Pháp: Vụ xét xử cựu Tổng thống gây khó cho đương kim Tổng thống

Thứ Hai, 04/10/2010, 17:35
Ông Jacques Chirac sẽ trở thành cựu Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Pháp phải ra trước tòa vì những cáo buộc tham nhũng. Phiên tòa đã được lên kế hoạch dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2/2011. Ông Chirac cho tới giờ vẫn tin vào khả năng chứng minh được sự vô tội của mình.

Thậm chí nếu như phán quyết của tòa án có không như ý muốn, cũng khó có thể cựu nguyên thủ 77 tuổi này sẽ phải chịu những mức án quá nặng nề ngoài khoản tiền nộp phạt. Tuy nhiên đối với đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy - một người bạn cũ, một chiến hữu cũ và cả là một đối thủ chính trị cũ của Chirac - phiên tòa đầu năm tới có thể sẽ khiến cho ông phải trả một cái giá đắt hơn nhiều.

Những lời cáo buộc chống lại ông Jacques Chirac thật ra không liên quan đến giai đoạn ông làm Tổng thống Pháp từ năm 1995 đến 2007. Những vi phạm đang bị nghi ngờ của cựu Tổng thống Pháp diễn ra vào giai đoạn trước đó, khi ông Chirac còn là thị trưởng của Paris (1977-1995). Nguy cơ về chuyện phải ra tòa thật ra đã đeo đẳng ông Chirac từ năm 2002 đến 2004.

Tuy nhiên theo quy định của luật pháp, đương kim tổng thống là người có quyền bất khả xâm phạm, không bị truy tố hình sự cho đến khi hoàn tất nhiệm kỳ. Hồi chuông cảnh báo đầu tiên đối với ông Chirac chính là vụ xét xử Alan Juppe, người từng chịu trách nhiệm về vấn đề tài chính của Cơ quan Thị chính Paris. Juppe khi đó đã bị phán quyết tội danh lạm dụng quyền hạn và phải nhận án tù treo.

Những chuyện đáng ngờ của ông Chirac liên quan đến các cáo buộc  đã được báo chí nhắc tới nhiều từ thời gian qua. Cáo buộc đáng chú ý nhất chính là chuyện ông Chirac và cấp dưới đã dựng một số vị trí làm việc giả để lấy lương, sau đó dùng số tiền này để chi trả cho các hoạt động của đảng Liên minh dân chủ vì nền cộng hòa (RPR) khi đó, chính là tiền thân của liên minh cầm quyền UMP hiện nay. Ngoài ra, đảng RPR của ông Chirac còn bị nghi ngờ nhận tiền hoa hồng của các công ty xây dựng trúng thầu xây dựng nhà cửa tại Paris.

Theo đánh giá, mức án phạt lớn nhất có thể đe dọa ông Chirac là 10 năm tù cùng một khoản tiền phạt lớn. Đương kim Thị trưởng Paris là ông Bertrand Delanoe đã nộp đơn lên tòa án kiện người tiền nhiệm của mình với mức đòi bồi thường 2,2 triệu euro mà ông này cho là những thiệt hại của thành phố vì những trò gian lận của bộ máy thị chính dưới thời ông Chirac.

Tuy nhiên theo giới quan sát, hành động của ông Delanoe không phải nhằm mục đích chính là đòi đền bù cho những thiệt hại của ngân sách Paris, mà thực ra nó liên quan đến những mục đích chính trị xa hơn. Cần nhớ ông Delanoe chính là một quan chức thuộc đảng Xã hội Pháp, đối thủ chính trị hàng đầu của UMP đang cầm quyền hiện nay.

Phe Xã hội chắc chắn không thể bỏ qua cơ hội "đầu cơ" vụ bê bối Chirac để nhấn mạnh về đề tài tham nhũng của UMP trong các chiến dịch tranh cử sắp tới. Khi đó, nạn nhân chính của tòa án sắp tới rất có thể không phải là ông Chirac, mà là đương kim Tổng thống Sarkozy, bất chấp việc cả hai không còn là những chiến hữu "chung chiến hào" vì vô số những mâu thuẫn và ân oán trong quá khứ.

Lịch sử mối quan hệ qua lại phức tạp giữa ông Chirac và Sarkozy đã kéo dài đến cả 3 thập niên. Ban đầu, Sarkozy là người ủng hộ nhiệt thành cho ông Chirac. Trải qua những bước thăng tiến nhanh chóng trên bậc thang quyền lực của RDR (nay là UMP), mối quan hệ cá nhân giữa Chirac - Sarkozy liên tục được củng cố - Sarkozy còn là người làm chứng trong đám cưới con gái của Chirac.

Nhưng năm 1995 đã đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý của sự chia rẽ, khi ông Sarkozy bất ngờ quay sang ủng hộ đối thủ Balladur của ông Chirac trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng trọng lượng chính trị của ông Sarkozy khi đó còn quá nhẹ để có thể tác động tới kết quả bầu cử, nên ông Chirac vẫn đắc cử tổng thống, còn Sarkozy rơi vào tình cảnh "ngồi chơi xơi nước" một thời gian.

Một cuộc hòa giải thực sự giữa ông Chirac và Sarkozy thật ra đã không bao giờ diễn ra. Tuy nhiên, trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2007, sau một thời gian im lặng ông Chirac bỗng quay sang ủng hộ cho ông Sarkozy. Theo những xì xào từ phe Xã hội, sự ủng hộ miễn cưỡng trên thực chất là một thương vụ trao đổi - Sarkozy hứa hẹn sẽ bảo vệ chiến hữu cũ của mình trước nguy cơ bị tòa án truy tố.

Theo đánh giá, bất chấp phiên tòa trên có diễn ra hay không, hay kết quả của nó (nếu có) như thế nào, Nicolas Sarkozy và UMP cũng chẳng thể đón nhận được một kết cục có hậu. Còn nếu như ông Chirac hoàn toàn trắng án, ông Sarkozy sẽ phải hứng chịu nhiều chỉ trích về việc can thiệp vào hoạt động của cơ quan tư pháp. Nhưng điều bất lợi nhất đối với ông Sarkozy lại nằm ở chỗ, phiên tòa trên có thể kết thúc vào đúng thời điểm bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống - nguyên thủ cho nhiệm kỳ tiếp theo sẽ được người dân Pháp lựa chọn vào năm 2012.

Theo quan điểm "tất cả mọi phương tiện đều tốt trong chính trị", phe Xã hội chắc chắn không thể bỏ qua cơ hội này để công kích đương kim Tổng thống hay bất kỳ một ứng cử viên nào khác từ UMP (nếu như ông Sarkozy quyết định không ra tranh cử). Cùng với những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu nảy sinh trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Sarkozy, phiên tòa xét xử Jacques Chirac rất có thể sẽ trở thành một sự kiện mang tính định mệnh đối với số phận chính trị của UMP trong thời gian tới

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.