Philippines: Cơ hội nào cho cho cựu Tổng thống Joseph Estrada

Thứ Ba, 01/12/2009, 15:25
Cựu Tổng thống đang bị cầm tù Joseph Estrada đang tính chuyện quay trở lại Điện Malacanang một lần nữa! Tuy nhiên, những ràng buộc pháp lý do quá khứ "tù tội" và sức mạnh hiện có của con trai bà Aquino đang khiến mọi người đặt câu hỏi liệu ông Estrada có được bao nhiêu cơ hội để làm điều ông muốn?

Trước khoảng 10.000 người ủng hộ tập trung tại quận Tondo hồi cuối tháng 10/2009, Estrada tuyên bố rằng ông đang thực hiện ý định làm Tổng thống Philippines một lần nữa. Vẫn sử dụng lại lá bài cũ, Estrada nói rằng ông muốn tiếp tục theo đuổi các chương trình "vì người nghèo" đã bị gián đoạn kể từ khi ông bị hạ bệ vào đầu năm 2001.

"Bất bình" trước tình trạng nạn bắt cóc, khủng bố và vô luật pháp diễn ra tràn lan khắp đất nước, ông Estrada "thề" sẽ tuyên chiến toàn diện với tình trạng này. Ông nói với đám đông rằng, đây "sẽ là “sô diễn” cuối cùng của đời ông”.

Năm nay 72 tuổi, Joseph Estrada chỉ là nghệ danh thời ông làm diễn viên và nhà sản xuất phim ảnh, còn tên thật của ông là Joseph Marcelo Ejercito, tên thường gọi là Erap (tiếng Tagalog có nghĩa là "bằng hữu"). Sinh ra tại quận Tondo, Manila, Estrada là con thứ 8 trong một gia đình trung lưu khá giả.

Từng theo học các trường Ateneo de Manila University và Học viện Công nghệ Mapua nhưng chỉ sau 2 năm thì bỏ học để đi theo tiếng gọi của phim ảnh. Khi đó ông mới 20 tuổi. Cái tên Joseph Estrada lẫn biệt danh Erap cùng xuất hiện từ đó.

Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, Estrada đã tham gia đóng vai chính trong hơn 100 phim và làm nhà sản xuất cho 70 phim khác. Ông là người đầu tiên giành được Giải thưởng FAMAS Hall of Fame của Viện Hàn lâm nghệ thuật Điện ảnh và Khoa học Philippines dành cho nam diễn viên xuất sắc nhất (năm 1981), và 2 năm sau (1983) tiếp tục giành giải thưởng này trong vai trò nhà sản xuất phim.

Ngoài ra, năm 1974 ông còn tham gia sáng lập Tổ chức phúc lợi cho công nhân ngành điện ảnh (Mowelfund) - một tổ chức thiện nguyện chuyên lo hỗ trợ về đời sống, y tế, nhà ở,... cho những người hoạt động trong ngành điện ảnh. Với những thành tựu đạt được trong 33 năm theo nghề điện ảnh, Estrada là một trong những tên tuổi nổi tiếng và là người có đóng góp lớn cho nền điện ảnh Philippines.

Mau chóng nổi danh trên phim trường, dễ dàng bước lên đỉnh cao danh vọng với một sự nghiệp khá đồ sộ, là tiền đề khá tốt cho sự nghiệp chính trị của Estrada. Ngay khi còn đang làm diễn viên, Estrada đã tham gia cuộc đua vào chức quận trưởng San Juan năm 1968 nhưng thất bại, rồi sau đó khiếu nại để được trao cho chức Quận trưởng San Juan vào năm 1969, từ đó biến quận này thành khu vực đô thị xuất sắc nhất nội đô Manila.

Giai đoạn này, Estrada đã bắt đầu theo đuổi các chính sách hỗ trợ người nghèo, như xây trường học và miễn hoàn toàn học phí cho học sinh tiểu học và trung học. Sau khi trở thành thượng nghị sĩ (năm 1987), với tư cách chủ tịch một ban trong Quốc hội, Estrada đã thúc đẩy thông qua nhiều đạo luật bảo vệ văn hóa các dân tộc và thủy lợi.

Tham gia cuộc tranh cử năm 1992 chung liên danh với Eduardo Cojuangco Jr thuộc đảng Liên minh Nhân dân Dân tộc chủ nghĩa (NPC), Estrada đã giành được ghế Phó tổng thống mặc dù Cojuangco thất bại trước ông Fidel Ramos. Giai đoạn này, ông được giao làm Chủ tịch Ủy ban Chống tội phạm của Tổng thống (PACC), Estrada đã tấn công mạnh vào các thủ lĩnh tội phạm và các cơ sở bắt cóc khét tiếng ở Philippines.

Cuộc tranh cử tổng thống năm 1998 đã đánh dấu bước tiến lên đỉnh cao sự nghiệp chính trị của Estrada, tạo ra một chiến thắng ngoạn mục, đưa một cựu diễn viên điện ảnh lên làm Tổng thống.

Nhận thấy số đông cử tri Philippines thuộc tầng lớp nghèo khổ và ít học đang quá chán ngán chính quyền hiện tại và mong muốn tìm một lãnh đạo biết lắng nghe và thấu hiểu họ nhằm giúp họ cải thiện cuộc sống khó khăn, bộ sậu cố vấn và cả những nhà tài trợ đã xây dựng cho Estrada hình ảnh một lãnh đạo "vì người nghèo".

Và khẩu hiệu "Erap para sa Mahirap" (Erap vì người nghèo) đã khơi dậy trong công chúng nghèo khổ niềm hy vọng rằng Estrada sẽ là vị Tổng thống "của quần chúng và vì quần chúng". Và ông đã thắng.

Nhưng, cuộc đời nhiều khi có những điều không ai ngờ, càng không thể tin được nếu xét về tính lôgíc của nó. Ngày giành chiến thắng, Estrada được tung hô như một "người hùng" thành Manila. Nhưng chỉ 3 năm sau sự kiện đó, mọi chuyện đã xoay chuyển ngược lại hoàn toàn: Estrada từ "người hùng" trở thành kẻ "tội đồ", thành đối tượng công kích dữ dội của đám đông cử tri!

Tháng 10/2000, Tỉnh trưởng tỉnh Ilocos Sur, Luis "Chavit" Singson, tố cáo rằng đích thân ông ta đã "chung" cho ông Estrada 400 triệu peso (tương đương 8,256 triệu USD) để đền đáp việc ông Estrada để cho ông ta tổ chức cờ bạc bất hợp pháp, cộng với 180 triệu peso (3,715 triệu USD) tiền hoa hồng trợ giá tiếp thị thuốc lá. Vụ bê bối này dẫn đến việc Quốc hội tổ chức tòa án luận tội ông Estrada, và một cuộc biểu tình lớn với hàng triệu người tham gia đã hạ bệ ông Estrada.

Ngày 19/1/2001, quân đội tuyên bố không ủng hộ ông Estrada nữa. Ngày 20/1/2001, Tòa án tối cao tuyên bố "ghế Tổng thống bị bỏ trống" (tức ông Estrada không còn là Tổng thống nữa), và ngay trong chiều cùng ngày, ghế Tổng thống đã được trao lại cho bà Phó tổng thống Gloria Macapagal Arroyo.

Tháng 4/2001, Estrada bị cáo buộc tội tham ô và bị bắt giam. Ngày 12/9/2007, Tòa án chống tham nhũng Philippines Sandiganbayan buộc Estrada tội tham ô và tuyên án tù chung thân. Nhưng chỉ một tháng sau, ngày 25/10/2007, Tổng thống Arroyo đã ban lệnh ân xá tha tù cho ông, sau 7 năm bị giam giữ.

Cho tới tận hôm nay, Estrada vẫn một mực cho rằng mình chỉ là nạn nhân của một âm mưu lật đổ chính trị do "bọn nhà giàu", tầng lớp chính khách và doanh nhân giàu có và quyền lực nhất ở Philippines giật dây (Asia Times ngày 27/10/2009).

Hiện tại, phe chống đối ông cho rằng, quy định của Hiến pháp không cho phép một tổng thống bị tù như ông ra tranh cử chức vụ dân bầu. Trong khi các luật sư ở Manila cho rằng, sau khi bà Tổng thống Arroyo ban lệnh ân xá, ông Estrada đã được phục hồi các quyền công dân và chính trị, căn cứ vào điều khoản ân xá của bà Arroyo có câu: "Kể từ đây ông ấy được phục hồi các quyền công dân và chính trị của mình".

Eduardo Ermita, thư ký điều hành của bà Arroyo, cãi lại rằng, lệnh ân xá của bà Arroyo là có điều kiện khi viết rằng: "Vì Joseph Ejercito Estrada đã cam kết công khai không bao giờ tìm kiếm chức vụ dân bầu nào nữa...".

Tuy nhiên, thư ký Ermita cũng thừa nhận rằng rất khó nói ông Estrada có hoàn toàn bị cấm tranh cử hay không, vì vậy mọi việc còn chờ phán quyết của tòa án và Ủy ban Bầu cử (COMELEC). Và các luật sư của ông Estrada đang chuẩn bị sẵn sàng cho "cuộc đấu" với hàng tá đơn khiếu nại đang chờ họ tại tòa.

Cho dù vượt qua "cuộc đấu" pháp lý thì Estrada cũng sẽ đối diện một cuộc đấu thực tế không cân sức, trong đó các đối thủ của ông có sức mạnh vượt trội, được sự ủng hộ mạnh mẽ không chỉ trong chính giới mà cả trong công chúng. Hiện tại, cuộc đua đã ghi nhận một số ứng cử viên nặng ký gồm Thượng nghị sĩ Benigno "Noynoy" Aquino (con trai cố Tổng thống Corazon Aquino), Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro, TNS Manuel Villar với két tranh cử khổng lồ lên đến 43 triệu USD, và tỉ phú Cojuangco, Chủ tịch Tập đoàn San Miguel (nhãn hiệu bia San Miguel).

Trong số các đối thủ này thì có đến 3 người là bà con họ hàng với nhau; đó là TNS Noynoy Aquino và Bộ trưởng Quốc phòng Teodoro là anh em họ, và cả 2 đều có họ hàng với tỉ phú Cojuangco, tạo ra thế "chân vạc" hùng mạnh, rất khó cho các ứng cử viên khác cạnh tranh lá phiếu cử tri, nhất là với ông Estrada

An Châu (tổng hợp)
.
.