Paul Wolfowitz - Đồng minh bất ngờ của Tổng thống Obama

Thứ Tư, 25/09/2013, 18:05

Khi Tổng thống Obama đưa ra kế hoạch không kích các mục tiêu ở Syria, một trong những công việc quan trọng nhất của ông đó là làm sao thuyết phục được Quốc hội và người Mỹ rằng đây không phải là cuộc chiến với một Iraq thứ hai. Giữa lúc đa số thành viên Quốc hội và người Mỹ còn đang phản đối gay gắt sự can thiệp này, ngài Tổng thống lại bỗng nhiên nhận được sự ủng hộ của một người mà ông ít ngờ tới nhất. Đó là Paul Wolfowitz, người cũng chính là nhân vật chủ chốt kiến thiết nên cuộc tấn công Iraq năm 2003, cuộc chiến mà Tổng thống Obama từng kịch liệt phản đối... 

 Ông Paul Wolfowitz, hiện 70 tuổi, trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế cấp tiến Paul H. Nitze thuộc Đại học Johns Hopkins. Ông từng dạy môn Quan hệ quốc tế tại Johns Hopkins và Đại học Yale. Ngoài ra, ông Wolfowitz còn có bằng cử nhân toán của Trường đại học Cornell và bằng tiến sĩ chính trị Đại học Chicago.

Dưới thời Tổng thống G. Bush, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng thế giới. Sự điều động một nhà phân tích quân sự sang hoạt động trong lĩnh vực tài chính được cho là điều "không hiểu nổi" và đã gây ra nhiều tranh cãi lúc bấy giờ. Nhiều người cho rằng, Paul Wolfowitz chẳng khác gì một bậc thầy dày dạn kinh nghiệm chinh chiến ở Lầu Năm Góc đang tìm nơi ẩn náu để rửa sạch máu khỏi tay.

Hiện tại, Wolfowitz đang là học giả thỉnh giảng tại Viện Thương mại Hoa Kỳ, với công việc chuyên về các vấn đề phát triển kinh tế, châu Phi và các quan hệ hợp tác khu vực tư nhân.

Nếu như năm 2003, Wolfowitz và Obama ở hai thái cực đối với vấn đề Iraq thì 10 năm sau hai ý tưởng đã quy về một mối trước sự kiện Syria. Về kế hoạch không kích mà Tổng thống Obama đưa ra, theo ông Wolfowitz,  người Mỹ nên hiểu rằng Syria sẽ không phải là một Iraq thứ hai. Nhưng hãy khoan bàn đến việc cử những binh sĩ Mỹ sang Syria để thay đổi một chế độ.

Giải thích về kế hoạch của Tổng thống, Wolfowitz cho biết, ông chỉ muốn nước Mỹ hiểu rằng chính phủ đang lựa chọn một chiến dịch quân sự ít rủi ro nhất, ở đó càng ít người Mỹ phải tham chiến và lâm vào vòng nguy hiểm thì càng tốt.

Từ trước tới nay, Wolfowitz vẫn luôn được báo chí biết đến với hình ảnh một chính khách theo chủ nghĩa tân bảo thủ nhưng gần đây, khi bàn đến vấn đề Syria, các phát biểu của ông ngày càng giống với tư tưởng của một người theo chủ nghĩa can thiệp tự do. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết một trong những lý do lớn nhất để Mỹ ra mặt lúc này đó là việc giành thêm sự ủng hộ cho người Mỹ ở một khu vực rộng lớn hơn.

Ông tin rằng đó cũng chính là lý do khiến lực lượng đối lập Syria chiếm được nhiều sự thông cảm trong thế giới Arập. Hay nói cách khác, các cuộc nổi dậy sẽ có thêm một nền tảng ủng hộ vững chắc nữa nếu Mỹ đặt chân lên đất nước này. Nước Mỹ từng ủng hộ người Israel và họ đã phải trả giá vì nó nhưng lần này ủng hộ lực lượng đối lập Syria, nước Mỹ sẽ không mất gì mà thay vào đó còn nhận lại một phần thưởng xứng đáng.

Một phần các tính toán của ông được rút ra từ phản hồi của người Libya sau khi đế chế của nhà độc tài Muammar Gaddafi sụp đổ. Wolfowitz  cho biết ông vẫn còn nhớ một bức ảnh chụp tấm biển quảng cáo ở Tripoli có nội dung cảm ơn những tổ chức đã ủng hộ cuộc cách mạng Libya, trong đó bao gồm có Mỹ và NATO. Ông nói: "Có thể sẽ có một tấm biển như thế ở Damascus và chúng ta đã đợi quá lâu để có thể  hiện thực hóa viễn cảnh đó".

Đây không phải là lần đầu Wolfowitz có phần xa rời so với tư tưởng của một nhà tân bảo thủ. Năm 2002, khi phát biểu trước một cuộc đại hội thân Israel ông đã bị đám đông la ó vì đã nói rằng những người Palestine vô tội cũng đang phải chịu đựng cuộc chiến theo sau sự thất bại của tiến trình đàm phán hòa bình Oslo năm 2000. Trong cùng giai đoạn đó, tình bạn giữa ông và nhà văn Christopher Hitchens đã nảy nở, đây cũng là một nhân vật tiến bộ, người đã trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất đối với việc ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq.

Trong buổi phỏng vấn, Wolfowitz gọi cuộc nổi dậy của lực lượng đối lập là một sự kháng cự. Theo ông, quyết định quan trọng nhất mà Tổng thống Obama đưa ra sẽ củng cố thêm sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với lực lượng đối lập này. "Chúng ta cần cố gắng hỗ trợ lực lượng kháng cự này đồng thời kiểm soát các nhân tố liên quan. Đó chính là điều chúng ta cần làm lúc này".

Nhưng theo ông những vị trí mà người Mỹ dẫn đầu hiện nay và trong tương lai có thể sẽ không trở thành hiện thực nếu như không có những kinh nghiệm từ vụ khủng bố 11-9. Ở cả Afghanistan và Iraq người Mỹ đều đã đi quá xa. Theo ông, ngay từ đầu người Mỹ đã nên trao trả lại chính quyền cho người Iraq, thà để họ tự sai lầm cũng còn hơn là để người Mỹ mắc phải những sai lầm ấy. Khi các nhóm đối lập đứng ngang hàng với những lợi ích của người Mỹ, khi họ tự nguyện nhận lấy trách nhiệm chiến đấu và hy sinh thì không có lý do gì mà nước Mỹ lại không ủng hộ họ".

Hiện tại vị trí của Wolfowitz đang được một số thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội ủng hộ, bao gồm cả nghị sĩ John McCain. Nhưng kết quả kiểm phiếu ban đầu cho thấy ít nhất là tới thời điểm này, Wolfowitz đang nằm ngoài hệ thống đồng bộ với xu hướng chủ yếu của đảng Cộng hòa trước vấn đề can thiệp lần này. Chỉ có 3 thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban Quan hệ nước ngoài của Thượng viện là bỏ phiếu cho phép quân đội tới Syria.

Khác với Tổng thống Obama, người sẵn sàng ngừng tấn công trừng phạt Syria nếu như đất nước này chịu từ bỏ vũ khí hóa học, ông Wolfowitz, vốn là một người theo chủ nghĩa tân bảo thủ lại giữ quan điểm chính trị rằng Mỹ phải dùng thế mạnh siêu cường để thúc đẩy "cải tổ" ở các nước khác

Hoàng Cúc(theo The dailybeast)
.
.