Pakistan: Tiếp tục cuộc đấu “tay ba”?

Chủ Nhật, 09/12/2007, 09:50
Trên chính trường Pakistan hiện đang hình thành cục diện "chân vạc" trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa ông Musharraf với các cựu Thủ tướng Benazir Bhutto và Nawaz Sharif.

Ngày 28/11, Tổng thống Pakistan tướng Pervez Musharraf đã từ chức Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, trao quyền chỉ huy lại cho tướng Ashfaq Kayani, chấm dứt 8 năm tồn tại của chính quyền quân sự kể từ sau cuộc đảo chính tháng 10/1999. Ngày 29/11, ông Musharraf đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ mới.

Việc từ chức chỉ huy quân đội của ông Musharraf được xem là kết quả từ sức ép ngày càng tăng cả trong nước lẫn quốc tế, là bước đi mà ông Musharraf buộc phải làm để giải tỏa khủng hoảng chính trị xuất phát từ việc ông tái cử Tổng thống Pakistan hồi đầu tháng 10.

Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng sau khi ông Musharraf thay thế hàng loạt thẩm phán, cách chức lần thứ 2 Chánh án Tòa án tối cao Iftikhar Chaudry vì lo ngại ông này sẽ không phê chuẩn tư cách ứng cử viên tổng thống của ông.

Sai lầm của ông Musharraf chính là ở chỗ đánh giá sai không đúng mức độ ảnh hưởng của Chánh án Chaudry trong giới luật sư cũng như công chúng Pakistan, cho nên việc cách chức ông ta đã gây ra phản ứng gay gắt từ phía các luật sư, dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối và xung đột bạo lực với cảnh sát khiến ông phải ban bố tình trạng khẩn cấp và bắt giam hàng trăm người.

Ông Musharraf đã trở thành mục tiêu công kích, phản đối của phe đối lập trong nước do bà Bhutto dẫn đầu. Từ chỗ phản đối hành động cách chức ông Chaudry, bà Bhutto bắt đầu kêu gọi ông Musharraf phải từ chức Tổng thống Tư lệnh quân đội.

Tưởng chừng mâu thuẫn giữa 2 bên chỉ là “màn kịch” (vì bà Bhutto và ông Musharraf đã ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực hồi tháng 9), nhưng những diễn biến thực tế cho thấy điều ngược lại: Bà Bhutto đã 2 lần bị quản thúc tại gia khiến bà tuyên bố chấm dứt các thỏa thuận với ông Musharraf.

Không chỉ bà Bhutto, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif cũng ra điều kiện sẽ tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 8/1/2008 nếu ông Musharraf không chịu từ bỏ quân phục, và rằng ông sẽ không làm thủ tướng Pakistan nếu ông Musharraf làm Tổng thống.

Sức ép còn đến từ ngay trong hàng ngũ quân đội với việc 20 tướng tá, chỉ huy, đô đốc đồng loạt ký tên thỉnh nguyện thư yêu cầu ông Musharraf từ chức cả Tổng thống lẫn Tổng Tư lệnh quân đội Pakistan.

Trong khi đó, các đồng minh của Pakistan ở phương Tây cũng liên tục gia tăng sức ép. Ngày 25/11, Anh và Khối thịnh vượng chung đã chính thức khai trừ Pakistan khỏi khối này do ông Musharraf khước từ yêu cầu từ chức chỉ huy quân đội và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Các nước khác cũng gây sức ép bằng cách xem xét lại một số thỏa thuận hợp tác an ninh, quân sự, ngoại giao với Pakistan. Riêng sức ép từ đồng minh Mỹ là nặng nề nhất.

Đối với Mỹ, việc ông Musharraf thâu tóm quyền lực, đàn áp phe đối lập và cấm đoán giới truyền thông là việc làm không thể biện minh với thế giới. Hơn nữa, Mỹ không thể làm ngơ trước tình hình ngày càng xấu đi ở Pakistan - đồng minh quan trọng nhất trong cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda và tàn quân Taliban tại các vùng biên giới giáp với Afghanistan.

Tình hình Pakistan bất ổn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả các chiến dịch truy quét khủng bố tại nước này, càng gây khó khăn nhiều hơn cho cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Vì vậy, ông Musharraf chỉ có một chọn lựa là phải từ bỏ bộ quân phục vốn được xem là “bộ da thứ hai” của mình.

Đối với ông Musharraf, người từng 46 năm phục vụ trong quân đội và đã trải qua cả một quá trình dài phấn đấu từ một anh lính leo lên đến chức Tổng Tư lệnh quân đội, việc từ bỏ nó là điều vô cùng khó khăn, là một quyết định mà ông Musharraf đã phải mất thời gian khá lâu để suy nghĩ và tính toán.

Quân đội đối với ông Musharraf không chỉ là “máu thịt” mà đó còn là chỗ dựa quyền lực tuyệt đối. Nắm quân đội trong tay, ông Musharraf đã thực hiện thành công cuộc đảo chính không đổ máu ngày 12/10/1999.

Sức mạnh của quân đội đã bảo đảm cho ông Musharraf nắm toàn quyền - mặc dù đôi khi cũng có vài trục trặc nhỏ - trong việc lãnh đạo điều hành đất nước. Quân đội cũng chính là cánh tay đắc lực giúp ông Musharraf thực hiện các chính sách hợp tác với đồng minh Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Sáng 26/11, ông Nawaz Sharif đã trở về Pakistan để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh quyền lực với ông Musharraf và bà Bhutto. Như vậy, trên bàn cờ Pakistan hiện nay đang hình thành một cục diện “chân vạc” trước cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.

Dư luận đang chú ý vào cuộc đấu của 2 đối thủ trực tiếp của ông Musharraf là bà Bhutto và ông Sharif. Hai người này không chỉ chống lại ông Musharraf mà còn chống lại lẫn nhau. Mỗi người có “cứ địa” riêng với số phiếu ủng hộ cao gần như tuyệt đối.

Tuy nhiên, so với ông Sharif thì bà Bhutto được đánh giá mạnh hơn hẳn. Bà Bhutto không chỉ được ủng hộ mạnh ngay tại cứ địa của mình mà còn thu hút cả những người từ các tỉnh khác. Hơn nữa, theo giới phân tích, bà Bhutto đang được Washington ủng hộ như một nhân tố mới làm cho hình ảnh Pakistan “mềm mại” hơn so với ông Musharraf.

Theo nhà phân tích Talat Masood (một cựu tướng quân đội Pakistan), với việc trao quyền lại cho tướng Kayani, ông Musharraf vẫn duy trì ảnh hưởng trong quân đội một thời gian, ít nhất là trong vài tháng tới, nhưng về lâu dài thì tiếng nói của ông không còn có tác dụng đối với quân đội nữa.

Kayani được đánh giá là một nhà quân sự chuyên nghiệp, một người rất nguyên tắc, chỉ chuyên tâm vào mục tiêu chống khủng bố của quân đội. Ông được xem là người không có tham vọng chính trị, vì vậy cũng không muốn để quân đội can thiệp vào chính trường. Dưới sự chỉ huy của ông, quân đội có thể ủng hộ Tổng thống Musharraf. Đây chính là lý do ông Musharraf chọn tướng Kayani.

Mặt khác, tuy không còn điều hành quân đội nhưng trong tay ông Musharraf vẫn còn khá nhiều quyền lực bởi  ông vẫn còn một số cơ quan quyền lực, như Cục Tình báo liên cơ quan (ISI), và những quyền hành khá rộng rãi của Tổng thống được bổ sung trong hiến pháp. Ông vẫn có quyền giải tán chính phủ và nhất là vẫn còn nắm trong tay quyền ban bố tình trạng khẩn cấp.

Vì vậy, cuộc đấu “tay ba” giữa bà Bhutto và ông Sharif với ông Musharraf hứa hẹn sẽ rất gay cấn

An Châu (tổng hợp)
.
.