Pháp – Australia: Đằng sau gói thầu tàu ngầm bạc tỉ

Thứ Năm, 05/05/2016, 10:20
Nước Pháp vừa có thắng lợi quan trọng trong cuộc đua giành gói thầu đóng tàu ngầm cho Australia trị giá 50 tỉ đôla Australia (40 tỉ USD). Đằng sau gói thầu thế kỷ này là một cuộc “đua” đầy kịch tính về mặt chính trị, ngoại giao giữa ba nước Pháp, Đức và Nhật Bản, trong đó người Nhật đã “thua đau” vào phút chót.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls hôm 2-5 đã ghé thăm Australia nhân chuyến công du chính thức New Zealand. Tại đây, ông Valls đã có cuộc hội đàm chớp nhoáng với người đồng cấp Australia Malcolm Turnbull. Ông Valls đã tuyên bố rằng, ông cam kết việc đóng mới tất cả đội tàu ngầm cho Chính phủ Australia theo gói thầu vừa đạt được sẽ được thực hiện tại Australia.

Ông Valls còn khẳng định, đích thân ông sẽ giám sát việc soạn thảo hợp đồng giữa tập đoàn vũ khí quốc doanh DCNS Group với Australia trong vài tháng tới.

Tuyên bố trên của ông Valls mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, nó xua tan mọi lo ngại và bất bình của người dân Australia đối với việc thực hiện hợp đồng tàu ngầm như đã thỏa thuận. Vài hôm trước, khi vừa được Chính phủ Australia trao cho gói thầu tàu ngầm 40 tỉ USD, Tổng giám đốc DCNS Hervé Guillou đã nói ngược lại rằng hợp đồng đóng tàu ngầm này sẽ tạo ra 4.000 việc làm ở các xưởng đóng tàu Pháp, trong khi gói thầu này được Chính phủ của Thủ tướng Turnbull bảo đảm với người dân Australia là sẽ tạo ra công ăn việc làm trong nước.

Thủ tướng Australia Tony Abbott (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Đối với Chính phủ của Thủ tướng Turnbull, hợp đồng tàu ngầm có ý nghĩa rất quan trọng khi Australia đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 2-7 tới. Liên minh cầm quyền do đảng Tự do của ông Turnbull dẫn đầu hy vọng sẽ thu hút sự ủng hộ của cử tri trước bầu cử. Bởi thế, phát biểu của Tổng giám đốc Tập đoàn DCNS đã khiến ông Turnbull mất vui. Và đó là lý do Thủ tướng Valls phải ghé thăm Australia.

Đằng sau gói thầu tàu ngầm mà Pháp giành được là câu chuyện về năng lực đấu thầu của ngành công nghiệp quốc phòng và những vận động ngoại giao hiệu quả của người Pháp. Chả thế mà ngay sau khi thất bại, người Nhật vừa đau vừa tức nên đã yêu cầu Australia cho một lời giải thích vì sao họ thất bại trong đấu thầu để rút kinh nghiệm! Thật ra, trong cuộc đấu thầu này, người Pháp chỉ hơn người Nhật ở chỗ họ không nóng lòng và không mắc một loạt sai lầm như các quan chức người Nhật, do là “kẻ đến sau”.

Đặc biệt là người Nhật đã sai sót lớn khi không nắm bắt kịp sự thay đổi bối cảnh chính trị tại Australia, đồng thời họ cũng không nắm được yêu cầu quan trọng nhất trong gói thầu này là phải mang lại công ăn việc làm và kỹ thuật đóng tàu ngầm cho người Australia. Đến khi người Nhật nhận ra những điều quan trọng này thì đã quá muộn, Pháp và Đức đã đi trước một bước.

Ngay từ khi Chính phủ Australia thông báo mời thầu đóng mới đội tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD vào năm 2014, Nhật Bản có vẻ như chắc chắn là người chiến thắng, không nước nào có thể cạnh tranh nổi vào thời điểm đó, vì Thủ tướng Australia khi đó là Tony Abbott đang nhắm đến “anh bạn tốt châu Á” là Nhật Bản. Còn Pháp và Đức là hai “kẻ đến sau”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (thứ hai từ trái sang) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian (thứ hai từ phải sang) thăm nhà máy đóng tàu của tập đoàn DCNS gần Nantes ngày 26-4-2016.

Cho đến cuối năm 2014, quan hệ ngoại giao vẫn vô cùng tốt đẹp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Thủ tướng Australia Abbott, cho nên người Nhật an tâm lo chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho gói thầu quốc phòng lớn nhất hiện nay, với hy vọng nó sẽ có tác động vực dậy ngành xuất khẩu vũ khí. Không gì đáng mơ ước hơn trong cuộc đấu thầu này khi cả Nhật Bản – nhà cung cấp – và Australia người mua đều là các đồng minh quân sự thân cận nhất của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, và Washington từ lâu đã mong muốn hai đồng minh này tạo nên gọng kìm đủ mạnh để góp sức cùng họ kìm tỏa sự “vùng lên” của Trung Quốc.

Trong bối cảnh như thế, có lẽ người Nhật đã có phần chủ quan, không đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra chăng? Bởi, lấp ló đằng xa kia, Pháp bắt đầu nhìn thấy còn có cơ hội tham gia giành lấy gói thầu béo bở này.

Tháng 11-2014, Tổng giám đốc DCNS Guillou đã hối thúc Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian sang thăm Australia và khởi động tiến trình tranh thầu. Le Drian đã thực hiện chuyến thăm Australia đúng dịp kỷ niệm 100 năm người Australia đưa tàu tham chiến cùng quân Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần I, và ông đã đến tận Albany ở vùng Tây Nam, nơi người Australia làm lễ kỷ niệm xuất quân, và có những cuộc hội đàm quan trọng với người đồng cấp Australia David Johnston và cả Thủ tướng Abbott.

Việc chọn thời điểm lịch sử cực đắc để thực hiện chuyến thăm đã mở toang cánh cửa cho người Pháp tham gia thảo luận đấu thầu. Bước đầu tiên của người Pháp đã thành công.

Diễn biến tiếp theo đã làm xói mòn lợi thế mà Nhật Bản có được ban đầu. Tháng 12-2014, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Johnston buộc phải từ chức vì không thể nâng cấp được kỹ thuật đóng tàu của Australia. Thực chất nguyên nhân đằng sau việc từ chức của ông Johnston là do ông nghịch ý của Abbott khi nói chuyện với người Pháp, tạo nguy cơ cạnh tranh cho “anh bạn Nhật”.

Sự kiện này khiến các nghị sĩ Quốc hội Australia càng thêm lo ngại rằng ông Abbott có thể tự mình âm thầm trao gói thầu cho Nhật Bản, cho nên họ đã gây áp lực đòi Thủ tướng Abbott phải mở thầu cạnh tranh. DCNS của Pháp và Thyssenkrupp Marine Systems của Đức đã nhanh chân nhảy vào dự thầu.

Tháng 2-2015, Abbott gọi điện cho “người bạn tốt châu Á” để thông báo về quy trình đấu thầu mới. Ông Abe thông cảm và hứa sẽ tuân thủ đúng quy trình đấu thầu. Do tin tưởng rằng gói thầu vẫn còn nằm trong tầm tay mình nên các quan chức đấu thầu Nhật đã không chú ý nguy cơ mất thầu đang đến gần.

Một quan chức Nhật Bản thừa nhận đã quá chủ quan, cứ nghĩ mình “đã trúng thầu rồi”, còn chuyện đấu thầu cạnh tranh “chỉ là thủ tục” nên không thực hiện chu đáo các công việc cần thiết. Tháng 8-2015, do chậm trễ nên Nhật Bản tiếp tục thất bại trong việc lôi kéo các nhà cung cấp địa phương tham gia cùng ứng nguyên vật liệu để dự thầu. Các công ty địa phương này than phiền người Nhật không có thiện chí thảo luận các hợp đồng đóng tàu ngầm.

Mặt khác, cũng do lệnh cấm xuất khầu vũ khí kéo dài nhiều thập kỷ mới được dỡ bỏ vào năm 2014, nên các công ty quốc phòng Nhật Bản hoàn toàn không có đối tác quốc phòng nào ở Australia, do đó không thể xây dựng được thế đứng cạnh tranh trong cuộc tranh thầu này.

Thêm một động thái mất điểm: Trong khi các công ty của Pháp và Đức nhanh chóng chìa ra bản kế hoạch đóng tàu ngay từ đầu, thì Nhật Bản chỉ nói rằng “sẽ tuân theo các quy định đấu thầu”. Và cú cuối cùng là “người bạn thân” của Nhật Bản Tony Abbott đã “mất ghế” vào tháng 9-2015, từ đó cuộc đấu thầu đã mở rộng cạnh tranh hoàn toàn.

Đến đây thì chỉ có kinh nghiệm thương trường và các mối quan hệ mới đóng vai trò quyết định chiến thắng. Từ tháng 4-2015, DCNS đã thuê Costello, người cũng mất ghế Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Australia khi ông Johnston mất chức. Từng là thủy thủ tàu ngầm giàu kinh nghiệm, đồng thời từng điều hành công ty tàu ngầm quốc doanh ASC của Australia, Costello là sự lựa chọn hoàn hảo để dẫn dắt đội ngũ đấu thầu của DCNS.

Cựu Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Australia Sean Costello, người đã giúp Pháp giành gói thầu tàu ngầm 40 tỉ USD.

Đây cũng là một sai sót lớn nữa của người Nhật: Nếu Tokyo mời gọi Costello sớm hơn, ít nhất là trước người Pháp, thì Costello đã phục vụ cho người Nhật và có lẽ kết quả đấu thầu đã khác. Costello kể, thậm chí họ còn không nhấc điện thoại khi ông gọi điện thoại đề nghị giúp. Costello đã lên danh sách một loạt công việc quan trọng DCNS cần làm để thắng thầu, kể cả việc phải vượt qua các công ty sừng sỏ của Mỹ như Lockheed Martin hay Raytheon, một trong hai công ty này sẽ cung cấp hệ thống vũ khí chiến đấu cho các tàu ngầm.

Trong động thái quyết định cuối cùng, một phái đoàn Pháp bao gồm đông đảo quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp đã đế thăm Australia vào tháng 3-2016, tung ra lời thuyết minh rầm rộ về những lợi ích kinh tế mà gói thầu của Pháp mang lại.

Về phía người Nhật, tháng 9-2015, họ bắt đầu tăng tốc xúc tiến các công việc đấu thầu. Quan chức Quốc phòng Masaki Ishikawa phải xắn tay áo lao vào xốc lại đội hình, bố trí, đoàn kết lại lực lượng vốn rời rạc, lỏng lẻo, thiếu đoàn kết nhất trí giữa các bộ ngành khác nhau với Đại sứ Nhật tại Canberra Sumio Kusaka và công ty dự thầu MHI. Nhật Bản bắt đầu nói về các cơ hội đầu tư và phát triển kèm theo dự án quốc phòng, bao gồm cả việc mở một nhà máy sản xuất pin lithium-ion ở Australia, còn công ty MHI cũng hứa sẽ mở một chi nhánh tại Australia.

Trong nỗ lực cuối cùng để thuyết phục người Australia, Nhật Bản cử một trong những chiếc tàu ngầm lớp Soryu do mình sản xuất đến thăm cảng Sydney vào đầu tháng 4-2016. Nhưng tất cả đã quá muộn. Người pháp đã hoàn thành tất cả những công việc cần thiết để giành lấy gói thầu. Nhật Bản chấp nhận thua cuộc.

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản thăm cảng Sydney của Australia.

Thất bại trong cuộc đấu thầu đã khiến cho nỗ lực khôi phục xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản đổ vỡ, là một bước lùi lớn đối với Thủ tướng Abe trong kế hoạch tái vũ trang, tăng cường sức mạnh quân sự sau nhiều thập niên theo đuổi chính sách “thái bình”.

Trong một tương lai gần, Thủ tướng Abe sẽ khó tìm được gói thầu quốc phòng nào khác lớn cỡ như gói thầu cung cấp tàu ngầm cho Australia. Một bài học đắt giá.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.