Pakistan: Tham vọng trở lại nắm quyền lực của cựu Tổng thống Pervez Musharraf

Thứ Ba, 12/10/2010, 18:35
Cựu tổng thống Pervez Musharraf đã thành lập một đảng phái chính trị mới và có kế hoạch quay trở lại nắm quyền lực ở Pakistan vào năm 2013. Quyết định của Musharraf được cho là muốn lợi dụng thời điểm mất lòng dân của chính quyền dân sự hiện tại ở Pakistan vì bị phê phán nạn tham nhũng và phản ứng thiếu trách nhiệm trước thảm họA lũ lụt trong thời gian qua ở nước này.

Để lấy lòng cử tri Pakistan, trong thời gian gần đây ông Musharraf đã cố gắng gia tăng sự xuất hiện trong các chương trình trên tivi, thành lập quỹ tài trợ cho nạn nhân lũ lụt đồng thời tổ chức những cuộc hội nghị mới. Ông cũng tiết lộ những chi tiết về tuyên ngôn chính trị của ông trong thời gian ra mắt chính thức đảng mới của mình - Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan (APML) ở London.

Ông Musharraf là tổng thống thứ 10 của Pakistan và cầm quyền 8 năm rưỡi trước khi buộc phải từ chức năm 2008, nhưng ông tuyên bố mình có được sự ủng hộ rộng rãi của giới trẻ Pakistan và cho biết ông có hơn 300.000 người bạn trên Facebook. "Musharraf có được sự ủng hộ nhiệt thành từ những người thành thị, tầng lớp trung lưu và những người trẻ tuổi chưa có quyền bầu cử", Cyril Almeida, nhà phân tích chính trị độc lập ở Islamabad, nói.

Lịch sử của Pakistan trong vài năm gần đây đã cho thấy một số cựu lãnh đạo chính trị sống lưu vong ở nước ngoài đều  cố gắng trở lại nắm quyền lực. Hai cựu thủ tướng Benazir Bhutto và Nawaz Sharif đã quay trở về Pakistan trong mùa thu năm 2007 sau nhiều năm sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, tham vọng phục hồi quyền lực chính trị của bà Bhutto đã kết thúc đột ngột khi bà bị ám sát tháng 12/2007. Trong khi Sharif vẫn chưa thể ra ứng cử trong những cuộc bầu cử mới đây do những cáo buộc tội phạm trong quá khứ.

Asif Ali Zardari - chồng của bà Bhutto - ngồi tù nhiều hơn thời gian sống ở hải ngoại. Nhưng ông đã có cuộc hồi hương thành công nhất khi trở thành Tổng thống Pakistan vào tháng 9/2008. Còn Musharraf, một tướng lĩnh quân đội đã phế truất Sharif trong cuộc đảo chính đẫm máu năm 1999, có một quá khứ gây nhiều tranh cãi.

Ông Musharraf đã vài lần cố gắng nối lại quan hệ hữu nghị với Ấn Độ, kẻ thù không đội trời chung của Pakistan, và thể hiện mình là đồng minh đáng tin cậy của nước Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Đồng thời ông Musharraf cũng nỗ lực kìm hãm sự lớn mạnh của lực lượng chiến binh Hồi giáo trong nước và gây tình thế đối đầu về chính trị.

Sự ủng hộ ông Musharraf yếu đi nhanh chóng sau một phong trào biểu tình trên đường phố do các luật sư lãnh đạo và cuộc tranh cãi xung quanh vụ ám sát bà Bhutto dẫn đến việc mọi người buộc tội chính quyền ông lơ là trong tổ chức an ninh cũng như không tiến hành điều tra vụ ám sát đến nơi đến chốn. Dưới sức ép của những đối thủ chính trị và những sự đe dọa buộc tội, Musharraf buộc phải từ chức và bay sang London.

Cựu Tổng thống Pervez Musharraf tương đối giữ im lặng trong những năm gần đây, nhưng ông bắt đầu ra mặt không lâu sau trận lũ lụt tàn phá Pakistan trong 2 tháng qua. Đầu tiên, ông trực tiếp đứng ra tổ chức hoạt động quyên góp tiền bạc trên một kênh truyền hình tư nhân, thu được 3 triệu USD cứu trợ cho các nạn nhân thiên tai. Ông hứa hẹn tiếp tục tổ chức sự kiện quyên góp tương tự tại Mỹ cùng với ngôi sao điện ảnh Angelina Jolie và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Tuy nhiên, 2 năm sau, sự ra đi của Pervez Musharraf, chính quyền kế nhiệm ông đang vướng vào tình thế nan giải. Giới lãnh đạo địa phương và quốc gia thường xuyên bị chỉ trích thậm tệ vì đã không có những biện pháp tức thời trước thiên tai hoành hành Pakistan. Đề xuất cải cách thuế và việc cắt ngân sách dành cho các trường đại học trong nước đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ trong dư luận. Những tin đồn về sự cải tổ sắp xảy ra càng lúc càng tăng khi quân đội Pakistan đầy quyền lực tiếp tục gây sức ép đến chính quyền đòi cải thiện bộ máy nhà nước cầm quyền. Nhưng, trước tuyên bố quay trở về của ông Musharraf, chính trường tương lai của Pakistan khó có chỗ cho cựu tổng thống lưu vong này.

Trong thời điểm ra mắt đảng mới APML của mình, ông Musharraf cũng có lời xin lỗi đất nước Pakistan vì những sự việc mà ông đã gây ra trước khi buộc phải từ chức. Musharraf, 67 tuổi, nói ông phạm những sai lầm trong năm cuối cùng ngồi chiếc ghế tổng thống và điều đó đã gây "những tác động bất lợi" đến quốc gia. Tuy không nói rõ đã phạm những sai lầm gì, nhưng sự chính thức ra mặt đảng phái mới APML cho thấy ông đang nỗ lực tô đậm lại hình ảnh của mình. Từ năm 2009, Musharraf giao tiếp với những người ủng hộ mình thông qua Facebook và tiến hành hàng loạt những cuộc phát biểu trên mạng.

Vừa qua, ông tuyên bố phát động một "cuộc thánh chiến chống nghèo đói và mù chữ", đồng thời cũng thừa nhận đã có những quyết định sai lầm khi đang nắm quyền lực "dẫn đến hậu quả chính trị tiêu cực". Ông nói: "Nhân cơ hội này, tôi thành thật xin lỗi toàn thể đất nước vì những quyết định sai lầm này. Chỉ có Thượng đế là không sai lầm. Con người luôn phạm sai lầm và tôi đã có vài sai lầm vào lúc cuối buộc tôi phải xin lỗi. Tôi đã rút ra được những bài học và chắc chắn tôi sẽ không lặp lại nữa".

Trong khi đó Cao ủy của Pakistan ở Anh là Wajid Shamsul Hasan nói thẳng thừng là ông Musharraf là "người của hôm qua" và sẽ không có cơ may để nắm lại quyền lực tại quê nhà. Musharraf nói ông không hối tiếc về biện pháp an ninh dành cho bà Benazir Bhutto vào năm 2007 khiến bà bị ám sát sau khi về nước được 3 tháng để tham dự mít tinh chống lại một chiến dịch bầu cử. Ông còn cho biết, ông sẽ trở về Pakistan trước  khi diễn ra những cuộc bầu cử vào năm 2013, nhưng ảnh hưởng của ông đối với quân đội vẫn chưa rõ ràng do nhiều đồng minh của ông nay đã về hưu.

Mặc dù vậy, ông vẫn mạnh miệng: "Tôi sẵn sàng đối mặt với mọi chuyện. Tôi không sợ hãi". Musharraf nói, cách duy nhất để giải quyết những vấn đề của Pakistan là ủng hộ vai trò của quân đội. Ông cũng nói về tầm quan trọng của việc cải thiện nông nghiệp và cần đầu tư nhiều hơn nữa vào quốc gia đông đến 175 triệu dân này. Về cuộc chiến chống khủng bố, Musharraf nói: "Sẽ không có sự  khoan nhượng nào cho chủ nghĩa cực đoan"

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.