Pháp: Chống nạn bạo lực tình dục nơi công sở

Thứ Ba, 08/11/2011, 11:00
Nỗi thống khổ không ai thấu hiểu của những phụ nữ làm công, một thực tế từ lâu chưa được biết đến, nhưng đó là sự thực. Chính phủ Pháp vừa mới đưa ra những biện pháp chống lại những kiểu xâm hại tình dục tại công sở. Liệu vấn đề này có chấm dứt không?

Phụ nữ độc thân là những nạn nhân đầu tiên

Thoạt nhìn thì Florence và Naima chẳng có điểm chung nào cả. Bà Florence, một phụ nữ Pháp tóc vàng, 50 tuổi, là viên chức cao cấp trong ngành cảnh sát. Còn Naima là một phụ nữ Morocco 36 tuổi, làm công việc nội trợ bán thời gian trong một xí nghiệp. Tuy nhiên, cả hai đều phải chịu một cuộc sống địa ngục như nhau: một người thì trong suốt 2 năm trời bị cấp trên liên tục buông lời gợi tình và hôn trộm. Còn người kia thì bị trưởng nhóm chặn lại tại một góc rừng, rồi ông ta buộc chị phải quan hệ tình dục. Cả hai người phụ nữ đều bị phạt vì đã chống lại ý muốn của các ông chủ dâm dục: Naima bị giảm phân nửa tiền công. Còn Florence thì giận dữ nói: "Tôi bị giáng chức xuống làm công tác bảo vệ mà không được báo trước".

Những con số cho thấy, bà Florence có lý khi nói vậy. Theo Insee (Viện Thống kê và nghiên cứu của Pháp) thì có 25% vụ xâm hại tình dục và 4,7% vụ cưỡng dâm xảy ra tại nơi làm việc. 19% số phụ nữ là nạn nhân của những lời gợi ý khiếm nhã, của sự vuốt ve, của hành vi trưng dâm từ 1/5 viên chức cao cấp. Theo nhà xã hội học Maryse Jaspard, những phụ nữ thường bị nhắm đến nhiều nhất chính là các bà mẹ trẻ độc thân, là những người có công việc tạm thời, không ổn định. Còn những kẻ xâm hại là mọi hạng người từ thấp đến cao trong xã hội. Hiệp hội Chống bạo hành phụ nữ nơi công sở của châu Âu (AVFT), là hội giúp đỡ cho 400 nạn nhân mỗi năm, đã liệt kê những nghề nghiệp của những người bị tình dục ám ảnh. Kết quả có thể chứa đầy một cuốn niên giám điện thoại loại Trang vàng (những công chức 40%), các nhân viên bất động sản, viên chức bảo hiểm, bác sĩ, viên chức chính quyền (cảnh sát, công an) hoặc thuộc giới điều hành phụ nữ (các ông sếp phân phối lao động nữ).

Bà Marilyn Baldeck, Tổng đại diện của Hiệp hội AVFT nói: "Các nạn nhân thường không dám tiết lộ những hành vi xâm hại đó. Họ sợ mất việc làm và cố gồng mình chịu đựng những trò đùa cợt sàm sỡ, khiếm nhã nơi công sở. Tại một số bang của Mỹ, người ta giảm thuế cho các công ty để thiết lập một chính sách ngăn ngừa chống phân biệt giới tính. Nhưng tại Pháp thì không hề có một chế tài nào về tài chính cả. Hơn nữa, khác với luật châu Âu, luật của Pháp định nghĩa việc quấy rối tình dục là một hành vi nhằm mục đích có được những cảm giác thuộc tình dục, vì vậy mà nhiều thủ phạm được trắng án, vì cho rằng họ chỉ trêu chọc nạn nhân chứ không có ý định ăn nằm với nạn nhân. Và có rất ít vụ việc được giới truyền thông đề cập đến. Do đó, các xí nghiệp chẳng mất mát gì khi không biết đến vấn đề này.

Tuy nhiên, các giải pháp rất đơn giản. Những kẻ xâm hại thường không dám liều lĩnh. Đa số các vụ xâm hại  tình dục sẽ không xảy ra nếu các ông chủ nhớ lại rằng, mỗi người làm công đều có một hợp đồng lao động, dù là hợp đồng miệng hay hợp đồng trên giấy tờ, và có thêm việc cấm quấy rối tình dục cùng những hình phạt nếu xảy ra sự xâm hại".

Hiện nay, luật lao động buộc các ông chủ phải ngăn ngừa những hành vi lạm dụng tình dục, nhưng đa số các ông chủ đều tự hài lòng về việc chấp hành luật pháp tối thiểu: một chương trong nội quy. Vào tháng 4-2010, các đối tác xã hội đã ký một thỏa thuận chống xâm hại, chủ yếu là xâm hại tình dục nơi công sở. Nhưng xét cụ thể thì thỏa thuận đó chẳng thay đổi điều gì cả. Ông Francois Fatoux, thuộc Cơ quan Giám sát trách nhiệm xã hội của các xí nghiệp nói: "Cuộc chiến đấu này không phải là quyền ưu tiên của các nhà điều hành. Nói thế có nghĩa là việc thay đổi cách suy nghĩ của mọi người và việc làm cho những người làm công nhạy cảm với vấn đề chẳng phải là việc làm miễn phí, chẳng dễ dàng và cũng chẳng nhanh chóng". Do đó, các nạn nhân khó tìm được người đối thoại để tỏ bày nỗi niềm.

Theo một cuộc điều tra được tiến hành tại  Seine-Saint-Denis, chưa tới 1% số phụ nữ bị xâm hại kể cho bác sĩ nghe cơn ác mộng của họ. Còn các nhà hoạt động công đoàn, vì thường là đàn ông nên cũng không khuyến khích phụ nữ tâm sự. Ông Christophe Dague, Tổng thư ký trợ lý của CFDT - Paris nói: "Xét về phương diện quốc gia, cơ quan CFDT tố giác sự quấy rối tình dục từ 20 năm qua, sự cam kết này không thể hiện đúng mức. Thậm chí, các đại biểu công đoàn không nói rõ vấn đề này do ngại ngùng, do thiếu thời gian, vì họ xem nhẹ vấn đề, hoặc vì họ xem đó là vấn đề của đời tư".

Những kẻ xâm hại được hưởng quá nhiều ưu ái

Từ năm 2008, dự án "Tôn trọng phụ nữ" muốn đảo ngược tình hình. Có 1.300 thành viên CFDT, các đại biểu công đoàn về nhân sự và đại diện của CE đã được tu nghiệp về vấn đề bạo lực phân biệt nam nữ và xâm hại tình dục nơi công sở. "Nhưng chỉ mình chúng tôi thì không thể xóa bỏ các hệ quả của 2 thế kỷ thống trị của nam giới", ông Christophe Dague than thở. Cuối cùng, chỉ có các chính trị gia mới hăng hái và kiên trì đấu tranh cho vấn đề này. Ngày 13/4/2011, Bộ trưởng Bộ Liên đới Roselyne Bachelot-Narquin đã đưa ra "Kế hoạch thứ 3 liên bộ trưởng đấu tranh chống bạo lực với phụ nữ". Chủ đề về lạm dụng nơi công sở bắt đầu được đề cập đến.

Bà Marilyn Baldeck của AVFT nói: "Đây là một bước tiến rõ rệt. Tuy nhiên, nhà nước vẫn chưa làm gì cụ thể. Mặc dù luật lao động buộc giới chủ tư nhân ngăn ngừa xâm hại tình dục, nhưng không hề có ràng buộc nào như thế đối với giới công chức. Trong khi đó thì đa số những kẻ xâm hại tình dục lại là các viên chức cao cấp". Vụ việc xảy ra gần đây nhất  là vụ ông nghị sĩ giữ chức thị trưởng Neuilly-sur-Marne, bị bắt giữ vào năm 2009 vì đã xâm hại tình dục với nữ viên chức trong Hội đồng thành phố. Dù bị kết án 4 tháng tù, được đổi thành án treo khi đã nộp phạt, ông ta vẫn giữ được quyền công dân và các chức vụ của mình. Ông già 70 tuổi này vẫn ngồi chễm chệ trên ghế thị trưởng và vẫn biểu quyết luật tại Thượng viện. Đảng Xã hội mà ông ta là đảng viên chẳng hề trừng phạt ông.

Bà Florence giận dữ nói: "Sự ưu ái đối với những kẻ xâm hại khiến tôi nổi giận hơn cả những hành vi xâm hại. Trong trường hợp của tôi, tôi đã báo cho một nhân viên công đoàn, cho bác sĩ nơi làm việc và cho ông trưởng phòng nhân sự. Ông công đoàn thì báo cho chủ của tôi biết là tôi có lưu lại những tin nhắn nóng bỏng của ông ta, ông bác sĩ thì cho rằng chính vẻ duyên dáng của tôi đã khêu gợi ông chủ, còn ông trưởng phòng nhân sự thì nhất quyết bảo tôi phải chịu đựng sếp. Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục khiếu nại người ta trả lại sự công bằng cho tôi, và tôi cũng kêu gọi các nạn nhân hãy tố cáo những kẻ quấy rối. Chỉ khi sự thật được công bố rõ ràng và mạnh mẽ thì mới phá vỡ được cái hệ thống đang bảo vệ những kẻ quấy rối đó"

Minh Thu (theo Elle)
.
.