Pháp: Marine Le Pen trước cơ hội lịch sử năm 2017

Thứ Sáu, 07/10/2016, 15:10
Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen đang đứng trước cơ hội rất lớn để làm nên lịch sử trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 5-2017.

Những diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội ở châu Âu trong thời gian gần đây, nhất là sự kiện người Anh bỏ phiếu đồng ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và sự vươn lên của các đảng phái hữu khuynh trong bầu cử địa phương ở Đức... đang tạo nên ấn tượng rằng tinh thần “nhà nước dân tộc” đang quay trở lại chiếm lĩnh chính trường châu Âu, và Pháp đang dẫn đầu làn sóng đó.

“Ai sẽ lên lãnh đạo nước Pháp?” - câu hỏi đó vẫn đang để ngỏ trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra trong 7 tháng nữa. Trong khi các chính đảng lớn ở cả hai phía tả và hữu vẫn chưa có động thái chọn lựa ứng cử viên cho cuộc bầu cử 2017, thì bà Marine Le Pen lại đang âm thầm “đi trước một bước”.

Đêm 17-9-2016, Marine mượn một nhà chứa máy bay ở French Riviera, trung tâm vùng Côte dAzur, miền nam nước Pháp để tổ chức một bữa tiệc tối hoành tráng quy tụ hàng ngàn người ủng hộ mang cờ ba màu của nước Pháp.

Bà Marine Le Pen.

Trên sân khấu dạ tiệc, Marine dõng dạc tuyên bố: “Thời của nhà nước dân tộc đã trở lại”. Bà tán dương việc người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU và cho rằng, các kế hoạch xây dựng tường rào biên giới tại nhiều nơi trên thế giới chứng tỏ “thời đại biên giới” đã trở lại (vì trong EU không còn khái niệm biên giới quốc gia).

Marine cáo buộc EU đã ép buộc, đẩy nước Pháp đến nguy cơ tràn ngập người di cư và đa văn hóa và cam kết sẽ bảo vệ bản sắc Pháp và khôi phục chủ quyền quốc gia. Marine lặp lại luận điểm từng được bà nêu ra vào tháng 5 năm nay: Nếu đắc cử tổng thống Pháp trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017, bà sẽ lập tức tiến hành thảo luận với ban lãnh đạo EU ở Brussels về hàng loạt vấn đề chủ quyền quốc gia, kể cả vấn đề đồng tiền chung châu Âu.

Nếu nỗ lực này thất bại, bà sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để cử tri bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU. Những lời lẽ hùng hồn đó đã khiến đám đông dậy sóng, hô vang lời tán tụng Marine.

Sự kiện này đánh dấu bước chuẩn bị khá sớm của bà Marine cho cuộc đua năm 2017. Sự chuẩn bị sớm đó đang gặp điều kiện khá thuận lợi: Kết quả thăm dò cử tri gần đây cho thấy bà Marine Le Pen và đảng FN của bà cũng đang “thuận buồm xuôi gió”, có thể bà sẽ vào đến tận vòng 2 (run-off) cuộc bầu cử tháng 5-2017.

Tâm trạng căng thẳng trong xã hội Pháp là điều kiện thuận lợi không thể chối cãi: Hơn 230 người Pháp bị giết chết trong các cuộc tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan kể từ tháng 1-2015. “Nước Pháp cần phải loại trừ người Hồi giáo cực đoan và kiểm soát lại đường biên giới - bà Marine Le Pen tuyên bố ngày 14-11 trước báo giới một ngày sau khi xảy ra cuộc thảm sát đẫm máu ở thủ đô Paris khiến 129 người thiệt mạng. Hành động khẩn cấp là cần thiết. Những kẻ Hồi giáo cực đoan cần bị xóa bỏ, nước Pháp phải cấm các tổ chức đạo Hồi hoạt động, đóng cửa các nhà thờ cực đoan và trục xuất người nước ngoài gieo rắc lòng thù hận trên đất Pháp, cũng như những người nhập cư bất hợp pháp vô công rỗi nghề và chỉ trông chờ vào những đồng tiền trợ cấp từ chính phủ".

Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp tràn lan và kinh tế bế tắc làm cho đời sống thường nhật gặp khó khăn; trong khi các đảng chính trị ở cả hai phía tả và hữu lại đang đua nhau “cập nhật” quan điểm của Marine Le Pen về vấn đề người nhập cư, bản sắc dân tộc và vị trí của người Hồi giáo trong xã hội Pháp. Câu chuyện một số địa phương ven biển của Pháp cấm phụ nữ Hồi giáo mặc đồ tắm kiểu Hồi giáo (burkini) là một minh chứng cho trào lưu giữ gìn bản sắc dân tộc Pháp đang lên.

Người ủng hộ bà Marine Le Pen tụ họp tại Côte dAzure đêm 17-9.

Điều quan trọng nhất là bản thân Marine Le Pen lại đang nghĩ rằng, dư luận quốc tế cũng đang có chiều hướng đồng thuận hoặc ủng hộ quan điểm của bà. Như một chính trị gia cực hữu ở Hà Lan, lãnh đạo phe chống người di cư, ông Geert Wilders, cũng kêu gọi người Hà Lan tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Hà Lan ngay sau khi người dân Anh quyết định rời Liên minh châu Âu. Ông Wilders - người đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận ở Hà Lan, nói rằng nếu ông đắc cử Thủ tướng Hà Lan trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3-2017, thì ông sẽ tổ chức trưng cầu dân ý.

“Chúng tôi muốn chúng ta chịu trách nhiệm về đất nước của mình, đồng tiền của mình, biên giới của mình và chính sách nhập cư của mình” - ông Wilders nói trong một tuyên bố - “Người Hà Lan cần có cơ hội nói lên tiếng nói của mình về tư cách thành viên EU của Hà Lan, càng sớm càng tốt”.

Đặc biệt là quan điểm chống nhập cư thể hiện qua những phát ngôn gây sốc của ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2016 Donald Trump. Tác động từ sự kiện Brexit vẫn đang lan khắp châu Âu, dẫn đến một số quốc gia, trong đó Pháp cũng có bước đi tương tự. Ngày 24-6, FN chính thức ra thông báo ca ngợi quyết định rời khỏi EU mà đa số cử tri Anh bày tỏ thông qua lá phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm trước, đồng thời kêu gọi nước Pháp tổ chức một hoạt động tương tự.

“Thắng lợi của tự do! Giờ đây chúng ta cần tổ chức trưng cầu dân ý tương tự như vậy ở Pháp và các nước EU khác”, bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng FN tuyên bố và thay ảnh đại diện trên trang Twitter của mình bằng quốc kỳ Liên hiệp Anh. Phó Chủ tịch đảng FN, ông Florian Philippot, thì bóng gió “giờ đến lượt người dân Pháp bỏ phiếu rời EU”. “Cuối cùng thì tự do của các dân tộc sẽ chiến thắng. Hoan hô nước Anh”, ông Philippot viết trên trang Twitter của mình và đưa ra thuật ngữ mới: Frexit (France + Exit).

Tiếp sau đó là sự kiện diễn ra ở Hungary, khi người dân nước này chuẩn bị bỏ phiếu trưng cầu về việc xây dựng tường rào chặn người di cư và Pháp hiện cũng đang xúc tiến thực hiện kế hoạch giải tỏa khu “rừng lều” ở Calais và đang dự tính xây hàng rào chống nhập cư. Tinh thần dân tộc chủ nghĩa lên cao sau đợt khủng hoảng di dân năm 2015 là liều thuốc giúp cho đảng hữu khuynh Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) ở Đức thăng tiến vùn vụt, vừa giành được một số thắng lợi trong bầu cử nghị viện địa phương ở đông bắc Đức và Berlin. Tuy nhiên, ở Pháp hầu như chỉ có mỗi mình Le Pen lên tiếng ủng hộ Brexit và quan điểm của Trump.

Dù gặp thuận lợi như thế nhưng giới quan sát không tin rằng bà Marine Le Pen có thể giành chiến thắng vào tháng 5-2017. Người ta ghi nhận bà Marine Le Pen đã nỗ lực rất nhiều kể từ khi loại cha mình, ông Jean-Marie Le Pen để “tẩy độc” cho đảng FN khỏi những tư tưởng cực đoan trong quá khứ như kỳ thị chủng tộc, chống Do Thái, bài ngoại. Đó là sự kiện xảy ra vào đầu tháng 5-2015, khi cha bà, ông Jean-Marie Le Pen, người sáng lập đảng FN tiếp tục lặp lại quan điểm về Holocaust (vụ diệt chủng người Do Thái do phát xít Đức thực hiện) và những phòng hơi ngạt của Đức Quốc xã chỉ là “một chi tiết trong lịch sử”.

Tuyên bố của ông lập tức bị con gái mình, Chủ tịch Ủy ban điều hành FN “không thể chịu đựng thêm” và không muốn cha mình tiếp tục là người phát ngôn cho FN. Kể từ khi thay cha làm lãnh đạo FN vào năm 2011, bà Marine Le Pen đã tìm cách xóa bỏ hình ảnh phân biệt chủng tộc nên lời lẽ của ông Jean-Marie Le Pen càng làm mối bất đồng giữa 2 cha con lên đến đỉnh điểm.

Hai cha con hục hặc nhau từ hơn một năm trước.

Không lâu trước khi xảy ra chuyện này, cha bà công khai thách thức con gái với nhiều bình luận gây tranh cãi, trong đó có bình luận bảo vệ Philippe Petain - lãnh đạo Chính phủ Pháp thời chiến từng “cầu hòa” và chấp nhận hợp tác với chính quyền Đức Quốc xã. Ngày 4-5-2015, Ủy ban điều hành FN do bà Marine chủ trì, đã tổ chức một cuộc họp bàn biện pháp kỷ luật ông Jean-Marie Le Pen và xem xét có nên để ông tiếp tục làm chủ tịch danh dự của đảng cực hữu này hay không.

Bị con gái "vuốt mặt không nể mũi", ông Le Pen đáp trả dữ dội không kém khi "trù ẻo" bà sẽ “thua trắng tay” trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 rồi ông còn nói trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Europe 1: "Tôi thấy xấu hổ khi nó mang họ tôi. Nó đã lấy chồng thì tốt nhất là nên đổi theo họ chồng chứ cứ dựa hơi tôi làm gì!”.

Marine Le Pen sinh ngày 5-8-1968, là con út trong ba người con gái của Jean-Marie Le Pen với người vợ đầu Pierrette Lalanne. Nổi tiếng với những tư tưởng dân tộc cực đoan, Jean-Marie Le Pen đã luôn quan tâm giáo dục cho các con tinh thần yêu nước và có lẽ vì vậy, Marine bắt đầu quan tâm đến chính trị từ rất sớm. Năm 18 tuổi, bà đã tham gia tích cực vào các hoạt động của đảng và từ đó vượt qua một chặng đường dài từ một thành viên bình thường đến người đứng đầu của FN.

Năm 2011, ở thời điểm trở thành Chủ tịch FN, bà Marine đã là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và là người kế nhiệm thực sự duy nhất của Jean-Marie Le Pen. Đa số đảng viên (67,6%) ủng hộ bà, nói cách khác, bà đã được bầu chứ không phải được bổ nhiệm vào vị trí này. Trở thành thủ lĩnh của FN, Marine Le Pen bắt đầu giải quyết vấn đề cơ bản của đảng này đó là thay đổi hình ảnh của FN. Bà đã thành công trong một thời gian rất ngắn bằng chiêu thức khơi gợi và xoáy vào “tinh thần yêu nước” chứ không phải là dân tộc chủ nghĩa.

Marine Le Pen từng tuyên bố sẽ xây dựng nước Pháp hùng mạnh như dưới thời Charles de Gaulle, người đã nâng cao uy tín chính trị của Pháp trên trường quốc tế, bà luôn chỉ trích Liên minh châu Âu, khi cho rằng tư cách thành viên của Pháp trong liên minh này ngăn cản Paris theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập.

Nhưng FN hiện tại vẫn chưa thể hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của thời ông Marie Le Pen. Với quan điểm dân tộc chủ nghĩa, chống người nhập cư và chống EU, chủ trương ra khỏi khối đồng euro, FN vẫn được xem là hữu khuynh, thậm chí là cực hữu, và là đảng cực hữu đáng chú ý nhất ở Tây Âu. Đảng này đã đạt được một số thành công trong bầu cử thời gian gần đây, từ chỗ không có đại diện trong Quốc hội Pháp cho đến nay có nhiều đại biểu trong cả hai viện quốc hội, 11 thị trưởng và hàng trăm hội đồng địa phương các cấp. Thành phần cử tri ủng hộ đảng này cũng mở rộng ra phạm vi toàn quốc, với những nhóm cử tri mới ngoài nhóm cử tri truyền thống ở vùng Côte dAzure.

Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chưa đủ để giúp FN làm nên cú bứt phá ngoạn mục trước các đảng lớn truyền thống. Đa số cử tri Pháp vẫn nghi ngờ khả năng tập hợp nước Pháp trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Bên ngoài các khu vực cử tri ủng hộ FN, công chúng Pháp vẫn mang tâm lý e ngại đối với những gì FN đã thể hiện trong quá khứ.

Vẫn còn đó thái độ “chống FN” ở cả hai phái chính trị tả - hữu, của hai đảng chính trị truyền thống Pháp trong những lần bầu cử vừa qua. Ông Marie Le Pen từng là nên lịch sử khi vào đến vòng cuối cùng cuộc bầu cử năm 2002, nhưng hơn 1 triệu người đã xuống đường phản đối ông và cuối cùng hơn 80% cử tri của tất cả các đảng phái bỏ phiếu cho ông Jacques Chirac chỉ để ngăn ông Le Pen giành chiến thắng.

Chính vì sự kiện đó mà nhiều người cho rằng bà Marine Le Pen sẽ phải làm rất nhiều việc, kể cả việc thay đổi hoàn toàn hình ảnh “cực hữu” của đảng FN trong mắt cử tri, nếu muốn có cơ may giành chiến thắng.

An Châu - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.