Phía sau hồi chuông báo động ở nước Pháp

Thứ Tư, 12/12/2018, 14:39
Nước Pháp đang trải qua một chuỗi ngày "đen tối" lịch sử. Cuộc khủng hoảng "áo ghi-lê vàng" đang gây ra những thiệt hại nặng nề trên nhiều phương diện, trở thành đòn mạnh giáng vào chính quyền, các hoạt động chính trị, kinh tế, thương mại... và ý định “thâu tóm” quyền lực ở châu Âu. Khủng hoảng xã hội tại Pháp đang gây hoài nghi cho cả EU.

Đường phố: Chiến trường của những toan tính

Cuộc biểu tình phản kháng của phong trào “áo ghi-lê vàng” ở Pháp tiếp tục diễn ra và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Chính phủ Pháp bày tỏ lo ngại một số nước sẽ lợi dụng các cuộc biểu tình của phe “áo vàng” để kiềm chế những nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuyên bố này được bộ trưởng đặc trách chuyển đổi năng lượng Pháp Brune Poirson đưa ra ngày 10-12 bên lề Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP 24) đang diễn ra tại Katowice, Ba Lan.

Bà Poirson lưu ý “sẽ thật nguy hiểm khi cho rằng toàn bộ cuộc khủng hoảng này là do môi trường” bởi đây là vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội có quy mô lớn hơn. Bà Poirson cho rằng không nên nhầm lẫn mọi thứ với nhau khi “phong trào áo vàng lớn hơn nhiều và vượt xa vấn đề chuyển tiếp sinh thái”.

Xe của cảnh sát Pháp bị ném vật gây cháy. Ảnh: The Times of Israel.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc biểu tình của lực lượng áo vàng vốn xuất phát từ việc phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu đã không ngừng leo thang trong suốt 3 tuần qua, gây ra những hậu quả nặng nề. Vào dịp cuối tuần vừa qua, khoảng 125.000 người đã xuống đường biểu tình trên khắp nước Pháp. Nhiều vụ bạo động mới đã diễn ra vào dịp cuối tuần nhưng với cường độ thấp hơn.

Hình ảnh nước Pháp trong hai ngày thứ Bảy liên tiếp vừa qua vẫn là những bãi chiến trường với khói hơi cay mù mịt trên đại lộ Champs-Elysées, tủ kính bị vỡ vụn dưới ánh đèn trang trí Noel. Những chiếc xe hơi bị thiêu rụi hay những vụ xô xát và đập phá ở Paris cũng như tại nhiều thành phố lớn khác như Bordeaux, Toulouse, Marseille hay Nantes.

Gây sốc nhất là những cảnh đối đầu như cuộc chiến đô thị giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát chống bạo động tại Khải hoàn môn, một trong những công trình lịch sử biểu tượng của nước Pháp và tại một số khu phố sang trọng của thủ đô. Ứng phó với cuộc biểu dương lực lượng lần thứ tư của những người "áo vàng", phía cảnh sát đã thay đổi chiến thuật, huy động một lực lượng hùng hậu gồm 89.000 người trên khắp đất nước.

Tại thủ đô, 8.000 cảnh sát, hiến binh và lần đầu tiên 14 xe thiết giáp của lực lượng hiến binh được sử dụng để yểm trợ. Để giới hạn bạo lực do các thành phần quá khích, cực tả, cực hữu và phá phách chuyên nghiệp đập cửa hàng, hàng rào kiểm soát được mở rộng ra tận các nhà ga, chặn bắt những người mang vũ khí như dao, búa, bi sắt.

Ngọn lửa “vàng” và “quả cầu tuyết”

Từ phong tỏa các con đường, kho xăng dầu để chống tăng thuế nhiên liệu, giờ các yêu sách của phong trào “áo ghi-lê vàng” đã tăng lên đến khoảng 40 điều. Họ thậm chí yêu cầu giải tán Thượng viện, đòi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức... Các nhà quan sát đặc biệt chú ý đến hiệu ứng “quả cầu tuyết” hay tính chất lan tỏa mau lẹ của phong trào thông qua mạng internet.

Lùi xa hơn nữa để nhìn lại sẽ thấy, hồi tháng 5, cô Priscilla Ludosky, 32 tuổi, sống ở vùng ngoại ô Paris Seine-et-Marne, quản lý một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên mạng internet, nhận thấy giá xăng dầu tăng vọt. Cô tìm hiểu trên mạng internet và phát hiện ra rằng 2/3 giá xăng dầu là do thuế. Priscilla Ludosky tung đơn kiến nghị lên mạng xã hội nhưng ý tưởng của cô gần như không được chú ý nhiều.

Cho tới mùa thu, khi một phóng viên của báo địa phương La République de Seine-et-Marne liên hệ với Ludosky để viết về kiến nghị của cô, đơn kiến nghị của Ludosky trên Facebook mới thu được 700 chữ ký ủng hộ, trong khi cô hy vọng đạt được 1.500 chữ ký.

Không chỉ lan tỏa trên mạng xã hội, các thành viên phong trào "áo ghi-lê vàng" còn tận dụng trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh YouTube làm công cụ đấu tranh. Ông Fabien, một nông dân tham gia phong tỏa trạm thu phí xa lộ ở Saint-Germain-Laval, tỉnh Loire, quyết định ghi hình video gửi tới Tổng thống Emmanuel Macron.

Trong video, ông Fabien ngồi trong chiếc máy kéo và mời chủ nhân điện Elysée tới thăm trang trại của ông để biết cuộc sống hằng ngày của người nông dân cực khổ thế nào.

Theo gót ông, hàng trăm người khác trở thành “youtuber bất đắc dĩ”. Họ kể về nỗi mệt mỏi, chán chường khi phải đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn, rồi đăng tải video lên các trang mạng xã hội. Ngày 18-10, bà Jacline Mouraud, 51 tuổi, sống ở vùng Bratagne, đăng tải trên trang Facebook của bà đoạn băng video tố cáo Tổng thống Macron “vây dồn tài xế”, ý nói đến việc Tổng thống cho tăng thuế xăng dầu, đẩy người đi xe cơ giới vào tình trạng khó khăn.

Người biểu tình “áo vàng” tiếp tục phong tỏa các con phố. Ảnh: News 1130.

Video của bà Mouraud được 6 triệu lượt người xem, con số cao ngoài sức tưởng tượng đã đưa Jacline Mouraud trở thành một gương mặt nổi bật của phong trào "áo vàng". Bà được mời tới nhiều chương trình của các kênh BFMTV, CNews, LCI...

Từ một phong trào tự phát do vài người khởi xướng để chống tăng thuế xăng dầu, khởi nguồn từ mạng xã hội, "áo ghi-lê vàng" đã nhanh chóng trở thành một phong trào đấu tranh quy mô quốc gia với hàng loạt yêu sách trên nhiều lĩnh vực. Giờ đây, không ai có thể phủ nhận chính internet và mạng xã hội đã góp phần giúp phong trào "áo vàng" được duy trì và lan tỏa trong những tuần qua, cho dù đây là phong trào không có người lãnh đạo, không có sự dẫn dắt của các nghiệp đoàn.

Ngoài những thiệt hại kinh tế nặng nề do phong trào đấu tranh "áo vàng" gây ra, báo chí cũng như giới chuyên gia cũng tập trung phân tích rất nhiều về những khác biệt nói trên của "áo vàng" so với các phong trào đấu tranh xã hội kiểu truyền thống ở Pháp. Nhiều thành viên phong trào khẳng định họ đấu tranh chống lại giới tinh hoa chính trị, chống các đảng phái chính trị, họ đấu tranh với tư cách công dân, để thể hiện sự chán ngán của công dân, để chống lại chính sách của Tổng thống Macron, chứ không phải để ủng hộ một đảng phái chính trị nào.

Nhà báo Leonid Bershidsky viết trên trang mạng của Bloomberg rằng việc Facebook cho phép những bài đăng của các tổ chức và các nhóm xuất hiện trên News Feed (mục tin tức nổi bật) có thể là nguyên nhân khiến các cuộc biểu tình lan rộng hơn. Sự nổi lên của những người đứng đầu các nhóm được thành lập trên Facebook như một gương mặt đại diện hay người phát ngôn cho một tập thể và phong trào không phải là một quá trình dân chủ.

Không giống ông Macron và các nhà lập pháp, những người này không được bầu chọn công khai. Trong bài viết trên tờ Liberation, nhà báo Vincent Glad cho rằng những thay đổi gần đây trong thuật toán của Facebook, ưu tiên nội dung được các nhóm đăng tải hơn là từ các trang tin tức, kể cả của các hãng truyền thông truyền thống, đã tạo ra một công cụ thể kích động những người biểu tình. Kết quả là, theo bình luận của nhà báo John Lichfield trên báo The Guardian, một làn sóng bất ổn nổ ra với rất nhiều điều chưa từng có tiền lệ.

Thử nghĩ về những diễn biến của phong trào “áo ghi-lê vàng”. Một quyết định chính trị đã được đưa ra, và được thảo luận trên Facebook. Một nhóm nhỏ thảo luận nội bộ. Những thuật toán và các phương tiện chia sẻ trực tuyến đã đẩy các bài đăng lên phần nội dung nổi bật và thu hút nhiều người tương tác. Chỉ vài tháng sau, phần lớn người dùng Facebook tại Pháp cảm nhận được một làn sóng giận dữ về đất nước trên mạng xã hội hơn là những gì diễn ra trên thực tế.

Các bài đăng trên mạng xã hội là một trong những giải pháp được ca ngợi nhiều nhất của Facebook nhằm giải quyết các vấn đề về kết nối xã hội và dân chủ. Tất nhiên, người ta không có đủ bằng chứng để cáo buộc Facebook tiếp tay cho “áo ghi-lê vàng”, song những gì diễn ra hồi cuối tuần qua khá giống với nhiều làn sóng dân túy đầy giận dữ mà chúng ta từng chứng kiến trên thế giới - những cuộc biểu tình bạo lực và nhiều phong trào được tổ chức qua mạng xã hội. Có thể nói, những phong trào kiểu này sẽ còn tiếp diễn tại các nền dân chủ tự do trên thế giới, kéo theo đầy bất ổn và rủi ro.

Nước Pháp khó “ăn nói” với châu Âu

Mọi phẫn uất của xã hội Pháp đang trút cả lên Tổng thống Emmanuel Macron. Theo viện thăm dò dư luận Ipsos của Pháp, trong vòng 1 năm, số người bất mãn vì chính sách và cá nhân ông Macron tăng 17%. Cuộc khủng hoảng "áo vàng" làm suy yếu vị thế của Pháp ở châu Âu.

Cách đây gần 2 năm, chiến thắng của Emmanuel Macron trước bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã biến ông thành "cứu tinh" của châu Âu, góp phần nâng cao vai trò của nước Pháp trên trường quốc tế. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng "áo ghi-lê vàng" bùng lên tại Pháp đã làm cho uy tín của ông Macron sứt mẻ đáng kể, với hệ quả rõ nét là làm suy yếu vị thế quốc tế của Pháp, đồng thời làm ảnh hưởng đến Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh trào lưu co cụm đang nổi lên tại nhiều nước. Nguy cơ uy tín giảm sút của Tổng thống Pháp sẽ làm ảnh hưởng xấu đến EU vào lúc sắp diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Ngoài những nhóm đốt phá và bạo lực thì vẫn có những người biểu tình ôn hòa. Ảnh: TeleSUR English.

Một cuộc đối đầu chính trị đã xuất hiện ở châu Âu trong những tháng gần đây, giữa một bên là ông Macron và một bên là ông Matteo Salvini - Bộ trưởng Nội vụ Italy và là lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu trong liên minh cầm quyền tại Italy cùng Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Cuộc đối đầu này từng được Tổng thống Pháp gọi là cuộc đấu tranh của phe "tiến bộ" chống lại các thành phần "dân tộc chủ nghĩa".

Cuộc đối đầu giữa ông Macron và cặp Salvini-Orban lẽ ra sẽ là điểm nhấn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5-2019. Thế nhưng, triển vọng diễn ra trận thư hùng đó đã tan biến sau sự bùng phát của phong trào "áo vàng" tại Pháp. Lý do là Tổng thống Pháp - cho đến gần đây vẫn được xem là anh hùng, thậm chí là cứu tinh của phe ủng hộ châu Âu - đã bị suy yếu đáng kể, kéo theo đó là sự suy yếu của chương trình hành động mà ông lên kế hoạch cho toàn EU.

Việc Macron đánh bại ứng cử viên cực hữu có tư tưởng chống châu Âu Marine Le Pen để lên làm Tổng thống Pháp hồi năm ngoái đã biến ông thành bức tường thành chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy. Các đề xuất của ông Macron về việc phục hưng châu Âu đã tìm thấy sự cộng hưởng rộng rãi, nơi những người không cam tâm nhìn thấy 70 năm xây dựng châu Âu bị hủy hoại qua những cuộc khủng hoảng liên tiếp.

Tuy nhiên, hình ảnh và ảnh hưởng của Pháp ở châu Âu và trên thế giới đang bị lu mờ, sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khôi phục. Cuộc khủng hoảng này cũng làm thay đổi đáng kể các chiến dịch vận động tranh cử vào Nghị viện châu Âu. Dù chưa thể dự đoán chính xác những gì sẽ xảy ra trong vòng 6 tháng tới nhưng điều chắc chắn là quan điểm tiến bộ về châu Âu mà Macron từng hùng hồn bảo vệ sẽ khó có thể được duy trì nguyên vẹn sau cuộc khủng hoảng "áo ghi-lê vàng".

Mặt khác, cuộc nổi dậy của những người "áo vàng" ở Pháp, tương tự như sự bùng nổ của phong trào dân túy ở nơi khác, rõ ràng đang đặt ra câu hỏi về bản sắc của châu Âu mà các công dân châu Âu mong muốn hoặc không muốn. Và nhất là cần phải đưa ra cho những người còn hoài nghi bằng chứng rằng châu Âu quả thực phục vụ lợi ích của họ, chứ không chỉ lợi ích của riêng tầng lớp trên ở các đô thị.

Kinh tế gia người Mỹ Desmond Lachman, thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ American Enterprise Institute, cũng cho rằng "ngôi sao Macron đang lu mờ là tin xấu đối với nước Pháp và EU". Không thiếu các lý do để chỉ trích cung cách làm việc của Macron trong 18 tháng qua nhưng không nên quên rằng ông chính là hy vọng cuối cùng để giúp nước Pháp tiến hành những cải cách cần thiết.

Giờ đây, việc uy tín của Tổng thống Macron bị giảm sút không chỉ tác động đến triển vọng kinh tế của nước Pháp mà còn tạo thành một lực cản lớn cho một tiến trình rất cần thiết tại châu Âu là hội nhập kinh tế khu vực đồng euro, nhất là vào lúc Thủ tướng Đức Merkel cũng đang trong thế yếu, không thể lãnh đạo châu Âu.

Hoa Huyền
.
.