Pháp: Liên tiếp bất ổn trước Giáng sinh
- Nước Pháp tiếp tục rung chuyển vì bạo loạn và biểu tình ngực trần1
- Pháp nỗ lực giải quyết khủng hoảng “Áo gilê vàng”
Vụ tấn công ở Stras-bourg
Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 7 giờ 50 phút tối 11-12 (giờ địa phương), tại khu phố mua sắm Giáng sinh sầm uất ở trung tâm thành phố Strasbourg, mệnh danh là “kinh đô Giáng sinh” của nước Pháp. Nhân chứng tại hiện trường kể, một gã đàn ông mặc đồ đen đi dọc con phố mua sắm, dùng súng ngắn bắn nhiều phát vào đám đông, sau đó rút dao ra đâm loạn xạ.
Người này còn tấn công cả lực lượng đặc nhiệm đang thực hiện chiến dịch Sentinelle (được triển khai kể từ sau các vụ khủng bố năm 2015) và bị thương sau cuộc đấu súng. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát đã phong tỏa mọi ngả ra vào trung tâm thành phố Strasbourg.
Theo cảnh sát địa phương, vụ tấn công khiến 3 người chết, khoảng 13 người khác bị thương. Đây có thể được xem là một vụ khủng bố của một phần tử Hồi giáo cực đoan, bởi theo lời các nhân chứng, trước khi thực hiện hành động tấn công, nghi can đã hô to “Allahu Akbar” vốn thường được các phần tử khủng bố cực đoan hô trước khi tấn công khủng bố. Vụ tấn công khiến an ninh Pháp nâng báo động an ninh lên mức cao nhất.
Cảnh sát nhanh chóng xác định được nghi can là người địa phương, tên là Chérif Chekatt, 29 tuổi, sinh trưởng tại Strasbourg, là một tội phạm cứng đầu đã được đưa vào hồ sơ “Fiche S” của an ninh Pháp với ghi chú là “tiềm ẩn nguy cơ khủng bố”. Hồ sơ cảnh sát cho thấy trước khi thực hiện vụ tấn công ở Strasbourg, Chekatt từng phạm tội và bị tuyên án ít nhất 27 lần ở Đức, Pháp và Thụy Sĩ.
Theo cảnh sát Pháp, trước khi thực hiện vụ khủng bố Strasbourg không lâu, Chekatt đã tham gia một vụ giết người. Khám xét nơi ở của y ở quận Les Poteries, phía tây Strasbourg, cảnh sát thu được 1 quả lưu đạn, 1 khẩu súng trường và đạn dược cùng 4 con dao. Bộ Nội vụ Pháp thừa nhận, có lẽ do cảnh sát bắt hụt Chekatt trong vụ án giết người nên đã không kịp thời ngăn chặn y tiến hành vụ tấn công ở Strasbourg.
Một cuộc truy lùng quy mô lớn được triển khai khắp nước Pháp và nghi phạm Chérif Chekatt đã bị cảnh sát tiêu diệt sau 2 ngày lẩn trốn. Có ít nhất 4 người đã bị tạm giữ gồm cha, mẹ và 2 anh em trai của nghi can Chekatt.
Vụ tấn công Strasbourg thêm một lần nữa cho thấy công tác “canh phòng khủng bố” của an ninh Pháp dường như đang thiếu chặt chẽ. Theo hồ sơ an ninh, nghi can Chekatt có gốc gác gia đình di cư từ Morocco. Y thuộc nhóm tội phạm được cảnh sát Pháp gọi là “những thánh chiến quân du đãng”, bao gồm những thanh niên trẻ, xuất thân gia đình di cư có cuộc sống khó khăn, ban đầu phạm các tội vặt, rồi dần dần đến tội nghiêm trọng và cuối cùng là cực đoan hóa, trở thành khủng bố. Chekatt bị cực đoan hóa khi bị giam trong tù do phạm các tội vặt trong giai đoạn 2013-2015.
Cảnh sát phong tỏa khu phố xảy ra vụ tấn công. |
An ninh Pháp thừa nhận đã không thể thường xuyên để mắt đến hơn 12.000 phần tử có quan điểm Hồi giáo thuộc danh sách này, trong đó hơn 4.000 phần tử có vấn đề thật sự. Đó là chưa kể khoảng 20.000 phần tử nằm trong danh sách “Fiche S” như Chekatt nhưng chỉ có chưa đến một phần ngàn trong số này được theo dõi 24/24 giờ.
Vụ tấn công khủng bố ở Strasbourg như làm chồng thêm khó khăn cho chính quyền của Tổng thống Macron, vốn đang chật vật đối phó các cuộc biểu tình phản đối của phong trào “Áo ghi-lê vàng”. Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công Strasbourg, một số bộ trưởng trong Chính phủ Pháp đã kêu gọi phong trào “Áo ghi-lê vàng” ngừng biểu tình để chính phủ có điều kiện đối phó với khủng bố.
Các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ cho rằng, do phải huy động lực lượng (hơn 89.000 người) để đối phó phong trào biểu tình, cảnh sát và an ninh Pháp không còn đủ lực lượng để đối phó khủng bố.
Đụng độ bạo lực từ phe “áo ghi-lê vàng”
Phong trào biểu tình phản đối đã bước sang tuần lễ thứ 4. Đã xảy ra nhiều vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát và đã có hàng trăm người bị bắt. Chính phủ Pháp đã phải huy động cả xe bọc thép quân sự đến trung tâm thủ đô Paris để đối phó người biểu tình. Lựu đạn cay đã được cảnh sát sử dụng để giải tán đám đông. Tính đến nay, Tổng thống Macron đã đưa ra ít nhất 2 nhượng bộ nhưng làn sóng biểu tình vẫn không dừng lại.
Giới phân tích nhìn nhận, phong trào biểu tình “Áo ghi-lê vàng” đang nhắm mục tiêu vào Tổng thống Macron với những yêu sách ngày càng rộng chứ không chỉ gói gọn xung quanh việc tăng thuế nhiên liệu.
Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ tham gia cuộc biểu tình “Áo ghi-lê vàng” lần này là những người từng bỏ phiếu bầu ông Macron lên làm Tổng thống vào năm 2017. Thái độ bất mãn của họ được hiểu là do thất vọng đối với sự lãnh đạo của ông Macron. Họ cho rằng Tổng thống Macron đã không giữ lời hứa trong nhiều vấn đề ông đã cam kết khi tranh cử, chẳng hạn như ông đã không thể vực dậy nền kinh tế nhằm đảm bảo cải thiện đời sống cho người dân. Đặc biệt là họ cáo buộc ông đã “thiếu quan tâm” đến các tầng lớp người Pháp đang sống trong điều kiện khó khăn do các khoản thuế, phí tăng quá cao so với mức thu nhập.
Theo giới quan sát, làn sóng biểu tình “Áo ghi-lê vàng” tại Pháp đang có dấu hiệu lan rộng ra các nước châu Âu. Khi cuộc biểu tình trên Đại lộ Champs-Élysée ở thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp bước sang tuần thứ 4, thì tại Bỉ cũng đang diễn ra cuộc biểu tình chống chính phủ theo phong cách tương tự. Ghi nhận của báo chí cho biết, trong đợt biểu tình cuối tuần trước, người biểu tình ở Brussels cũng mặc áo gi-lê vàng như ở Pháp, và đã đụng độ với cảnh sát ở khu vực gần trụ sở Liên minh châu Âu. Hơn 400 người biểu tình quá khích đã bị bắt giữ.