Pháp muốn đoạn tuyệt quá khứ thực dân tại châu Phi

Thứ Ba, 05/12/2017, 10:58
Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron tới 3 nước châu Phi trước khi tham dự thượng đỉnh Âu - Phi tại Bờ Biển Ngà được báo chí Pháp nhận định là một bước ngoặt trong lịch sử quan hệ và quan niệm về vai trò của Pháp với các cựu thuộc địa.

Chinh phục giới trẻ châu Phi

Hầu hết các nước châu Phi ngày nay đều từng là thuộc địa của Pháp thời thực dân. Mặc dù chế độ đó đã trôi qua hàng nửa thế kỷ nhưng những ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của Pháp vẫn còn rất sâu đậm với người dân các nước châu Phi.

Một nghiên cứu mới đây được công bố trên báo Le Monde cho biết chưa có một nước thực dân nào trên thế giới còn nhiều ảnh hưởng tới các nước thuộc địa như Pháp hiện nay. Châu Phi đa phần là các nước nghèo với các chế độ chính trị mà một người có khi nắm quyền lãnh đạo hàng thập niên.

Trước đây Pháp thường trợ giúp các nước thuộc địa cũ ở châu Phi thông qua các chương trình viện trợ phát triển nhưng trong 10 năm trở lại đây Pháp dường như âm thầm cắt hết khoản viện trợ trên, khiến không ít nước châu Phi cảm thấy hụt hẫng và cho rằng trước đây Pháp vơ vét tài nguyên của họ giờ lại chẳng thèm quan tâm, thậm chí người dân nhiều nước còn khó chịu khi Chính phủ Pháp muốn đưa lãnh đạo này lên, hạ người kia xuống. Chẳng hạn vào năm 2014, khi cựu Tổng thống Burkina-Faso, Blaise Compaoré, bị đường phố lật đổ, Paris đã đem nhân vật này qua Bờ Biển Ngà an toàn.

Trong bối cảnh ấy, chuyến thăm của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới 3 nước châu Phi là Burkina-Faso, Bờ Biển Ngà và Ghana không tránh khỏi những lời bàn tán rằng ông sẽ không thể làm khác những đời Tổng thống Pháp trước đây. Nhưng xét trên những tuyên bố của ông Emmanuel Macron, người ta thấy nếu trở thành hiện thực thì một chương sử hoàn toàn mới sẽ mở ra trong lịch sử quan hệ giữa Pháp và châu Phi.

Có hai điều cần nói đến trong bài phát biểu của ông Macron tại Burkina-Faso, chặng dừng chân đầu tiên trước khi bay qua hai nước Bờ Biển Ngà và Ghana. Thứ nhất, đối tượng mà Tổng thống Pháp muốn nhắm đến là giới trẻ châu Phi, cùng thế hệ với ông Macron. Và thứ hai là 6 chủ đề ưu tiên của ông trong quan hệ Pháp - Phi thời gian tới.

Sau khi hội kiến nhanh với Tổng thống Burkina-Faso Christian Kaboré, ông Macron đã có bài diễn văn trước một cử tọa 800 sinh viên của Đại học Ougadougou vào sáng 28-11. Trong bài phát biểu dài hiếm có, gần 3 tiếng đồng hồ, Tổng thống Pháp nhấn mạnh là ông thuộc thế hệ “biết đến châu Phi qua người hùng Nam Phi Nelson Mandela và chiến thắng chính trị chống chính sách kỳ thị chủng tộc Apartheid”. Ông đến đây để lắng nghe giới trẻ ở Burkina-Faso, Bờ Biển Ngà và Ghana.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với sinh viên ở đại học Ouagadougou, Burkina Faso, ngày 28-11.

Cũng theo Tổng thống Pháp, ông không có bài học nào để “lên lớp” tuổi trẻ châu Phi, nhưng chuyện cần thiết là phải “giúp cho nền dân chủ ở châu Phi không bị đảo ngược”.

Theo AFP, Tổng thống Pháp tìm cách chinh phục giới trẻ châu Phi ngày càng bài xích sự hiện diện của quân đội Pháp trong bối cảnh phải đối phó với khủng bố đe dọa vùng sa mạc Sahara, cũng như ngăn chặn làn sóng di dân sang châu Âu. Ông Macron thậm chí đề cập đến cả các chủ đề được xem là “nhạy cảm”, như tội ác của nước Pháp trong thời thực dân hay kể cả một chủ đề cấm kỵ như vụ ám sát Thomas Sankara, Tổng thống Burkina Faso năm 1987.

Các đời Tổng thống gần đây của Pháp, từ thời ông Nicolas Sarkozy cho đến ông Francois Hollande gây ra khá nhiều tranh cãi trong các hành động và phát biểu về châu Phi, từ sự can thiệp quân sự của Pháp vào Lybia, vào chính trường Bờ Biển Ngà hay các hành động phạm pháp của lính Pháp tại các nước cận Sahara.

Đó là chưa kể các phát ngôn không chuẩn mực của các ông Sarkozy hay của chính ông Macron vài tháng trước về “khoảng cách văn minh”... khiến nhiều nước châu Phi cảm thấy phẫn nộ vì bị phân biệt. Vì thế, sự làm mới quan hệ Pháp - Phi trước hết là làm mới lại hình ảnh của nước Pháp trong con mắt dân chúng châu Phi.

Có lẽ vì thế mà đã có một cuộc biểu tình với ý định chặn đường đoàn xe Tổng thống Macron khi ông đến Burkina-Faso. Điện Elysée nhìn nhận là hình ảnh nước Pháp không được tốt trong công luận Burkina-Faso.

Va chạm các thách thức đương đại

Để chứng tỏ ông thuộc thế hệ mới, cách xa với qua khứ thực dân, Tổng thống Emmanuel Macron tập trung vào 6 chủ đề hợp tác kinh tế, xí nghiệp liên doanh, giáo dục, thể thao, năng lượng sạch, thay vì viện trợ phát triển.

Trước hết về giáo dục, Tổng thống Macron cho rằng nước Pháp chưa có một chính sách thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết với châu Phi trong lĩnh vực giáo dục. Do vậy, ông đề nghị gia tăng quan hệ đối tác giữa các trường đại học Pháp và châu Phi, lập một dạng thị thực nhập cảnh dành cho các tài năng châu Phi, cho phép hàng ngàn sinh viên châu Phi tới Pháp theo học.

Ưu tiên thứ hai là vấn đề dân số. Không ngần ngại đụng chạm đến chủ đề nhạy cảm, Tổng thống Pháp khẳng định lại rằng không thể phát triển nếu tỷ lệ tăng dân số cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Vấn đề thứ ba là đấu tranh chống tệ nạn buôn người. Nhân hội nghị thượng đỉnh Âu - Phi, nguyên thủ Pháp đã đưa ra sáng kiến chống lại chiến lược của những kẻ buôn người và tấn công vào các tổ chức tội phạm.

Ưu tiên thứ tư trong bài diễn văn tại Đại học Ouagadougou, Tổng thống Pháp tập trung nói đến cuộc đấu tranh chống “chính sách ngu dân” mà ông cho là còn đáng gờm hơn là khủng bố. Đồng thời, ông cũng khẳng định lại sự ủng hộ đối với quân đội Pháp hiện diện tại châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara trước cuộc họp thượng đỉnh Âu - Phi ngày 29-11.

Chủ đề thứ năm liên quan đến kinh tế, đặc biệt là đồng CFA (Cộng đồng tài chính châu Phi), một trong những đồng tiền cuối cùng còn sót lại từ thời thực dân vẫn lưu hành và liên quan đến cuộc sống của 155 triệu người dân châu Phi. Chưa bao giờ, một nguyên thủ Pháp lại bày tỏ thái độ rõ ràng như vậy về tương lai đồng tiền CFA: đây không phải là chủ đề thời sự tại Pháp, thậm chí, ông ủng hộ việc đổi tên đồng tiền này và mọi cải cách tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo khu vực đồng CFA.

Sau cùng, nguyên thủ Pháp thông báo 2020 là năm của “mùa văn hóa châu Phi” tại Pháp. Đồng thời, ông cũng mong muốn là trong vòng 5 năm tới, sẽ hội tụ đầy đủ các điều kiện cho phép hoàn trả tạm thời hoặc trao trả hẳn các di sản văn hóa của châu Phi hiện nằm trong các bảo tàng của châu Âu.

Báo chí Pháp đã bàn luận rất nhiều về bài phát biểu của ông Macron tại Burkina-Faso. Báo Le Figaro trong bài xã luận cho rằng tại Đại học Ouagadougou, ông Macron đã có một bài phát biểu thành công, thẳng thắn và đổi mới, đồng thời, nguyên thủ Pháp cũng nói rõ: ông tới đây không phải để đưa ra hay nhận các bài học.

Thời kỳ thực dân gây ra các tội ác nhưng cũng làm được nhiều việc lớn. Truyền thống văn hóa của châu Phi là tôn trọng các thế hệ tiền bối nhưng giới lãnh đạo trẻ cũng phải được lắng nghe, cần phải nói chuyện với giới trẻ. Ông khẳng định với các sinh viên châu Phi: “Các bạn và tôi, chúng ta hiểu nhau”.

Theo Le Figaro, Tổng thống Pháp chỉ trích những ai muốn tiếp tục làm chính trị như trước. Phải đẩy lùi quá khứ và chính sách Pháp - Phi theo kiểu thực dân, coi châu lục này là sân sau của Pháp không tồn tại nữa và người châu Phi phải tự nắm vận mệnh của mình.

Bài xã luận của Le Figaro viết: “Đối với Macron, châu Phi là nơi va chạm tất cả các thách thức đương đại, đặc biệt là khủng bố và nạn di dân và thách thức này liên quan đến tất cả mọi người. Dường như nguyên thủ Pháp tỏ ra khó chịu về sự nhút nhát, ngần ngại của châu Âu tại châu Phi. Nước Pháp không muốn một mình đi tiên phong, đương đầu với các thách thức ở châu Phi nữa. Ông Macron muốn nước Pháp dấn thân, đảm trách vai trò phối hợp, làm trung gian giữa hai châu lục. Phải chấm dứt chính sách Pháp - Phi cổ hủ, đã đến lúc phát huy quan hệ Âu - Phi”.

Để làm được điều đó, theo Le Figaro ông Macron sẽ phải nỗ lực để lay chuyển được các thói quen. Đó là thói quen của châu Âu vốn luôn ẩn nấp sau Pháp trong các vấn đề châu Phi.

Xóa tan ân oán lịch sử

Phần bình luận này của Le Figaro liên quan tới thượng đỉnh Âu - Phi lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày 29 và 30-11 tại Bờ Biển Ngà. Hội nghị đã thảo luận về các vấn đề cấp bách mà châu Phi và EU đang phải đối mặt, bao gồm việc làm cho thanh thiếu niên, di cư, hợp tác kinh tế và chiến lược chung cho Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi (JAES).

Ngoài ra, hội nghị cũng tập trung thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực, nhất là sau khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có kế hoạch chuyển sang địa bàn châu Phi sau khi đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ ở Iraq và Syria.

Bên cạnh đó, vấn đề dân số châu Phi cũng nằm trong nội dung thảo luận trong bối cảnh các chuyên gia dân số học quốc tế dự báo dân số châu lục này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 lên khoảng 2,4 tỷ người. Việc tìm kiếm các giải pháp và nhu cầu để đáp ứng tình trạng bùng nổ dân số này cũng là chủ đề quan trọng của hội nghị.

Ngoài ra, nội chiến, xung đột vũ trang, khủng bố vẫn là những nguyên nhân quan trọng khiến hàng triệu người châu Phi bất chấp nguy hiểm đã và đang vượt Địa Trung Hải để sang châu Âu tìm kiếm những cơ hội việc làm và cải thiện cuộc sống. Mặc dù năm nay số người châu Phi di cư sang châu Âu đã giảm đáng kể do nỗ lực của EU và nhiều quốc gia châu Phi nhưng nguy cơ tái bùng phát vẫn rất cao.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo về Hội nghị Thượng đỉnh Âu - Phi lần thứ 5 tại Abidjan, Bờ Biển Ngà, ngày 29-11.

Theo giới quan sát, hiện nay Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, các quốc gia Arab Vùng Vịnh và các nước khác cũng gia tăng sự cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực châu Phi đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, đến nay, có hai lĩnh vực vẫn ngự trị trong quan hệ Pháp - Phi là kinh tế và quân sự.

Châu Phi, đặc biệt là châu Phi Pháp ngữ, là vùng đất ảnh hưởng truyền thống của Pháp và được sách trắng quốc phòng Pháp xem là nơi có lợi ích quốc gia quan trọng thứ hai với Pháp, chỉ sau châu Âu. Quân đội Pháp đang triển khai các chiến dịch lớn với khoảng 5.000-6.000 quân để chống khủng bố ở Mali, ở Cộng hòa Trung Phi cũng như dọc hành lang Sahel.

Theo giới quan sát, dưới thời ông Macron, điều này cũng sẽ không thay đổi bởi lợi ích của Pháp về kinh tế lẫn địa chính trị tại châu Phi quá lớn, nên châu Phi vẫn sẽ là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Pháp.

Tuy nhiên, từ vài năm gần đây, Pháp đang tìm cách định hình lại chiến lược ở khu vực này, trong đó đề ra 3 hướng hành động: một là can thiệp quân sự dưới tư cách quốc tế, hai là thúc đẩy sự tham gia mạnh hơn của Liên minh châu Âu và ba là thiết lập các cơ chế an ninh ổn định hơn cho các quốc gia châu Phi.

Các hướng hành động này đều đang được thúc đẩy mạnh hơn dưới thời ông Macron, thể hiện một phần qua các chiến dịch quân sự Pháp đang tiến hành, phần khác ở các sự kiện như Pháp lập Hội đồng Tổng thống châu Phi hồi tháng 8 và ngay thời điểm này, là Hội nghị Thượng đỉnh Âu - Phi tại Bờ Biển Ngà.

Trong bài phát biểu trước thượng đỉnh lần thứ 5 này, ông Macron đã đưa ra một ý tưởng lớn, đó là xây dựng một trục gồm Âu - Phi và Địa Trung Hải. Để đạt được mục tiêu này, cần phải xóa tan những ân oán lịch sử mẫu quốc - thuộc địa.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho France 24 ngày 29-11, bên lề thượng đỉnh Âu - Phi, khi thừa nhận là tại châu Phi, có một sự thiếu tin tưởng đối với pháp và Liên minh châu Âu, Tổng thống Macron nhấn mạnh tới cách tiếp cận “không mặc cảm” đối với châu Phi. Ông tuyên bố: “Tôi biết tất cả những sai lầm của quá khứ”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.