Pháp: Người của cánh tả tỏa sáng

Thứ Hai, 24/04/2017, 13:05
Cuộc bầu cử tổng thống căng thẳng ở Pháp, chưa bao giờ thấy báo chí nhắc đến người của cánh tả - một liên minh do đảng Cộng sản Pháp và một đảng mới mang tên Nước Pháp bất khuất (La France Insoumise) dẫn đầu.

Cách đây hai tháng, khó có thể hình dung Mélenchon là một ứng cử viên nghiêm túc. Thế nhưng vài tuần trở lại đây, trong khi dư luận mải chú ý đến sự đình đám của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, một “ngôi sao” khác cũng đang vụt sáng - đó là ứng cử viên của liên minh cánh tả tên là Jean-Luc Mélenchon, từ vị trí tít xa phía sau vọt lên tốp 3 - sau bà Marine Le Pen và ứng cử viên đảng Xã hội Emmanuel Macron.

Trong nhiều tháng qua, các nhà phân tích đã ví cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là “Stalingrad giữa châu Âu”. Cách ví von này là một bước ngoặt trọng đại của nền chính trị Tây Âu trước một tình thế chẳng đặng đừng và nó sẽ quyết định tương lai của nước Pháp cũng như cả châu lục.

Jean-Luc Mélenchon trước đám đông cử tri ở thành phố Lille.

Các cuộc thăm dò mới đây nhất cho thấy Mélenchon chỉ kém sát nút hai ứng cử viên hàng đầu là Le Pen và Macron, trong đó ý muốn của dư luận là bà Le Pen sẽ được vào vòng 2 cùng ứng cử viên Macron của đảng Xã hội, nhưng cuối cùng Macron sẽ chiến thắng để trở thành Tổng thống Pháp. Trong giai đoạn cuối trước ngày bầu cử, sự vươn lên ngoài dự báo của Mélenchon là một bất ngờ thú vị, tạo sức hấp dẫn cho cuộc bầu cử, đồng thời cũng là pháo hiệu của những đổi thay mạnh mẽ, và quyền lực rất có thể sẽ vào tay một trong hai phía cực tả hay cực hữu.

Năm nay 65 tuổi, Mélenchon có quá trình lịch sử không mấy nổi bật so với các ứng cử viên khác. Không có nhiều thông tin về đời tư, người ta chỉ biết rằng Mélenchon sinh ra tại Morocco, di cư sang Pháp năm 11 tuổi, lúc cha mẹ đã ly hôn, còn bản thân ông bây giờ cũng đã ly dị vợ. Mélenchon học đại học ngành triết học và tham gia phong trào sinh viên Trotsky. Tốt nghiệp ra trường, Mélenchon đi làm giáo viên và nhà báo.

Mélenchon đăng ký gia nhập đảng Xã hội trong thập niên 70 thế kỷ XX, sau đó được bầu vào Thượng viện Pháp năm 1988 (36 tuổi), trở thành thành viên trẻ nhất của Thượng viện. Nhà phân tích chính trị Marie-Cécile Naves nói rằng, Mélenchon tự cho mình là “người ngoài cuộc”, nhưng thực chất ông còn hơn cả người trong cuộc của các hành lang quyền lực ở Pháp.

Quả thật thế, Mélenchon từng tham gia cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp năm 2012 và đã từng gây chú ý với việc xếp thứ ba trong các cuộc thăm dò và cuối cùng đạt được 11,1% phiếu bầu. Bước vào cuộc tranh cử năm nay, cho đến thời điểm này, có thể nói Mélenchon trong lần tái đấu đã làm tốt hơn nhiều so với các đối thủ và so với chính bản thân mình cách đây 5 năm.

Cũng giống như bà Marine Le Pen, Mélenchon thu hút mạnh thành phần cử tri trẻ tuổi với quan điểm, khẩu hiệu tranh cử mạnh mẽ. Hơn bất cứ ứng cử viên nào khác, Melénchon được đánh giá là một đại diện tiêu biểu cho sự đổi mới, một sự thoát ly khỏi lề thói chính trị cũ kỹ.

Gây chú ý mạnh nhất là lời hứa của Mélenchon rằng ông sẽ kết liễu cái gọi là “nền Cộng hòa thứ năm” mà Tổng thống Charles de Gaulle thiết lập vào năm 1958. Điều Mélenchon bất bình nhất trong mô hình nền cộng hòa này chính là thể chế tổng thống mang nặng tính chuyên quyền độc đoán, với tổng thống có quyền giải tán nghị viện tùy ý muốn mà không có nhiều sự ràng buộc, kiểm soát quyền lực từ một thực thể nào khác.

Mélenchon tuyên bố sẽ lập ra “nền Cộng hòa thứ sáu” để xóa bỏ, thay thế cho nền cộng hòa “sai trái” đó. Đây là tầm nhìn hoàn toàn mới trong các ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp từ trước đến giờ, một tầm nhìn vẽ ra viễn cảnh nước Pháp sẽ không còn thể chế tổng thống như hiện nay. Ngoài ra, Mélenchon cũng đưa ra các chính sách kinh tế - xã hội mang tính cực đoan nhưng hợp lý, tạo nên sự quan tâm đặc biệt đối với ngay cả những người từng không ủng hộ ông, như tuyên bố rút nước Pháp ra khỏi khối NATO và cả Liên minh châu Âu, đồng thời áp mức thuế thu nhập cá nhân 100% đối với thu nhập trên 400.000 Euro/năm.

Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen.

Nhiều người thích tính cách thẳng thắn và quyết liệt của Mélenchon cho rằng, “chỉ có ông ấy mới dám tuyên bố như thế”, và điều này cho thấy một sự “khác biệt” của Mélenchon so với các ứng cử viên còn lại. Tờ báo tài chính Les Echos mô tả Mélenchon là một hiện tượng mới đầy rủi ro.

Sự thay đổi không chỉ mang dáng dấp “cách mạng” kịch tính như Mélenchon, mà còn đang hiện hữu một cách rõ ràng trong kỳ bầu cử Pháp 2017. Người ta thấy lần đầu tiên trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa, người của cả đảng Xã hội lẫn Cộng hòa - hai trung tâm chính trị lớn nhất của Pháp với quan điểm trung tả và trung hữu - đều không cho thấy khả năng chiến thắng. Thay vào đó là sự tỏa sáng bất ngờ của “người ngoài cuộc” và sự thắng thế cho đến thời điểm này của thành phần cực hữu dân túy, với hai đại diện tiêu biểu là Mélenchon và Le Pen.

Mặc dù đối chọi nhau về mặt tư tưởng, nhưng hai ứng cử viên sáng giá này giống nhau nhiều về quan điểm và khẩu hiệu tranh cử, các chính sách kinh tế - xã hội, tinh thần dân tộc chủ nghĩa và chính sách “nước Pháp trên hết” – một kiểu na ná như Donald Trump ở Mỹ. Cho dù ai trong hai người giành chiến thắng thì đó cũng là một cú sốc lớn không chỉ ở Pháp mà toàn châu Âu.

Đứng trước khả năng Mélenchon có thể giành chiến thắng, nhiều nhà đầu cơ tư bản chủ nghĩa tỏ ra hoảng hốt, họ bắt đầu bán tháo tài sản trên các thị trường chứng khoán và trái phiếu. Nhưng với hàng ngàn người khác, thì đó là tín hiệu đáng mừng.

Để minh chứng, khoảng 25.000 người đã tập hợp tại thành phố Lille, miền Bắc nước Pháp hôm 11-4 để nghe Mélenchon thuyết trình. Hôm đó, Mélenchon xuất hiện trước những người ủng hộ mình trong bộ trang phục đặc trưng, với chiếc áo khoác giống như kiểu áo mà cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông thường mặc.

Với trí thông minh vượt trội, sự uyên bác và khiếu ăn nói bẩm sinh, Mélenchon đã gần như thôi miên đám đông người nghe. 25.000 khán giả vẫy cờ đỏ búa liềm, quốc kỳ Palestine và những tấm bảng cứng vẽ chữ “phi” trong tiếng Hy Lạp, là biểu tượng chính của liên minh cánh tả. “Nhân dân chính là người làm nên lịch sử” – Mélenchon tuyên bố.

Còn hơn một tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Với đà thăng tiến vượt bậc của Mélenchon, nước Pháp và cả châu Âu đang chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận một người của cánh tả thực thụ rất có thể sẽ lên nắm quyền, nếu “con cưng” Macron không thể cùng bà Marine Le Pen bước vào vòng 2 cuộc bầu cử.

Tuy nhiên,  như nhà phân tích Naves nhận xét, Mélenchon có đủ khả năng để làm một cuộc “cách mạng” tại Pháp và ông cũng có đủ điều kiện để lên nắm quyền, nhưng “liệu ông có muốn lãnh đạo nước Pháp không?”. Đó là một vấn đề khác.

An Châu (tổng hợp)
.
.