Phiên luận tội Tổng thống Hàn Quốc và những hệ lụy

Thứ Hai, 26/12/2016, 16:35
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hôm 22-12 đã bắt đầu xem xét kiến nghị truất phế Tổng thống Park Geun-Hye mà Quốc hội nước này thông qua cách đây 2 tuần. Bà Park có thể sẽ trở thành tổng thống Hàn Quốc dân cử đầu tiên bị truất phế. Trong lúc này, chính trường Hàn Quốc rối như canh hẹ.

Cuộc luận tội hôm 22-12 gồm các nghị sĩ ủng hộ kiến nghị bãi nhiệm tổng thống và các luật sư của bà Park Geun-hye. Trong cuộc gặp kéo dài 40 phút, hai bên đã nhất trí giữ lại 52 chi tiết chứng cứ, 28 nhân chứng và 5 điểm chính buộc tội gồm: Vi phạm hiến pháp và quyền tối cao của nhân dân qua hành vi can thiệp vào việc công của bà Choi Soon-sil; Hành vi lạm dụng quyền hạn của Tổng thống Park Geun-hye; Xâm phạm quyền tự do ngôn luận của báo chí; Vi phạm các nghĩa vụ bảo vệ đời sống nhân dân; và vi phạm luật hình sự về nhận hối lộ.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, tòa có 180 ngày để cứu xét việc này. Quyết định đồng ý hay không đồng ý bãi chức bà Tổng thống Park phải được 6 trong số 9 vị thẩm phán ủng hộ. Trong trường hợp tòa đồng ý bãi chức bà Park, chính phủ lâm thời Hàn Quốc có 60 ngày để tổ chức bầu cử.

Ngay sau khi bị Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm hôm 9-12, bà Park vẫn được hưởng mọi quy chế dành cho tổng thống, nhưng quyền điều hành lại do Thủ tướng Hwang Kyo-ahn tạm thời nắm giữ.

Bà Park bị Quốc hội Hàn Quốc bãi nhiệm vì đã để cho một người bạn thân can dự vào hoạt động của chính phủ, đồng thời người bạn này còn lợi dụng sự quen biết với tổng thống để trục lợi, kể cả việc quyên góp tiền của một số đại công ty và sử dụng khoản tiền đó vào việc riêng tư. Bà Park đã lên tiếng xin lỗi, nhìn nhận là có sơ sót trong việc điều hành nhưng người dân và giới chính trị gia Hàn Quốc không chấp nhận bà tiếp tục tại vị.

Việc bà Park bị đình chỉ chức vụ và luận tội đã khiến chính đảng cầm quyền của bà rơi vào hỗn loạn. Một biến chuyển quan trọng liên quan đến scandal chính trị này là đảng Tân thế giới do bà Park lãnh đạo đang đứng trước nguy cơ tan rã. Bản tin của AFP ngày 21-12 cho biết có ít nhất 30 đại biểu quyết định lập đảng mới, hoặc bỏ sang hoạt động với cánh đối lập.

Dự kiến vào ngày 27-12 này, nhóm nghị sĩ trên sẽ ra thông báo kế hoạch rời khỏi đảng để thành lập một chính đảng mới. Trong số những nghị sĩ này có ông Yoo Seong-min, cựu lãnh đạo của đảng Saenuri tại quốc hội và ông Kim Moo-sung, cựu Chủ tịch đảng Saenuri. Những nghị sĩ trên và những người trung thành với bà Park trong đảng Tân thế giới liên tục tranh cãi công khai kể từ khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến bà Choi Soon-sil. Vụ bê bối này không những làm ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của bà Park mà còn tác động đến uy tín của đảng cầm quyền.

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc xem xét kiến nghị phế truất Tổng thống Park Geun Hye ngày 22-12.

Nhóm các nghị sĩ định rời bỏ đảng Tân thế giới cho biết sẽ thành lập một đảng mới cũng theo hướng bảo thủ và sẽ tham gia cuộc đua bầu cử tổng thống sắp tới. Cuộc bầu cử có thể sẽ diễn ra sớm hơn so với kế hoạch ban đầu là tháng 12-2017 nếu Tòa án Hiến pháp nước này quyết định phế truất bà Park.

"Chúng tôi đồng ý đi con đường mới để tìm kiếm một cương lĩnh chính trị bảo thủ đích thực. Mục tiêu của chúng tôi là chống lại sự lạm quyền của bà Park cũng như ông Moon Jae-in", ông Hwang Young-cheul, một trong những nghị sĩ sẽ rút khỏi đảng Saenuri, tuyên bố. Ông Moon là cựu lãnh đạo đảng Dân chủ, được xem là ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Trước đó vào tháng 11-2016, nghị sĩ Kim Yong-tae và Nam Kyung-pil, tỉnh trưởng Gyeonggi đã tuyên bố từ bỏ đảng vì bất bình trước vụ bê bối của bà Park và người bạn thân Choi Soon-sil.

Trong khi đó về phía đảng đối lập, theo hãng thông tấn Yonhap, lãnh đạo lâm thời của đảng Nhân dân đối lập Kim Dong-cheol ngày 22-12 đã đề nghị Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn không duy trì đường lối chính sách của Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi thay đổi các sáng kiến vẫn thường bị phản đối của bà Park.

Yonhap còn cho biết thêm rằng tại cuộc gặp, ông Kim đã cam kết tìm kiếm hợp tác giữa các đảng trong việc ổn định các công việc nhà nước vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park và người bạn thân lâu năm của bà.

Ngoài ra, ông Kim cũng đề nghị Chính phủ Hàn Quốc ngừng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), nhưng ông Hwang đã từ chối việc này. Tuy nhiên, hai bên đã nhất trí tổ chức một cuộc họp tham vấn về kinh tế với sự tham gia của các quan chức thuộc đảng Tân thế giới cầm quyền, các đảng đối lập và chính phủ.

Câu hỏi đặt ra là hiện nay có những ai đang nhòm ngó chiếc ghế tổng thống đang bị bỏ trống? Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, một trong những người được cử tri tín nhiệm nhất hiện nay đang là ông Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc sắp mãn nhiệm. Ông Ban có thể đại diện cho đảng thuộc cánh bảo thủ của bà Park.

Tuy nhiên, theo giới quan sát chính trị, ông Ban Ki-moon đang vấp phải nhiều trở ngại. Thứ nhất là ông vẫn còn đứng đầu Liên Hiệp Quốc cho đến ngày 31-12-2016, trong khi đó, các đối thủ của ông đã sẵn sàng lao vào cuộc chạy đua giành chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc.

Nhân vật chính trị theo sát nút ông Ban Ki-moon trong các cuộc thăm dò dư luận là Thị trưởng thành phố Seongnam, ông Lee Jae Myung. Thuộc đảng Mingju, có khuynh hướng xã hội - tự do, ông này từng tuyên bố chủ trương cần “kết án  chung thân bà Park Geun Hye”.

Lập luận này được phần lớn công luận Hàn Quốc ủng hộ. Theo một cuộc thăm dò dư luận do Viện Gallup của Mỹ thực hiện, có tới 18% những người được tham khảo có ý định ủng hộ ông Lee.

Trở ngại thứ hai đối với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc sắp mãn nhiệm Ban Ki-moon là ông trở về nước, tìm lại đảng bảo thủ Tân Thế Giới trong bối cảnh đảng này bị suy yếu vì tai tiếng liên quan đến bà Park và bà quân sư Cho Soon Sil, nội bộ đảng lại bị chia rẽ.

Theo phân tích của Giáo sư Hahn Kyu Sup, Đại học Quốc gia Seoul, ông Ban Ki-moon, 72 tuổi, khó có thể một mình lập nên chiến thắng, bởi lẽ ông Ban đã khá cao tuổi trong mắt thành phần cử tri còn khá trẻ ở Hàn Quốc. Thêm một yếu tố nữa được giới quan sát về tình hình chính trị ở Seoul ghi nhận: Ông Ban Ki-moon từng là ngoại trưởng trong thời gian từ năm 2004 đến 2006. Đâu đó ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của giới quyền thế, mà công luận thì đã quá chán ngán tầng lớp này, nhất là sau những tiết lộ về vụ bà “quân sư Choi Soon Sil” lạm dụng quan hệ cá nhân với Tổng thống Park Geun Hye để làm giàu.

Chính vì thế, kể từ khi scandal “Choi gate” bị phơi bày ra ánh sáng, điểm tín nhiệm với ông Ban Ki-moon đã bị giảm sút và ngôi sao đang lên là ông Moon Jae In, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập. Đảng này từng thua đảng bảo thủ Tân Thế Giới của bà Park trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2012. Ông Moon Jae In chủ trương cải tổ sâu rộng đường lối quản lý của các đại công ty Chaelbol, mối liên hệ giữa các tập đoàn này với chính giới.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.