Nghệ thuật trở thành Đệ nhất phu nhân

Thứ Hai, 12/01/2015, 18:15
Trận chiến đã được phát động để cùng với đức phu quân tiến vào Điện Elysée vào năm 2017. Các quý bà Carla Bruni-Sarkozy, Pénélope Fillon, Isabelle Juppé và Anne Gravoin đã thấy mình trong đó rồi. Dù đang nấp sau bóng chồng hay đã hoạt động công khai, mỗi người đều đang đánh bóng vũ khí của mình, nhất là các bà đang chiếm ưu thế như Isabelle Juppé và Carla Bruni-Sarkozy.

"Chính Điện Elysée đã làm cho tôi bị trầm uất. Tôi ghét đón tiếp mấy bà đệ nhất phu nhân đó lắm… Sao mấy ông tổng thống không sống độc thân đi, hoặc là góa vợ cũng được, để đừng lôi kéo mấy bà "có cũng như không" đó?". Có phải đây là một trích đoạn trong cuốn sách thú nhận "Xin cảm ơn về thời điểm đó" của bà Valérie Trierweiler, hay là trong cuốn "Ước vọng chân lý" của bà Cécilia Attias, vợ cũ của ông Sarkozy? Không, những lời này là của nữ minh tinh Carole Bouquet nói với ông chồng tổng thống đang chìm trong cơn hôn mê, du hành trong những chốn huyền bí của quyền lực, trong sêri 2 của bộ phim truyền hình cực hay đang chiếu trên Đài France 2 có tựa đề "Những người đàn ông trong bóng tối".

Vợ chồng Alain và Isabelle Juppé.

Carole Bouquet đóng vai bà Elisabeth Marjorie, người vợ trầm uất, nghiện rượu và phải sống hai mặt vì là vợ của vị nguyên thủ quốc gia. Đối với chức vụ này, người đẹp có một ý kiến rõ ràng: "Nếu là đệ nhất phu nhân, bạn chỉ có thể làm một việc: im miệng! Tất cả những gì bạn nói ra đều sẽ bị diễn đạt lại. Phải làm một nghề biệt lập với tất cả để tạo khoảng cách". Nhiều người hóm hỉnh cho rằng, khi làm đệ nhất phu nhân, việc tối thiểu trong các việc dành cho họ là đến nơi và đừng tỏ thái độ khó chịu. Trong đời sống hậu trường, người ta đòi hỏi nơi các bà nhiều hơn so với các ông chồng.

Bà Pénélope Fillon và đức phu quân.

Tuy nhiên, cũng sẽ có một đệ nhất phu nhân mới tại Điện Elysée vào năm 2017. Sau khi đã trở lại đời sống độc thân, ông Francois Hollande chắc sẽ rất muốn một nhiệm kỳ mới, nhưng không chắc là có người đi theo (và cũng không chắc là được bầu!). Theo kịch bản khả dĩ nhất, vị trí đáng thèm muốn đó sẽ được giành giật bởi 4 ứng viên: 1.Carla Bruni - Sarkozy; 2.Isabelle Juppé; 3.Pénélope Fillon; 4. Nghệ sĩ violon Anne Gravoin, vợ của cựu Thủ tướng Manuel Valls.

"Mỗi buổi sáng đứng trước gương, dù không quan tâm đến nhưng dứt khoát phải tính toán và chuẩn bị cho vị trí đó" - nữ ca sĩ, cựu người mẫu Carla Bruni từng nếm cảnh huy hoàng của điện Elysée, nhờ đã làm đám cưới với ông Nicolas Sarkozy vào tháng 1/2008. Với chức danh đó, cô được hưởng một văn phòng trong cánh phía đông của Điện Elysée, được đặt tên là "cánh của Bà"! Ngoài việc có văn phòng nhìn ra công viên, Carla Bruni còn được cấp cho một anh thư ký riêng, dù chẳng có vai trò nào cho thư ký được hiến pháp xác định một cách rõ ràng. Đó là sự mơ hồ của chức vụ.

Carla Bruni.

Vì đã quen với việc trình diễn nên Carla Bruni rất thích mặc chiếc đầm mới, đi theo chồng trong các cuộc thăm viếng cấp nhà nước, có khi đại diện cho chồng, như khi Đức Đạt Lai Lạt Ma  đến đền thờ Hérault. Để tỏ ra hữu ích trong vai trò đệ nhất phu nhân, Carla Bruni đã sang châu Phi làm đại sứ cho Quỹ thế giới chống Sida, chống ho lao và sốt rét, và đã ủng hộ việc trả tự do cho hai cô gái bị bắt giữ tại Cộng hòa Dominique hay một cô gái người Iran bị kết án tử hình. Carla Bruni cũng thành lập Hội riêng của mình nhằm phát động chương trình xóa mù chữ.

Carla Bruni đã miễn cưỡng rời Điện Elysée vào tháng 5/2012, và vì mong cho chồng lùi lại để tạo đà mới nên bà rất mong Sarkozy tái xuất hiện trên chính trường. Còn ông Sarkozy, ứng cử viên chính thức vào chức tổng thống của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân, đã không ngần ngại giới thiệu bà vợ xinh đẹp trước công chúng trong các buổi hội họp của mình.

Sự có mặt của Carla Bruni là một lợi thế, trong khi sự có mặt của bà Cécilia, vợ trước của ông là một gánh nặng. Bà Cécilia đã tái giá với ông Richard Attias, một doanh nhân và là nhà quảng cáo. Bà ly dị với Sarkozy vào tháng 10/2007, và sau một cuộc điều trị bằng thinh lặng, bà đã giãi bày tâm tư trong một cuốn sách vào năm 2013. Bà ghét cái vai trò đệ nhất phu nhân ngay từ đầu.

Ông Manuel Valls và vợ - bà Anne Gravoin.

"Khi bạn là vợ của một nguyên thủ quốc gia tương lai, các nhiếp ảnh gia rình rập bạn như một con vật, và tôi, như đã từng xảy ra với bao nhiêu người, tôi đã tự hỏi, không biết mình có còn muốn cuộc sống vợ chồng như thế hay không nữa. Lẽ ra, tôi phải sống cuộc sống đó, nhưng không thể”. Trường hợp của bà Valérie Trierweiler, vợ cũ của Tổng thống Francois Hollande thì lại khác. Người phụ nữ này bị cho "ra rìa", qua một câu tuyên bố với AFP: "Tôi cho mọi người biết là tôi đã chấm dứt cuộc sống chung mà tôi đã chia sẻ với bà Valérie Trierweiler". Carla Bruni, vào hôm bàn giao quyền lực, cũng đã báo trước cho bà Valérie đang bước vào cuộc đời vị tổng thống bằng một câu: "Sẽ khủng khiếp lắm đấy!"

Ứng cử viên số 2, bà Isabelle Juppé cũng đã từng là nhà báo (cho tờ Matin de Paris và tờ La Crois) và là tiểu thuyết gia (5 tác phẩm được xuất bản từ năm 1994 đến năm 2007). Nhưng việc trải lòng ra cho mọi người biết tâm sự của mình thì không phải là thói quen của bà giám đốc đại biểu của việc phát triển bền vững của nhóm Lagardère. Kém hơn ông chồng làm thị trưởng Bordeaux 16 tuổi, bà biết làm cho ông bớt căng thẳng và hiểu rõ ông. Là người kín đáo, Isabelle đã giúp chồng vượt qua mọi thử thách như trong thời gian ông sống lưu vong tại Québec (Canada) cách đây 10 năm khi cựu thủ tướng dạy học tại Trường Quản trị Quốc gia của Montréal sau khi bị kết án bằng hình phạt tước bỏ tư cách được bầu cử trong vụ xử lý sai công quỹ của thành phố Paris, bị tước các chức vụ đại biểu, thị trưởng và chủ tịch đảng UMP.

Con gái của họ là Clara năm nay 18 tuổi và đang sống tự lập. Vậy là không có trở ngại nào ngăn cản Isabelle Juppé hộ tống chồng tới đỉnh cao nhất, và bà dường như đã chịu đựng những cạm bẫy mà chồng bà là nạn nhân. Bằng những từ ngữ ý tứ, Isabelle Juppé lao vào cuộc đua với ứng cử viên số 3 Pénélope Fillon, gốc người xứ Galles. Dù không tin vào những cuộc thăm dò, Thị trưởng Francois Fillon tin tưởng “hậu phương” của mình. "Pénélope là bệ đỡ của tôi, là bến đậu của tôi”, ông thừa nhận khi nói về mẹ của 5 đứa con ông.

Có nhiều tham vọng như chồng, ứng cử viên số 4, bà Anne Gravoin dường như có đủ tham số vào Điện Elysée. Bà Anne có phần vượt trội hơn ông chồng Manuel Valls, và mang lại cho ông những viễn cảnh khác nữa. Sinh năm 1965, từng đoạt giải nhất violon và nhạc thính phòng, Anne có nhiều cộng tác viên uy tín và bà cũng là một nhà thầu khoán. Công ty Régie Orchestre của bà xuất hiện rất nhiều trong các festival âm nhạc.

Kết hôn với ông Manuel năm 2010, bà không ngần ngại "kéo ông ra ngoài" thưởng thức buổi hòa nhạc giúp chống lại bệnh lãng trí tại Nhà hát Champ-Elysées, ở đó họ đã gặp bà Valérie Trierweiler.

Ngày 2/10, ông bà Anne và Manuel tới rạp hát Atelier, không biết có nháy mắt với nhau trước hay không mà hai người cũng gặp hai vị tổng thống là Nicolas Sarkozy và Francois Hollande ở đó. Một dấu hiệu báo trước cho ông bà Anne chăng? Cuộc đua chiếm lĩnh Điện Elyssé đã được phát động. Nhưng đây không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế mà bà Claude Pompidou duyên dáng, vợ của Tổng thống Georges Pompidou từ năm 1969 cho tới khi ông mất sau đó 5 năm, đã gọi Điện Elyssé là "ngôi nhà bất hạnh".

Và để biết bà nhớ nhung điều gì nhất trong thời gian làm đệ nhất phu nhân, bà đã nói: "Là được tự do, có thể đi dạo ngoài đường khi nào muốn, là đi mua sắm như mọi phụ nữ bình thường, là tình cờ vào một rạp chiếu phim…".

Minh Thu (theo Jour de France)
.
.