Pháp: Vụ "Watergate" đang đi đến hồi kết

Thứ Năm, 02/08/2007, 14:30
Vụ scandal Clearstream được dư luận coi là vụ "Watergate" từng gây chấn động chính trường của nước Pháp trong một thời gian khá dài đang sắp được phơi bày sau khi một loạt quan chức cấp cao liên quan bị cơ quan chức năng thẩm vấn.

Cựu Thủ tướng Dominique de Villepin đang phải đối mặt với những cáo buộc mà các thẩm phán đưa ra sau khi ông chính thức nhận "trát" của cơ quan chức năng vào cuối tuần này.

Đây không phải lần đầu tiên và cuối cùng cựu Thủ tướng Dominique de Villepin phải trả lời về chiến dịch bôi nhọ nhằm vào cựu Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy và đang là đương kim Tổng thống Pháp.

Thẩm vấn từ cựu tổng thống đến cựu thủ tướng

Cho đến lúc này, cựu Thủ tướng Dominique de Villepin vẫn luôn khẳng định mình không làm gì sai trái trong quá trình đương nhiệm và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi hữu quan của cơ quan chức năng.

Theo giới truyền thông, trong số những quan chức cấp cao bị chất vấn liên quan tới vụ scandal Clearstream, cựu Thủ tướng Dominique de Villepin bị “quay” nhiều nhất bởi ông được coi là “tổng chỉ huy” của vụ “Watergate”.

Hơn nữa, người từng bị cựu Thủ tướng Dominique de Villepin đưa vào danh sách đen đang là đương kim Tổng thống Pháp - Nicolas Sarkozy. Kết luận trên được đưa ra sau khi cơ quan chức năng tìm thấy những chứng cứ, tài liệu quan trọng thu được sau khi tiến hành khám xét tư dinh và văn phòng làm việc của ông Dominique de Villepin hôm 5 và 6/7 vừa qua.

Giới bình luận cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến vụ Clearstream trước đây không thể điều tra và đi đến kết quả như mong muốn bởi những “nghi can” đều còn đương chức.

Có người nói rằng, khi tiến hành vụ Clearstream, ông Villepin ngoài mục đích bôi nhọ, hủy hoại danh dự, uy tín của cựu Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy còn muốn loại bỏ đối thủ chính trị đầy tiềm năng này bởi cựu Thủ tướng cũng từng muốn ra tranh cử chiếc ghế tổng thống.

Cựu Tổng thống Jacques Chirac, Cựu thủ tướng Dominique De Villepin và tướng Philippe Rondot.

Quyết tâm điều tra chân tướng sự việc được thể hiện ở chỗ bất ngờ khám xét tư dinh của ông Villepin ở thủ đô Paris chiều tối 5/7/2007. Đây là lần đầu tiên, nhà riêng của một cựu Thủ tướng Pháp bị lục soát. Được biết trước đó (tháng 2/2006), ông Villepin cũng từng bị thẩm vấn (trong suốt 17 tiếng) xung quanh vụ án kể trên.

Cảnh sát cho biết, họ quyết định tiến hành khám nhà ông Villepin sau khi phát hiện nhiều chứng cứ cho thấy, cựu thủ tướng có liên quan tới vụ Clearstream. Cuộc khám xét kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ (từ trước 15h đến 21h20' hôm 5/7/2007) trước sự chứng kiến của đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát và nhân viên điều tra của Cơ quan Thanh tra Tài chính quốc gia.

Khi cuộc khám xét diễn ra, ông Villepin không có mặt ở nhà. Cuộc khám xét văn phòng làm việc của ông Villepin được tiến hành vào tối 6/7/2007. Sau khoảng 5 giờ lục soát, các nhân viên điều tra cùng 2 thẩm phán Jean-Marie d'Huy và Henri Pons đã ra về với 1 thùng tài liệu.

Và lần khám xét này diễn ra trước sự chứng kiến của ông Dominique de Villepin. Phát biểu sau cuộc khám xét, đại diện cảnh sát cho biết, họ đã thu được một số tài liệu giúp ích cho việc khởi tố cựu Thủ tướng Dominique de Villepin vào cuối tháng 7 này.

Theo giới truyền thông, cảnh sát và cơ quan chức năng đã tìm thấy các ghi chép của tướng Philippe Rondot, người từng nhận nhiệm vụ điều tra từ cựu Thủ tướng Dominique de Villepin.

Theo đó, “người ta” đã chuyển cho cơ quan hữu quan nhiều tài liệu giả về Công ty Tài chính (Ngân hàng quốc tế) Clearstream của Luxembourg mà nhiều người cho đó là một vụ nhận hối lộ. Cảnh sát cho biết, những ghi chép này được tập hợp lại từ 39 file trong máy tính, nhưng đã bị hủy, song vẫn được một chuyên gia phát hiện trong máy tính của tướng Philippe Rondot.

Ngày 28/5/2004, ông Villepin đã ra lệnh cho Phó chủ tịch Công ty EADS Jean-Louis Gergorin phải tìm mọi cách để “hạ gục” ứng cử viên Nicolas Sarkozy và thông tin này đã được luật sư của tướng Philippe Rondot xác nhận hôm 5/7/2007.

Về phần mình, Thủ tướng François Fillon cho biết, sẽ đưa ra bình luận sau khi có kết quả điều tra, dự kiến sẽ công bố vào ngày 19-7 tới. Ngay sau khi nhận được những thông tin kể trên, cả cựu Tổng thống Jacques Chirac và cựu Thủ tướng Dominique de Villepin đều đã phủ nhận.

Nhiều người cho rằng, quan điểm của Tổng thống Nicolas Sarkozy đối với tội phạm rất rõ ràng - không có ân xá tập thể cho những tù nhân Pháp trong dịp Quốc khánh 14/7 năm nay và ông là một người nghiêm khắc trong việc mạnh tay áp dụng các luật lệ đối với tội phạm.

Trước và sau khi thẩm vấn và khám xét tư dinh và văn phòng làm việc của cựu Thủ tướng Dominique de Villepin, cựu Thủ tướng Jean Pierre Raffarin, cựu Ngoại trưởng Michel Barnier và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Alliot Marie cũng từng phải trả lời chất vấn xung quanh vụ scandal Clearstream.

Sự khó xử của Bộ trưởng nội vụ

Người cảm thấy khó xử nhất hiện nay trong vụ Clearstream là Bộ trưởng Nội vụ Michele Alliot Marie bởi trước đó bà từng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Jacques Chirac và Thủ tướng Dominique de Villepin.

Thậm chí có người còn nói bà là một trong những người nắm khá rõ nội tình của vụ bôi nhọ thanh danh ông Nicolas Sarkozy. Giới truyền thông cho rằng, bà Michele Alliot Marie đang phải chịu áp lực từ nhiều phía bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nhưng đối với lãnh đạo cũ, bà đã thể hiện rõ quan điểm trung thành bởi bà tuyên bố không hề hay biết gì về vụ Clearstream trong cuộc thẩm vấn mới đây nhất. Sự trung thành của bà Michele Alliot Marie là điều dễ hiểu bởi Bộ trưởng Nội vụ từng được ông Jacques Chirac trọng dụng và đánh giá cao - giao đảm trách nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Thể thao và các vấn đề thanh niên, Bộ trưởng Quốc phòng.

Và đối với giới truyền thông, bà giữ thái độ im lặng cho dù tờ Le Journal du Dimanche khẳng định, những dữ liệu tìm được trong máy tính của tướng Philippe Rondot cho thấy, cựu Bộ trưởng Quốc phòng cũng liên quan tới vụ bê bối này.

Mọi việc bắt đầu từ tháng 7/2004 sau khi những lá thư tố giác nặc danh được gửi tới Thẩm phán Renaud Van Ruymbeke. Sau đó Thẩm phán Renaud Van Ruymbeke và Thẩm phán Dominique Talance đã quyết định mở một cuộc điều tra toàn diện để làm rõ những cáo buộc nặc danh kể trên.

Trong quá trình điều tra, nhiều cuộc khám xét đã được tiến hành tại các văn phòng của Clearstream ở Luxembourg. Đến cuối tháng 1/2006, hai Thẩm phán này tuyên bố kết thúc vụ án với kết luận - những tài khoản mang tên các chính trị gia tại Clearstream là giả mạo.

Ngày 31/1/2006, ông Nicolas Sarkozy tuyên bố mình là nạn nhân của một âm mưu bôi nhọ. Ngay sau khi ông Nicolas Sarkozy lên tiếng, nhiều chính khách khác như Dominique Strauss-Kahn, Alain Madelin và Jean-Pierre Chevenement cũng tuyên bố mình bị oan.

Và một phản ứng dây chuyền đã xảy ra: ngày 13/4/2006, Công ty Quốc phòng châu Âu EADS đã gửi một đơn khiếu nại và sau đó tới lượt Clearstream cũng kêu khổ bởi họ không muốn thương hiệu của mình gắn với vụ bê bối kể trên.

Ngày 28/3/2006, tướng Philippe Rondot đã cáo buộc Thủ tướng Dominique de Villepin và Tổng thống Jacques Chirac là người đã ra lệnh tiến hành điều tra các chính trị gia.

Nhiều người cho rằng cựu Tổng thống Jacques Chirac sẽ tiếp tục sử dụng đặc quyền (vẫn được hưởng quyền miễn trừ dành cho tổng thống) để từ chối làm chứng trong vụ Clearstream, chỉ đồng ý trả lời những câu hỏi liên quan tới những bê bối tài chính khi ông là Thị trưởng thành phố Paris.

Tuy nhiên, ông Jacques Chirac cũng khẳng định không làm gì sai trái. Nếu cựu tổng thống im lặng thì các thẩm phán sẽ khó làm rõ được câu hỏi -  liệu ông Jacques Chirac có bí mật ra lệnh điều tra đối với các cáo buộc tham nhũng nhằm chống lại Bộ trưởng Nội vụ và liệu ông Dominique de Villepin và ông Jacques Chirac có hợp tác với nhau trong việc bôi nhọ thanh danh của ông Nicolas Sarkozy khi ông ta là Bộ trưởng Bộ Nội vụ?

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.