Pháp: “Hiện tượng” Macron
- Cảnh sát châu Âu báo động nguy cơ bất ổn mới
- Triển vọng nền kinh tế Nga: Cái khó không bó được cái khôn
- Pháp cải tổ nội các, nền móng Liên minh châu Âu rạn nứt
Một người tình nguyện tham gia nhóm “gõ cửa” đặt câu hỏi: “Bạn có thể kể tên một việc đang được thực hiện hiệu quả ở nước Pháp?”. Người được hỏi gãi đầu lúng túng, bảo mình không nhớ ra điều gì cả. Lại câu hỏi tiếp: “Vậy thì điều gì không ổn ở nước Pháp?”. Lập tức có ngay câu trả lời: “Thất nghiệp, không hy vọng tìm được việc làm phù hợp năng lực, trình độ đào tạo”, người được hỏi trả lời.
Trên đây là công việc làm thêm vào buổi tối tiêu biểu của các thành viên tình nguyện của phong trào chính trị mới ở Pháp, tên là En Marche! (Xung phong!). Phong trào được thành lập vào tháng 4-2016, bởi một người cũng đang rất đình đám trong đời sống chính trị nước Pháp - Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron. Tuy Macron không chính thức tuyên bố điều gì sau khi phát động phong trào nhưng giới quan sát chính trị vẫn xem phong trào này như một bệ phóng ban đầu cho con đường chính trị sau này của Macron.
Phong trào En Marche! của Macron hiện thu hút đến 50.000 thành viên tham gia. Trong số đó, khoảng 16.000 người tình nguyện thực hiện công việc đi đến gõ cửa từng căn hộ, từng phòng trọ tại hơn 50 thành phố và thị trấn ở Pháp để thu thập cho đủ 100.000 ý kiến đóng góp của công chúng. Thời hạn thực hiện việc thu thập ý kiến này là cuối tháng 7-2016, để bộ phận phân tích thông tin của phong trào En Marche! tổng hợp và xây dựng thành một chương trình hành động chính trị vào khoảng tháng 8, tháng 9-2016.
Cải cách kinh tế - xã hội được Macron xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu hiện nay của ông trong vai trò Bộ trưởng Kinh tế Pháp. Và hoạt động của phong trào En Marche! hiện nay là bước khởi đầu để Macron thực hiện mục tiêu cải cách của mình.
Phong cách xung kích của phong trào En Marche! chính là điểm hấp dẫn thu hút lực lượng thanh niên, sinh viên trẻ tham gia. Mathilde Sarda, một sinh viên ngành khoa học chính trị, cho biết, cô tham gia hoạt động “gõ cửa” của En Marche! Không chỉ vì được trả thù lao giúp cô có thêm thu nhập trang trải việc học hành, mà cái chính là phong trào đã truyền cho Sarda một động lực, một niềm hứng khởi để làm được nhiều thứ, từ việc học hành trong trường cho đến việc đi làm cùng lúc nhiều công việc bán thời gian để tự trang trải cuộc sống và học tập. Sarda nói, chính quan điểm “lao động tích cực, không mệt mỏi” của Macron đã thuyết phục cô, giúp cô thay đổi và “xung phong” tiến về phía trước.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn toàn ủng hộ. Một sinh viên ngành tài chính đến từ thành phố Metz, khi được “gõ cửa” đã mở cửa ra trả lời cho tình nguyện viên của Macron. Anh này nhận xét với báo chí: “Macron tỏ ra có thiện chí lắng nghe và muốn làm cải cách, nhưng chúng ta hãy cùng xem liệu anh ta sẽ tồn tại lâu dài hay cũng chỉ là một trào lưu thoáng qua?”.
Một số người khác đã lên tiếng bênh vực Macron, cho rằng Macron “thật sự muốn lắng nghe người dân, và anh ta là một trong những chính khách hiếm hoi hiểu được tình trạng hiện tại của nước Pháp. Mức độ dân chúng ủng hộ của Macron hiện tại chỉ kém cựu Thủ tướng Alan Juppe, người đang cạnh tranh suất đại diện chính thức tranh cử Tổng thống năm 2017.
Nhưng chính bản thân Macron cũng không hoàn toàn không có sai sót trong quá trình vận động cho phong trào En Marche!. Trong những tháng gần đây, tỉ lệ ủng hộ của ông đã có sụt giảm chút ít do một lỗi sai sót trong hoạt động PR. Macron đã có những khoảnh khắc mất bình tĩnh, thiếu kiềm chế và đã bị camera thu hình đang tranh cãi với một người biểu tình.
Bên cạnh đó, Macron cũng bị phê phán là đã để cho bản thân và gia đình rơi vào cái bẫy “người nổi tiếng” sau khi chính ông và vợ, bà Sara, xuất hiện trên trang bìa một số tạp chí bìa bóng (tạp chí giải trí, lá cải). Vấn đề là người vợ của Macron chênh lệch tuổi với ông quá lớn, hơn ông những 20 tuổi. Cuộc hôn nhân của Macron từng là đề tài bàn tán của báo chí. Macron sinh ra ở thị trấn Amiens, miền bắc nước Pháp, là con trai của hai bác sĩ.
Đến tuổi học trung học, Macron được cha mẹ gửi đi học xa tận Paris để hoàn tất bậc trung học nhằm mục đích cắt đứt mối quan hệ tình cảm không phù hợp giữa Macron với cô giáo dạy tiếng Pháp của mình, Brigitte Trognuex. Nhưng, việc đó đã không mang lại hiệu quả, Macron và Trognuex vẫn đến với nhau, và họ đã cưới nhau cách đây 9 năm.
Năm nay 39 tuổi, Macron xứng đáng được mệnh danh là một đại diện tiêu biểu cho thế hệ chính khách mới của nước Pháp, một thế hệ sẽ mang lại tương lai tươi sáng cho nước Pháp, mang lại niềm hy vọng cho người dân Pháp thoát ra khỏi tình trạng hiện tại - tình trạng mà nhiều người khi được hỏi đều cho là trì trệ, bế tắc.
Một câu hỏi luôn lởn vởn trong tầng lớp chính trị ở Paris là liệu Macron sẽ ra ứng cử Tổng thống Pháp vào năm tới chăng? Cái khó nhất của Macron chính là việc ông không có một đảng phái chính trị để làm nền tảng cơ bản và ông cũng chưa từng giữ chức vụ thông qua bầu cử nào, cũng như chưa chọn được một khu vực cử tri để làm căn cứ chính trị.
Sẽ rất khó để Macron quyết định những bước đi tiếp theo nếu ông có ý định đi theo hướng tranh giành quyền lực ở Điện Élysée. Cách duy nhất là Macron phải biến En Marche! thành một tổ chức chính trị để từ đó xây dựng cơ sở cử tri cho riêng mình. Ngày 12-7, Macron đã tổ chức cuộc tập hợp chính trị đầu tiên của phong trào En Marche! ở Paris.
Nhưng Macron đang gặp phải tình huống khó xử, và ông đang phải chờ xem chừng nào Tổng thống Hollande không ra ứng cử nữa thì mới ra tranh cử, vì ông không muốn mang tiếng phản phúc đối với người thầy cũ. Sự nghiệp chính trị của Macron có được bước “đại nhảy vọt” lên địa vị bộ trưởng như ngày hôm nay là nhờ ông được Tổng thống Hollande cất nhắc vào nội các chính phủ cánh tả cách đây 2 năm. Kể từ đó, Macron đã công kích vào các biểu tượng của cánh tả, từ chế độ làm việc 35 giờ cho đến bộ máy công chức cồng kềnh.