phần Hồi giáo cực đoan gây ra.

Bà Sherry Rehman và những người ủng hộ.

Việc Rehman và đảng PPP của bà tung ra dự án luật sửa đổi Luật báng bổ đạo Hồi xuất phát từ sự kiện một tòa án địa phương Pakistan tuyên án tử hình một phụ nữ theo đạo Thiên Chúa vào tháng 11/2010, vì cho rằng người phụ nữ này "báng bổ đạo Hồi". Dự án luật do chính Rehman phụ trách soạn thảo và đề xuất lên Quốc hội Pakistan xem xét thông qua. Tuy nhiên, quá trình xem xét dự luật này đã đụng chạm đến tất cả các phái Hồi giáo ở Pakistan và do đó đã xảy ra nhiều vụ việc căng thẳng, kể cả những vụ ám sát do các nhóm Hồi giáo cực đoan gây ra.

Những nạn nhân của "cuộc chiến" quanh dự luật của Rehman không phải là ít, gần đây nhất là Tỉnh trưởng tỉnh Punjab Salman Taseer và Bộ trưởng các dân tộc thiểu số Shahbaz Bhatti, cùng đảng PPP với bà Rehman. Trước đó nữa, đã có vài nữ nghị sĩ bị giết hoặc bị dọa giết mà động cơ xuất phát từ việc bà Rehman và đảng PPP của bà đòi sửa luật báng bổ. Sau khi 2 ông Taseer và Bhatti bị sát hại, "cuộc chiến" sửa luật báng bổ chỉ còn lại một mình bà Rehman theo đuổi.

Về lý thuyết thì bà Rehman không hề đơn độc trong cuộc chiến của mình. Ngày càng có nhiều người cùng quan điểm với bà về các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ và dân tộc thiểu số ở Pakistan - kể cả giới luật sư từng làm nên các cuộc biểu tình rầm rộ buộc ông Parvez Musharraf từ chức cách đây 3 năm, đều đang tỏ ra thận trọng hơn khi họ biết mình đang đối đầu với những lực lượng cực kỳ nguy hiểm: những chiến binh cực đoan sẵn sàng liều chết để bảo vệ các giá trị tôn giáo, tín ngưỡng của mình. Ngay cả đảng PPP cũng bắt đầu tỏ ra dè dặt hơn và đang cân nhắc tạm thời ngừng việc thông qua dự luật này.

Bản thân bà Rehman vẫn không thay đổi quan điểm, nhưng hiện tại bà khó lòng làm nên chuyện. Phát biểu với báo chí mới đây, bà Rehman cho biết các thế lực cực đoan Pakistan muốn bà "im lặng" và đừng đụng đến luật báng bổ nữa. Một số người khuyên bà rời bỏ Pakistan ra nước ngoài tị nạn, như bà Bhutto từng làm, nhưng Rehman nhất quyết không chịu, vì đối với bà, đó chẳng khác gì một hành động đầu hàng, chấp nhận lùi bước trước các thế lực cực đoan

Văn Trương (tổng hợp)
.
.